samedi 17 février 2024

Thái Hạo - Bánh xèo, mẹ và chiến tranh biên giới

 

Chiều 30 Tết, tản bộ xuống nhà mẹ, gió rét như buốt vào trong xương. Nhà mẹ phía trước là cánh đồng, rồi đến dòng sông Thị Long và biền bãi mênh mông trống trải, gió bấc lồng lộng lùa vào không dứt trong mưa bụi xám ngắt, hơi giá như thấm sâu vào da thịt... Thèm một bếp lửa.

Tôi đặt một tấm tôn sắt giữa sân, rồi đi quanh vườn kiếm những khúc củi to và những gốc cây lớn về chất lên. Ngọn lửa bắt đầu vật vã trong gió mạnh, rồi bốc cao. Hơi ấm lan ra, mùi khói cay và thơm vây bủa lấy căn nhà.

Chiếu và ghế bắt đầu xuất hiện quanh đống lửa, bố mẹ và em và bọn nhóc con quây quần lại, kẹo và bánh mứt cũng được mang ra, hai đứa cháu lăng xăng chạy quanh bếp lửa hò reo. Bố mang kiềng ra đặt sát vào đống than đang rừng rực cháy để nấu nước pha trà, em thì nấu nước để rửa bát cho khỏi giá. Gà cúng Giao thừa cũng được luộc trong chiếc nồi to đặt trên mấy viên gạch kê làm ông bếp. Mùi khói, mùi thơm của thịt gà theo hơi nước sôi bốc lên quện với mùi lửa ấm và màu áo đỏ của bà, của cháu làm nhớ một trời kỷ niệm xa xưa.

Cả nhà mang chiếu ra bên bếp lửa, dọn cơm giữa sân, gió lạnh lùa vào không dứt nhưng không xua đi được hơi nóng đang tỏ ra từ than hồng. Mọi người bắt đầu cởi bớt áo ấm, những gò má đỏ ửng trong lửa bập bùng. Khi mọi việc chuẩn bị cho Tết đã xong xuôi, mẹ mang bột nếp và đậu xanh đã hấp chín ra đặt trên chiếc mâm nhôm trắng tinh. Bây giờ là làm bánh xèo để cúng Giao thừa.

Tôi nhớ, suốt bao nhiêu năm tuổi thơ mình, thứ đọng vào và thấm sâu nhất, không phải những quả pháo hay áo mới và tiền mừng tuổi, mà là bánh xèo đêm 30 Tết. Ngày Xưa xay bột bằng chiếc xay đá. Trước Tết khoảng dăm ngày, gạo nếp được ngâm cho mềm rồi bỏ vào xay cùng với nước, một dòng sữa trắng muốt theo miệng xay chảy ra không dứt. Bột được xay xong thì mang phơi cho bốc hết hơi nước, đông lại thành một bánh lớn và khô dần. Đến khi làm bánh thì cho nước vào, ngào thật kỹ cho mịn đều.

Những năm chưa xa nhà, cứ khoảng 9 giờ tối ba mươi là tôi cùng mẹ làm bánh xèo. Mà thực ra tôi chỉ ngồi xem và đun lửa cho ấm, để nghe mùi thơm của bánh và tiếng reo trên chảo mỡ, chứ không biết làm.

Mẹ véo mỗi bận một mẩu bột, để vào lòng bàn tay, xoay xoay mấy lần cho tròn vo rồi ịn cho dẹt ra và nhúm chút đậu xanh đã hấp chín, giã nát trộn với gừng băm nhỏ, cho vào giữa miếng bột nếp trắng tinh, gói kín lại. Lại đặt vào giữa lòng hai bàn tay và xoay xoay cho tròn vo. Xong xuôi, mẹ cầm chiếc bánh lăn trên mâm cho vỏ bánh dính chi chít những hạt vừng màu vàng nhạt bên ngoài. Lúc này thì thả bánh vào chảo mỡ đang sôi. Một âm thanh rộn ràng vỡ ra như reo vui. Thi thoảng có chiếc bánh bị nổ, xé ra một lỗ làm mỡ bắn tung tóe, mang theo mùi thơm ngầy ngậy loang ra...

Trong lúc rán, mẹ vẫn tiếp tục làm bánh, tôi thì chở lửa và trở bánh cho đều, cho đến khi nào thấy bánh chín vàng rộm thì gắp ra bỏ vào chiếc bát tô hoặc rổ rá cho ráo mỡ. Đêm nào cũng thế, khi mẹ làm bánh xong thì sắp đến Giao thừa. Mẹ sắp bánh chưng, gà luộc và bánh xèo lên bàn thờ, đợi đến 12 giờ sẽ đốt nhang. Bố thường không ngủ nhưng hay nằm trên giường nghe đài hoặc xem ti vi đợi giao thừa. Nhà tôi thì ai cúng cũng được chứ không phải nhất nhất là đàn ông.

Khi cỗ cúng đã được sắp xong, bao giờ cũng sẽ thừa ra những chiếc bánh xèo, lúc này tôi có thể ăn chúng. Bánh bên ngoài giòn rụm, bên trong nhân thì thơm ngậy và hơi ngòn ngọt, beo béo. Tôi rất thích nhìn kỹ những hạt vừng trên vỏ bánh, chúng vàng óng và lóng lánh những mỡ. Đó có lẽ là những chiếc bánh ngon nhất mà tôi từng được ăn.

Năm nay mẹ vẫn làm bánh như bao nhiêu cái Tết đã qua, chỉ là không phải trong gian bếp hẹp mà là giữa sân giữa trời mưa bụi bay và gió bấc thổi lồng lộng. Năm nay tôi cũng không ngồi chở lửa cho mẹ như xưa nữa vì mẹ đã có bọn nhóc con lăng xăng không ngừng đun củi vào trong tiếng hò reo quấy phá tưng bừng. Trước sân, hoa đào nở thắm trên cành, ướt đẫm sương mù và mưa phun...

Lớn rồi, đi xa, tôi mới biết cái bánh xèo quê tôi cũng chính là bánh cam trong Nam. Miền Nam gọi là bánh cam có lẽ vì trông nó giống trái cam và cũng có màu vàng cam? Không biết nó đã di cư ra Bắc hay là từ Bắc vào Nam, nhưng quan trọng gì, Nam - Bắc chi cũng một nhà...

Bánh trái bây giờ quá phong phú và có khi còn thừa mứa nữa, nhưng tôi vẫn nhớ và thèm được làm bánh cùng mẹ mỗi đêm Giao thừa. Nhớ hơi lửa ấm, nhớ tiếng mỡ xèo xèo trên bếp, nhớ những chuyện mẹ kể trong gió rét đêm đông lúc trời sắp sang xuân...

Mẹ đi bộ đội năm 78, khi anh em hai miền đã thôi giết nhau. Một năm ở Quảng Bình mẹ làm anh nuôi, nấu cơm cho chiến sĩ, mỗi người một ngày được không nổi một lạng gạo. Mẹ kể, ngoài nấu cơm thì mỗi ngày phải đi vào rừng hái rau hoặc vào các làng bản xa để xin sắn xin khoai về độn vào, ai cũng đói đến vàng mắt.

Đang ở Quảng Bình thì được tin Trung Quốc đánh ta ở phía Bắc, đơn vị mẹ được điều ra. Đi ròng rã trên những chiếc xe tải thùng như xe chở lợn, đến gần một tháng trời mới ra tới nơi. Đi đến đâu đều thấy làng mạc trống trơn, Lạng Sơn không một bóng người, vì đã sơ tán hết. Mẹ vẫn làm công việc nấu cơm cho bộ đội, đêm nào đang ngủ cũng nghe báo động và vùng dậy vác súng chạy. Cứ chạy theo mọi người như mộng du thế thôi chứ chẳng biết đi đâu. Gần sáng lại về.

Hai năm mẹ ở biên giới phía Bắc như thế, rồi xuất ngũ, năm 81. Mẹ trở về thì dì (chị gái mẹ) đã lấy chồng, hai cậu còn nhỏ, vẫn cởi truồng chạy long nhong trong xóm. Rồi mẹ lấy bố, sinh chị và tôi. Vậy là tôi được rán bánh xèo cùng mẹ đã gần 40 năm nay...

Mẹ luôn nhắc những năm tháng bộ đội, mẹ nhắc những đói khổ và chết chóc, nhắc Hoàng Liên Sơn, nhắc những dãy núi cao và rừng sâu hun hút; mẹ kể những kỷ niệm với các cô các chú, kể đường đi và đường về... Tôi có cảm giác, những năm tháng quân ngũ ấy là đẹp nhất trong cuộc đời con gái của mẹ, mẹ nhớ từng tên làng, từng ngọn núi, nhớ từng câu chuyện li ti nhỏ nhặt, mẹ luôn kể như kể câu chuyện mới ngày hôm qua...

Năm ngoái người ta lại mời mẹ vào hội cựu chiến binh. Bố không thích. Nhưng hiểu mẹ, tôi nói chuyện với bố, bố im lặng một hồi rồi khẽ nói “Ừ, kệ mẹ mi”. Mẹ vào, được cấp cái thẻ bảo hiểm y tế.

Bây giờ đã sang năm mới (mà thực ra năm nào chẳng phải là năm mới) bánh xèo Tết đã hết, bếp lửa giữa sân cũng đã được dọn đi khi trời nắng ấm. Mẹ đang trồng sắn trong vườn, bên những luống hoa cúc bán ế ngày Tết, vẫn vô tư nở vàng trong gió xuân rào rạt dưới đồi thông xanh...

THÁI HẠO 17.02.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.