Chiến thuật cốt
lõi của cuộc biểu tình Hồng Kông lần này là “tượng thủy nhất dạng” (Be
water), dựa trên triết lý võ học của Lý Tiểu Long.
Ngày 9-6-2019,
vài ngày trước khi Dự luật Dẫn độ được xem xét lần thứ hai, hàng trăm ngàn
người bắt đầu xuống đường. Họ đồng loạt mặc áo trắng tượng trưng cho công lý.
Những người tổ chức ước tính đoàn biểu tình lên đến hơn một triệu người trong
khi cảnh sát cho rằng con số đó chỉ 240.000.
Phẫn nộ trước
việc chính quyền không nhân nhượng, đoàn biểu tình bắt đầu tập trung tại trụ sở
Hội đồng lập pháp ngày 11-6. Hôm sau, hàng chục ngàn người vây kín khu phức hợp
chính quyền. Lần này, họ mặc trang phục đen.
Ngày 16-6, gần
như cả Hồng Kông xuống đường. Ước tính có 2 triệu người tràn ngập Hồng Kông. Sự
phẫn nộ càng được châm ngòi sau vụ tự tử của một người biểu tình ngày 11-6.
Ngày 1-7, dịp kỷ niệm thời điểm Hồng Kông được trao trả cho Trung Quốc, đoàn
người biểu tình ào ra đường từ sáng sớm, cản trở buổi lễ chào cờ theo nghi thức
thường niên.
Trưa cùng ngày,
hàng trăm ngàn người tuần hành qua trung tâm thành phố. Lần này, họ chia ra.
Trong khi đường phố chật cứng người biểu tình, hàng trăm người khác – bịt khẩu
trang – tràn đến tòa nhà Hội đồng lập pháp. Đến đêm, họ phá cửa tràn vào bên
trong. Ngày 5-8, nhiều cuộc đình công xảy ra. Hơn 2.300 nhân viên hàng không
tham gia, khiến 224 chuyến bay bị hủy. Nhiều tuyến tàu điện bị ngưng, nhiều đại
lộ và xa lộ bị chặn. Cuộc biểu tình diễn ra cùng lúc tại 7 khu vực. Đêm 12 và
13-8, phi trường quốc tế Hồng Kông bị “đánh chiếm”…
Reuters
(16-8-2019) đã ghi nhận vài “chiêu thức” trong “tuyệt kỹ” “tượng thủy nhất
dạng” mà người biểu tình Hồng Kông học theo triết lý võ học của Lý Tiểu
Long. Hãy cứ như nước, trôi như nước, uốn chảy như nước; gặp vật cản nào cũng
lách qua được như nước. Không chỉ “be water”, cuộc biểu tình còn được tổ chức
theo kiểu… không có tổ chức và không thủ lĩnh.
Cảnh sát Hồng
Kông thừa nhận rằng họ cực kỳ mệt mỏi căng thẳng khi không bao giờ biết địa
điểm nào sẽ xuất hiện người biểu tình. Đây là kinh nghiệm rút ra từ cuộc biểu
tình Dù Vàng 2014, khi nhiều gương mặt nổi cộm bị bắt và thậm chí bị xử tù, như
Hoàng Chi Phong. Để không bị nhận diện, họ ăn mặc giống nhau, đeo khẩu trang,
kính râm và dùng tên giả.
Những người
biểu tình nhận tin từ hơn 100 nhóm điều phối sử dụng ứng dụng Telegram cũng như
hàng chục tài khoản Instagram hoặc từ các diễn đàn trực tuyến như LIHKG. Các
nhóm này cập nhật thông tin chi tiết về các cuộc biểu tình sắp tới, hướng dẫn
cách dập đạn cay, nhận dạng an ninh chìm và thậm chí cung cấp mật mã mở cổng
các tòa nhà nơi người biểu tình có thể trốn… Trên Telegram, các nhóm điều phối
cập nhật vị trí cảnh sát và thiết bị cảnh sát sử dụng. Kế hoạch đào thoát khỏi
khu vực cũng được cung cấp chi tiết.
Ngoài ra, các
thông tin liên quan “hậu cần” cũng thường xuyên cập nhật, chẳng hạn dụng cụ nào
cần thiết cho một cuộc biểu tình cụ thể nào đó, từ nước, mặt nạ chống hơi cay,
nón bảo hiểm, bao nylon quấn tay để tránh bị phỏng do hơi cay, khóa mở ốc vít
và kềm cắt hàng rào cảnh sát, đèn laser để vô hiệu hóa camera an ninh, đến ống
nhòm để quan sát động tĩnh cảnh sát… Chi tiết về những tài xế tình nguyện chở
người biểu tình cũng được cung cấp.
Các nhóm điều
phối còn lập ra một kênh để đối phó với các nhóm thân Bắc Kinh chuyên đăng ảnh
người biểu tình với mục đích làm lộ diện họ. Yêu cầu được đưa ra trong trường
hợp này là gửi báo cáo lên Facebook để có thể được gỡ xuống. Và để có thể cứu
đồng đội bị thương, người biểu tình còn lập ra các nhóm y tế với thành viên tự
nguyện…
Còn vài chi
tiết đáng chú ý nữa mà Reuters chưa thuật là kỹ năng truyền thông của người
biểu tình. Rất nhiều băng-rôn với cùng khẩu hiệu được in ra cùng lúc. Những
người trẻ tuổi thành thục công nghệ còn dựng rất nhanh các clip lồng nhạc với
hình ảnh biên tập kỹ lưỡng và ngắn gọn nhưng truyền tải đầy đủ nội dung về ý
nghĩa và mục đích của hành động.
Họ cũng phản
ứng rất nhanh với diễn biến và sự kiện để biến nó thành một thông điệp. Cụ thể
nhất là thông điệp “an eye for an eye”, khi hàng ngàn người cùng lúc
băng một mắt sau vụ một đồng đội bị bắn trúng chảy máu ngày 11-8. Kiến thức
không chỉ giúp họ nhận thức. Nó còn giúp họ sáng tạo và ứng biến liên tục để
đưa cuộc biểu tình của mình trở thành “tượng thủy nhất dạng” một cách
tối ưu…
Cuộc biểu tình Hồng
Kông 2019 rồi sẽ kết thúc. Như thế nào thì không rõ. Có điều chắc chắn rằng
cuộc biểu tình này là một tiếng chuông đáng nhớ, mà đáng lý sự vang vọng của nó
phải được cảm nhận nhiều hơn. Khi mà dân chủ và tự do ngày càng trở thành những
khái niệm hơn là những thực tế, trong cái thế giới thế kỷ 21 này, nơi mà nhiều
giá trị văn minh nhân loại được xây dựng nên từ hàng trăm năm qua đang bị thế
lực này hoặc thế lực kia, bằng cách này hay cách nọ, tìm cách đập bỏ, hoặc làm
ngơ trước sự đập bỏ.
Cuộc biểu tình Hồng
Kông 2019 không giống bất kỳ cuộc “cách mạng màu” nào. Nó không phải là một
cuộc cách mạng. Nó không lật đổ một thể chế thối nát tàn phá một đất nước bị
chết ngộp trong thối nát. Nó không nhắm vào một cá nhân hay thể chế độc tài. Nó
không bùng dậy từ sự phẫn nộ bị đè bẹp trong nhiều năm, như những nạn nhân ở
các quốc gia độc tài. Nó là một sự bừng tỉnh, để ngăn cản một mối đe dọa, để
chặn lại một thảm họa tương lai, để những giá trị có được của ngày hôm nay vẫn
còn giá trị cho ngày hôm sau.
Cuộc biểu tình
này không hề là một cuộc cách mạng. Nó là một tinh thần phản kháng. Nó sẽ là
một biểu thị xứng đáng nhất của phong trào dân chủ thế giới thế kỷ 21, và là
bài học đối với bất kỳ “hệ thống chính trị” nào, bất kỳ “chính thể” nào, bất kỳ
quốc gia nào, về ý niệm và ý nghĩa của “thực hành dân chủ” mà nó đang mang lại
hôm nay.
MẠNHKIM 17.08.2019
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.