Dù đã đoán trước
rằng sẽ có kết cục này, nhưng không hiểu sao khi đọc tin bà Nguyễn Bích Quy bị
khởi tố ở vụ trường Gateway tôi vẫn thấy lặng người.
Bất công không
chừa ai cả, nhất là với những người yếu thế trong xã hội.
“Hôm nay bạn ngoảnh mặt với bất công của người khác,
ngày mai bất công sẽ tìm đến với bạn."
Có thể ai đó sẽ
nói như vậy, nhưng nói thật: tôi không tin. Và tôi thậm chí còn tin rằng, nhiều
người khác dù không nói ra nhưng họ cũng ngấm ngầm không tin giống như tôi, và
họ sẽ công khai hay ngấm ngầm hành động dựa vào châm ngôn “không tin” này.
Cái sự nhân quả,
báo ứng trong cuộc đời này chẳng bao giờ thẳng đuột để ta có thể dễ dàng nhận
ra như thế. Mà ngược lại nó thường xuyên đi theo những đường lòng vòng, rắc rối
và vi tế đến nỗi hầu như trong cuộc đời mình con người chẳng thể nào nhận rõ sự
hiện diện của nó.
Hôm nay, Thủ
tướng Malaysia Mahathir Mohamad thăm Việt Nam. Tôi từng ngưỡng mộ ông như một
người làm nên công cuộc hiện đại hóa Malaysia thành công, nhưng kể từ khi ông
quay trở lại nắm quyền, với những phát ngôn và hành động đặt lợi ích dân tộc
lên trên hết thảy mọi thứ, kể cả có phải bắt tay, thỏa hiệp hay thậm chí cổ súy
cho những thế lực man rợ, hắc ám phản nhân loại, thì tôi lại bắt đầu thấy kinh
tởm ông.
Kẻ nhân danh lợi
ích dân tộc mà bất chấp tất cả thì cũng tồi bại chẳng khác gì những kẻ bất chấp
tất cả vì lợi ích cá nhân hay tổ chức, những kẻ đó, dưới mắt tôi, bất kể tuổi
tác và địa vị ra sao, chỉ là một thứ rác rưởi đáng kinh tởm.
Với những vấn đề
như cháy rừng Amazon, hay thủy điện sông Mêkông, rõ ràng ta không thể chỉ biện
minh trên cơ sở lợi ích quốc gia dân tộc.
Nhờ khoa học công
nghệ con người ngày càng mạnh, nhưng vấn đề là sức mạnh vật chất của con người
lại không đi cùng với sự trưởng thành về mặt đạo đức.
Đáng ra, ở nơi
nào luật pháp còn vắng bóng thì đạo đức phải như nước tràn ngay vào để khỏa
lấp, nhưng đạo đức trong thế giới đương đại của chúng ta dường như lại là dòng
nước chậm, nó đang để lại quá nhiều khoảng trống.
Hôm qua,
26/8/2019, tại Trùng Khánh (Trung Quốc), Daniel McNamara, phó chủ tịch cấp cao
của NCLG (Network and Custom Logic Group) thuộc Intel Corporation, đã “cảm ơn
chính phủ Trung Quốc và các công ty đại lục đã đưa hoạt động kinh doanh của
Intel lên một tầm cao mới.”
Intel đang hợp
tác với China Mobile và China Telecom – hai trong số ba nhà khai thác viễn
thông nhà nước của Trung Quốc – cung cấp công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho các
công ty này.
Đứng trên lợi ích
của công ty, Intel có lý do để cảm ơn và thắt chặt hơn quan hệ với các đối tác
Trung Quốc, nhưng một câu hỏi đạo đức đặt ra là: sẽ ra sao nếu công nghệ Intel
và các công ty khác đang cung cấp được sử dụng cho các mục tiêu vi phạm nhân
quyền, giám sát, cầm tù, thậm chí bức hại người dân?
Intel hay bất kỳ
công ty hay cá nhân nào khác liệu có thể dửng dưng mà nói: Không, chúng tôi vô
can, chúng tôi chỉ đơn thuần cung cấp sản phẩm dịch vụ, giống như các nhà sản
xuất vũ khí không phải chịu trách nhiệm về cách người ta sử dụng súng đạn họ
bán ra, chúng tôi không phải chịu trách nhiệm về cách người ta sử dụng sản phẩm
dịch vụ của mình?
Không.
Sự khác biệt ở
đây là có thể ngay từ đầu (hay ít ra là đến bây giờ) Intel (và cũng đúng cho
các công ty hay cá nhân khác, ở Trung Quốc, Việt Nam hay bất kỳ nơi nào khác
trên thế giới) đã thấy rõ mục đích phi nhân của công nghệ giám sát đang (hoặc
sẽ) được sử dụng, như thế, nếu tiếp tục hợp tác vì lợi ích của công ty, công ty
sẽ phải chịu trách nhiệm đạo đức vì sự vi phạm nhân quyền đối với các sản phẩm
dịch vụ mà đơn vị cung cấp.
Đó tất nhiên là
câu chuyện lý thuyết (của bọn trẻ con, một đứa trẻ 8 tuổi chẳng hạn; hoặc của
những kẻ vô công rỗi nghề như nhà thơ hay triết gia chẳng hạn), còn thực tiễn
chúng ta có thể thấy Intel hay bất kỳ công ty nào khác có thể chẳng bao giờ đặt
ra những câu hỏi tương tự, hoặc họ có biết và chỉ đơn giản là phớt lờ chúng,
công ty sẽ tiếp tục ăn nên làm ra, tiếp tục thu những khoản lợi nhuận kếch xù,
như thể cái sự nhân quả ở đời chưa hay thậm chí không bao giờ tồn tại vậy.
Nhưng, may mắn là
mọi sự không bao giờ tồi tệ đến thế, kỳ cùng bao giờ con người ta cũng vẫn
hướng đến đạo đức và hành động đạo đức, không phải vì họ e sợ những cái gọi là
nhân quả, báo ứng (một cách diễn giải tôi cho rằng quá đơn giản và dễ dãi), mà
vì "mệnh lệnh đạo đức"* tự thân của họ, vì sự trân trọng phẩm giá của
chính họ và tha nhân.
NGUYỄN ĐẮC KIÊN 27.08.2019
(*) "Mệnh
lệnh đạo đức": chữ của I.Kant.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.