samedi 5 octobre 2024

Nguyễn Hồng Lam - Cần xem lại vai trò và sự tồn tại của Hội phụ huynh


Để tranh thủ sự đồng thuận, ủng hộ và thống nhất trong chủ trương, cách thức, tìm điều kiện tốt nhất cho việc giáo dục con em ở bậc phổ thông, Hội phụ huynh, hoặc Hội cha mẹ học sinh, hoặc Ban đại diện cha mẹ học sinh ra đời. Nhưng may ra, sự thống nhất chỉ tồn tại ở thời bao cấp.

Xã hội phân hóa, giàu - nghèo chênh lệch sâu, ý chí và ý thức của phụ huynh cũng phân hóa sâu sắc, không thể đồng thuận ý muốn và tiếng nói để đứng cùng một Hội. Hội này tự phát, không có tôn chỉ, không có điều lệ chặt chẽ, các thành viên của hội chưa bao giờ cùng tiêu chí.

Nhiều khi, ý chí của Hội phụ huynh, hoặc một nhóm nào đó mang danh nghĩa của Hội đang cản trở khuynh hướng giáo dục độc lập và khai phóng. Thậm chí, nó đi ngược các tiêu chí giáo dục. Một số nơi, nó trở thành "Hội thu hộ", làm khó nhiều phụ huynh khác.

Những vụ lùm xùm phi giáo dục, phản tác dụng giáo dục xuất hiện ngày càng nhiều, đa phần đều liên quan đến hành xử hoặc xung đột ý chí ngay trong các phụ huynh; hoặc giữa Hội với nhà trường. Hội ủng hộ không ít, nhưng can thiệp quá sâu vào việc tổ chức, quản lý, thực hiện dạy dỗ, kỷ luật học sinh. Hội cũng đòi hỏi ờ thầy cô, nhà trường quá nhiều, gây áp lực.

Sự tồn tại và phát triển "quyền" của Hội phụ huynh đã khiến nhà trường đánh mất quyền tự chủ giáo dục. Sự tác động từ Hội đang xói mòn, can thiệp thô bạo vào việc quản lý giáo viên và và học sinh, bó buộc việc thi hành kỷ luật trong môi trường giáo dục. Nhiều trường hợp, ý kiến can thiệp không đúng, chỉ gây ra tổn thương sâu sắc với cả giáo viên và học sinh.

Khi mà liên lạc giữa gia đình và nhà trường đã thuận tiện hơn nhiều nhờ các phương tiện kỹ thuật thì vai trò "thắt chặt quan hệ" trong việc tổ chức và tồn tại của Hội phụ huynh coi như không còn nữa. Cần phải nghiêm túc xem lại, không chỉ học sinh mà ngay cả phụ huynh cũng cần phải tôn trọng kỷ luật, quy định của các trường học.

Điều chỉnh và chế tài hoạt động giáo dục của nhà trường là công việc và trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục, và cao hơn, của chính quyền. Dư luận xã hội và ý kiến của phụ huynh đáng được tôn trọng, lắng nghe, tham khảo nhưng không thể được coi là tiêu chí trong việc thay đổi hoạt động của nhà trường hay xem xét kỷ luật giáo viên và học sinh. Công bằng không có nghĩa là cào bằng.

Cá nhân tôi, một phụ huynh có hai con đang theo học bậc phổ thông, bản thân cũng đang tham gia vào việc dạy học, tôi thấy cần giải tán Hội phụ huynh. Ít nhất, nếu coi quyền lập hội là mặc định thì mọi tác động của Hội phụ huynh cũng nên dừng lại ở ngay trước cổng trường. Phụ huynh là bố, mẹ của học sinh, không phải, không là bố mẹ của nhà trường hay các thầy cô giáo. Đừng bảo tôi phong kiến, cổ hủ, việc kính thầy, sợ thầy, không bắt buộc nhưng nên xem là cần thiết, không phải chỉ ở học sinh mà ngay cả ở chính các phụ huynh.

Trường học là nơi để con em chúng ta hưởng thụ việc học tập và vui chơi. Đừng biến trường học thành "sàn đấu" hay diễn đàn tranh luận của những điều mà con em chúng ta không cần nghe, không cần thấy. Lễ phép và biết điều chút đi, kính thưa các ông bà phụ huynh khác!

P/S: Nhân tiện cũng giải tán ngay tổ sao đỏ, dẹp ngay chức vụ lớp phó kỷ luật trong trường học. Hai lý do để dẹp: Đừng biến con trẻ thành Hồng vệ binh tương lai và hãy để giám thị nhà trường có việc làm.

NGUYỄN HỒNG LAM 01.10.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.