mercredi 7 février 2024

Dung Mèo - Tết đi mua vạn thọ, xin đừng trả giá

 

Chị em mình lớn lên với ký ức hơn mười năm trồng bông vạn thọ bán mỗi dịp trước Tết.

Nhiều năm rồi không làm nghề này nữa, nhưng cứ đến gần Tết, vào thời điểm này mỗi năm, miễn nhìn thấy khóm khóm bông vạn thọ người ta bày ra vỉa hè hoặc vườn hoa bán là lòng thấy thắt thắt, mắt cay cay.

Cha mình gieo hạt trước Tết hai tháng mấy. Rồi khi hạt nảy mầm đợi cứng cáp sẽ bứng ra chậu riêng. Hồi đó không có chậu nhựa màu đỏ màu đen như bây giờ mà là chậu đan xéo bằng tre, rồi lấy bọc mủ lót đáy chậu, quai bọc móc ra bên ngoài, sau đó đổ đất và trồng bông vào rồi chăm sóc trên những chậu đó.

Năm nào thời tiết thuận lợi, côn trùng ít phá thì lá xanh ươm, cây tốt tươi hoa nhiều. Có nhiều năm lá bị sâu vẽ bùa loang lổ, cây ko đều thì phải bứng hai cây vào một chậu cho dễ bán. Nhà hồi đó chỉ có một chiếc xe Dream đỏ thời xửa xưa, cũng không có tiền thuê xe chở ra chợ nên cha mình mượn cái xe cây, đặt lên đó vài chục chậu, cha kéo trước, hai đứa con chổng mông đẩy ngoài sau. Đẩy ra đầu cầu ngang cho bông xuống thì cha đẩy xe về rồi quay ra, cho đến khi đẩy hết mấy trăm chậu bông.

Cũng không có bọc nilon bọc ngang để gãy cành nhánh như bây giờ, mà lấy dây đỏ dây xanh cắm bốn cọng tre rồi cột bốn góc trên dưới dựa vào cọng tre đó để giữ cho cành bông đừng gãy, mất giá. Bông nào gãy cũng không có băng keo xanh dán bông mà lấy cây tăm chọt từ trên dưới trung điểm là ngay chỗ gãy của cành đó, để cho nó đứng lên và vẫn lấy được dinh dưỡng chứ nếu không héo bông chậu mất đẹp.

Nhớ có năm bán ế, mẹ cắt nhánh bông ra bó chung với mấy loại khác bán bông chùm, 3-5 ngàn/chùm để người ta cắm vô ly/bình nhỏ để cúng. Ông quản lý thị trường cao kều tưng tưng (giờ ổng chết rồi, nghe nói nhậu xỉn lủi đầu vào đống đá mà chết mấy năm trước đây) không cho mình bưng thau bông bán dạo ngoài chợ. Ông đến cầm cái cây hất nguyên một thau bông lên, rồi trước mắt mình thau bông nó lật úp cắm đầu xuống nền chợ cá. Mình khóc sướt mướt. Bà con cô bác đi chợ xung quanh xúm lại chửi ông cao kều đó không ngóc lên nổi phải lủi đi chỗ khác. Rồi mấy cô thương tình mua giùm cho mình hết gần nguyên thau, chỉ còn lại vài bó bị gãy quá không thể cúng được. Không nhớ được những ai đã mua, nhưng mình nhớ ơn họ suốt đời này.

Nhớ có năm, cha mình tìm được giống Vạn thọ hoàng anh, màu vàng nhạt nhưng đủ độ tươi, cái hoa to thật là to, to như cái chén ăn cơm. Thời đó, cha mình là người đầu tiên trồng được cái bông vạn thọ với giống lạ và hoa to như thế. Tiếc cái là nó nở hơi sớm hơn những năm trước, nên cả nhà hồi hộp rất hồi hộp sợ không bán hết được do bông nở sớm, là coi như Tết đó đói cả nhà. Cha bán theo cặp không bán cây lẻ.

Mình ra sức rao, sức của một đứa học sinh lớp 2, rao một cặp 25 ngàn. Chắc do thấy mình nhỏ quá mà lanh, và bông tuy nở sớm tí những bông rất đẹp nên nhiều người ghé ủng hộ, trong đó có cô Phan Phi Yến hiệu trưởng trường A Dương Đông. Sau khi cô mua thì có nhiều thầy cô khác cũng ghé mua giúp gia đình mình. Nhà mình từ hồi hộp sợ ôm đống bông trồng mấy tháng trời, chuyển sang bán hết sớm. Lần đầu tiên trong cả thập kỷ cả gia đình bán hết mấy trăm cây vạn thọ vào sáng sớm 29 Tết, không còn một chậu tồn nào, sạch vườn luôn. Mẹ mình cười, chị em mình vui, dẫn nhau vô chợ lòng mua ba đôi dép lưới - đó là đồ Tết của gia đình mình năm ấy. Rồi đi vào chợ lồng mua thịt mua trứng để làm nồi thịt kho tàu.

Thời này khác thời xưa, người ta thương mại hóa bông vạn thọ, người bán chưa chắc là người trồng. Bông to hơn, cây nhiều bông hơn và đẹp hơn ngày xưa rất nhiều. Chậu cũng đẹp và chắc hơn, cũng ko ai lấy dây nilon cột bông bốn góc tre cho đừng gãy mà có túi riêng đẹp đẽ và tiện hơn nhiều. Giờ người ta vận chuyển bông bằng xe tải, xếp thành hàng thẳng tắp chứ không đẩy bằng xe cây nữa.

Có rất nhiều thứ khác, nhưng ánh mắt người trồng bông, nỗi khắc khổ trên gương mặt và nỗi khắc khoải Tết này có đủ đầy không của người nông dân chưa bao giờ là khác. Chắc không nhiều người hiểu cảm giác, khách tới hỏi xong trả giá, là lòng người bán phân hai, nếu bán thì coi chừng hông lời mà hông bán thì coi chừng ôm bông. Mỗi năm chỉ bán được mấy ngày, bông nở cũng có mấy ngày, để qua rằm bán không được giá, có khi còn ăn vô tiền vốn và công trồng.

Từ ngày nhà mình nghỉ trồng bông và mình nghỉ bán vạn thọ, thì mình đi mua bông hổng bao giờ trả giá. Vì thực ra, có giảm được 5-10 ngàn cũng không bù vô được cái công sức mồ hôi họ đã đổ vào từng chiếc lá nụ hoa. Và nhìn chỗ nào bày bông ra bán, mình cũng thầm mong họ bán hết đống bông này trễ nhất là 29 Tết để còn về sửa soạn Tết với gia đình.

Với mình, vạn thọ hoàng anh và đôi dép lưới là biểu tượng của sự mua may bán đắt một mùa ấm êm.

DUNG MÈO

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.