Trước trụ sở chính quyền Hồng Kông, 26/08/2019. |
Mấy năm nay mình
không hề xem ti vi, ngoài các trận bóng đá hoặc giả tình cờ đi ngang qua chỗ
người ta bật sẵn ti vi.
Cơ mà lúc nằm
trong khách sạn và ngủ không được, mình bèn thử bấm remote dò kênh xem đài Trung
Quốc chiếu gì. Rà qua mấy chục kênh, toàn là du lịch, giải trí, phim, thể thao,
quan chức họp hành và toàn tiếng Trung. Không hề có đài nước ngoài nào.
Giữa lúc tình
hình thương chiến Mỹ - Trung, biểu tình Hồng Kông rất nóng, mình muốn xem
truyền thông chính thống Trung Quốc phản ánh ra sao. Mình cũng không khỏi tò mò
xem đài Trung Quốc nói gì về vấn đề Biển Đông, trong những ngày mà tàu của họ
không ngừng leo thang các hoạt động phi pháp tại thềm lục địa và vùng đặc quyền
kinh tế của Việt Nam.
Sau rốt, nội dung
duy nhất khả dĩ khiến mình chú ý là mẩu tin trên đài SzTV (Thâm Quyến) nói về
cô người đẹp Dương Mịch (杨幂) của Đại lục tẩy chay Versace vì lẽ trên một sản
phẩm áo thun của hãng thời trang Ý có in Hồng Kông, Macau như là các quốc gia,
ngang hàng với Trung Quốc. Sau vụ này thì ở Đại lục, cô Mịch bèn được ca ngợi
lên mây, như một tấm gương về lòng tự trọng, lòng yêu nước và trách nhiệm công
dân.
Mình luôn có cảm
giác bị ngắt kết nối khỏi thế giới mỗi khi đến Trung Quốc. Đôi khi, dấu hiệu
đầu tiên cho mình biết đã vào đến lãnh thổ Trung Quốc không phải là những biển
hiệu tiếng Hoa, những hỏi chào “ní hảo”, mà là lúc điện thoại của mình không
thể truy cập được Facebook, Gmail. Có lần, mình vượt biên giới từ Nhị Liên Hạo
Đặc ở phía Trung Quốc để sang Zamyn-Üüd bên Mông Cổ, chỉ dấu đầu tiên cho biết
mình đã thoát khỏi Trung Quốc là loạt tiếng “ting ting” liên hồi báo tin nhắn
Facebook. Mình đã đùa rằng đó là “thanh âm của tự do”.
Vài ngày trước
đây, một doanh nhân Trung Quốc từng nói với mình: “YouTube, Facebook bị chặn ở Trung Quốc, tôi nghĩ trước hết có lẽ do
chính phủ không muốn nghe những lời nói xấu”, anh ta còn thòng thêm câu là “tôi không muốn bàn về chính trị”. Mình
bật cười, Sáng kiến Vành đai và Con đường được quảng bá là nhằm tạo ra những
kết nối liền lạc và minh bạch. Hóa ra không phải vậy. Ở đất nước Trung Quốc
này, dòng thông tin đã không thể chảy tự do.
Đi Trung Quốc,
mình mua sẵn VPN Hotspot Shield, công cụ của công ty Mỹ AnchorFree giúp đánh
lừa Vạn Lý Tường Lửa hoặc những sự ngăn chặn tương tự. Mình thường chọn địa
điểm (trên phần mềm) là Mỹ, đôi khi mình đổi qua Hồng Kông, để vào các website
bị nhà nước Trung Quốc chặn như Facebook, Google hoặc hầu hết các dịch vụ quen
thuộc hằng ngày của mình: WhatsApp, Viber, Google Maps, Google Drive, YouTube…
Chính quyền Bắc
Kinh đã miệt mài bào mòn các giá trị về dân chủ, tự do của Hồng Kông, cho nên
mình đã cảm thấy khá thú vị khi dùng địa điểm ảo là Hồng Kông để truy cập vào
những nơi mà ở Trung Quốc thì bị cấm đoán. Tự do thông tin, chữ phồn thể, tư
duy về dân chủ tự do… nằm trong số những khác biệt giữa Hồng Kông với Đại lục.
Trên đường từ Côn
Minh sang Quảng Châu, mình bèn xem hai tờ báo Hoàn Cầu Thời Báo và Dương Thành
Vãn Báo. Xem qua các bài viết về vấn đề Hồng Kông thì toàn là thông điệp một
chiều từ phía Bắc Kinh. Cả hai tờ báo đều có bài về việc Đặc khu trưởng Lâm
Trịnh Nguyệt Nga nói sẽ xây dựng cơ chế đối thoại. Đáng chú ý, Hoàn Cầu có bài
chỉ trích việc Twitter và Facebook chặn các nội dung của “người dùng” từ Đại
lục khi họ lên án người biểu tình Hồng Kông. Theo tờ báo, chỉ trong một ngày,
Twitter đã treo 936 tài khoản của công dân Trung Quốc, những người đăng tải các
phát ngôn về Hồng Kông. Facebook cũng có hành động tương tự.
Hoàn Cầu đã phỏng
vấn một số “người dùng” (tờ báo nhấn mạnh là những người này không liên quan
đến chính quyền) về việc bị khóa tài khoản và trích đăng lời ta thán của họ đối
với Facebook và Twitter, cho rằng đó là thứ tự do ngôn luận thiên vị kiểu
phương Tây.
Về cơ bản, bất cứ
nền tảng nào mà chặn các phát biểu chính kiến (dù theo bất cứ hướng nào) đều là
không ổn, xét theo niềm tin của mình về tự do. Tuy nhiên, những lời phàn nàn từ
Trung Quốc lại trở nên rất khôi hài, khi mà chính quyền nước này chính thức và
công khai chặn Facebook và Twitter cùng hàng loạt nền tảng mạng khác của phương
Tây. Một mặt anh chặn nền tảng người ta, một mặt anh kêu ca người ta thiên vị,
không tôn trọng tự do thông tin, tự do biểu đạt. Có một thực tế thế này: các
nền tảng Baidu, Weibo của Trung Quốc chạy phà phà ở Mỹ, trong khi ở Trung Quốc,
Google, Facebook, Twitter… bị chặn hoàn toàn.
Hoàn Cầu còn có
một bài đáng chú ý nữa (Có tít thế này: [CHUYÊN GIA] BỌN LY KHAI CẦN PHẢI NHẬN
THẤY SỰ GẮN KẾT KHÔNG THỂ TÁCH RỜI GIỮA HAI KHU VỰC: HỒNG KÔNG PHỤ THUỘC ĐẠI
LỤC VỀ NHU YẾU PHẨM), mà mình đọc thấy trong đó một lời đe dọa lộ thiên, về
việc người Hồng Kông phụ thuộc hoàn toàn Trung Quốc trong các nhu cầu về nước,
điện, thịt, trái cây.
Chẳng hạn trong
năm tài khóa 2017/2018, Hồng Kông nhập 664 triệu m3 nước từ Quảng Đông, chiếm
67% nhu cầu nước của đặc khu. Ngoài ra thì 100% thịt bò tươi, 94% thịt heo
tươi, 92% rau và 66% trứng của Hồng Kông nhập từ Đại lục. Tờ báo này nhắc lại
lời đùa của một ông học giả bên Singapore (ông này lặp lại lời một quan chức
Singapore) rằng Đại lục chỉ cần khóa van đường ống cấp nước là mọi chuyện ở
Hồng Kông được giải quyết. Dù, một cách công khai, tờ báo nhắc lại lời ông
Singapore kia là nhằm mục đích đính chính rằng câu nói phải được đặt trong bối
cảnh cụ thể, tránh gây hiểu nhầm rằng Trung Quốc sẽ làm như vậy, nhưng ở một
tầng nghĩa khác, đấy hẳn là một lời đe dọa.
Sau những ngày ở
Trung Quốc, mình chợt mường tượng, nếu mình là một công dân bình thường của đất
nước này, sống giữa bốn bề Vạn Lý Tường Lửa, mình sẽ nhìn thấy thế giới bên
ngoài như thế nào. Đó hẳn nhiên không phải là cái thế giới như vốn dĩ nó phải
thế. Đấy chính xác chỉ là cái thế giới mà chính quyền muốn mình nhìn thấy mà
thôi. Bức tranh về Hồng Kông cũng vậy.
ĐỖ HÙNG 25.08.2019
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.