Vài thông tin
dưới đây có thể giúp mang lại cái nhìn sơ lược về diễn biến tại Biển Đông,
trong bối cảnh Việt Nam bị kẹp giữa hai siêu cường…
Phát biểu tại hội
nghị thượng đỉnh an ninh châu Á “Đối thoại Shangri-La” tại Singapore ngày 1-6-2019,
quyền Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Patrick Shanahan nói rằng Washington sẽ không
giữ thái độ “nhón gót” (“tiptoe”) trước những động thái quân sự hóa khu vực Biển
Đông của Trung Quốc. Ngay sau phát biểu của Patrick Shanahan, Bộ Quốc phòng Hoa
Kỳ tung ra “Báo cáo chiến lược Ấn-Thái Bình Dương” với những chi tiết cáo buộc
Bắc Kinh tìm cách xây dựng chủ nghĩa bá quyền khu vực Ấn-Thái Bình Dương ở thời
điểm trước mắt và lấn lướt toàn cầu về lâu dài.
Thuật ngữ
“Ấn-Thái Bình Dương” (“Indo-Pacific”) được Nhật sử dụng trong ngôn ngữ ngoại
giao cách đây một thập niên nhưng chỉ nổi bật gần đây khi nó được sử dụng để
thay thế thuật ngữ “Châu Á-Thái Bình Dương” (“Asia-Pacific”) nhằm nhấn mạnh yếu
tố bao phủ về mặt địa chính trị. Gần như cùng thời điểm với “Báo cáo chiến lược
Ấn-Thái Bình Dương”, Mỹ loan bố bán 34 máy bay do thám không người lái
ScanEagle (Boeing sản xuất) cho Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam
với tổng trị giá 47 triệu USD. “Đơn hàng” không chỉ máy bay mà còn bao gồm phụ
tùng, thiết bị hỗ trợ và dịch vụ huấn luyện lẫn kỹ thuật (12 chiếc cho
Malaysia, 8 cho Indonesia, 8 cho Philippines và 6 cho Việt Nam).
Đây không phải
lần đầu Mỹ nhắc đến khái niệm “Ấn-Thái Bình Dương”. Tháng 1-2018, Washington
công bố “Chiến lược Quốc phòng Hoa Kỳ”, trong đó Trung Quốc được gọi là “đối thủ chiến lược” và Mỹ kêu gọi sự
cần thiết phải có một “Ấn-Thái Bình Dương
mở và tự do”. Tháng 7-2018, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tuyên bố chương trình tài
trợ mới trị giá 113 triệu USD để mở rộng hợp tác kinh tế tại khu vực Ấn-Thái
Bình Dương; và tiếp đó, tháng 9-2018, Mỹ cam kết tham gia cơ quan hỗ trợ kỹ
thuật và nghiên cứu về các vấn đề hạ tầng khu vực Thái Bình Dương (“Pacific
Regional Infrastructure Facility”) nhằm liên kết sâu rộng, hơn là chỉ đóng góp
hơn 350 triệu USD/năm cho các nước trong vùng.
Quốc hội Hoa Kỳ
còn tung ra Đạo luật BUILD (Better Utilization of Investments Leading to
Development) nhằm cho ra đời một cơ quan với ngân sách 60 tỉ USD với mục đích
thúc đẩy phát triển doanh nghiệp tư nhằm tạo ra đối trọng trước chiêu bài “Nhất
đới-Nhất lộ” của Trung Quốc. Chưa hết, Quốc hội Mỹ còn đưa ra dự luật “Sáng
kiến cam kết châu Á” (Asia Reassurance Initiative Act) được lưỡng đảng ủng hộ
(chưa được thông qua) nhằm phân phối hơn 7,5 tỉ USD trong 5 năm tới cho các
nước trong vùng.
Các đồng minh Mỹ
cũng có những chuyển động mới. Nhật cam kết đầu tư 200 tỉ USD vào hạ tầng Đông
Nam Á. New Zealand tuyên bố tăng ngân sách cho các vấn đề ngoại giao lên 498
triệu USD trong 4 năm tới để hỗ trợ các vấn đề phát triển tại các nước nghèo
hơn trong khu vực; đồng thời chi 1,6 tỉ USD để mua máy bay do thám P-8A
Poseidon. Tương tự, Úc cũng “mở ra một chương mới cho quan hệ với các nước Thái
Bình Dương” bằng cách “trở lại Thái Bình Dương nơi Úc phải hiện diện – ngay
trước cửa và ngay trung tâm của tầm nhìn chiến lược nước Úc”. Chính phủ Úc cam
kết chi 1,4 tỉ USD cho các dự án hạ tầng khu vực, 719 triệu USD cho hoạt động
doanh nghiệp Úc tại Thái Bình Dương; đồng thời tăng cường hiện diện quân sự
cũng như hợp tác quốc phòng với các đảo quốc Cook Islands, French Polynesia,
Marshall Islands, Niue, Palau…
Cần nhắc lại, năm
2018, Úc bắt đầu tăng tần suất tuần dương Biển Đông, trong khuôn khổ “tự do
hàng hải”. Ngày 28-11-2018, Phó Đô đốc Michael Noonan, tư lệnh Hải quân Hoàng
gia Úc, phát biểu tại diễn đàn Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) rằng
hải quân Úc sẽ “thường xuyên đi ngang
Trường Sa và eo biển Đài Loan”. Tháng 6-2018, một nhóm tác chiến hải quân
Pháp có mặt trên trực thăng và tàu chiến Anh đi vào Biển Đông. Họ không đi vào
vùng lãnh hải 12 hải lý quanh các đảo tranh chấp mà Trung Quốc tuyên xưng chủ
quyền nhưng sự hiện diện của họ hẳn nhiên là một thông điệp nhiều ý nghĩa (tại
Đối thoại Shangri-La 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly còn “tiết
lộ” rằng trên tàu chiến Pháp còn có một số nhà quan sát Đức).
Hai tháng sau
(8-2018), Anh còn làm Bắc Kinh “ngứa mắt” khi cho chiến hạm HMS Albion đi ngang
quần đảo Hoàng Sa. Đây là lần đầu tiên một tàu hải quân không thuộc Mỹ công
khai biểu thị “tự do hàng hải” trong vùng biển “chủ quyền” của Trung Quốc. Và
vào ngày 31-8-2018, thời điểm mà HMS Albion thực thi “hành động khiêu khích”
Trung Quốc, Hải quân Hoa Kỳ và Nhật lại tập trận chung tại Biển Đông. Chưa hết,
tháng 9-2018, Nhật thực hiện cuộc tập trận chống tàu ngầm tại Biển Đông, với sự
tham gia ba khu trục hạm và một tàu ngầm. Đây là cuộc diễn tập tiềm thủy đỉnh
đầu tiên của Nhật tại khu vực biển tranh chấp.
Với Trung Quốc,
chỉ trong vài năm, nước này đã biến khu vực đảo tranh chấp không chỉ thành
“nhà” mà còn là căn cứ quân sự. Cách đây một năm, tháng 5-2018, Reuters cho
biết đảo đá Subi, cách bờ biển Trung Quốc đến 1.200 km, đã biến thành căn cứ
quân sự khổng lồ với gần 400 cấu trúc nhà ở. Có thể trở thành nơi ở cho hàng
trăm thủy quân lục chiến hoặc thậm chí 1.500-2.000 lính, Subi là đảo bồi đắp cải
tạo lớn nhất trong 7 căn cứ nhân tạo thuộc quần đảo Trường Sa. Cả ba căn cứ
Subi, Mischief (Vành Khăn) và Fiery Cross (Chữ Thập) đều có hạ tầng tương tự:
bệ phóng hỏa tiễn, phi đạo 3 km, kho hàng, hệ thống thiết bị theo dõi vệ tinh
và truyền thông. Vành Khăn và Chữ Thập đều có gần 190 căn nhà. Ngoài ra, Trung
Quốc còn dồn mạnh vào việc bồi đắp và xây dựng căn cứ tại đảo Phú Lâm (Woody
Island) thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Theo Trung tâm
nghiên cứu chiến lược quốc tế, tính đến tháng 5-2019, Trung Quốc đã bồi đắp
1.294 hecta “đất” trên các đảo thuộc Trường Sa kể từ năm 2013. Báo cáo Bộ Quốc
phòng Hoa Kỳ đầu tháng 5-2019 nói rõ thêm, Trung Quốc đã đặt hệ thống hỏa tiễn
diệt hạm và hỏa tiễn đất-đối-không tầm xa trên các căn cứ ở Trường Sa. Ấy vậy,
tháng 9-2015, đứng cạnh Tổng thống Barack Obama tại Vườn Hồng (Tòa Bạch Ốc),
Tập Cận Bình “hứa” rằng Trung Quốc cam kết không quân sự hóa các đảo nhân tạo
thuộc Trường Sa.
Đối mặt với chính
sách quân sự hóa Biển Đông của Trung Quốc, hạ tuần tháng 5-2019, thượng nghị sĩ
Cộng hòa Marco Rubio và thượng nghị sĩ Dân chủ Ben Cardin đã tái đề xuất Đạo
luật cấm vận Biển Đông và Biển Hoa Đông (“South China Sea and East China Sea
Sanctions Act ”) với nội dung “áp đặt cấm
vận đối với các cá nhân và thực thể nào tham gia những hoạt động bất hợp pháp
của Bắc Kinh nhằm hung hăng khẳng định các yêu sách bành trướng lãnh hải lẫn
lãnh thổ tại các khu vực tranh chấp”. Dự luật này được đưa ra lần đầu tiên
năm 2017 nhưng không được chú ý đúng mức nay được đề xuất lần nữa, với đồng bảo
trợ của 13 thượng nghị sĩ (7 Cộng hòa và 6 Dân chủ).
Những “thực thể”
được nêu trong Dự luật trên gồm 25 công ty Trung Quốc trong đó có CCCC Dredging
Group (thuộc Công ty xây dựng viễn thông nhà nước Trung Quốc), China Petroleum
Group (Sinopec), China National Offshore Oil Corporation (CNOOC), China Mobile,
China Telecom, China Aerospace Science… Nếu bị cấm vận, các công ty trên sẽ bị
cấm đặt trụ sở tại Mỹ và bị kiểm soát nghiêm nhặt các hoạt động tài chính dính
dáng Mỹ.
Chưa biết dự luật
trên có được thông qua hay không nhưng nhìn tổng thể, có thể thấy việc Trung
Quốc “nhịn” chờ cho đến khi Mỹ có tổng thống mới để tái lập đường lối ngoại
giao “theo sách vở kinh điển” thì e rằng nước Mỹ đã không còn là một nước Mỹ
như cách đây vài năm, bất luận Cộng hòa hay Dân chủ sẽ kiểm soát Nhà Trắng.
Những gì đang xảy ra đã hình thành một sự tái nhận thức đối với cử tri Mỹ đến
nỗi khó có thể có ứng cử viên tổng thống nào tranh cử bằng lá bài hòa hoãn với
Bắc Kinh…
MẠNH KIM06.08.2019
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.