lundi 26 août 2019

Ngô Nhân Dụng – Trump & Tập leo thang

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang lên một cao điểm. Đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ gọi chủ tịch Trung Quốc là một “thù địch.” Trong hình, người dân Bắc Kinh, Trung Quốc, đi mua sắm. (Hình: Greg Baker/AFP/Getty Images)

(Người Việt 23/08/2019) Hai ông Donald Trump và Tập Cận Bình đang tấn công nhau tới tấp và không ai biết bao giờ họ có thể gỡ ra. Ông Trump đánh theo lối boxing, quyền Anh, trong khi ông Tập đánh võ Thiếu Lâm, nhẩn nha trả đũa từng đòn một. Bên nóng, bên lạnh.

Thị trường chứng khoán, một mối quan tâm lớn của ông Trump, cho thấy hai lối đánh võ gây hậu quả khác nhau.

Buổi sáng, sau khi nghe tin Bắc Kinh sẽ đánh thuế quan từ 5% đến 10% trên 5,078 món nhập cảng từ Mỹ trong hai đợt, đầu Tháng Chín và giữa Tháng Mười Hai, chỉ số S&P 500 tụt gần 40 điểm. Giới đầu tư không phản ứng mạnh vì họ đã chờ đợi Trung Cộng thế nào cũng trả đòn trước khi suất thuế của Tổng Thống Trump đánh trên $300 tỉ hàng có hiệu lực trong một tuần lễ nữa (con số $300 tỉ đã được ông Trump bớt xuống chỉ còn khoảng $130 tỉ).

Sau đó ba tiếng đồng hồ, S&P 500 lại leo lên được gần 30 điểm sau khi ông Chủ Tịch Quỹ Dự Trữ Liên Bang Jerome Powell báo hiệu Ngân Hàng Trung Ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất trong vài tuần nữa.

Nhưng khi tổng thống Mỹ tung đòn ra thì thị trường choáng váng. Chỉ số Dow Jones tụt 623 điểm, S&P 500 mất 2% và thị trường Nasdaq cũng mất 3%.

Cú đấm mới của Tổng Thống Trump rất nặng. Từ Tháng Mười năm ngoái ông đã đánh thuế quan 25% trên $250 tỉ hàng Trung Quốc, nay sẽ tăng suất thuế lên thành 30%. Mẻ thứ hai, $300 tỉ sẽ áp dụng từ đầu Tháng Chín sẽ tăng từ 10% lên 15%.

Chưa hết, Tổng Thống Trump còn “tuýt” rằng ông “ra lệnh” các công ty Mỹ tìm cách rút ra khỏi nước Tàu, đi nơi khác làm ăn, có thể đem VỀ NHÀ. Lối nói “Các công ty Mỹ vĩ đại của chúng ta nay được lệnh lâp tức bắt đầu …” (Our great American companies are hereby ordered to immediately start…) đúng là khẩu khí của một vị tổng tư lệnh!

Nghị Sĩ Lindsey Graham (Cộng Hòa, South Carolina), người luôn luôn ủng hộ Tổng Thống Trump phải cải chính, “Ông ấy không thể ra lệnh (cho các công ty Mỹ), ông ấy biết như vậy.”

Tổng Thống Trump giải thích trong thông điệp Twitter: “Chúng ta không cần Trung Quốc, nói thật, không có họ thì tốt hơn!” Nhưng nhiều công ty Mỹ đã tìm cách rút chân ra khỏi nước Tàu nhưng bị kẹt.

Như công ty Apple chẳng hạn. Công ty này mang đồ qua Tàu ráp trễ nhất, sau các công ty điện tử Dell, Hewlett-Packard và Samsung. Nay nhà máy chế tạo iPhone ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, dùng 350,000 công nhân lãnh lương trung bình dưới $2 một giờ; sản xuất 500,000 iPhone mỗi ngày, người dân bổn xứ gọi Trịnh Châu là “iPhone City.”

Nhưng nhà máy rộng gần 6 cây số vuông này thuộc quyền sở hữu của một công ty Đài Loan, Foxconn. Một chiếc iPhone cần những bộ phận từ hơn 200 nhà cung cấp rải rách khắp thế giới, mà công ty Foxconn phải thiết lập mạng lưới tiếp liệu.

Trước đây các máy điện tử ráp trong nước Tàu phải “xuất cảng” qua Hồng Kông, đi một vòng chữ U nếu được “nhập cảng” về bán trong nước Tàu. Bây giờ, các máy iPhone ra lò được Foxconn ký giấy bán ngay cho Apple, để từ đó Apple phân phối cho các công ty con khắp thế giới. Chính phủ Trung Cộng đặt ngay bàn giấy thu quan thuế (hải quan) ngay bên cạnh nhà máy, đóng một dấu “xuất cảng” rồi lại đóng dấu “nhập cảng” cho những chiếc điện thoại được giữ lại để bán trong nước Tàu. Các iPhone mất ba ngày để được chuyển tới cửa hàng bán lẻ tại San Francisco; nhưng cũng mất hai ngày mới ra mắt khách ở Thượng Hải. Một chiếc iPhone 7 với 32-gigabyte bán ở New York giá $649 còn giá ở Thượng Hải lên tới $776.

Các công ty Mỹ như Apple sẽ rút ra khỏi Trung Quốc khi nào các nhà sản xuất của họ như Foxconn thiết lập được những nhà máy mới ở nước khác, đặt được mạnh lưới tiếp liệu từ mấy trăm nguồn khác nhau, và khó nhất là tuyển mộ được các công nhân thiện nghệ làm với đồng lương rẻ. Nhưng họ sẽ phải tính toán lời lỗ. Nếu cứ làm ở bên Tàu, chịu đóng thuế quan, nhưng vẫn rẻ hơn ở nước khác kể cả chi phí đầu tư vào các cơ xưởng mới và huấn luyện nhân viên, thì họ sẽ không rút đi.

Một nhà máy ráp ở Trung Quốc có thể chuyển các bộ phận từ những nhà cung cấp ở gần ngay trong một vùng. Đưa qua nước khác, nhất là các nước chưa mở mang, mạng lưới tiếp liệu sẽ rộng và xa nhau hơn, thêm một chi phí đáng kể !

Báo Wall Street Journal ngày 21 Tháng Tám mới kể chuyện các công ty Trung Quốc làm điện thoại smart phone, làm thang bằng nhôm, làm bàn ăn hoặc máy hút bụi muốn chuyển cơ xưởng sang Việt Nam để tránh thuế quan của ông Trump đã gặp đủ các thứ khó khăn. Công ty Omnidex chế tạo máy bơm cần 80 bộ phận nhưng chỉ làm được 20 ở Việt Nam. Làm ăn ở Việt Nam còn kẹt vì hệ thống giao thông, bến cảng, phi trường vẫn còn lạc hậu so với xứ khác. Ngay cả việc đem việc sản xuất về Ấn Độ hay Mexico cũng gặp các vấn đề tương tự.

Tổng Thống Trump có thể ra lệnh, nhưng các xí nghiệp tư bản không có thói quên nghe lệnh chính quyền. Thực ra, ông Myron Brilliant, đứng đầu phân bộ quốc tế của U.S. Chamber of Commerce, Phòng Thương Mại Hoa Kỳ, nói, “Tổng thống không nắm quyền ra lệnh các công ty phải làm gì.”

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang lên một cao điểm mà không ai có thể đoán sẽ đi tới đâu. Đây là lần đầu tiên tổng thống Mỹ gọi chủ tịch Trung Quốc là một “thù địch” khi ông so sánh Chủ Tịch Fed Jerome Powell và Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình “không biết ai là ‘kẻ thù lớn hơn’” (the bigger enemy). Từ lâu nay ông Trump vẫn gọi ông Tập là “bạn” kèm theo những lời khen ngợi.

Ngày Thứ Sáu, 23 Tháng Tám, cố vấn thương mại của Tòa Bạch Ốc Peter Navarro vẫn lạc quan nói rằng cuộc hẹn hò tái ngộ hai nước vẫn giữ nguyên, vào Tháng Chín. Nhưng Bắc Kinh có thể coi chữ “kẻ thù” là một thông điệp chính thức có tính cách đe dọa, không thể bỏ qua được. Ông Tập Cận Bình không phải là người duy nhất nắm quyền quyết định chính sách kinh tế và ngoại thương. Bộ Chính Trị Trung Cộng có thể yêu cầu họ Tập cứng rắn hơn.

Trong khi đó, các doanh nhân Hoa Kỳ phải lên tiếng kêu gọi Tổng Thống Trump giải quyết với Trung Quốc càng nhanh càng tốt. Vì cuộc chiến tranh thương mại này sẽ làm kinh tế thế giới sa sút hơn, sẽ ảnh hưởng tới người tiêu thụ và các xí nghiệp ở Mỹ.

NGÔ NHÂN DỤNG

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.