Người ta nói "Ăn cắp quen tay ngủ ngày quen mắt", thì người nói lái cũng dễ quen miệng.
Tiếng Việt đơn âm, dễ nói lái, nó đi vào văn học dân gian trong câu đố, câu hò. Nó xuất hiện nơi nói chơi rồi lẻn vào nơi nghiêm túc.
Bà Sáu Vân (Lê Thị Vân - nguyên phó chủ tịch UBND TP HCM) lúc còn làm chủ tịch quận Tân Bình, khi tiếp báo chí nhân ngày 21/6 đã nói "Thưa các đái bào" (báo đài).
Năm 1990, tại Nhà hát Thành phố, lễ sơ kết chương trình xóa đói giảm nghèo (có mặt chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười), ông Lâm Văn Lá - chủ tịch Hội Nông dân tập thể thành phố (chưa bỏ chữ "tập thể") nói: "Thực hiện chương trình xóa đéo giảm ngòi... ". Hội trường cười ồn như pháo nổ, ông Lá quíu miệng, lặp lại mấy lần "xóa đéo" mới trả lại "nguyên gốc organic": "xóa đói". Ông lộn cả một lèo, tuy vậy nó chỉ hại não chứ không hại xã hội.
Hôm qua, đọc PNO, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi) chi 14 tỉ để phủ bê tông cả quả đồi để chống sạt lở, thì huyện không "nói lái" mà còn "làm lái" với QĐ 327 (gọi nôm na "Chương trình phủ xanh đồi trọc" của chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt ký ngày 15/9/1992 với mục đích: "Để trong 10-15 năm tới, cơ bản phủ xanh đồi núi trọc, bảo vệ được rừng và môi trường sinh thái".
Nhưng đến năm 2000, một đại biểu Quốc hội khóa 9 (tôi quên tên) nói "thực hiện trồng 5 triệu hecta rừng, nhưng tôi thấy đồi không xanh mà trọc hơn, nên chăng đổi chương trình 327 thành 723, chương trình 135 (điện, đường, trường, trạm) thành 531". Năm 2000, từ "nói lái" đã thành "ngôn ngữ nghị trường", năm 2024, "làm lái" trở thành "hành vi hành chính"! A Di Đà... Nẵng!
Tôi vốn thích hát bài "Sương trắng miền quê ngoại", một hôm bị thằng cháu ngoại (12 tuổi) nói trại: "Sơn Trắng Đầu Ông Ngoại". Gần mực thì đen, gần đèn thì... nóng, tôi bị "gậy cháu đập lưng ông", nhưng không tai hại bằng hành vi "phủ trắng đồi trọc" thay vì "phủ xanh"!
MAI BÁ KIẾM 01.10.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.