samedi 2 novembre 2019

Trương Nhân Tuấn - Nhà nước Việt Nam đã làm gì để dân Việt chết thảm như thế ?



Cảnh sát Anh cho biết "39 nạn nhân là người Việt Nam". Câu hỏi "Chúng ta đã làm những gì để đồng bào chúng ta chết thảm như thế" đã là một câu hỏi chính đáng. Nhà nước Việt Nam cần sớm có câu trả lời nghiêm túc và thỏa đáng. 

"Trách nhiệm tối thượng" của thảm kịch này không phải là các chính sách "nhập cư đã trục trặc từ rất lâu ở các nước giàu" như báo Tuổi Trẻ đã nói. Trách nhiệm này thuộc về Việt Nam.

Trên quan điểm "công pháp quốc tế", giữa "chủ quyền quốc gia" và các Tuyên bố quốc tế về quyền con người, hay các công ước quốc tế về di dân và lao động... Nước Anh không có trách nhiệm nào về người di dân, mặc dầu chính sách về di dân của Anh "có nhiều trục trặc" đối với các quốc gia Châu Âu (nhứt là đối với Pháp), khiến khuynh hướng áp đảo là lựa chọn nước Anh là điểm đến cuối cùng (chớ không phải là các nước khác). 

Nước Anh vói chủ trương "ultra-liberal" về lao động lại không có vụ "thẻ căn cước" phiền phức như các quốc gia khác. Ai "nhập" vô được xứ Anh thì có thể đi làm "lậu" dễ dàng. Các quốc gia khác như Pháp, Đức... mặc dầu tiền trợ cấp xã hội nhiều hơn Anh, nhưng thủ tục lao động rất nhiêu khê. Người chủ không dám mướn lao động "lậu" vì tiền phạt rất nặng và dễ dàng bị bắt vì kiểm soát thường xuyên. 

Nước Mỹ thời ông Trump chủ trương xây một bức tường biên giới với Mexico nhằm ngăn chặn di dân lậu. Cảnh sát biên phòng bắt bớ rồi trục xuất người di dân... Tất cả các hành vi này đều "đúng luật" Mỹ và không trái ngược với công pháp quốc tế. Đơn giản vì các hành vi có mục đích bảo vệ lãnh thổ và an ninh quốc gia. Người ta chỉ trích nước Mỹ việc xây tường, hay các việc tách trẻ em rời khỏi cha mẹ... vì vấn đề "đạo đức" và về vấn đề "nhân quyền". 

Nước Mỹ, nước Anh, hay bất kỳ quốc gia nào khác... đều có "quyền tối thượng" bất khả xâm phạm "chủ quyền về lãnh thổ". Lãnh thổ này được bảo vệ bằng "đường biên giới". Bất kỳ người nào vượt qua biên giới một nước mà không được sự chuẩn nhận của sở di trú nước này (thủ tục passeport và visa), người này phạm tội. 

Từ khi khái niệm "quốc gia" được thành hình, đồng thời với các khái niệm về "lãnh thổ", "biên giới", "quốc tịch", "chính phủ" v.v... thì khuynh hướng "di dân tự nhiên" (xuyên biên giới), tức "di dân lậu" đã chấm dứt. Nó không hề là "quá trình tự nhiên đã diễn ra từ ngàn xưa và sẽ còn tiếp diễn trong tương lai" như Tuổi Trẻ đã viết.

Các việc "di dân" do nhu cầu lao động đều được thực hiện "theo luật", đúng như tinh thần các kết ước mà hai quốc gia (xuất khẩu và tiếp nhận lao động) đã ký.

Hiện tượng di dân (lậu) chỉ thấy ở các quốc gia có chiến tranh. Hiện nay Châu Âu đã và đang bị khủng hoảng do di dân (hàng loạt và quá đông đảo đến vài triệu người) đến từ các quốc gia như Irak, Afghanistan, Soudan, Syrie... Trên phương diện công pháp quốc tế, những người này có thể được hưởng quy chế "tị nạn", quốc gia tiếp nhận không có quyền xô đuổi. Mặt khác, nếu thành phần di dân này đi bằng phương tiện "vượt biên", luật quốc tế áp dụng (trên biển) cũng sẽ khác hơn (không được quyền từ chối cứu nạn).

Theo công pháp quốc tế, nhà nước nào cũng có trách nhiệm đối với công dân của mình. 

"Nhà nước Việt Nam đã làm những gì khiến dân chúng chết thảm như thế" ? Việt Nam là một quốc gia đang giải thể hay là một đất nước hòa bình từ 50 năm, phát triển (khoạn mục), GDP năm nào cũng tăng 6, 7 phần trăm ?

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.