Ảnh minh họa: Một chiến đấu cơ F/A-18 chuẩn bị cất cánh từ hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan tại Biển Đông, ngày 30/09/2017. |
Những đám mây đen tiếp tục đè nặng lên chân trời
Biển Đông, do những hành động khiêu khích của Trung Quốc tại các địa
điểm khai thác dầu khí. Cùng với việc đàn áp người biểu tình Hồng Kông
gần đây, nhiều nhà quan sát đã phải thốt lên câu dự báo thời tiết vốn
dành cho người đi biển : « Ráng đỏ vào lúc bình minh, cần cảnh giác ! »
Tháng
trước, trong hội nghị về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược
Quốc tế (CSIS) tổ chức, một số đại biểu đã gây chú ý khi nhấn mạnh vì
sao cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, cần phải lên tiếng về việc
Trung Quốc xâm phạm khu vực khai thác dầu khí nằm trong vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam.
Chuyên gia Bonnie Glaser, giám đốc chương trình China Power, tuyên bố : «
Nếu không đáp trả đối với các vụ vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về
Luật Biển (UNCLOS), thì điều này chứng tỏ Bắc Kinh có thể vi phạm luật
quốc tế mà không hề bị trừng phạt ».
Nhà báo độc lập James
Borton trên trang Geopoliticalmonitor.com nhận định, Trung Quốc đã vi
phạm UNCLOS, làm ngơ trước phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực
La Haye cách đây ba năm. Bắc Kinh còn xây lên các đảo nhân tạo với tốc
độ điên cuồng, chưa nói đến việc quân sự hóa quần đảo Trường Sa, ngang
nhiên ban hành lệnh cấm đánh cá, liên tục hủy hoại sinh thái nơi các rạn
san hô. Rõ ràng có một thực tế đau lòng : hồi kết của trò chơi này là
Bắc Kinh hoàn toàn kiểm soát Biển Đông.
Trên bề mặt, các nhà hoạch
định chính sách Mỹ chứng kiến một trận cuồng phong địa chính trị, giống
như một cơn bão tố di chuyển rất nhanh, trải dài trên khắp Biển Đông.
Các biện pháp ngoại giao mềm dẻo do Việt Nam và Trung Quốc cùng thực
hiện hồi đầu năm, trong đó có việc tuần duyên của đôi bên cùng tuần tra
chung trên Vịnh Bắc bộ, hay hai chiến hạm của Việt Nam tham gia một cuộc
biểu dương lực lượng trên biển nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập hải
quân Trung Quốc, nay đã bị lu mờ trước tham vọng của Bắc Kinh và yêu
sách về nguồn lợi dầu khí ở Biển Đông, đi kèm với vũ lực.
Tác
giả phàn nàn, trong khi Trung Quốc tiếp tục phản đối các hoạt động hợp
pháp của Hải quân Hoa Kỳ nhằm bảo vệ quyền tự do hàng hải trên Biển
Đông, thì Nhà Trắng lại có quan điểm ôn hòa trước các hành động quấy
nhiễu của Bắc Kinh.
Bất kể có bao nhiêu ngư dân Việt Nam hay
Philippines đã thiệt mạng trên biển khơi, do dân quân biển Trung Quốc
tấn công vào những chiếc tàu đánh cá truyền thống của họ, Washington
chừng như vẫn không quan tâm, một khi không đụng đến lợi ích quốc gia
của Mỹ.
Thế nên đương nhiên là dự luật trừng phạt về Biển Đông và
Biển Hoa Đông do hai thượng nghị sĩ Marco Rubio (Cộng Hòa) và Ben
Cardin (Dân Chủ) chủ trì, đã không được thông qua ở Ủy ban Đối ngoại và
hiện nay vẫn còn nằm tại Thượng Viện. Dự luật lưỡng đảng này nhằm trừng
phạt chế độ Bắc Kinh do những hành động phi pháp của họ, khi yêu sách
chủ quyền ở vùng biển xa tắp so với đất liền của Trung Quốc.
Chắc
chắn là Trung Quốc cần phải là một bên liên quan có trách nhiệm trong
khu vực tranh chấp, nhưng Mỹ cũng thế. Một chiếc tàu thăm dò địa chất
của Trung Quốc xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, gây ra cuộc
đối đầu kéo dài cả tháng qua, đã rời đi vào ngày 7/8, nhưng nay lại tái
xuất hiện trong vùng biển Việt Nam.
Tàu Trung Quốc dày đặc tại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam ngày 13/08/2019. |
Lời đáp của Mỹ trên Biển Đông
Nhà
báo James Borton đặt vấn đề, Biển Đông không phải là nhân tố trung tâm
mang tính chiến lược trong tổng thể quan hệ Mỹ-Trung, mà xung đột nằm ở
chỗ mất cân bằng thương mại và đánh cắp sở hữu trí tuệ. Nhưng còn liên
minh quốc phòng với Philippines và việc hỗ trợ cho yêu sách chủ quyền
của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa thì sao ?
Kori Schake, phó giám đốc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, viết trên tạp chí Foreign Affairs : « Hoa Kỳ né tránh thách thức bằng cách đặt lại vấn đề quan hệ liên minh ».
Về sự kiện tại bãi Tư Chính, cho dù không đứng về phía một quốc gia ven biển nào, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ vẫn nhấn mạnh rằng : «
Các hành động khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung Quốc nhắm vào việc
khai thác dầu khí trên biển đe dọa an ninh năng lượng của khu vực, làm
phương hại đến thị trường năng lượng của một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do
và rộng mở ».
Việt Nam, một đối tác của Mỹ, cần nhắc nhở
Washington là áp lực của Bắc Kinh đã khiến Hà Nội phải ngưng một dự án
khí đốt hợp tác với công ty Repsol của Tây Ban Nha, ngay trong vùng đặc
quyền kinh tế của Việt Nam. Hiện nay việc Trung Quốc hà hiếp Việt Nam và
các nước đòi hỏi chủ quyền khác vẫn chưa thấy có dấu hiệu giảm bớt.
Khi
Việt Nam đảm nhiệm vai trò chủ tịch luân phiên ASEAN vào năm 2020, có
lẽ các nhà hoạch định chính sách Mỹ cần nghĩ đến việc thành lập một đội
ngũ về chính sách khai thác đại dương cùng với ASEAN và Trung Quốc, để
lập ra một khu vực chung (JDA) tại quần đảo Trường Sa nhằm khai thác tài
nguyên.
Trong khi Hải quân Mỹ đưa chiến hạm tiếp tục các chuyến
tuần tra vì tự do hàng hải (FONOP), chính quyền Trump vẫn duy trì sự
trung lập trong tất cả các tranh chấp lãnh thổ. Theo tác giả bài viết,
Washington cần đóng vai trò giúp ổn định Biển Đông, do Trung Quốc luôn
tìm cách áp đặt độc quyền kiểm soát tại khu vực và xa hơn nữa. Một số
thành viên của Ủy ban Đối ngoại nhìn nhận là nếu không hành động gì,
Trung Quốc sẽ hoàn tất việc thống trị về quân sự và chính trị trong khu
vực.
Ông Anders Corr, thuộc Corr Analytics tin rằng tình hình hiện
nay trên Biển Đông là cơ hội tuyệt vời cho Washington để bảo vệ nguyên
tắc liên quan đến vùng đặc quyền kinh tế, kéo Việt Nam ra xa khỏi Trung
Quốc và xích lại gần Hoa Kỳ hơn, từ chối cho Trung Quốc tiếp cận nguồn
dầu khí.
Các mỏ dầu khí rất quan trọng đối với Việt Nam vì cung
cấp đến 10% nhu cầu năng lượng, và Hà Nội nhận ra rằng nếu Rosneft rút
lui, thì Exxon cũng có thể hành động tương tự đối với dự án Cá Voi Xanh.
Theo
nhà sinh thái Garrett Hardin, khi các quốc gia khai thác nguồn lợi
chung một cách thái quá khiến cung vượt cầu, làm cho một số hay tất cả
những nước khác không còn có thể thụ hưởng nguồn lợi thiên nhiên này,
thì đó sẽ là bi kịch. Kịch bản này có thể sắp diễn ra ở Bắc Cực, và đó
là lý do vì sao Hoa Kỳ được thúc giục phê chuẩn UNCLOS càng sớm càng
tốt, dù muộn còn hơn không.
Trước việc vùng Bắc Cực ngày càng được
mở rộng cho phát triển kinh tế và quân sự, theo ông Joe Courtney, chủ
tịch tiểu ban Hải lực và Lực lượng can thiệp trực, thuộc Ủy ban Quân vụ
Hạ Viện, « Hoa Kỳ không còn nhiều thì giờ để mất, nếu muốn đề cập
đến các thảo luận trong tương lai một cách danh chính ngôn thuận, trên
cơ sở đã phê chuẩn Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển ».
Trong
lúc Nhà Trắng hiện nay còn vô số vấn đề phải giải quyết, đây là cơ hội
để đào sâu mối quan hệ Mỹ-Trung. Thời gian qua chính quyền Trump có
những tuyên bố rất cứng rắn, nhưng hành động thì lại không tương xứng.
Các chuyên gia về chính trị chỉ trích Washington, cho rằng không nên
loan báo các chính sách có ảnh hưởng đến uy tín, mà lại không sẵn sàng
đảm bảo.
Tác giả James Borton kết luận, động thái khởi đầu tốt
nhất là Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn UNCLOS, và thông qua dự luật trừng
phạt về Biển Đông.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.