jeudi 5 octobre 2023

Bông Lau - Dân biểu Kevin McCarthy

Cựu Tổng Thống Donald Trump của hệ phái MAGA và cựu Phó Tổng Thống Mike Pence của hệ phái Ronald Reagan đều lên tiếng chỉ trích việc truất phế Chủ tịch Hạ Viện Kevin McCarthy.

Một ứng cử viên tổng thống khác là Cựu Thống Đốc tiểu bang New Jersey là Chris Christie đã miêu tả cuộc truất phế Kevin McCarthy là “ám sát chính trị” (political assassination).

Tám Dân Biểu Hạ Viện cực hữu của đảng Cộng Hòa đã cùng với tất cả trên 200 Dân Biểu đảng Dân Chủ bỏ phiếu truất phế Kevin McCarthy với số phiếu 216/210. Nhưng không phải tất cả khoảng 20 Dân Biểu cực hữu của đảng Cộng Hòa vốn không thích ông Kevin McCarthy đã bỏ phiếu chống. Có lẽ họ hỏng muốn gây xáo trộn và tiếp tay với đảng Dân Chủ để lật đổ Kevin McCarthy chăng.

Các Dân Biểu cực hữu lên án Kevin McCarthy đã không giữ lời hứa và đi đêm thỏa hiệp với đảng Dân Chủ. Còn tất cả đảng viên Dân Chủ đều hỏng ưa Kevin McCarthy, hoặc đây là cơ hội bằng vàng để họ tiếp tay làm tê liệt hệ thống lãnh đạo của đảng Cộng Hòa ở Hạ Viện.

Bởi vì mỗi lần đảng Cộng Hòa cúp ngân sách, đóng cửa chính quyền do đảng Dân Chủ lãnh đạo để yêu sách này nọ, hoặc nội bộ đảng Cộng Hòa hỏng lo làm việc mà đấu đá chia rẽ. Thì sự tin tưởng ủng hộ của quần chúng Mỹ giảm đi, và có thể làm mất vị trí lãnh đạo Hạ Viện trong mùa bầu cử tới vì số ghế của mỗi phe không chênh lệch lắm.

Phần đông dân chúng Mỹ rất không thích sự xáo trộn tê liệt của Quốc Hội (lập pháp) hay của Hành Pháp (Tòa Bạch Ốc). Họ quan niệm rằng dân đóng thuế thì các “đày tớ” phải biết đoàn kết, lo mần ziệc và chấm dứt xâu xé cục bộ. Tuy nhiên mặt trái và cũng là ưu điểm của nền dân chủ đa đảng đa nguyên, vì tất cả mọi người đều có quan điểm và toan tính riêng biệt để thực thi những điều mà cử tri họ mong muốn. Cái khó là các “đày tớ” biết nhìn xa, khi nào phải ngừng tay thôi đấm đá để cùng ngồi lại với nhau lo việc nước.

Theo thống kê thăm dò thì số phần trăm dân chúng Mỹ chán ghét rời bỏ các đảng phái, để trở thành người có khuynh hướng độc lập và trung dung gia tăng. Có khoảng 49 % thuộc khuynh hướng độc lập không theo đảng phái nào. Cộng Hòa và Dân Chủ mỗi đảng được khoàng 25 % dân chúng đăng ký. Cho nên khi ứng cử viên Tổng Thống thắng cuộc bầu cử sơ bộ của đảng mình (25 % dân số) không có nghĩa là sẽ thắng trong cuộc cuộc tổng tuyển cử bao gồm 50 % dân số còn lại vốn đã chán ghét đảng phái cục bộ.

Ông Kevin McCarthy bị một thiểu số đồng nhiệm lật đổ, làm người ta nghĩ tới bà Soái ca Nancy Pelosi. Thích hay ghét cũng phải công nhận bà Nancy rất dzữ, có pháp thuật, và võ công thượng thừa mới làm các Dân Biểu Dân Chủ cụp đuôi ngoan ngoãn tuân lịnh. Mà ông Kevin McCarthy khi lên làm Chủ tịch cũng đã trầy da tróc vẩy vì băng cực hữu không tin tưởng. Kevin McCarthy đã phải qua 15 cuộc bỏ phiếu bầu bán kéo dài một tuần mới chiếm được ghế Chủ Tịch Hạ Viện.

Người viết thích sự ôn hòa, biết thỏa hiệp để tìm mẫu số chung mà làm việc với phe đối lập của Kevin McCarthy. Nếu cứ khư khư cực đoan chỉ cho mình là đúng và tất cả người khác là sai, thì sẽ đi vào bế tắc. Dân chúng đóng thuế nuôi thì phải biết dung hòa tìm một giải pháp chung để không đình trệ việc nước. Cấp tiến “Liberal” cũng là một tiếng nói và họ quyền đòi quyền sống như người bảo thủ. Vì Hoa Kỳ là một quốc gia tự do dân chủ đa đảng đa nguyên.

Không muốn tiêu cực kể những điều xấu. Nhưng cám ơn Kevin McCarthy đã có nỗ lực thỏa hiệp với đối lập, để chính quyền Hoa Kỳ không đóng cửa, để hơn một triệu binh sĩ Mỹ và gia đình họ có tiền lương để sống để tiếp tục chiến đấu bảo vệ nước Mỹ. Để bao nhiêu nhân viên liên bang phụ trách vấn đề an ninh quốc phòng đã không ngừng nghỉ trong giai đoạn dầu sôi lửa bỏng hiện nay. Có thực mới vực được đạo.

Sau hết cám ơn Kevin McCarthy rất nhiều về việc ủng hộ và viện trợ cho Ukraine. Theo lời của ông ấy thì năm 2014 khi Vladimir Putin xua quân xâm lăng bán đảo Crimea của Ukraine, thì Kevin McCarthy có đến thăm quốc gia này. Khi trở về Kevin McCarthy có đến Tòa Bạch Ốc để yết kiến với Joe Biden, khi ấy là Phó Tổng Thống, để yêu cầu bán hỏa tiễn chống chiến xa FGM-148 Javelin cho Ukraine, nhưng ông Joe Biden từ chối.

Hy zọng một tân Chủ Tịch Hạ Viện sớm lên nắm quyền, biết dung hòa thỏa hiệp để guồng máy quốc gia không bị ngừng lại. Để quân đội Hoa Kỳ yên tâm giữ vững tay súng khắp nơi, và binh sĩ Ukraine có đạn chiến đấu đẩy quân xâm lăng khỏi bờ cỏi của họ.

BÔNG LAU 05.10.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.