mercredi 2 octobre 2024

Huỳnh Thị Tố Nga - Còn đâu « tôn sư trọng đạo »

 

Thời phong kiến, thầy dạy được xem như cha mẹ. Đã có thân phận là thầy trò, là phải có phép tắc, ranh giới rõ ràng.

Người học trò không được phép tơ tưởng tình ái đến thầy (sư phụ) của mình, hoặc ngược lại. Nếu xảy ra việc như vậy, sẽ bị xã hội lên án thậm chí xem như trọng tội.

Đến thời cận đại, dù xã hội đã cởi mở hơn, nhưng truyền thống này vẫn được giữ gìn, « nhất tự vi sư, bán tự vi sư » mang hàm ý như vậy. Không hẳn chỉ mang ý nghĩa phải biết tôn trọng, biết ơn người thầy dạy dỗ mình, mà phải xem thầy là người mình tôn kính, không được vô lễ.

Đến thời hiện đại, tư tưởng và quan hệ xã hội thông thoáng hơn, rộng mở hơn, thì quan hệ thầy trò cũng phần giảm bớt phần tôn nghiêm và tăng sự thân mật, thoải mái hơn. Nhưng nó vẫn trong khuôn khổ thầy trò, vẫn phải có giới hạn nhất định.

Về quan hệ tình cảm, ngày nay việc thầy trò, cô trò yêu nhau không ai xem đó là điều lạ lẫm, cũng không bị ràng buộc hay cấm cản. Xét về quan hệ xã hội, nam nữ nếu thấy thích hợp thì có tình cảm với nhau, xây dựng gia đình với nhau là bình thường, cho dù đã từng có thời gian hoặc đang có mối quan hệ là thầy - trò, hay cô - trò. Nhưng đó là những quan hệ đúng đắn, phù hợp với thuần phong mỹ tục, phù hợp với lứa tuổi và không mang tính lừa gạt hay thực dụng, nếu thầy - trò giữ được mối quan hệ như vậy thì sẽ không có bất kỳ ai có thể lên án vì họ không vi phạm pháp luật.

Nhưng hiện tại, giáo dục xuống cấp, học sinh, sinh viên đi học không được dạy đạo lý. Những môn học tự nhiên và xã hội bình thường, những môn giáo dục công dân nhồi nhét tư tưởng Hồ Chí Minh, triết học Marx-Lenin, trong chương trình giáo dục Việt Nam đã không đủ để giáo dục một con người hiểu biết đạo lý và có đạo đức. 

Một em học sinh chưa qua tuổi 18, mới 15 tuổi, đã ngang nhiên ôm hôn, vuốt ve cô giáo trên bục giảng, trước mắt bao nhiêu học sinh một cách công khai. Cô giáo cũng không hiểu thế nào là giới hạn thầy trò, cũng đồng tình để hành vi xảy ra, thì khái niệm về đạo lý thầy trò đã bay biến. Nó không phải là hành vi vi phạm pháp luật, nhưng nó còn hơn thế. Nó bôi bẩn nền giáo dục, nó đánh bay đạo đức con người, từ ngữ mà bây giờ nói ra, đa số người Việt chỉ cười nhạo: « Đạo đức là gì, đạo lý là gì? Có ăn được không? ».

Lỗi tại ai? Gia đình, nhà trường hay xã hội? Tất cả đều đúng, nhưng quan trọng hơn cả, đó là chương trình giáo dục. Một chương trình giáo dục chỉ chăm chăm nhồi sọ giới trẻ, làm cho chúng vô cảm với xã hội, vô cảm với đất nước. Những bài học lồng ghép chiến tranh, thế lực thù địch, bắn giết kẻ thù... không có tính nhân văn.

Không có nền tảng đạo đức, không trau giồi tri thức tinh thần, tranh đua vật chất thì con người sẽ trở nên như vậy, sẽ hình thành lối sống phóng đãng nhưng tự cho rằng đó là tự do. Sống bất chấp, miễn bản thân đạt được lợi ích. Bỏ qua đạo lý, cười nhạo, khinh khi đạo lý.

Nếu không thay đổi từ gốc, tương lai dân tộc Việt sẽ còn tăm tối hơn nữa!

HUỲNH THỊ TỐ NGA 02.10.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.