mardi 27 novembre 2018

Hoàng Nguyên Vũ - Đôi mắt chú mèo con và đứa bé bị cô giáo vẽ đen lên ký ức



(Cho những thầy cô giáo hay bạo hành trẻ em) 

Chúng ta lớn, đủ bao dung để tha thứ cho những ai làm đau mình, nhưng quên thì chắc chắn sẽ không quên được...

Một buổi trưa miền Trung nắng như đổ lửa, có một cậu bé mang một chú mèo con màu vàng đến tặng cô giáo. Lúc đó, cậu bé đang trong kỳ nghỉ hè của lớp 3. Trước đó, khi chia tay lớp, cậu bé có nói với cô giáo: "Thưa cô, mẹ con nói khi nào mèo con ăn được và cứng cáp sẽ tặng cô một con vì lần trước cuốn sổ điểm của cô bị chuột xé nát".

Cô giáo cầm con mèo, chỉ hỏi cậu bé một câu: "Mẹ con thế nào rồi?". "Dạ, bố bảo mẹ cũng có thể sống được rồi ạ". Cậu bé trao con mèo cho cô rồi đi về. Con mèo nhìn nó, ngơ ngác như chính nó đã từng ngơ ngác những tháng ngày trước đó với những gì cô giáo hành xử với nó. Nó vẫn mặc chiếc áo ấm đã xé đi lớp bông của chị nó để lại, để làm áo mặc mùa hè, cái quần dệt kim loang lổ bụi bẩn, đi giữa cái gió lào miền Trung rất gắt...

Thực ra nhà nó với nhà cô giáo cách nhau tầm mấy trăm mét. Khi nó lên lớp 3, mẹ nó muốn nó là học trò của cô giáo, đơn giản vì nhà gần. Ở nông thôn mà, lũ trẻ thường chọn cô gần để học. Hồi đó, nó học giỏi nổi tiếng vùng đó. Hầu hết là các môn tự nhiên. Riêng môn văn, nó dùng tư duy thực tế nên văn chương không bay bổng gì. Các bài văn tả hay dùng phép so sánh hơi thô kệch. Đến khi làm học trò của cô giáo hàng xóm này, nó luôn luôn bị miệt thị bởi những bài văn hay đem những thứ quanh nhà ra so sánh khi tả một cái gì đó trong đề văn.

Nó cũng chẳng hiểu tại sao cô giáo lại ghét nó như vậy. Khi xếp hàng vào lớp, nó lỡ đứng cong một chút, cô phang thẳng cái thước to thay vì đánh khẽ như các bạn khác. Bài tập vẽ của nó vẽ như các bạn, nó 5 điểm còn các bạn toàn 8. Toán thì chắc cô khó chấm khác. Chính tả cũng vậy. Chỉ môn văn là cứ ăn điểm 5 thường xuyên.

Hễ nó đi chậm là cô cho đứng ngoài cho đến giờ ra chơi, cậu bé ngồi tựa cái tường gạch cũ, cô dạy đến đâu chép đến đấy. Có lần thầy hiệu trưởng đi qua, gọi cô giáo ra quát một trận, cô mới cho vào và hình như từ đó cô cũng thù nó hơn. Nó mang thau nước trực nhật, cô thường chê sao nước bẩn và có thể phạt nó bằng roi vọt.

Dĩ nhiên, nó không hiểu. 

Bộ quần áo nó mặc cô luôn đưa ra miệt thị trước lớp, ăn bẩn ở dơ và lôi cả cha mẹ nó ra nói, không lẽ nghèo đến mức không sắm nổi cho con cái bộ áo quần...

Riêng cái này thì nó hiểu. Đúng, thời điểm đó nhà nó nghèo đến mức đó đấy.

Trước đó, nhà nó không hề nghèo. Bố nó làm thợ mộc cừ tay, nhà gỗ cũng lớn nhất nhì làng. Ông đẽo cày giỏi nhất xứ đó, khách hàng nườm nượp. Rồi một ngày, nó cùng lũ trẻ nghịch hay ném vào vách phên nhà bác họ, tên Lập. Một tháng sau bác họ tuyên bố: "Được, ném thì tao cho ném luôn", bác huy động anh em nhà bác trên dưới, đêm nào cũng như đêm nào, ném tan tác cả hai cái nhà nó trong suốt 6 tháng trời. Đến mức giường ngủ bố nó phải lót ván phía trên đề phòng gạch ngói vỡ rơi trúng mặt. Bố nó uất ức không làm gì được trong 6 tháng, mẹ nó phát bệnh. Bố nó đêm nào cũng vác dao đi rình kẻ ném nhà, may thay bố nó không tóm được ai, nếu không, nó sẽ có một người cha đi tù về tội giết người.

Chuyện ném nhà được kết thúc khi mẹ nó bệnh quá nặng, không đi viện thì chỉ có nước chết. Và, nó ngơ ngác khóc nhìn mẹ bất tỉnh được đưa đi, ấy là khi kỳ nghỉ hè đã đến.

Cho đến bây giờ, nó cũng không hiểu tại sao mỗi ngày nó đến lớp, cô giáo cứ nghĩ ra một hình phạt gì đó dành cho nó. Sau này lớn lên nó hỏi mẹ với cô có hiềm khích gì không, mẹ bảo là không. Nó chỉ biết rằng vào năm lớp 3, nỗi ám ảnh lớn nhất của nó là cô giáo. Cô giáo tên Hồng Sửu. 

Khi mẹ nó đi viện, bố nó dặn nó một câu, con muốn thoát khỏi cảnh này thì phải học thôi. Nhà mình ông nội là thầy đồ, cố nội là quan, cụ tổ là ông Nguyễn Văn Giai, nghe đâu được đặt tên đường trong Nam...và cứ thế, nó học, bắt đầu từ môn văn. Và cũng chỉ một năm sau, nó trở thành học sinh giỏi môn văn, vào trường năng khiếu, tạm biệt cái trường làng nhỏ bé với những kỷ niệm buồn năm nó mười tuổi. Ký ức với nó chỉ thoáng qua chút nhớ như chú mèo con xa mẹ và lăn vào một gia đình khác để sống.

Sau này gặp lại cô giáo, nó vẫn chào hỏi. Nó lớn lên, nó tạm lý giải vấn đề rằng có chút gì bất ổn về cô khi nghĩ về gia đình nó. Rồi nó tha thứ. Nhưng, làm sao nó quên được?

Biết bao nhiêu thầy cô đã dạy nó, đã yêu thương, đã nhớ nó. Nhưng có một người thầy, mãi mãi vẫn ăn sâu trong trí nhớ nó về những đòn roi và miệt thị, đã vẽ vào đời nó những nét vẽ đen lên một tờ giấy trắng 30 năm trước...

Dù đời vẽ vôi vẽ phấn vẽ bụi lên điều đó, nhưng, cái màu đen năm xưa, nó vẫn hằn sâu lắm. Tính cho đến lúc nó ngồi viết những dòng này đây, thưa cô...

HOÀNG NGUYÊN VŨ 27.11.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.