dimanche 18 juillet 2021

Cù Mai Công - Covid : « Đánh nhanh thắng nhanh » hay « trường kỳ kháng chiến » ?


Như vậy, hết ngày hôm nay, từ 0g ngày 19-7, khu vực Nam kỳ lục tỉnh xưa gồm 6 tỉnh miền Đông và 13 tỉnh miền Tây chính thức vào đợt giãn cách 15 ngày, theo Chỉ thị 16.

Sài Gòn xưa nay là trung tâm Nam kỳ lục tỉnh, cả về kinh tế, chính trị, văn hóa lẫn… Covid. Theo chủ quan cá nhân, từ thực tế các khu cách ly, khu phong tỏa, tình hình các bệnh viện... và vận dụng vận trù học được học, trên trang Facebook cá nhân, ngày 4-7, tôi dự báo với nhiều anh em, bạn bè thân lẫn trên trang nhà mình: TP.HCM hết 11-7 trên dưới 13.000. Thực tế 13.012 ca.

Năm ngày trước, 13-7, khi các ca Covid hơn 16.000, trên trang nhà mình, tôi mạo muội dự báo cuối tuần này, hết ngày 18-7, TP.HCM từ 26.000 – 30.000 ca và ngành y tế TP.HCM "vỡ trận". Ngày 18-7, còn con số buổi tối, nhưng sáng nay đã 28.455 ca và tình hình ngành y tế TP.HCM như thế nào thì có lẽ anh em mình chắc cũng biết.


Hết tuần tới, hết 25-7, thôi, tôi không dám nói về Covid “mùa đi nhịp hải hà” này.

Thực tế bỏ rất xa dự tính ban đầu của TP.HCM: 5.000 ca. Bỏ xa dự báo, từ đặt hàng từ Sở Thông tin-Truyền thông TP.HCM với hai nhóm nghiên cứu Đại học Fulbright và Tech4Covid: 11.000 ca bệnh và 7.000 giường bệnh.

Không hề khiêm tốn và thực tế chắc chắn kiến thức và trình độ của tôi thua xa nhiều đấng bậc tinh hoa, chuyên môn, nhà quản lý. Nếu không, TP.HCM đã không chuẩn bị 10 khu cách ly cấp thành phố, quy mô 15.080 giường và 19 bệnh viện dã chiến; đang lập thêm năm bệnh viện, quy mô tổng cộng gần 50.000 giường.

50.000 giường bệnh không khó với tiềm lực kinh tế của TP.HCM. Nhưng cái khó ở đây là nhân lực y tế ở đâu cho 50.000 giường bệnh này? Ngay khi mới gần 27.000 ca, báo “Một Thế Giới” chiều tối 17-7, đã ghi nhận điều trị Covid ở TP.HCM: Bệnh nhân mắc Covid-19 nặng có nhu cầu chuyển tuyến trên thì không còn chỗ tiếp nhận; bệnh viện điều trị Covid -19 thì quá tải, thiếu thiết bị y tế… Các bệnh viện tiếp nhận, thu dung và điều trị Covid -19 tại TP.HCM đang gần như “bất lực”.


Như ở một stt trước, tôi chủ quan nhận định: Chính sách nào cũng phải tính tới thực tế và tính khả thi trong khả năng của nó. Đây là chính sách nhiều nước đã và đang thực hiện: dựa trên thực trạng ca bệnh, ca chết/thực tế khả năng, sức chịu đựng (kinh tế, bệnh viện) và tính khả thi. Nước ta chưa giàu mà chống Covid kiểu “con nhà giàu” e không đúng lắm. Khổ đầu tiên vẫn là dân, nhất là dân nghèo.

Tôi cũng chủ quan nghĩ rằng: từ thực trạng Covid -19 ở TP.HCM đang có những diễn biến thực trạng mới rất nhanh, đi cuồn cuộn. Nên đặt ra vấn đề: Chuyển từ chiến lược ưu tiên y tế dự phòng quá sức tốn kém tiền bạc, nhân lực, bất an lòng dân (Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân...) sang ưu tiên y tế điều trị

95% số ca nhiễm Covid không triệu chứng và nhẹ, chủ yếu uống thuốc hạ sốt và vitamin C giá rẻ rề – như trị cảm cúm thông thường thì để họ ở nhà. Khó còn đường khác.

F1 thì rõ rồi, ngay Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã thừa nhận: 38% ca Covid do lây nhiễm chéo trong khu cách ly, khu phong tỏa. Về nhà, có thể cũng sẽ lây trong nhà. Nhưng lây vài người trong nhà còn hơn lây cả chục, cả trăm người trong khu cách ly, khu phong tỏa...

Đừng mơ « đánh nhanh thắng nhanh » Covid. Nó là bệnh lây nhiễm, chỉ một ca sót trong cộng đồng cũng dễ dàng bùng trở lại. Sống chung với Covid (như Mỹ hiện nay, vẫn trên dưới 20.000 ca/ngày), « kháng chiến trường kỳ », « tay cày tay súng » là tất yếu, khả năng ít nhất hết năm nay.

Số ca nặng thì dù tăng gấp mười hiện nay, hoàn toàn trong khả năng của ngành Y TP.HCM. Số ca tử vong còn ít hơn nhiều.


Nếu suy nghĩ “đánh giặc lâu bền cho non nước bình yên” và “tay cày tay súng” thì càng phải giải quyết thực trạng lưu thông - cung ứng hàng hóa TP.HCM - các tỉnh miền Đông, miền Tây => giá cả hàng hóa. Rất vô lý khi rau ở chính TP.HCM, cụ thể là Củ Chi, Hóc Môn giá rẻ mạt mà thiếu người mua, bà con nông dân kêu Trời thì các quận còn lại cũng kêu Trời vì thiếu rau, giá rau tăng gấp đôi, gấp ba.

Dư luận nói lâu rồi, nhiều lắm. Dẹp sạch chợ tự phát, chợ vỉa hè; rồi lần lượt đóng cửa gần 200 chợ truyền thống/266 chợ trong thành phố. Kết quả: siêu thị ôm không nổi và có siêu thị đã nhân cơ hội này tăng giá.

Giờ thì lãnh đạo TP.HCM đã nói về mô hình chợ đường phố (kiểu Myanmar - một dạng chợ vỉa hè) giải quyết mạch lưu thông hàng hóa. Đường TP.HCM đang vắng. Đường nào cũng có thể ngăn một nửa để làm các khu chợ này.

Xe bán hàng lưu động là "giật gấu vá vai", không căn cơ và người dân không nắm được lịch bán. Thực tế nhiều siêu thị không làm được.

Nhân lực kiểm soát chợ đường phố? – Mấy ngàn người ngồi chốt các khu giăng dây dư sức làm chuyện này; có lẽ thiết thực hơn là ngồi cả ngày ở các chốt, ngoài các khu phong tỏa, cách ly. Rồi ban quản lý các chợ. Rồi ban ngành đoàn thể địa phương.

Hàng có, người dân Sài Gòn dù rất nhiều khó khăn nhưng nói như anh Hoàng Hải Vân, cựu tổng thư ký tòa soạn báo Thanh Niên, về kinh tế “Sài Gòn đủ khả năng lo cho (bà con) mình”. Suốt hơn một tháng rưỡi nay, tính từ khi TP.HCM áp dụng chỉ thị 15 ngày 31-5-2021, cơ man là hàng triệu triệu phần cơm, mì, bánh mì, gạo, rau… mà người Sài Gòn lo cho nhau là một chứng minh.

Và nếu đã tính chuyện “trường kỳ kháng chiến”, “chiến tranh nhân dân” (dân tự lo F0 không triệu chứng và nhẹ, F1…) thì phải nghĩ đến hệ thống cung ứng, lưu thông – phân phối miếng cơm manh áo cho dân, chiếm đa số “lực lượng kháng chiến”.

Góc đường Trần Quang Khải – Đinh Tiên Hoàng, quận 1, Sài Gòn có một quán ăn xưa tên Dân Thiên 民天. Có lẽ lấy từ câu nói của Khổng Tử: “Dân dĩ thực vi Thiên” (dân lấy ăn làm Trời).

“Thực túc binh cường” (ăn đủ lính mạnh). “Lấy dân làm gốc” là lúc này đây.

CÙMAI CÔNG 18.07.2021

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.