jeudi 10 juin 2021

Hành hung nguyên thủ hay sỉ nhục quốc gia ?


Đăng ngày:


Làm việc từ xa : Không chỉ có màu hồng

Dịch bệnh đang giảm dần, nước Pháp hôm nay 09/06/2021 bước vào giai đoạn hai của việc dỡ bỏ tình trạng phong tỏa.

Le Figaro chạy tít « Sau khi làm việc từ xa, giờ đã đến lúc trở lại văn phòng ». Tương tự, trang bìa La Croix là một cô gái đeo khẩu trang, xách túi đi làm đang trên thang cuốn, với dòng tựa ngắn gọn « Quay lại văn phòng ». Les Echos chọn ảnh trang nhất là cảnh những nhân viên nhộn nhịp trước cao ốc văn phòng, chạy tựa « Làm việc từ xa : Người Pháp đã thích ứng như thế nào ». « Đại dịch : Khởi đầu của một kết cuộc », là tựa chính của Libération, với bức ảnh một thanh niên khuôn mặt rám nắng nhưng hằn lên vệt trắng của cặp kính và chiếc khẩu trang đeo suốt thời kỳ dịch bệnh. Riêng Le Monde nói về « Hưu bổng : Thâm hụt gia tăng, cải cách được thúc đẩy trở lại ».

Trong bài xã luận « Hãy quên đi Teams, Zoom, Skype… », Le Figaro cho rằng hậu đại dịch, làm việc từ xa vẫn sẽ tiếp tục. Ngồi ở bàn làm việc, một góc bàn ăn hay từ trên giường, vài triệu người Pháp đã trải nghiệm trong ba đợt phong tỏa, và thấy rằng khá tốt. Với máy tính và kết nối internet, các nhân viên này có thể tiếp tục làm việc, giúp nhiều doanh nghiệp không phải đóng cửa, đa số đều hài lòng. Những người ủng hộ làm việc từ xa nhấn mạnh các ưu điểm : hiệu quả, chất lượng cuộc sống, không mất thời gian cho việc di chuyển, và như vậy giảm thải carbone.

Tuy nhiên tất cả không phải đều màu hồng. « Télétravail » chỉ liên quan đến một thiểu số, nên cần cảnh giác « cổ xanh » hiềm khích với « cổ trắng ». Và nếu quá thiên về cách làm việc này sẽ tạo ra sự cách biệt với các đồng nghiệp, xóa đi phần nào biên giới giữa hoạt động nghề nghiệp và cuộc sống cá nhân. Bên cạnh đó là mất đi tính sáng tạo, những trao đổi không chính thức, sự phong phú của tinh thần tập thể. Hôm nay là nhân viên làm việc từ xa, nhưng ngày mai liệu có trở thành người ngoài nhận « gia công », khoán việc ? Tờ báo kết luận, đã đến lúc để quay lại với cơ quan làm việc, quên đi phần nào các phần mềm sử dụng trong thời kỳ dịch bệnh.


Cái tát : Xúc phạm cá nhân tổng thống hay danh dự quốc gia ?

Trong không khí lạc quan của giai đoạn giải tỏa, sự kiện tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị hành hung là một vệt xám được tất cả các báo quan tâm, trừ Le Monde ra từ chiều hôm trước. Libération đặt câu hỏi « Tổng thống bị tát, một hành động cá nhân hay dấu hiệu cảnh báo ? ». Les Echos nhận định : « Chuyến đi một vòng nước Pháp của Emmanuel Macron bị xáo trộn vì một cái tát ». Le Figaro giận dữ « Chức vụ tổng thống bị tấn công, quốc gia bị ảnh hưởng ».

Hung thủ Damien Tarel 28 tuổi bị bắt, chỉ vài phút sau tổng thống Macron lại tiếp tục chương trình như chẳng có gì xảy ra, tươi cười chụp ảnh chung, chào hỏi những người dân xung quanh. Ông nói : « Trong chế độ dân chủ, đối lập có thể tự do phát biểu trên đường phố, trên báo chí, truyền hình, và sau đó vào những kỳ bầu cử được tổ chức thường xuyên. Đổi lại, là chấm dứt bạo lực, thù ghét. Nếu thù hận và bạo động quay lại, sẽ chỉ làm thương tổn đến dân chủ ». Emmanuel Macron kêu gọi mọi người « bình tĩnh và tôn trọng ».

Hình phạt đối với kẻ hành hung là gì ? Tối đa chỉ là ba năm tù và 45.000 euro tiền phạt, cũng như mọi công dân bình thường khác.


Bạo lực và dân chủ

Nhưng cái tát là một hành động bạo lực, một sự sỉ nhục, và theo tờ báo cánh hữu, cũng là một sự bộc lộ, nhắc nhở cho mỗi người về giá trị lẫn tính dễ tổn thương của cuộc sống dân chủ, và vai trò cần được tôn kính của nguyên thủ quốc gia. Ông Macron không bị thương cũng như không bị nguy hiểm, nhiều người vô danh cũng từng là nạn nhân của bạo lực. Nhưng với giá trị thiêng liêng của phổ thông đầu phiếu, Emmanuel Macron, ít nhất cho đến tháng Năm sang năm, là hiện thân của quốc gia.

Thế nên hành động vừa rồi cũng gây tổn thương cho toàn đất nước, và tất cả các chính khách Pháp đều lên án. Từ đối thủ kiên quyết nhất là bà Marine Le Pen (cực hữu) cho đến người công kích dữ dội nhất như Jean-Luc Mélenchon (cực tả). Bà Le Pen nói : « Tôi là người đối lập hàng đầu với Emmanuel Macron, nhưng ông ấy là tổng thống Cộng hòa Pháp. Với danh vị này, có thể đấu tranh về chính trị nhưng không thể tự cho phép có một động thái bạo lực nào đối với ông ».

Theo Les Echos, tỉ lệ ủng hộ của đương kim tổng thống Pháp hiện cao hơn hai người tiền nhiệm. Nhưng vụ hành hung vừa rồi, ngoài vấn đề an ninh của nguyên thủ, còn cho thấy bạo lực có thể nổ ra bất kỳ lúc nào. Trước đó, đã có những nguyên thủ bị tấn công như tổng thống Jacques Chirac, François Hollande, thủ tướng Manuel Valls…Một cựu viên chức an ninh cho rằng cần có giải pháp theo kiểu Mỹ, tránh tiếp xúc với đám đông, nhưng điều này là đáng tiếc. Được biết người bạn đi cùng với hung thủ cũng bị câu lưu, chiều nay khi khám nhà anh ta các điều tra viên thu được súng và một cuốn Mein Kampf của Hitler.


Điện thoại mã hóa AN0M : Chiếc bẫy của FBI khiến 800 tội phạm sa lưới

Về thời sự quốc tế, Les Echos nói về « Mẻ lưới toàn cầu nhắm vào bọn tội phạm có tổ chức, nhờ các điện thoại mã hóa của FBI ». Trên 800 tội phạm đã bị bắt trong tuần rồi sau nhiều năm sử dụng loại điện thoại AN0M, cái bẫy của cảnh sát.

Cú tung lưới khổng lồ được nhiều nước cùng với FBI, Europol loan báo kết quả hôm qua 08/06 trông giống như một kịch bản phim Hollywood. Chiến dịch quốc tế do FBI và cảnh sát Úc khởi động năm 2018 được đặt tên là « Chiếc khiên thành Troie », dựa vào kiểu điện thoại « AN0M ». Không dùng để gởi email cũng như không để gọi điện, không có dịch vụ định vị GPS, điện thoại AN0M chỉ dùng để nhắn tin lẫn nhau. Chúng được mua bán trên thị trường đen với giá 2.000 đô la một chiếc, và hoạt động với mã số do một người sử dụng AN0M khác chuyển cho. Một tên tội phạm cần phải biết được một tên khác mới có được loại điện thoại này.

Cảnh sát Úc thâm nhập vào giới này, dựa vào các nhân vật có ảnh hưởng như một trùm ma túy đang ẩn náu tại Thổ Nhĩ Kỳ để phổ biến điện thoại AN0M. Trong ba năm, hàng ngàn chiếc điện thoại được cho là giúp cho bọn tội phạm « lên đời » trong giới mafia, Tam Hoàng, đường dây ma túy, băng đảng cướp…Tổng cộng, 11.800 chiếc đã được phân phối tại 90 nước, nhất là ở Úc, Tây Ban Nha, Đức, Hà Lan. Khoảng 20 triệu tin nhắn đã được trao đổi giữa bọn chúng…và đích đến còn là cảnh sát.


« Chiếc khiên thành Troie » đi vào lịch sử

Công cuộc thâm nhập bị đổ bể vào tháng Ba vừa qua, khi một blogger phát hiện các lỗ hổng an ninh của AN0M. Kết quả chiến dịch thật ấn tượng : trên 800 vụ bắt giữ, trên 700 địa điểm bị khám xét, tịch thu hơn 8 tấn cocain – theo Europol. Về phía FBI nói rằng chiến dịch đã giúp cứu được hơn 100 sinh mạng. Tại Úc, 224 người bị bắt, sáu cơ sở sản xuất ma túy bị đóng cửa, 104 khẩu súng và 45 triệu đô la Úc (29 triệu euro) bị tịch thu. Thủ tướng Úc tuyên bố chiến dịch này là một đòn nặng cho giới tội phạm, không chỉ tại Úc mà còn ảnh hưởng khắp thế giới, bọn buôn bán ma túy ở châu Á, Nam Mỹ, Trung Đông đã sập bẫy. Thụy Điển bắt giữ 150 người, Phần Lan khoảng 100, Đức 60, Hà Lan 49, New Zealand 35…

Đối với David Weinberger, giám đốc cơ quan chuyên theo dõi tội phạm quốc tế thuộc IRIS, vụ này gây dấu ấn lịch sử. Khi sử dụng « hệ thống an ninh toàn cầu » như điện thoại AN0M, các nhóm tội phạm nghĩ rằng đã ngoài vòng kiểm soát. Nhưng kể từ vụ Encrochat – một mạng thông tin mã hóa bị Pháp cùng với Hà Lan thâm nhập và phá vỡ năm 2020, « chúng ta đã bước vào một giai đoạn mới » - cũng theo chuyên gia trên. Lực lượng an ninh một mặt thâm nhập được vào các loại tin nhắn mã hóa, mặt khác còn lập được những hệ thống chuyên dụng. Chiến dịch « Chiếc khiên thành Troie » cùng với Encrochat đã đi vào lịch sử đương đại trong cuộc chiến chống tội phạm.


Ý « phong thành » trước Trung Quốc

Liên quan đến Trung Quốc, Le Monde có bài « Đối mặt với Bắc Kinh, Ý dựng lên một bức tường thành ». Ít cởi mở với Trung Quốc, bám rễ chặt vào châu Âu và NATO : từ khi ông Mario Draghi lên làm thủ tướng hồi tháng Hai, Ý tỏ ra cảnh giác hơn với đầu tư từ Trung Quốc vào các doanh nghiệp của mình.

Chỉ trong vòng vài tuần, thủ tướng Ý đã phủ quyết hai lần. Từng viên gạch một, nước Ý dần xây lên một « trường thành » nho nhỏ để chận lại cơn khát thâu tóm của Bắc Kinh.

Cuối tháng Ba, ông Draghi đã ngăn không cho tập đoàn nhà nước Shenzhen Investment Holdings mua 70% vốn của LPE Spa, một nhà sản xuất vật liệu bán dẫn ở Milan. Thế giới đang thiếu hụt chip điện tử, nên ông nhận định công ty này mang tính chiến lược. Đồng thời Draghi yêu cầu John Elkann, ông chủ tập đoàn Exor không bán lại cho tập đoàn xe hơi Trung Quốc FAW chi nhánh của CNH chuyên sản xuất xe tải và xe bus Iveco, vì « lợi ích chiến lược quốc gia ».

Hai lời từ chối này là cái tát cho Trung Quốc, cho thấy một sự thay đổi hẳn thái độ. Vodafone Italia cũng áp đặt các điều kiện hết sức nghiêm ngặt cho Hoa Vi (Huawei) về việc triển khai mạng 5G. Cho dù đứng hàng thứ ba về nhận đầu tư Trung Quốc tại châu Âu, sau Đức và Anh, Ý vẫn dễ tiếp cận vì tư bản yếu hơn.


Từ giã « Con đường tơ lụa mới » ?

Trong thập niên qua, có những tên tuổi hàng đầu đã trở thành sở hữu của Trung Quốc : nhà sản xuất du thuyền Ferretti, hay Pirelli chuyên sản xuất vỏ xe, Ansaldo Energia về thiết bị…Ủy ban An ninh Quốc hội nhận thấy có 405 công ty Trung Quốc sở hữu phần vốn trong 760 công ty Ý « trong những lãnh vực chiến lược hoặc mang lại rất nhiều lợi nhuận ». Đặc biệt chính phủ Conte trước đây (liên minh cực hữu và dân túy) năm 2019 đã đồng ý gia nhập « Con đường tơ lụa mới » Trung Quốc.

Roma lúc đó đã bị G7 và nhiều thành viên Liên hiệp Châu Âu (EU) chỉ trích dữ dội, vì lo sợ cơ sở hạ tầng và công nghệ nhạy cảm bị Bắc Kinh kiểm soát. Nay thủ tướng Draghi đang dần dà xây dựng chính sách containment (ngăn chận) được Paris, Berlin, Washington ủng hộ.

Ý quay lại với chiếc nôi châu Âu cũng là hợp lẽ : với gần 200 tỉ euro tín dụng và tài trợ từ châu Âu, Ý là nước hưởng lợi nhiều nhất trong kế hoạch tái thúc đẩy 750 tỉ euro. Nhiều doanh nghiệp kiệt quệ do đại dịch, và không thể để tiền tài trợ rơi vào túi các công ty ngoài châu Âu.


Miến Điện : Nguy cơ trở thành vô chính phủ

Nhìn sang Đông Nam Á, « Tại Miến Điện, kháng chiến được quân sự hóa và ăn miếng trả miếng với quân đội », đó là ghi nhận của Le Figaro. Năm tháng sau cuộc đảo chính, những vụ quăng bom xăng, bắn tỉa vẫn thường xuyên diễn ra tại các thành phố lớn của Miến Điện, nhắm vào binh lính, cơ quan chính quyền, kể cả trường học, gây sợ hãi. Một nhà ngoại giao ở Rangoon cho biết không khí rất căng thẳng, mỗi ngày đều có những tiếng nổ - những quả bom tự tạo hay những gói hàng đặt đâu đó để giết người. Gần như là một cuộc nội chiến của người Bamar, sắc tộc chiếm đa số ở Miến Điện.

Chuyển thành đấu tranh vũ trang, những nhóm bí mật gieo rắc khủng hoảng trong quân đội. Theo AP, chỉ riêng trong tháng Năm, đã có 577 quân nhân bị giết chết và 378 bị thương. Các doanh trại và công sở phải dùng bao cát che chắn để tránh những vụ tấn công bất ngờ. Sau những cuộc biểu tình ôn hòa bị đàn áp, từ cuối tháng Ba xuất hiện khoảng vài chục nhóm vô danh, hoạt động độc lập và hiếm khi lên tiếng nhận trách nhiệm. Cách hoạt động ẩn danh gây lo ngại về nguy cơ bị thao túng hay thanh toán lẫn nhau. Nguy cơ nội chiến kéo dài cùng với đại dịch Covid khiến người ta lo ngại Miến Điện đang rơi dần vào tình trạng vô chính phủ.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.