Khoảng 10 năm trở
lại đây, Trung Quốc không phải một lần nói rằng hỏa tiễn tầm xa của họ có thể
diệt được mẫu hạm Mỹ. Điều này, ở thời điểm này, là một ý tưởng bất khả thi.
Có vẻ như sự tồn
tại của ASBM (anti-ship ballistic missile) của Trung Quốc là một thực tế hiển
hiện đến nỗi, trong ấn bản tháng 5-2011 của tờ Proceedings (chuyên san thuộc
Học viện Hải quân Hoa Kỳ), hai chiến lược gia Lầu Năm Góc Henry Hendrix và Noel
Williams viết rằng đã đến lúc Mỹ nên ngừng lập tức việc đóng mới mẫu hạm, bởi
mối đe dọa từ “phản hạm đạo đạn” Trung Quốc khiến thời tung hoành của mẫu hạm
sắp đến hồi cáo chung. Cho đến nay, chưa quân đội nào có khả năng sản xuất được
ASBM, kể cả Mỹ.
Về lý thuyết, một
hệ thống ASBM hoạt động hiệu quả phải đi theo 5 bước:
1/ Có khả năng
phát hiện mục tiêu (ở đây cần được nhấn mạnh là mục tiêu di động - tức mẫu hạm
đối phương); 2/ Có khả năng giám sát liên tục mục tiêu; 3/ Có khả năng thâm
nhập hệ thống phòng thủ của mục tiêu; 4/ Có khả năng tấn công chính xác mục
tiêu; 5/ Có khả năng gây tổn hại nghiêm trọng đối với mục tiêu.
Bất cứ điểm kết
nối nào giữa 5 bước trên bị đứt gãy thì ASBM xem như không hiệu quả. Nói cách
khác, ASBM là một hệ thống của những hệ thống mà theo ngôn ngữ quân sự Mỹ thì
đó là C4ISR (command, control, communications, computers, intelligence,
surveillance, reconnaissance – chỉ huy, kiểm soát, liên lạc, máy tính, tình
báo, giám sát, do thám).
Một cách cơ bản
nhất, bất kỳ cuộc tấn công nào bằng bất kỳ phương cách nào nhằm vào mẫu hạm Mỹ
phải vượt qua loạt hàng rào phòng thủ dày đặc. Như đã biết, hạm đội mẫu hạm Mỹ
không là một chiếc mẫu hạm đơn lẻ. Được đánh giá là pháo đài nổi, luôn cùng đi
với nó là đoàn tàu chiến trang bị hệ thống radar, hỏa tiễn bắn chặn, chiến đấu
cơ và tàu ngầm…, tạo thành một đội hình tác chiến-phòng vệ gần như bất khả xâm
phạm.
Xét riêng đạn đạo
học, một ASBM phải là loại hỏa tiễn hai tầng (tầng một để phóng lên không trung
và tầng hai là đầu đạn bay đâm ngược trở xuống để tấn công mục tiêu). Để lọt
qua được hàng rào phòng không với hiệu quả tác chiến rất cao của hải đội mẫu
hạm Mỹ, đầu đạn ASBM không thể bay theo đường đạn đạo thông thường mà cần được
thiết kế sao cho nó phải bay xoắn trôn ốc, bay xoắn tròn và bay lướt theo đường
bất định (khiến hỏa tiễn bắn chặn Mỹ không thể ngăn chặn được).
Điều này, về kỹ
thuật, có thể khắc phục nếu đầu đạn được bổ sung thêm tầng ba, được kích nổ
nhiều lần để đầu đạn bay đổi hướng và bay “nhảy múa” cho đến khi lọt đến chặng
cuối cùng và tấn công mục tiêu. Tuy nhiên, trong suốt quá trình bay tiệm cận
mục tiêu, đầu đạn ASBM vẫn phải được hướng dẫn dò tìm
mục tiêu bằng radar và vệ tinh hồng ngoại đặt trong quỹ đạo, bởi mục
tiêu trong trường hợp này là di động chứ không tĩnh.
Vấn đề ở chỗ,
việc đầu đạn ASBM bay ngược trở lại tầng khí quyển ở tốc độ cao (2,2-5km/giây)
sẽ cùng lúc tạo ra một tấm khiên plasma bao phủ nó, khiến nó không thể nhận
được tín hiệu điều khiển của radar cũng như hệ thống vệ tinh hồng ngoại, làm
giảm mạnh khả năng tấn công chính xác.
Một trong những
thách thức có thể nói là quan trọng bậc nhất đối với “phản hạm đạo đạn” là hệ
thống định vị mục tiêu di động. Với ASBM, khả năng dò tìm, chụp ảnh, xác định
vị trí chính xác mục tiêu là yếu tố quyết định 80-90% thành công.
Điều này hoàn toàn
dựa vào quỹ đạo của hệ thống vệ tinh cũng như thiết bị cảm ứng mà vệ tinh mang
theo, trong đó có việc tính toán tần suất việc quay trở lại vị trí cũ của vệ
tinh trong quỹ đạo. Ở quỹ đạo thấp, phải cần đến 5-29 ngày để một vệ tinh do
thám Trung Quốc đi ngang trực tiếp vị trí cũ hai lần. Phải mất một thời gian
dài như vậy để “mò” mục tiêu thì yếu tố thời gian tính cho một cuộc tấn công đã
trở nên vô nghĩa!
Còn nữa, vệ tinh
do thám cần phải được trang bị hệ thống radar kính mở tổng hợp (synthetic
aperture radar-SAR), giúp quét ảnh với độ phân giải tốt ở phạm vi rộng. Có thể
cung cấp ảnh ở bất kỳ điều kiện thời tiết hay ánh sáng mặt trời như thế nào,
SAR thậm chí có thể chụp được ảnh đường rẽ nước từ đuôi mẫu hạm. Được hỗ trợ
thiết bị cảm ứng đa phổ, vệ tinh SAR còn có thể thấy được tảo và các loại sinh
vật phát sáng được kích ứng bởi luồng nước gây ra từ hải đội mẫu hạm.
Tuy nhiên, như đã
nói, việc vệ tinh do thám không tĩnh và mục tiêu cũng không tĩnh khiến vấn đề
xác định vị trí mẫu hạm trở nên đặc biệt khó khăn.
Với 22 vệ tinh
thuộc hệ thống “phản hạm đạo đạn” mà Trung Quốc có, thời gian trung bình giữa
các lần quay trở lại vị trí cũ là 45 phút, trong đó có 14 phút vệ tinh bay
ngang qua mục tiêu mỗi ngày, và 9 lần gián đoạn với tổng thời gian hai tiếng
hoặc hơn. Với 9 lần bị “mù” như vậy, làm thế nào mà hệ thống vệ tinh Trung Quốc
có thể giúp định vị và hướng dẫn chính xác đường bay tấn công cho “phản hạm đạo
đạn”?
Cần nhấn mạnh,
cho đến nay, chưa nước nào có khả năng giám sát một mục tiêu liên tục từ không
gian, kể cả trong một cuộc xung đột khu vực. Mỹ từng có kế hoạch xây trạm radar
không gian với hệ thống chụp ảnh toàn cầu hoạt động gần như 24/24 nhưng dự án
này đã đối mặt các bất đồng về ngân sách khiến nó bị hoãn vô thời hạn. Tính đến
năm 2019, Mỹ có tổng cộng 66 vệ tinh LEO (vệ tinh quỹ đạo thấp) chuyên chụp ảnh
phân giải cao, chưa kể vô số vệ tinh do thám quân sự.
Ưu thế của Mỹ đối
với Trung Quốc trong lĩnh vực vệ tinh là họ có thể khai thác kho dữ liệu ảnh vệ
tinh từ nguồn quân sự, dân sự lẫn thương mại và xử lý tổng hợp với tốc độ cực
nhanh. Chỉ trong vòng 5 phút sau khi được chụp từ vệ tinh, một bức ảnh được xử
lý từ Cơ quan tình báo địa không gian quốc gia (National
Geospatial-Intelligence Agency) đã có thể chuyển đến bộ tư lệnh chỉ trong vài
giây.
Xin nhắc lại,
trong chiến dịch tấn công Iraq của quân đội Mỹ năm 2003, thời gian từ lúc nhận
biết mục tiêu (được cung cấp qua vệ tinh) đến lúc phát lệnh tấn công chỉ vỏn
vẹn không tới 15 phút. Điều này có được nhờ sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ
giữa các hệ thống vệ tinh Milstar (Military Strategic and Tactical Relay),
TDRSS (Tracking and Data Relay Satellite System) và NAVSTAR (hệ thống vệ tinh
định vị toàn cầu của không quân Mỹ).
Để có thể hoàn
thiện một chiến dịch tấn công bằng ASBM, Trung Quốc phải có một dự án cỡ
Discoverer II của Mỹ, trong đó hệ thống (được đề xuất) gồm 24 vệ tinh được
trang bị SAR lẫn Thiết bị hướng dẫn mục tiêu di động mặt đất (Ground Moving
Target Indicator – dùng xung động Doppler để xác định mục tiêu di động trên
phạm vi quan sát rộng, đặc biệt hữu dụng đối với thăm dò hải trình).
Tuy nhiên,
Discoverer II tỏ ra tốn kém (từ 25-90 tỉ USD – theo ước tính của Cơ quan ngân
sách Quốc hội Mỹ) đến mức đến nay dự án này vẫn nằm trên bàn giấy.
Cuối cùng, cũng
cần nhấn mạnh thêm một khả năng rất thực rằng, một khi chiến tranh (Mỹ-Trung)
nổ ra, liệu dàn Tomahawk hoặc những loại hỏa tiễn đại loại và bầy chiến đấu cơ
Mỹ có chịu nằm yên để DF-26 tự do bay thẳng đến mẫu hạm Mỹ, hay là chính dàn
phóng DF-26 mới là mục tiêu đầu tiên mà Mỹ cần tiêu diệt trước?
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.