mercredi 21 août 2019

Hồng Kông, thất bại cay đắng của Tập Cận Bình



Biểu tình chống Trung Quốc tại Nguyên Lãng, Hồng Kông ngày 21/08/2019, nơi bọn xã hội đen từng đánh đập tàn bạo bất kỳ ai có mặt.

(Frédéric Lemaître, LeMonde 20/08/2019) Các cuộc biểu tình diễn ra đến nay đã hơn hai tháng tại Hồng Kông, là thất bại đầu tiên nặng nề nhất của Tập Cận Bình kể từ khi lên cầm quyền năm 2012.

Khó thể buộc chủ tịch Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh thương mại do ông Donald Trump khởi động, vì nhiều lý do. Ngược lại, Bắc Kinh rõ ràng phải chịu trách nhiệm về những sự kiện ở lãnh thổ bán tự trị.

Trong Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 10/2017, Tập Cận Bình từng nói rất rõ : « Sau khi Hồng Kông và Macao trở về với tổ quốc, việc thực hiện nguyên tắc ‘Một đất nước, hai chế độ’ là một thành công lớn được thế giới công nhận. Thực tế chứng tỏ nguyên tắc này là giải pháp tốt nhất để giải quyết vấn đề Hồng Kông và Macao do lịch sử để lại, và cũng là chế độ tốt nhất để duy trì sự thịnh vượng, ổn định lâu dài. Trong mục đích đó, cần phải áp dụng toàn bộ, chính xác nguyên tắc ‘Một đất nước, hai chế độ’, người Hồng Kông lãnh đạo Hồng Kông, người Macao quản lý Macao, với mức độ tự trị cao ».

Tuy nhiên chưa đầy hai năm sau, cũng chính vì cảm thấy nguyên tắc trên đây không được tôn trọng mà người Hồng Kông đã nổi lên chống lại Bắc Kinh. Vì đâu nên nỗi ?

Có thể thấy rõ là cả Tập Cận Bình lẫn các đại diện của ông ta ở Hồng Kông đều không có khả năng nhận ra các dấu hiệu báo trước khủng hoảng. Hồi tháng Ba, phó thủ tướng Hàn Chính (Han Zheng) tỏ ra phấn khởi : « Không khí chính trị ở Hồng Kông thay đổi theo hướng tốt đẹp hơn ». Giải mã : Năm tháng trôi qua, kỷ niệm về cuộc « Cách mạng Dù » năm 2014 dần phai nhạt.

Nhưng thực tế thì ngược hẳn lại. Sự bất bình, phẫn nộ của người Hồng Kông đối với chính quyền chỉ có tăng lên mà thôi. Không những Trung Quốc của Tập Cận Bình không cho phép họ phổ thông đầu phiếu, mà còn gặm nhấm những quyền tự do của họ khi nào có thể. Bắc Kinh không ngần ngại dùng thủ đoạn để loại các dân biểu đối lập đã đắc cử, bắt cóc những người Hồng Kông mà sau đó người ta thấy họ ở trong nhà tù Hoa lục, trục xuất một nhà báo Anh chỉ vì ông này chủ tọa một cuộc họp báo cùng với thủ lãnh một đảng đòi độc lập.

Trước một chính quyền Trung Quốc thủ tiêu tự do và chính quyền đặc khu ít bảo vệ lợi ích người dân hơn là thi hành mệnh lệnh của Bắc Kinh, thì chỉ cần một tia lửa nhỏ để sự phẫn nộ bùng nổ.

Một sai lầm trong sai lầm

Đó là một dự luật được đưa ra vội vã – một cái sai trong cái sai – cho phép dẫn độ không chỉ người Hồng Kông mà cả người ngoại quốc sang Hoa lục. Đối với người Hồng Kông, dự luật này thay đổi cả gốc rễ của bản sắc thành phố: tôn trọng Nhà nước pháp quyền – “rule of law” của Anh mà họ vô cùng gắn bó. Dưới mắt người dân, đây là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh không muốn chờ đợi đến năm 2047, như trong diễn văn của Tập Cận Bình, để áp đặt luật lệ của Trung Quốc, chấm dứt nguyên tắc « Một đất nước, hai chế độ ».

Cuộc khủng hoảng này được xử lý bằng một loạt những quyết định phi lý. Do không có được bất kỳ nhượng bộ nào dù gần một phần ba dân số đã xuống đường, phong trào phản kháng đã biến hẳn thành chống Trung Quốc. Và yêu sách phổ thông đầu phiếu, vốn không có trong những cuộc biểu tình đầu tiên hồi tháng Sáu, nay trở thành một trong năm yêu sách chính. Kết quả là một dự luật không quan trọng mấy, có lẽ là do một nhúm thư lại cận thị soạn thảo, trong hai tháng đã biến thành một cuộc khủng hoảng lớn cho cường quốc thứ nhì thế giới.

Chưa hết. Sau một tháng co cụm, Bắc Kinh bắt đầu trả đũa từ hôm 5/8. Ủng hộ trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam), kêu gọi các doanh nhân, những người « ái quốc » và chính khách địa phương đứng vào hàng ngũ, bật đèn xanh cho cảnh sát sử dụng bạo lực ngày càng nhiều, khởi tố, đe dọa các doanh nghiệp và cá nhân Hồng Kông tham gia hoặc thậm chí chỉ ủng hộ các cuộc biểu tình chống Trung Quốc.

Ngoài ra còn tuyên truyền rộng rãi về biểu tình Hồng Kông mà từ trước đến giờ tránh nhắc đến. Truyền thông Trung Quốc thậm chí còn tung ra những tin vịt kiểu Russia Today. Nhất là không bao giờ có thể để cho người dân Hoa lục bắt chước theo người Hồng Kông. Thế nên báo chí Trung Quốc nhấn mạnh đến bạo động – thực ra chỉ là một thiểu số rất nhỏ, gán cho người Hồng Kông ý định ly khai, và phía sau là các « thế lực thù địch » nước ngoài.

Ông Donald Trump chẳng hiểu gì, lại đi gọi người biểu tình là « nổi dậy », nhưng không có gì quan trọng. Nếu kiểu tuyên truyền trên đây chừng như có hiệu quả với dân Hoa lục, thì chỉ làm tăng thêm sự phẫn nộ nơi người Hồng Kông đối với Trung Quốc. Không chỉ có hố ngăn cách giữa Bắc Kinh với Hồng Kông đang rộng lớn hơn bao giờ hết, mà còn không ngừng được đào sâu thêm trong những tuần lễ gần đây.

Trong khi ông Tập Cận Bình khẳng định muốn « xây dựng một cộng đồng cùng chung vận mệnh cho nhân loại », thì cuộc khủng hoảng Hồng Kông, ngược lại, đã chứng tỏ ông là một nhà lãnh đạo bất lực trong việc xây dựng một cộng đồng cùng chung vận mệnh cho chính những người Hoa với nhau.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.