samedi 17 juillet 2021

Mạnh Quân - Doanh nghiệp trong cơn bão Covid: Chới với khi những cam kết đã nhạt dần


Bên cạnh những gói hỗ trợ mang tính tạm thời, có lẽ đã đến lúc cần nhìn nhận rằng doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có quy mô lớn, cần nhất là sự ổn định chính sách trong dài hạn, thì mới có đủ sức bền, vượt qua cơn bão Covid-19.

Chắc ai cũng nhớ là ở đợt dịch Covid lần thứ nhất đầu năm 2020, đã có rất nhiều tuyên bố, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) toàn từ vài chục ngàn tỉ đến vài trăm ngàn tỉ. Nghe có cảm giác nguồn lực hỗ trợ của nhà nước cho khối doanh nghiệp đang dồi dào hơn bao giờ hết.

Tuy đến nay cũng chưa rõ thực tế có bao nhiêu chục ngàn tỉ đã được giải ngân, nhưng quả thực cũng đã có một số gói hỗ trợ kiểu giảm, giãn thuế... khoản nọ cho doanh nghiệp nọ kia, hỗ trợ cho người lao động thất nghiệp là có.

Bộ Tài chính cũng mới tổng kết, năm 2020. Bộ này đã rà soát sửa, ban hành 21 Thông tư, giảm 29 loại thuế, phí cho doanh nghiệp như: Giảm 70% các mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức thu phí công bố thông tin doanh nghiệp...Tuy nhiên cũng không tổng hợp được số tiền đã giảm, hỗ trợ là bao nhiêu , còn số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường thì vẫn liên tục tăng với 101.719 DN trong năm 2020, tăng 25,3% và số DN tạm ngừng kinh doanh là 46.592, tăng tới 62,2% so với năm 2019.

Vừa rồi, Bộ này cũng mới đề xuất cho kéo dài chính sách giảm, giãn thuế đó, và dự kiến số tiền thuế, phí giảm năm 2021 là 1000 tỉ đồng. Vậy chắc số tiền giảm, giãn thuế năm 2020 cũng loanh quanh con số đó thôi. Một ngàn tỉ đồng có vẻ nhiều, nhưng với số doanh nghiệp chịu thiệt hại cũng chỉ như muối bỏ bể.

Ở thời điểm này, có lẽ cần hơn bao giờ hết các chính sách mới để hỗ trợ doanh nghiệp bởi lúc này, chính là thời điểm khó khăn nhất do các DN đã ngấm nặng tác động của Covid. Không chỉ những tác động mới đợt bùng phát dịch lần thứ 4, mà cả các đợt trước, những tác động tệ hại của nó đến bây giờ mới ngấm sâu vào kết quả kinh doanh, phản ánh rõ trong báo cáo tài chính các DN.

Đáng mừng là vừa rồi, Chính phủ cuối cùng cũng đã quyết định gói hỗ trợ cho người lao động và các doanh nghiệp 26.000 tỉ đồng. Tuy gói này có vẻ nhỏ hơn các gói được công bố trong các năm trước, nhưng có vẻ như nó thực tế và cụ thể hơn nhiều.

Hôm 29/6, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, 6 tháng qua, đã có tới 70.000 doanh nghiệp giải thể, phá sản, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là con số thực sự đáng báo động.

Khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, ngành bán lẻ, tiêu dùng nhanh, các DN kinh doanh hàng ăn uống...càng quẫn bách. Những lệnh đóng cửa, giãn cách...liên tiếp ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và rất nhiều tỉnh, thành phố khác, tuy đúng là cần thiết nhưng cũng khiến vô khối DN ở đó đóng cửa, lao đao, lâm vào tình trạng thua lỗ, phá sản.

Có hàng vạn doanh nghiệp khác tuy chưa giải thể, phá sản nhưng đang khó khăn, lay lắt. Hôm rồi, Hiệp hội doanh nghiệp hàng không VN công bố, chỉ 3 ông lớn về hàng không: Vietnam Arlines, Bamboo, Vietjet có số nợ trong đó phần lớn là nợ quá hạn đã lên tới 36.000 tỉ đồng, riêng ông Vietnam Airlines là 20.000 tỉ.

Cũng phải nhìn nhận rằng thời điểm này chính phủ đã rất nỗ lực áp dụng nhiều biện pháp và nguồn lực hỗ trợ cho DN, mà nguồn lực nào thì cũng có hạn. Gói 26.000 tỉ đồng mới công bố là một quyết định rất cần thiết và sẽ sớm được triển khai. Nhưng có thể nói lâu về dài, nhà nước cũng không thể cứ hỗ trợ mãi dược. Vì vậy, nhà nước cũng nên tìm phương án để có nguồn thu ngân sách ổn định bằng cách cải cách thuế đồng thời cũng tạo điều kiện để doanh nghiệp và người lao động có thể phát triển bền vững. Cải cách thuế nên tập trung vào cơ chế thực hiện để tăng cường thu đúng và thu đủ thuế thay vì tăng thuế hoặc áp thêm thuế mới lên doanh nghiệp và làm tăng giá tiêu dùng.

Cái mà doanh nghiệp cần nhất trong lúc này chỉ là đơn giản là ổn định chính sách, không tăng thuế hay ra những sắc thuế mới. Đó mới là vấn đề cốt lõi nhà nước có thể hỗ trợ ngay và luôn để doanh nghiệp bình tâm vượt dịch, sau đó mới nói đến phục hồi và phát triển và tiếp tục đóng góp ngân sách cho nước nhà.

Thực tế, các gói hỗ trợ trực tiếp có thể hướng đến nhóm các doanh nghiệp vừa và nhỏ, còn đối với những doanh nghiệp có quy mô lớn thì điều quan trọng nhất với họ là môi trường chính sách ổn định, đặc biệt là chính sách về thuế, để không tạo thêm gánh nặng cho doanh nghiệp.

MẠNHQUÂN 14.07.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.