mardi 4 avril 2023

Ngọc Vinh - Điều chưa nói về Nick Út

 

Năm 2000, kỷ niệm 25 năm cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, các phóng viên viên ảnh chiến trường lừng lẫy nhất đã tụ tập về Việt Nam, trong đó có Nick Út.

Nhiều người trong số họ làm nên danh tiếng của mình nhờ những tấm ảnh mô tả cuộc chiến này.

Nick Út lúc này quá nổi danh với tấm ảnh Em bé Napalm đoạt giải Pulitzer. Anh là niềm tự hào của giới phóng viên ảnh Việt Nam, một người hùng của họ vì là người đầu tiên mang giải thưởng danh giá đó về cho giới báo chí nước nhà.

Dịp đó, tôi tìm đến gặp Nick Út để viết chân dung về anh. Sau khi gặp Nick Út, tôi còn đến Bảo tàng tội ác chiến tranh lấy thêm tư liệu, xem triển lãm ảnh về cuộc chiến để tìm kiếm cảm xúc viết bài.

Khi bài vừa đăng, Huy Đức đã điện thoại cho tôi khen nức nở, cậu ta bảo tôi viết bài báo y như phong cách bọn Tây mà cậu ta đang học tập. Đó là bài báo đầu tiên mô tả trọn vẹn chân dung Nick Út của " báo chí cách mạng" Việt Nam kể từ 1975.

Sau này, có nhiều bài viết về Nick Út, được phóng viên ảnh Giản Thanh Sơn tập hợp lại thành một cuốn sách. Trong cuốn sách này không có bài báo của tôi, mặc dù bài đó khen ngợi Nick Út chứ không phải chê bai.

Tôi không lạ gì Giản Thanh Sơn, vì tôi từng lăng xê cậu ta trên Báo Tuổi Trẻ tới hai lần. Lần đầu, tôi viết về Sơn gắn với cuộc triển lãm ảnh Chân dung chính khách của cậu. Sau khi đăng bài, ban biên tập báo Công an TPHCM đã cảm ơn tôi. Sơn cho biết, vợ cậu đã khóc khi đọc bài viết đó.

Sơn bấy giờ là lính của Quang Thắng, bạn tôi bên báo Công an. Sau bài viết này, bất kỳ gặp tôi ở đâu, có khi ngay trên đường phố, Sơn liền chặn tôi lại, dúi vào túi áo tôi mấy gói thuốc lá 3 số 5, vì cậu ta biết tôi hút thứ này.

Ở góc độ nào đó, Sơn coi tôi như người ơn, thế nhưng tại sao cậu không đưa bài của tôi vào cuốn sách in cho Nick thì tôi đoán được lý do. Đọc cuốn sách xong tôi chép miệng, thôi kệ. Chắc chắn khi in cuốn sách này, Sơn có tham vấn ý kiến của Nick Út và làm sao Nick Út có thể quên bài của tôi được? Sau khi Tuổi Trẻ in bài báo đó, người thân của anh có đến tòa soạn gặp tôi lấy 30 tờ.

Sau này, khi nhìn thấy tấm ảnh các lính Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa chăm sóc cho Kim Phúc khi em bị bom Napalm, tôi mới biết mình bị Nick Út lừa. Trong bài báo viết về Nick Út, tôi có đưa lời anh kể, là, sau khi chụp xong tấm ảnh đoạt giải anh lập tức bồng ngay Kim Phúc chở vào bệnh viện.

Tấm ảnh vừa nói đã cho tôi biết anh nói dối. Chính các người lính Mỹ đã giúp cứu Kim Phúc chứ không phải Nick Út.Thế nhưng bài báo đã đăng nhiều năm trước, làm sao sửa lại được? Nó giống như viên đạn được bắn ra khỏi nòng và không thể thu hồi.

Nick Út khiến tôi mắc thêm sai lầm, khi sau này tôi lập lại chi tiết sai mà anh đã cung cấp cho tôi.

Nhiều năm sau, tôi viết một bài xã luận đăng trang nhất nhật báo Tuổi Trẻ, có tựa là "Tin tức và số phận con người." Bài báo đặt vấn đề, liệu nhà báo nên ưu tiên cho tin tức hay số phận con người, nếu anh ta phải chọn lựa một trong hai ?

Tôi dẫn trường hợp phóng viên ảnh chụp đứa trẻ châu Phi và con kền kền đoạt giải Pulitzer. Sau khi tấm ảnh được đăng trên tờ New York Times danh tiếng, độc giả đã đòi hỏi tòa soạn cho biết số phận đứa trẻ ra sao và anh phóng viên có làm gì để cứu đứa trẻ hay không ? Không thể chịu nổi sự tra vấn này, anh phóng viên đã tự sát sau khi lãnh giải Pulitzer.

Trong bài xã luận, tôi đem anh ấy so sánh với Nick Út rồi khen Út đã ko vì chụp ảnh mà bỏ rơi Kim Phúc khi đưa em vào bệnh viện cứu chữa. Giờ nghĩ tới việc so sánh sai này, tôi cắn rứt kinh khủng. Nick Út đã khiến tôi đi từ sai lầm này đến sai lầm khác.  Nhưng viên đạn đã bắn ra rồi, thì làm sao đây ?

Kể từ sau khi bài báo của tôi về Nick Út được đăng, tôi và anh chưa hề liên lạc với nhau, anh không hề có một tiếng cảm ơn người viết bài về mình, không như bạn thân anh là Giản Thanh Sơn đã cảm ơn tôi. Tôi chẳng trách anh vì điều đó vì nhà báo viết bài không phải để nhân vật cảm ơn mình.

Chỉ là cách ứng xử phải phép giữa con người với nhau mà thôi.

Khi tôi viết ra điều này, tôi biết Nick Út và bạn bè anh tại Sài Gòn sẽ nổi giận. Nhưng có hề gì, tôi chỉ đi tìm sự thật thôi mà.

NGỌC VINH 03.04.2023

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.