Hồi nhỏ, nhà tôi có một khoảng sân lớn trước nhà. Ba tôi xây một cái hồ nổi khá rộng, chủ yếu ban đầu là để hứng nước mưa. Ba tôi nghiện trà nhưng lại không thích pha trà bằng nước giếng. Hồi đó làm như không khí, môi trường tốt hơn bây giờ, nước mưa trong veo, để lâu cũng không thấy lắng cặn.
Một thời gian sau không hiểu lý do gì, Ba tôi lại không pha trà bằng nước mưa nữa, tôi bèn dùng hồ để để nuôi cá cảnh. Những con cá đuôi cờ đẻ cả bầy, cá Hắc ma lị đen thui, cá Hồng kiếm, cá đầu lân, cá mắt lồi đuôi phướng uốn éo rất đẹp.
Tới giờ tôi không nhớ cho chúng ăn bằng thức ăn gì vì hồi ấy hình như chưa có những gói thức ăn cho cá sẵn như bây giờ, chỉ có rong rêu, thế mà chúng vẫn sinh sôi nẩy nở đầy đặc. Tôi còn thả bèo và mấy cây sen, nhìn thanh cảnh lắm. Chỉ sợ mùa mưa. Mưa miền Trung mỗi tháng có hai lần, mỗi lần dầm dề cả chục ngày. Nước tràn, cá bơi theo. Cứ mỗi lần mưa, tôi lại chạy lấy bạt che, lúng túng nên lần nào cũng ướt nhem, bị ba tôi đánh đòn te tua vì dầm mưa.
Khi tuổi bắt đầu lớn, biết buồn đời, cũng là thời gian chiến cuộc leo thang, tôi thường ra cái hồ đó ngồi mà ngẫm nghĩ sự đời dù tuổi còn non choẹt. Cũng tại ba cuốn sách thời thượng lúc đó, nào là triết học hiện sinh, nào là thế giới tâm linh rồi mấy tập truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Tôi đọc ba thứ đấy và biến mình thành thằng thanh niên mới lớn lúc nào cũng trầm ngâm, cũng u uất. Và rồi bày đặt làm thơ. Ôi chao! Những bài thơ vụng dại đầu tiên, giờ ngồi nhớ lại mắc cười muốn chết.
Trong sân còn có cây trứng cá sát bên giếng nước. Cây trứng cá cũng gắn bó với tôi nhiều kỷ niệm. Lúc bé tí thì khèo trái xuống ăn. Những trái trứng cá đỏ mọng, chứa những gạt li ti như trứng cá chuồn, ăn ngọt lịm. Lớn chút nữa thì trèo lên ngồi vắt vẻo trên đấy, vừa hái vừa ăn đầy bụng. Tới tuổi đấy tôi lại ham vẽ, rất mê ông họa sĩ Nguyễn Viết Hậu ở đường Hùng Vương vẽ Phật Thích Ca đi trên bảy tòa sen lúc mới sinh. Tôi bắt chước ông, mùa Phật Đản nào cũng mua giấy bìa về vẽ Phật. Vẽ xong gắn trên cây trứng cá, lấy dây đèn nhấp nháy trong tủ của ba ra gắn chung quanh. Nhìn cũng hay lắm. Ba tôi cũng có vẻ thích nhưng cũng chỉ cười, không nói gì.
Giếng nước khá sâu, mát lạnh. Tuổi nhỏ nhìn xuống có cảm giác như nó sâu thăm thẳm. Những năm năm mươi của thế kỷ trước, cái giếng ấy như là cái tủ lạnh để ngâm những chai bia con cọp BGI của ba tôi. Dưới giếng lúc nào cũng có cả két bia, trưa đi làm về Ba tôi lại kéo lên mấy chai, chiều tối khi xong việc lại sai tôi kéo tiếp mấy chai uống lúc ăn cơm. Mâm cơm cả nhà dọn ra, mọi người quây quần và ba tôi rót bia ra ly sủi bọt trắng, tôi cứ tự hỏi cái chất nước vàng vàng ấy có gì ngon mà ba tôi uống có vẻ rất thích thú dữ vậy? Ôi cái thuở ấy sao mà thanh bình, mà đầm ấm thế!
Khi Việt Cộng hay pháo kích vào thành phố, sân lại có thêm một cái hầm tránh đạn. Hầm chữ L, xây trát ciment nghiêm chỉnh, mùa hè nóng nực, trải chiếu ngồi dưới đấy rất mát. Năm 1966, khi miền Trung biến động, Phật tử nghe lời mấy ông thầy tu đem bàn thờ ra đường, phong trào đấu tranh ì xèo. Tướng Nguyễn Cao Kỳ cho lính nhảy dù ra tấn công, đạn nổ tưng bừng. Nhà tôi cũng lãnh mấy viên M79 vào sân, may nhờ cái hầm chứ tường nhà lỗ chỗ đầy vết đạn.
Nhà tôi không trồng hoa, chỉ có hàng rào trồng giàn hoa giấy đủ màu. Ngày xưa nữa góc nhà có thêm cây sầu đông, hoa tim tím nhưng rồi nghe đồn có ma nên đốn mất. Nhưng đến Tết, sân nhà tôi lại rực rỡ hoa. Nhiều nhất vẫn là hoa Vạn thọ. Ba tôi rất thích loại hoa này, có thể vì cái tên của nó như một lời chúc được sống lâu chăng? Lại thêm chậu hoa mai vàng, những cành hoa chi chít bông nở vàng mấy ngày Tết làm sáng cả một khoảng sân.
Cũng trong những ngày giáp Tết, sân là nơi Mạ tôi làm những món mứt, bánh, chè và cũng là nơi nấu bánh chưng. Ánh lửa bập bùng trong đêm cuối đông sưởi ấm anh em chúng tôi thức chờ vớt bánh. Nhắc đến bánh mứt mạ làm lại nhớ những lúc chầu chực để xin vét thau mứt, nồi chè. Lúc đấy là lúc ăn ngon nhất, miếng mứt dừa cháy cháy ngã màu, mứt gừng sót dưới đáy nạy lên, thơm thơm, cay cay, chè đậu xanh đáy nồi ngọt thơm phức phảng phất mùi va ni, sao mà ngon lạ lùng.
Rồi ngày ba mươi, mồng một pháo nổ đì đùng, sân ngập xác pháo đỏ hồng, Tết lúc đó có mùi pháo, vị mứt bánh, mùi thức ăn kho nấu lại màu của hoa, thế mới đúng là Tết. Và cũng chẳng bao giờ quên những giọt mồ hôi của mạ. Ôi chao ơi là nhớ.
Cũng ở khoảng sân ấy một thời ba tôi bắt tôi học võ. Chiều tối ba bắt ghế ngồi, bảo tôi đi quyền múa võ, đá bao cát cho ba xem. Hồi đó tôi lại không thích võ nghệ, học vì vâng lời ba thôi nên mỗi buổi múa may như thế tôi cũng chẳng hứng thú gì. Cũng may chuyện trình diễn võ nghệ như thế cũng chẳng kéo dài vì ba tôi bận nhiều việc. Tôi khăn gói đi học về cũng chẳng phải biểu diễn cho ai xem, lúc đó lại siêng học và cũng bắt đầu thấy thích thú.
Tôi rời nhà đi học xa năm mười tám tuổi. Mấy năm sau ba tôi bán nhà ấy dọn về ngôi nhà ở góc Quang Trung với Nguyễn Thị Giang. Nhà mới không có sân mà thật ra tôi cũng chưa ở ngôi nhà sau này đó ngày nào. Giờ đây, mỗi lần nhớ về những ngày xưa, tôi lại nhớ khoảng sân ở ngôi nhà cũ, cái sân gạch ấy có biết bao kỷ niệm, nó chứng kiến mấy anh em chúng tôi lớn lên rồi ra đi bốn phương tám hướng. Nó ghi dấu nhiều kỷ niệm của riêng tôi. Những ngày bé thơ và những ngày mới lớn với bao ước mơ, hoài bão, bao khát vọng.
Giờ tuổi về chiều, ngồi nghĩ lại thấy mình chẳng thực hiện được bao nhiêu. Nhớ khoảng sân, nhớ ba, nhớ mạ, nhớ anh em trong những ngày vui chơi đầm ấm, nhớ hồ cá, góc giếng, cây trứng cá, giàn hoa giấy, nhớ những tháng năm đã qua đi để lại những tiếc nhớ. Thế mới thấm câu "Nơi nào xa nhất? Quá khứ. Bởi đó là chốn không thể quay về".
ĐỖ DUY NGỌC 02.06.2021
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.