"Hồng vệ binh" phản đối những người biểu tình ủng hộ Hồng Kông tại Luân Đôn ngày 17/08/2019. |
Cuộc đụng độ giữa
thành phần “bảo vệ” Bắc Kinh với những người ủng hộ Hồng Kông tại nhiều nước những
ngày qua cho thấy một điều ít được để ý: Hàng trăm ngàn sinh viên Trung Quốc du
học hải ngoại đang làm “nhiệm vụ chính trị” như là những “cơ sở Đảng” của Bắc
Kinh…
Khi Tập Cận Bình đến
Washington DC ngày 24-9-2015, hàng trăm sinh viên Trung Quốc đã xếp hàng hai
bên đường để nghênh đón. Đây chẳng phải hành động tự nhiên và thuần túy ái
quốc.
Điều tra của Foreign
Policy (7-3-2018) cho biết, Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington đã chi tiền
cho sự kiện này. Họ phối hợp với CSSA (Chinese Students and Scholars
Associations – Trung Quốc học sinh học giả liên hiệp hội), với hệ thống chân
rết tại hàng chục đại học khắp nước Mỹ. Một sinh viên Trung Quốc tại Đại học
George Washington tiết lộ, những người tham dự đều được nhận “lì xì”.
Tháng 2-2012, khi
Tập đến Mỹ với tư cách Phó Chủ tịch Trung Quốc, cuộc trình diễn nghênh đón
tương tự cũng diễn ra. Hồi Hồ Cẩm Đào ghé Chicago năm 2011, CSSA chi nhánh Đại
học Wisconsin-Madison cũng tổ chức xe bus miễn phí đưa đón sinh viên để họ được
“vinh hạnh” đón tiếp và nghe Chủ tịch “nhắn nhủ”. Lần đó, CSSA cũng làm các bạn
sinh viên thích thú với món lì xì bất ngờ…
Vấn đề không chỉ có
vậy. CSSA thực chất là một trong những cơ quan đầu não điều hành các hoạt động
tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc tại các giảng đường Mỹ. Thường xuyên
liên lạc với các chủ tịch CSSA cấp cơ sở qua WeChat, viên chức các lãnh sự quán
Trung Quốc chia cộng đồng du học sinh theo từng khu vực, thành lập những nhóm
WeChat để các chủ tịch CSSA cấp cơ sở giám sát. Mỗi nhóm WeChat đều phải có một
thành viên là viên chức lãnh sự.
Nhiệm vụ các “cơ sở
đấu tranh trong lòng địch” là tuyên truyền đường lối ngoại giao của Đảng; “kích
thích tinh thần du học để phụng sự quốc gia”, “đề cao tinh thần ái quốc”; hướng
dẫn cách thức phản hồi tức thì trước cuộc khủng hoảng thông tin nào đó. Chẳng
hạn vụ xảy ra tại Đại học Maryland vào tháng 5-2017, khi sinh viên Yang Shuping
(Dương Thư Bình) ca ngợi tinh thần dân chủ Mỹ đồng thời chỉ trích nhà cầm quyền
Bắc Kinh. Phát biểu của Dương lập tức bị đánh túi bụi trên các diễn đàn Trung
Quốc và Dương trở thành một “kẻ thù phản quốc”.
Một bài báo khác của
Foreign Policy (18-4-2018) cho biết thêm, các đại học trong nước Trung Quốc còn
móc nối với hệ thống CSSA hải ngoại để xây dựng các “cơ sở Đảng” đúng nghĩa
đen, với những hội thảo chính trị trong những phòng ký túc xá, trong đó cờ
Trung Quốc cùng cờ đỏ-búa liềm được treo trang trọng. Những cơ sở như vậy đã
hình thành ở Illinois, California, Ohio, New York, Connecticut, North Dakota và
West Virginia.
Trung Quốc chẳng
giấu diếm điều đó. “Các cơ sở Đảng ở hải ngoại là một hiện tượng mới mẻ, cho
thấy ảnh hưởng tăng dần của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đất nước Trung Quốc” -
tờ Global Times 28-11-2017 viết. Tháng 8-2017, ba giảng viên và năm nghiên cứu
sinh Đại học kỹ thuật dược Chiết Giang đã thành lập một cơ sở Đảng tại Đại học
California-San Diego, tổ chức thảo luận về những diễn văn của Tập Cận Bình bên
trong ký túc xá. Đây là một trong những rất nhiều ví dụ mà Foreign Policy
thuật.
Dĩ nhiên không chỉ ở
Mỹ. Hệ thống cơ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc đang bành trướng khắp thế giới, từ
các ký túc xá ở Canada, Mexico, Chile, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha, Ý, Bồ
Đào Nha, Hy Lạp, Hàn Quốc, Thái Lan, đến Úc. Cơ quan đầu não của chiến dịch xây
dựng “căn cứ Đảng” hải ngoại là Đại học nghiên cứu quốc tế Thượng Hải (“Thượng
Hải ngoại quốc ngữ đại học”), nơi có quan hệ đối tác với 56 quốc gia và khu
vực.
Ít nhất một đại học
Trung Quốc có quan hệ gần với quân đội nước này cũng đã thành lập cơ sở Đảng ở
hải ngoại. Đó là trường Đại học quốc gia kỹ thuật quốc phòng (“Quốc phòng khoa
kỹ đại học”), nơi đã xây dựng 8 cơ sở Đảng ở hải ngoại, trong đó có nước Anh –
theo Quân Đội Nhân Dân nhật báo (21-1-2013). Nhiệm vụ các cơ sở này là “quản
lý” du học sinh, giúp họ “chống lại sự phân hóa tư tưởng”, đặc biệt
tổ chức các chiến dịch phản ứng tức thời trước những sự kiện chính trị làm ảnh
hưởng xấu hình ảnh Trung Quốc…
Xem các cuộc đụng độ
dữ dội giữa thành phần sinh viên du học Trung Quốc với những người ủng hộ Hồng
Kông tại một số thành phố lớn thế giới những ngày qua, có thể thấy, Trung Quốc
đã ít nhiều thành công trong việc xây dựng lực lượng “Hồng Vệ Binh” hải ngoại
để sống chết bảo vệ “đất mẹ”, nơi nuôi dưỡng và tiêm vào đầu họ tư tưởng ái
quốc cuồng tín đến mức những năm tháng học hành và tiếp cận nền dân chủ tự do
dường như vẫn không tẩy được lớp “não đỏ” bám dày trong đầu.
CSSA và các cơ quan
ngoại giao Trung Quốc chắc chắn đứng sau những chiến dịch (có thể có “lì xì”)
này. Tuy nhiên, lần này, họ không “đánh” một cá nhân, như trường hợp người đồng
hương Dương Thư Bình, mà đối mặt với cơn bão dân chủ dữ dội từ Hồng Kông mà
“nguy cơ” của nó chính là mang lại những ảnh hưởng có thể tạo ra hàng triệu
triệu Dương Thư Bình khác ngay bên trong Trung Quốc.
MẠNH KIM 19.08.2019
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.