mardi 13 février 2024

Tạ Duy Anh - Hồi ký Lý Quang Diệu

 

Sau nhiều gián đoạn vì công việc và vì những cuốn sách khác, cuối cùng tôi cũng đã đọc xong hai tập hồi ký dày gần 1.600 trang sách khổ to của ông Lý Quang Diệu.

Có rất nhiều điều để nói về cuốn hồi ký đồ sộ này, và chúng không chỉ cần phải có cảm hứng mà cần cả thời gian nữa.

Sau đây chỉ là vài tóm lược vắn tắt nhất về bộ sách.

Trước hết Lý cho thấy ông có sự am hiểu sâu sắc về văn hóa Trung Hoa, các nước Đông Nam Á, văn hóa Hồi Giáo, nền chính trị Anh quốc và châu Âu, văn hóa chính trị Hoa Kỳ, mô hình cai trị kiểu xô-viết... Từ những hiểu biết và khảo sát các mô hình ấy, ông tìm ra mô hình phát triển riêng cho Singapore và thành công.

Ông nhận xét, đánh giá về hàng trăm nhân vật chính trị (trong đó có bóng dáng vài nhà lãnh đạo Việt Nam) được coi là có ảnh hưởng đến sự thay đổi thế giới, đặc biệt là khu vực châu Á, trong vòng một trăm năm qua.

Ông đưa ra các tiên đoán về tương lai của nhiều mô hình xã hội, trong đó có cả tương lai của mô hình phát triển của Singapore.

Ông cho thấy, cùng với thời gian mọi thứ đều có thể thay đổi. Do vậy những gì luôn được tung hô “muôn năm” chỉ là ảo giác do hoang tưởng tự đại, hoặc mị dân một cách có chủ đích.

Xuyên suốt trong tác phẩm của mình (tập II), dù nêu ra nhiều khiếm khuyết của mô hình chính trị dân chủ Mỹ và cách mà nước Mỹ muốn ở các quốc gia khác, nhưng ông khẳng định bất cứ sự chống đối, gây hấn nào với nước Mỹ, đều ngu ngốc và tất yếu gây thiệt hại lớn cho sự phát triển của đất nước mình.

Phần khảo sát về Trung Quốc khá dài, cũng là phần thú vị nhất. Ông cũng dành ra một số trang để nói về Việt Nam, nhưng khá sơ sài.

(Một người bạn của tôi cho biết, phần viết về Việt Nam của ông Lý, khi dịch sang tiếng Việt đã bị lược bỏ những chỗ ông phê phán hay bày tỏ sự thất vọng. Tôi không có điều kiện và hiểu biết để kiểm chứng).

Chống cộng, nhưng theo xu hướng xã hội chủ nghĩa, ông Lý đề cao mô hình Bắc Âu. Tuy vậy chắc chắn ông là một nhà độc tài. Trong nồi lẩu tư tưởng cai trị của ông có đủ thứ: Nho giáo, kỷ luật chiến binh Nhật, luật pháp Anh quốc, thực dụng Mỹ...và có cả một chút "bác ái" kiểu Thiên chúa giáo?

Nhiều quan điểm về phát triển, về trật tự xã hội, về tự do, về quyền cá nhân của ông chỉ phù hợp với Singapore và không ai có thể biết trước tương lai của nó. Chính ông đã cảnh báo về điều đó. Chẳng hạn ông nghi ngờ về sự trường tồn của đảng PAP, của mô hình chính trị do ông dày công tạo dựng và tạo ra sự thịnh vượng, thậm chí ông nghi ngờ cả về khả năng tồn tại lâu dài của một quốc gia kiểu thành bang như Singapore trong một thế giới thay đổi điên loạn (Trang 152 và trang 837, tập II).

Tuy nhiên, những gì ông thực hành thành công có thể bị các chế độ độc tài, toàn trị khai thác, quảng bá ; không phải để thuyết phục dân chúng coi như một lựa chọn đúng đắn, mà chủ yếu để biện hộ cho sự tàn bạo, tồi tệ trong cai trị hà khắc của họ.

Đó là lý do vì sao các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc sau Mao luôn tìm cách mang mô hình Singapore về áp dụng tại đất nước rộng lớn của họ. Chỉ có điều họ bỏ đi những mẩu dân chủ - dù còn hình thức - hiếm hoi mà ông giữ lại (Chẳng hạn Lý Quang Diệu quyết định để Tòa án ở Singapore được xét xử độc lập như thời Anh cai trị, cho phép các đảng đối lập tranh cử công khai với đảng PAP thống soái…Để ít ra, như chính ông nói, gây áp lực lên các ứng viên đảng PAP trong việc rèn luyện phẩm hạnh, học tập và khiến đảng cầm quyền phải nỗ lực tiến bộ không ngừng).

Dù có nhiều biện hộ, dù cho thấy là một người đề cao sự trung thực, nhưng chỉ cần tinh ý một chút, vẫn có thể nhận ra không ít chỗ tác giả tìm cách che giấu sự thật mà ông không đủ can đảm nói ra, hoặc nói ra sẽ làm lung lay hình ảnh về một "người cha lập quốc huyền thoại" trong suy nghĩ của nhiều người Singapre, cũng như những người hâm mộ  ông với tư cách là người kiến tạo nên một quốc gia phát triển hàng đầu thế giới từ một hòn đảo nghèo đói, đầy rẫy tệ nạn.

(Chẳng hạn đoạn ông biện hộ về sự cần thiết phải kiểm soát ngôn luận, cấm tụ tập biểu tình, những vụ án chính trị được hình sự hóa, hay từ chính những phản bác của ông về ý kiến quy cho ông thực hiện chế độ “gia đình trị”.)

Chắc chắn Lý Quang Diệu là một chính khách lớn của thế giới trong thế kỷ 20.

Với cá nhân tôi, ông còn xứng đáng là một nhà văn, nhà văn hóa uyên bác và tinh tế.

Dù thế nào thì đây cũng là một cuốn sách đáng để đọc và đọc kỹ. Tôi đã phải gạch chân và đánh dấu ngoài lề hàng trăm đoạn, những chỗ mà tôi thấy cần phải nghiền ngẫm tiếp về những điều tác giả viết.

Lý Quang Diệu cũng cho tôi biết, để thoát khỏi cái bẫy thu nhập trung bình và vươn lên hàng ngũ phát triển, một quốc gia phải có tăng trưởng hai con số (từ 12-14 % một năm) liên tục ít nhất trong vòng 30 năm. (Ở châu Á mới chỉ có Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và phần nào Trung Quốc làm được điều đó).

Vì thế ông yêu cầu các quan chức cũng như người dân Singapore phải không ngừng cảnh giác với căn bệnh thành tích và thói tự mãn.

TẠ DUY ANH 13.02.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.