Tổng thống Nga Vladimir Putin và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Diễn đàn Kinh tế Vladivostok, ngày 11/09/2018. |
Thông tín viên Les Echos tại Matxcơva hôm nay 09/11/2018 phân tích « sự chuyển hướng mạnh mẽ sang phương Đông của ông Vladimir Putin ».
Đang căng thẳng với phương Tây, ông chủ điện Kremlin muốn quay sang
liên kết với châu Á cả về kinh tế lẫn ngoại giao. Tuy nhiên, kết quả của
cố gắng này vẫn chưa được như mong muốn.
Sau
các cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Donald Trump và tổng thống
Hàn Quốc Moon Jae In, lần này nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un sẽ
gặp ông Vladimir Putin. Đối với Matxcơva, lại có thêm một phương cách
để nhấn mạnh đến « sự chuyển hướng sang phương Đông ».
Bốn năm căng thẳng với phương Tây từ sau cuộc khủng hoảng Ukraina,
khiến Nga phải quay sang châu Á. Putin liên tục công du, ký kết những
thỏa thuận hợp tác về kinh tế và chính trị, đặc biệt là với Trung Quốc
của Tập Cận Bình và Ấn Độ của ông Narendra Modi. Ông Putin cũng cố gắng
xích gần lại với thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Dù vậy, trong album vẫn
còn thiếu một tấm ảnh : chưa bao giờ Putin có dịp bắt tay Kim Jong Un,
tuy liên tục đưa ra những lời mời mọc.
Hồi tháng Sáu, tổng thống
Nga lên tiếng hoan nghênh thượng đỉnh Trump-Kim ở Singapore với đôi chút
ganh tị. Vài ngày sau, nhân lễ khai mạc Cúp bóng đá thế giới ở
Matxcơva, ông Putin bỗng tìm được chỗ trên khán đài danh dự ở sân vận
động Loujniki cho chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên, Kim Yong Nam. Vị đặc
sứ được tiếp đón trọng thị tại điện Kremlin, với lời mời Kim Jong Un
tham gia Diễn đàn Vladivostok, một loại « Davos phương Đông », trong tư cách khách mời danh dự.
Trong
hai ngày của Diễn đàn, người ta thấy có vài nhân vật từ Bình Nhưỡng,
vốn dễ nhận ra nhờ bộ đồng phục đen và tuyệt đối giữ im lặng. Nhưng ông
Kim thì xin lỗi là quá bận, không thể đến. Người đứng đầu điện Kremlin
vẫn không thất vọng, tiếp tục nỗ lực khuyến dụ. Vladimir Putin muốn đóng
vai một vị tổng thống có thể nói chuyện với tất cả các nước, từ châu Á
đến Syria.
Đậu nành Nga nhập về cảng Hắc Long Giang, 10/10/2018. |
Trong
hậu trường Diễn đàn Vladivostock, các đại biểu và nhà quan sát Nga lẫn
Trung Quốc nhấn mạnh đến tính chất bền vững của việc « xoay trục » này. Chuyên gia địa chính trị thân cận với Kremlin, Fiodor Loukianov dự đoán : «
Sẽ không có chuyện quay ngược lại. Châu Âu và Hoa Kỳ không tỏ dấu hiệu
nào cho thấy sẽ giảm nhẹ trừng phạt, nên Matxcơva không còn ảo tưởng về
phương Tây. Việc xích lại gần châu Á, tuy kết quả còn hạn chế, nhưng bắt
đầu chuyển động ».
Tương tự, Tương Lam Hân (Xiang Lanxin), giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Một vành đai, một con đường tại Genève cho rằng : «
Bị các trừng phạt của phương Tây dồn vào đường cùng, dù trên tuyên bố
chính thức, Matxcơva làm ra vẻ không bị ảnh hưởng, Nga không có chọn lựa
nào khác. Các think tank phương Tây nghĩ rằng việc xích lại với Trung
Quốc chỉ là tạm thời, nhưng họ đã lầm : nếu cuộc chiến tranh lạnh mới
này kéo dài, Matxcơva sẽ cùng với Bắc Kinh xây dựng một hệ thống đa cực
».
- Đọc thêm: Nga và Trung Quốc, bạn hay thù ?
Tại
Vladivostok, trong số những người tích cực ủng hộ trục Nga-Á nhất, thậm
chí có người còn kêu gọi cấm các khách sạn mua xà bông Pháp hoặc dầu
gội Ba Lan. Tập Cận Bình thì tươi cười ca ngợi « Một làn gió mới đến từ phương Đông ».
Trung Quốc đã là nhà đầu tư lớn nhất trong dự án quan trọng của Kremlin
: phát triển vùng Viễn Đông Nga. Hầm mỏ, nhiên liệu, gỗ rừng và những
vùng đất mênh mông thu hút những con cá mập từ Hoa lục. Tập đoàn Alibaba
của Trung Quốc liên kết với MegaFon và Mail.ru, hai công ty hàng đầu
của Nga về viễn thông và internet.
Tuy nhiên, theo Les Echos,
việc chuyển hướng diễn ra theo chiều thẳng đứng từ trên áp đặt xuống,
trong khi các doanh nhân Nga, với tâm lý nghi ngại xưa nay, thích cung
cách làm ăn với phương Tây hơn. Một người than phiền : « Chúng tôi là người châu Âu, nay bị buộc phải đi xa làm ăn tận châu Á ».
Một
hạn chế khác trong chủ trương hướng về châu Á là quan hệ với Nhật Bản.
Những năm gần đây, hai ông Vladimir Putin và Shinzo Abe đã gặp nhau đến
22 lần, nhưng vẫn chưa có được làn sóng đầu tư mạnh mẽ từ Nhật. Một
người thân cận với Kremlin chỉ trích : « Người Nhật nói nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu »,
tố cáo Tokyo thiếu can đảm để giải quyết tranh chấp về quần đảo Kuril,
bị Hồng quân chiếm từ thời Đệ nhị Thế chiến. Hai nước vẫn chưa ký hiệp
ước hòa bình từ năm 1945 vì vấn đề này - một đám mây mù thực sự làm u ám
công cuộc xoay trục sang châu Á của ông Putin.
Bộ trưởng Tư pháp lâm thời Matthiew Whitaker, một nhân vật trung thành với ông Trump. |
Tại Hoa Kỳ, « Donald Trump muốn chấm dứt cuộc điều tra về vụ Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ ». Đó là nhận xét của La Croix,
sau khi tổng thống Mỹ sa thải bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions hôm
07/11, tạm thay thế bằng chánh văn phòng bộ này, Matthew Whitaker.
Ông
Whitaker, cựu chưởng lý liên bang 49 tuổi, vốn là người ủng hộ nhiệt
thành của ông Donald Trump, có thể yêu cầu chưởng lý đặc biệt Robert
Mueller ngưng tìm tòi về phương diện nào đó, từ chối cho mở rộng cuộc
điều tra. Bộ trưởng Tư pháp lâm thời cũng có thể cắt bớt ngân sách,
khiến ông Mueller buộc lòng phải giảm số cộng tác viên, cũng như phương
tiện điều tra. Whitaker còn có thể chặn các trát đòi hầu tòa bị cho là
thiếu căn cứ, trong trường hợp này Quốc hội phải được thông báo. Cuối
cùng, là việc cách chức chưởng lý đặc biệt, nhưng chỉ khi nào có « thái độ không tốt », xung đột lợi ích hoặc các « lý do chính đáng » khác.
Sau
18 tháng điều tra, chưởng lý đặc biệt Mueller đã buộc tội 32 người,
trong đó có 26 công dân Nga. Bốn cộng sự của tổng thống Trump đã nhận
các tội khác nhau, trong đó có cựu giám đốc chiến dịch tranh cử là Paul
Manafort. Đến giữa tháng 11, các luật sư của Donald Trump phải nộp cho
ông Mueller các văn bản trả lời cho khoảng 12 câu hỏi, sau đó chưởng lý
hoặc chấp nhận những bản khai này, hoặc quyết định thẩm vấn riêng ông
Trump. Khi cuộc điều tra kết thúc, chưởng lý sẽ gởi báo cáo cho bộ
trưởng Tư Pháp, ông này hoặc chuyển cho Quốc hội, hoặc giữ kín.
Hạ Viện nay do phe Dân Chủ nắm đa số, có thể ra lệnh giao nộp bản kết
luận. Nếu chính quyền từ chối, vụ này sẽ được đưa ra trước Tối cao Pháp
viện.
Cũng liên quan đến Hoa Kỳ, Les Echos nhấn mạnh đến « Sự bùng nổ phân cực của cử tri ». Kết
quả bầu cử giữa kỳ tại Mỹ cho thấy chủ nghĩa dân túy không chỉ là một
sự cố của lịch sử, mà đã bắt rễ khắp nơi trên thế giới.
Phe Dân
Chủ nghĩ rằng hai năm sau cuộc bầu cử tổng thống, cử tri Mỹ sẽ sửa chữa
sai lầm của mình, nhưng than ôi, đã không có làn sóng xanh, và thắng lợi
chỉ tương đối. Trước hết, vì mọi tổng thống Mỹ đều thua trong bầu cử
giữa kỳ chứ không chỉ ông Trump. Thứ hai, phe Cộng Hòa được củng cố tại
Thượng Viện, một sự kiện chưa từng có kể từ thời John F. Kennedy. Cuối
cùng, kết quả chứng tỏ hai phe đều cứng rắn hơn, chứ không phải là phe
nào chiến thắng phe nào.
Nước Mỹ chia rẽ hơn bao giờ hết, về chính
trị, dân cư và địa chính trị. Đảng Cộng Hòa nay được coi là đảng của
nam giới da trắng sống ở nông thôn, còn Dân Chủ với gần 100 phụ nữ tại
Hạ viện, trụ lại ở thành thị và ngoại ô. Tình hình Hoa Kỳ tiêu biểu cho
sự phân cực của lá phiếu ở nhiều nơi khác. Một mặt là mức sống của giới
trung lưu bị sụt giảm, mặt khác, hiện tượng di dân cùng với những tranh
cãi về bản sắc đã đào sâu hố ngăn cách giữa người dân.
Người thì
đòi công nhận quyền của các sắc dân thiểu số và bình đẳng giới, người
khác chủ trương ngược lại và ngả theo dân tộc chủ nghĩa. Donald Trump là
hiện thân của việc ngả hẳn sang hữu của Cộng Hòa, còn Dân Chủ bị mất đi
lớp cử tri công nhân, nay là tập hợp ô hợp những người ghét Trump. Theo
tác giả, giải pháp phải là một sự thỏa hiệp, nhưng giả thiết này còn
xa. Một số nhân vật Dân Chủ bước vào Hạ viện với « khẩu súng giắt ở thắt lưng »,
còn Donald Trump vốn không phải là người thích hòa hảo. Bị chia rẽ
trong thù hận, mối đe dọa bạo lực không chỉ là ở Mỹ, mà còn lan ra các
nước phương Tây.
Khu vực tòa nhà cũ bị sụp đổ ở Marseille, Pháp, 07/11/2018. |
Sự kiện một tòa nhà cũ kỹ ở Marseille sụp đổ làm ít nhất bảy người thiệt mạng chiếm trang nhất của hai tờ báo Paris. Le Figaro dành bốn trang cho cuộc « Điều tra về một nước Pháp với các tòa nhà tệ hại », còn Libération có dòng tựa dữ dội hơn : « Nhà ổ chuột ở Marseille, thị trưởng Gaudin ra đường ». Ở
các trang trong, tờ báo thiên tả nêu chi tiết một bản báo cáo có từ năm
2015 về việc quản lý các khu nhà đang xuống cấp, quy trách nhiệm cho
chính quyền thành phố.
Nhật báo kinh tế Les Echos nhấn mạnh
đến lời cảnh báo của bà Christine Lagarde, tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ
Quốc tế gởi đến giới tinh hoa trên thế giới, cho rằng họ « không ý thức được về những gì đang diễn ra ».
Sau cuộc khủng hoảng 2008, mọi người đều hiểu rõ là cần cải tổ một số
lãnh vực tài chính, tái thúc đẩy kinh tế, từ chối chủ nghĩa bảo hộ ;
nhưng ngày nay thì không.
Về xã hội, Le Monde quan tâm đếnviệc « Giáo hội (Công giáo) hứa mở điều tra độc lập về các vụ lạm dụng tình dục ». La Croix
đăng ảnh các thiếu nữ thắp nến và đặt hoa tưởng niệm gần nhà hát
Bataclan, sau vụ khủng bố ngày 13/11/2015 tại Paris, cho biết một ê-kíp
các nhà khoa học đang thu thập ký ức tập thể và cá nhân về sự kiện đẫm
máu này. Đã ba năm trôi qua, người dân Pháp vẫn không hề quên các vụ
khủng bố ở nhà hát Bataclan và Paris nói chung, có đến 70% cho rằng đây
là vụ tấn công kinh hoàng nhất kể từ năm 2000.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.