dimanche 11 novembre 2018

Tôn Thất Long - Nhảm chuyện cuối tuần về nước Mỹ


Đoàn di dân từ Trung Mỹ chờ quá giang xe tại Mêhicô, 10/11/2018.

Việc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ đã xong, ai thắng ai thua đều đã rõ. Giờ chính là lúc cả hai đảng bắt tay vào làm việc mà họ đang muốn làm. Vấn đề chính giờ đây là quyền lực đã có sự cân bằng rõ rệt hơn và phải có sự nhân nhượng và dung hòa giữa hai đảng. Không còn có chuyện đổ lỗi cho nhau giữa hai đảng về sau này vì cả hai bên đều có thể coi như ngang lực ngang tài, không như lúc trước khi bầu cử, cán cân quyền lực khá nghiêng về một phía là đảng Cộng Hòa.

Giờ nói sang chuyện khác, chuyện này là chuyện lạm bàn và chỉ nêu ra các câu hỏi, vấn đề chứ không bàn sâu vào chi tiết, vì khả năng hiểu biết giới hạn. 

Chắc ai theo dõi tin tức ở Mỹ cũng đều nghe qua việc đoàn lữ hành người di cư từ các nước Trung Mỹ (85% là Honduras, còn lại là Guatemala, El Salvador và Nicaragua) ồ ạt đổ về biên giới Mỹ qua trung chuyển là nước Mexico, bất chấp tuyên bố của tổng thống Mỹ là sẽ ngăn chặn bằng mọi giá mà ông Trump gọi là invasion (xâm lăng). 

Để đáp trả cho cái gọi là invasion, việc đầu tiên ông làm là gởi quân đội đến giúp các nhân viên tuần tra biên giới chuẩn bị và hợp tác, để ngăn chặn người vượt biên giới trái phép - ngoài việc thúc đẩy xây bức tường biên giới. Chuyện này có thể thực hành được hay không với đoàn người trên 4-5 ngàn người và con số có thể trên nữa vẫn chưa thể nào biết hết. Đoàn người này hiện nay họ vẫn còn cách xa biên giới Mỹ cả ngàn cây số và quân đội hoàn toàn không thể và không có quyền bắt hay làm gì trong biên giới nước Mỹ, vì luật pháp không cho phép.

Chúng ta, người Việt đến được nước Mỹ này hầu hết chỉ có nằm trong hai trường hợp này "tị nạn" hay "di dân". Diện tị nạn thì quá rõ ràng, diện di dân có thể nói chung bao gồm nhiều diện như bảo lãnh gia đình, đám cưới với công dân Hoa Kỳ, du học sinh, chuyên gia hay đầu tư...sau đó xin hợp thức hóa giấy tờ để làm thường trú nhân. Tất cả đều qua các thủ tục pháp lý hợp pháp. Trong này sẽ không đá động đến các trường hợp đi du lịch ở lại lậu hay đám cưới giả...

Nói chung người Việt chúng ta cũng là những người tị nạn vì chiến tranh, hay di dân vì nhiều lý do đến quốc gia này, có thể hiểu và đồng cảm với những người tị nạn hay di dân, dù cho họ ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Tuy nhiên ta cần phải phân biệt rõ, đồng cảm không có nghĩa là đồng ý hết trong mọi vấn đề.

Khác với các quốc gia như Việt Nam, Lào và Campuchia, Iraq, Afghanistan, người tị nạn và di dân nói chung đến được nước Mỹ này vì có những mối liên hệ và nạn nhân trực tiếp của chiến tranh mà nước Mỹ vốn có liên hệ trực tiếp hay gián tiếp. Đoàn lữ hành di dân đến từ Trung Mỹ hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh, không có một sự liên hệ trực tiếp nào đến nước Mỹ mà chủ yếu bởi tình trạng thất nghiệp, thiếu an ninh và băng đảng ma túy đe dọa tại quốc gia mà họ đang sinh sống. 

Thế thì tại sao họ lại muốn thực hiện "giấc mộng di dân đến Mỹ" mà bỏ qua mọi răn đe, và sự nguy hiểm trên con đường di cư để đến được nước Mỹ ? 

Có vài lý do, một trong những lý do chính đó là "Luật an toàn cho di dân" (Sanctuary Law) của tiểu bang California và vài vùng dọc biên giới nước Mỹ với Mexico. Đại khái, chúng tôi sẽ bảo vệ quý vị khi quý vị đặt chân lên đất Mỹ. Nó cũng tương tự như người Cuba khi xưa đến nước Mỹ có luật "wet foot, dry foot" (chân ướt, chân khô), nghĩa là một khi họ đặt một chân lên đất Mỹ là sẽ được hưởng quy chế thường trú nhân ngay lập tức cho đến khi tổng thống Obama gỡ bỏ luật này vào tháng 1/2017. 

Người Mỹ Latinh khi lọt vào các vùng có "Luật an toàn cho di dân" cũng sẽ gần như được miễn nhiễm và hưởng được sự bảo trợ. Nếu họ không vượt ra khỏi vùng an toàn và không làm điều gì sai với luật pháp, thì họ hầu như an toàn lo làm ăn, cho tới ngày được công nhận hay ban cấp cho quy chế thành thường trú nhân. Chính cái luật này đã tạo ra tiền đề cho vấn nạn hiện nay, hay ta còn gọi là lỗ hổng trong luật di trú hiện nay.

Đâu mới là sự thật trong câu chuyện của đoàn di dân này ? Kèm theo là những nghi ngờ và hệ lụy có thể xảy ra, trong việc nhận vào đoàn lữ hành di dân.

Người ta hay nói ở các tiểu bang chuyên về nông nghiệp, giới trang trại ủng hộ và thích mướn di dân lậu vì được lợi nhân công giá rẻ? Vẫn là luận điệu khó chấp nhận vì giới chủ nhân biết rất rõ cái giá bị phạt rất lớn, nếu nhận nhân công di dân lậu thì bị phạt còn nặng nề hơn là lợi tức mà họ thu nhập được. Có thể đã từng có xảy ra những trường hợp mướn di dân lậu, nhưng đó không phải là đa số, vì vậy tiền đề này rất khó chấp nhận.

Những ai quan tâm đến việc di dân và nộp hồ sơ đi Mỹ đều biết, hàng năm nước Mỹ đều có quota nhận di dân tùy theo từng quốc gia hay vùng. Con số tồn đọng hàng năm qua của người chờ cứu xét để được chấp nhận vào Mỹ chỉ có tăng lên chứ không hề giảm xuống, thời gian chờ đợi lên đến 5-10 năm có hơn. 

Với con số hàng vạn người ào ạt đến biên giới và nộp đơn xin cứu xét, sẽ không có vụ cứu xét ngay mà phải chờ. Phải cần bao nhiêu thời gian chờ và đợi? Vậy trong lúc chờ đợi cứu xét, ai sẽ lo chỗ ăn ở và tình trạng cư trú cho họ? Đó sẽ là một thử thách lớn, chứ không phải như các nhà vận động hay chính khách ồn ào nói chúng ta hãy nghĩ đến vấn đề nhân đạo. 

Các ký giả thì liên tục đưa tin và các hình ảnh các gia đình có con nhỏ trong đau buồn. Rắc rối ở đây, là sau các vụ ồn ào giam giữ các trẻ vị thành niên bị tách rời cha mẹ xảy ra vừa qua. Luật đã ra quy định không được giam quá 20 ngày với các trẻ dưới vị thành niên hay tách rời chúng ra khỏi cha mẹ, thế thì khi thả chúng ra tất nhiên phải thả cả cha mẹ chúng luôn (???). Có phải chính là luật đã có lỗ hổng và phần nào tạo ra trường hợp di dân lậu một cách hợp pháp?

Chuyện đoàn lữ hành di cư (migrant caravan) này chỉ mới bắt đầu, vì các nước khác không chỉ trong vùng Trung Mỹ sẽ theo dõi rất kỹ. Nếu việc chấp nhận cho đoàn người tiến vào nước Mỹ sẽ tạo thành tiền lệ, và sẽ có những đoàn kế tiếp xuất hiện thêm chứ không giảm thiểu đi chút nào. Lúc đó nước Mỹ có dám mở toang cánh cửa biên giới vì nhân đạo nữa hay không. Và những chính khác cấp tiến, nhóm bảo vệ nhân quyền có còn dám hô hào hay đứng ra chào đón nữa hay không? 

Còn nữa, còn nhiều vấn đề cần phải xem xét trên mọi phương diện và khía cạnh, trong đó còn phải nói tới tiền bạc và an ninh. Vấn đề xây dựng bức tường an ninh ở biên giới cũng chỉ để ngăn chặn từng cá nhân hay nhóm người riêng lẻ, chứ không thể ngăn chặn cả đoàn mấy ngàn người ồ ạt đến như thế này.

Di dân lậu có thể trở thành một gánh nặng cho nước Mỹ, và có khả năng chính phủ phải cắt giảm đi những chương trình tài trợ khác để dành cho việc này. Hình như nhiều người đang nhìn nhận vấn đề thông cảm cho di dân theo một định hướng sai lạc, ủng hộ mà không suy nghĩ đến hậu quả và gánh nặng cho nước Mỹ trong tương lai, có thể ảnh hưởng đến phúc lợi và đóng góp của chính bản thân và gia đình.

Thẳng thắn nhận định, nước Mỹ sống còn và phát triển là nhờ di dân, sự đóng góp của di dân đã góp phần nên sự thịnh vượng của nước Mỹ ngày nay. Nhưng phải qua con đường hợp pháp và công bằng, chứ không phải là con đường "di dân ào ạt" bất hợp pháp đang xảy ra như hiện nay với nước Mỹ. 

Liệu các chính trị gia cấp tiến và nhóm bảo vệ nhân quyền có tiếp tục đưa ra các tuyên bố về chính sách di dân của Hoa Kỳ, mà họ tranh luận là vô nhân đạo, bất công và bất hợp pháp? Hình như họ chỉ thích lên tiếng nhưng hành động của họ lại đi ngược lại, gây khó khăn hơn cho chính quyền và xã hội đang bị xáo trộn bởi các chính sách hiện nay. 

Chung quy cái "Luật an toàn cho di dân" (Sanctuary Law) và chính sách di dân có thể cần phải được xét lại, tìm ra cách giải quyết thỏa đáng hơn. Và cũng hy vọng cả hai đảng đừng vì lá phiếu của dân Mỹ Latinh mà bỏ qua những tiêu chuẩn cần thiết trong vấn đề này. 

Bài này viết theo nhận định riêng, đây chỉ là nhận định cá nhân tuy biết có nhiều bạn sẽ có ý kiến trái chiều. Mong quý vị đọc và lượng thứ! Tui rất sợ bị ném đá, bình dễ vỡ. Cuối tuần chúc mọi người vui vẻ.

TÔN THẤTLONG 09.11.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.