Lúc này, mọi
thông tin về Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) đối với người Việt Nam hiện rất mơ
hồ. Trên các thông tin bên ngoài dội về thì gọi là đối đầu, còn phía Hà Nội,
thì gọi là đấu tranh.
Nếu dựa trên
những ngôn từ này, có thể tự lý giải rằng, Trung Quốc bằng nhiều cách như đang
muốn vào trực tiếp bãi Tư Chính chứ không chỉ là ngăn Việt Nam thăm dò và khai
thác ở tại Lô 06.1 bể Nam Côn Sơn, phía tây bắc bãi Tư Chính. Còn Việt Nam thì
dùng tàu của mình cố ngăn đường đi của Trung Quốc, và mặt khác thì nỗ lực ngoại
giao theo kiểu không muốn làm quá.
Nhưng Bắc Kinh rõ
ràng không dừng lại, và bộc lộ rõ việc muốn chiếm lấy bãi Tư Chính. Ngày 26/7,
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố rằng Việt Nam “vi phạm quyền chủ quyền của Trung Quốc đối
với bãi Tư Chính kể từ tháng Năm”, cho thấy cuộc tranh chấp có nội dung lớn
hơn: Bắc Kinh muốn hoàn thành đại nghiệp đường 9 đoạn trên Biển Đông, mà Việt
Nam là kẻ gây khó trước mắt.
Trên bàn làm việc
của các cơ quan tình báo quốc tế, kịch bản về một bãi Tư Chính còn thuộc quyền
Việt Nam, và một bãi Tư Chính vào tay Trung Quốc ắt đã được lập ra, và cục diện
thế giới cũng sẽ thay đổi, dựa vào đó. Từ tháng 5/2019, các thông tin tình báo
và chuyển động trên Biển Đông đã cung cấp cho ông Derek Grossman, nhà phân tích
quốc phòng của Mỹ nhận định rằng sớm muộn gì trong năm nay, Trung Quốc sẽ mở
một cuộc chiến trên biển với Việt Nam về pháp lý, và có thể cả đụng độ nhanh.
Giờ thì điều ấy đã thành sự thật.
Mỹ cũng nhận biết
rõ tính toán này của Trung Quốc nên việc tăng cường các chuyến hải hành tự do,
gọi là FONOP, hay lên giọng chỉ trích trực tiếp và mạnh mẽ Bắc Kinh là điều dễ
hiểu. Tờ The National Interest, số ra
ngày 31/7, của tác giả David Axe, với bài viết có nhan đề “Phi tiễn của Mỹ và Trung Quốc nằm chen cứng trên Biển Đông, ai sẽ
thắng?” (Here's How China and America's Missiles in the
South China Sea Stack Up, who wins?) đã nhận định như vậy. Bên cạnh đó, Trung
Quốc cũng không ngần ngại phô trương việc mang các phi tiễn chống hạm vào Biển
Đông, thử nghiệm hồi đầu tháng 7/2019 như một cách ngầm cảnh báo.
Rõ ràng hơn, Bắc Kinh cũng phô trương trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo rằng hàng loạt các phi
đạn tầm xa có tên DF-26 đã được kéo đến vùng Nội Mông (cách vùng biển Hoàng Sa khoảng
2.000 dặm), hướng vào các lộ trình tự do hải hành của Mỹ. Hoàn Cầu Thời Báo cũng không ngần ngại tuyên bố DF-26 có tầm bắn
đến 2.500 dặm, và sẽ đánh trúng bất kỳ chiến hạm nào của Mỹ trong vài giây.
Kịch bản của việc Trung Quốc muốn cướp bãi Tư Chính là
gì? Các nhà phân tích phỏng đoán rằng sau khi tạo các bước gây căng thẳng lên
cao, các tàu cá – mà thực tế là các tàu dân quân biển sẽ được đưa ra hàng đầu
để tiến vào mục tiêu, sau đó, tạo ra một tình huống bị phía Việt Nam ngăn chận,
đánh chìm… dẫn đến cuộc gia tốc và can thiệp của hàng chục tàu cảnh sát biển vũ
trang Trung Quốc “bảo vệ tàu cá vô tội”.
Bãi Tư Chính có thể có một cuộc đổ bộ thần tốc của Trung Quốc, không khác gì
trường hợp đảo Gạc Ma. Sau khi cắm cờ, Bắc Kinh có thể ung dung đối phó với
Việt Nam – một quốc gia mắc cạn với chiến sách “ba không” của mình, tức 1/ Không
tham gia các liên minh quân sự. 2/ Không đi theo bất kỳ nước nào để chống lại
một nước khác. 3/ Không có căn cứ quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam.
Việt Nam, trong
cách thức “đấu tranh” của mình, đang chuyển hướng bố cáo dần các sự việc với
các quốc gia để tạo áp lực quốc tế. Gần đây nhất, là Hà Nội đã chuyển sự kiện
cho New Delhi – cũng là một cách thăm dò phản ứng Bắc Kinh. Sau Ấn Độ, có thể
sẽ có thông tin thêm, rộng hơn, phản đối tăng cấp độ. Nhưng đó cũng là một con
dao hai lưỡi vì Bắc Kinh sẽ đẩy nhanh tốc độ lấn chiếm, trước khi mọi chuyện
bùng phát ở tầm quốc tế hơn là giữa một vài nước.
Có nhiều hy vọng
từ đám đông bàn tán trên các trang mạng Việt Nam, là Mỹ sẽ can thiệp cho Việt
Nam. Nhưng đó là một khả năng rất thấp. Bởi câu chuyện bãi Tư Chính đang trở
thành chuyện riêng của anh em nhà Cộng sản – đặc biệt khi Nga vẫn phớt lờ khi
công ty khai thác dầu khí Rosneft của họ bị uy hiếp. Và quan trọng nhất, Mỹ sẽ
không có tư cách gì can thiệp cho Việt Nam, khi các cơ hội về một liên minh hợp
tác quốc phòng luôn bị Hà Nội né tránh. Hãy nhìn vào Hồng Kông, nếu có sốt ruột
trước phong trào đòi dân chủ ở đó, Mỹ cũng không thể làm gì hơn là chỉ trích.
Việt Nam cũng
vậy, đặc biệt, mọi chuyện có vẻ như thuận buồm xuôi gió cho Trung Quốc, khi người
đứng đầu tối cao của đảng-nhà nước Việt Nam là Nguyễn Phú Trọng chỉ nói chuyện
tham nhũng, mà không cất một tiếng nào về an nguy quốc gia, dù gần một tháng bị
uy hiếp và xâm lấn.
Bãi Tư Chính có
thể sẽ mất như Gạc Ma. Và sau đó, người dân Việt Nam sẽ rồi chỉ còn nghe lời
tuyên bố dữ dội của một quan chức cấp cao rằng chuyện đòi lại Hoàng Sa, Gạc Ma,
Tư Chính là điều của thế hệ con cháu phải làm.
TUẤN KHANH
01.08.2019
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.