Tác phẩm "Phố nhuộm màu hoa" ở phố bích họa Phùng Hưng, Hà Nội bị yêu cầu sửa vì nghi vấn vẽ người "bị công an đuổi". |
Bài trên báo nhà nước
(VnExpress 12/10/2018) Cách đây vài năm, họa sĩ Thành Chương vẽ bìa cho một
tờ báo Xuân ở Hà Nội, là bức tranh cô gái ngậm bông hoa, bay trong gió. Nhưng
ngay khi phát hành, một quan chức văn hóa yêu cầu thu hồi toàn bộ số báo ấy, với
lý do thành phố đang thực hiện nếp sống văn minh, tại sao lại đưa cô gái đầu
tóc bù xù lên báo như vậy? Hơn nữa, cô gái ngậm hoa thế khác gì ngậm cỏ, ý nói
đất nước khó khăn, nghèo đói, nên phải ăn cỏ à?
Khi
ông kể lại câu chuyện đó ở một hội thảo cuối năm 2017, nhiều người ngỡ ngàng:
Những tưởng đó là câu chuyện đã qua của mấy chục năm về trước. Nhưng nghệ thuật
đương đại Việt Nam vẫn còn nhiều câu chuyện bi hài như thế.
Việt
Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 doanh thu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp
7% GDP. Việt Nam đặt ra nhiều chủ trương đi kèm với sự phát triển cái gọi là “sáng tạo”. Có nhiều lĩnh vực kinh tế
mũi nhọn khác gắn liền với nỗ lực sáng tạo trong văn hóa, mang những sứ mệnh tỉ
đô, đơn cử như du lịch. Và chính quyền, trong các diễn biến gần đây, luôn tỏ ra
hào phóng trong ngân sách với sự nghiệp “thúc
đẩy đời sống văn hóa”.
Nhưng
nhiều dấu hiệu cho thấy những nguyên tắc căn bản nhất của hoạt động sáng tạo
không được tôn trọng, cho dù chúng ta đã bước vào thế kỷ 21 được gần hai thập
niên.
Tháng
4/2017, bỗng dưng Cục Nghệ thuật biểu diễn ra quyết định tạm thời dừng lưu hành
năm ca khúc sáng tác trước năm 1975 dù đã được cấp phép trước đó gồm: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình
Phương).
Lý
do được đưa ra bởi hội đồng nghệ thuật do Cục thành lập đã thẩm định và xác
định năm bài hát này dù được cấp phép trước đó nhưng có lời không đúng với bản
gốc, không đúng tên tác giả, vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ, nên phải tạm dừng lưu
hành để xác minh cho chuẩn.
Khi
đó, tôi chất vấn lãnh đạo đơn vị này, lời bài hát hay tên tác giả đúng - sai
phải do các bên liên quan tự giải quyết với nhau chứ? Nhưng câu trả lời nhận được
đều vòng vo, không rõ ràng. Vị lãnh đạo này chỉ khẳng định sau khi xác định
đúng lời bài hát gốc và đúng tác giả thì mới cấp phép lưu hành trở lại, dù bản
thân ông chưa biết khi nào đối chiếu xong. Một quan chức khác thì đặt câu hỏi
ngược lại với tôi: “Chiến trường anh bước
đi là chiến trường nào?”.
Không
bằng lòng với lời giải thích ấy, tôi cố gắng tìm gia đình các nhạc sĩ. Một tối
đã khuya, tôi liên hệ được với bà Kha Thị Đàng, vợ cố nhạc sĩ Châu Kỳ. Bà tâm
sự, đã có lúc hai vợ chồng bà bàn nhau, nếu nhà nước còn “mặc cảm” với hai câu “Chiến trường anh bước đi" và “Nơi đây phiên gác canh dài” thì sẽ sửa
thành "Lối mòn anh bước đi" và "Nơi đây thao thức canh dài".
Bà thanh minh, ngày đó tác giả Hồ Đình Phương viết lời như vậy để ăn khách
thôi, chứ có chính trị gì đâu.
“Đất nước đã thống nhất hơn 40 năm nay
rồi, sao còn nỡ bắt bẻ câu chữ làm tổn thương nhau làm gì?”. Tiếng thở dài của người phụ nữ đã ngoài 80 tuổi ấy
ám ảnh tôi nhiều ngày. Hơn một tháng sau, trước sự phẫn nộ của dư luận và báo
chí, Cục Nghệ thuật biểu diễn trả tự do cho năm bài hát, và họp đến nửa đêm
kiểm điểm các cá nhân liên quan.
Tùy
tiện kiểm duyệt và cấm đoán không chỉ xảy ra ở lĩnh vực âm nhạc. Nhiều họa sĩ
Việt Nam phải nếm đủ đắng cay, nhọc nhằn trên hành trình mang đứa con tinh thần
đến với công chúng.
Mỗi
lần nhắc đến chuyện đi xin cấp phép tranh, họa sĩ Hứa Thanh Bình lại bực bội
đến mức nổi nóng. Ông kể, khi làm triển lãm mang tên "Về nhà đi thôi" thì có người gọi điện nói sửa đi vì
“nhạy cảm”. Ông phải sửa thành "Về
nhà".
Hoặc
khi ông vẽ bức tranh công nhân ngồi trên ghế. Sau thấy không đẹp, ông xóa chiếc
ghế đi. Vậy mà khi mang triển lãm, tranh của ông bị loại vì ban tổ chức căn vặn
sao công nhân lại ngồi không có ghế?
Chung
số phận ấy, những nghệ sĩ nhiếp ảnh khỏa thân cũng đầy nhọc nhằn và nước mắt
mỗi lần có ý định triển lãm. Nghệ sĩ Thái Phiên từng năm lần, bảy lượt gõ cửa
khắp nơi xin cấp phép triển lãm ảnh khỏa thân. Năm 2007, lần đầu tiên ông xin
được giấy phép triển lãm tại Hà Nội, thì không thể tìm được địa điểm. Một người
bạn trong cơ quan chức trách thấy ông khổ sở quá, nên đành nói thật ông đừng cố
tìm, bởi “Có lệnh từ trên xuống các nơi
không được phép cho mày thuê triển lãm”.
Một
năm sau, ông trình lại bộ ảnh cũ thì bị từ chối thẳng thừng bởi: “Cầu Cần Thơ vừa mới sập, nạn cúm gà đang
hoành hành, kinh tế đang bất ổn, vật giá leo thang... nên không thể triển lãm
vào lúc nhạy cảm này!”.
Nghệ
sĩ Lê Quang Châu vì quá bất bình khi không xin được giấy phép triển lãm, đã
liều trưng bày ở một studio của người bạn. Nhưng chưa đầy một ngày thì bị tịch
thu. Từ đó đến khi qua đời, ông quyết không xin xỏ gì nữa.
Trên
hành trình làm báo, tôi còn được biết nhiều câu chuyện dở khóc dở cười khác mà
các nghệ sĩ Việt Nam phải chịu đựng. Sự kiểm duyệt tùy tiện, vô lý của quan
chức văn hóa như sợi dây thòng lọng lơ lửng trên cổ nghệ sĩ. Sợi dây ấy có thể
thít chặt làm nghẹt thở bất kỳ ai. Đến nỗi, nhiều người than rằng, mỗi khi
“mang nặng đẻ đau” đứa con tinh thần, lại nơm nớp lo không biết có vượt được ải
kiểm duyệt đến với công chúng.
Lại
nói chuyện cô gái Hà Nội và hoa. Trên phố bích họa Phùng Hưng bây giờ có tác
phẩm Phố nhuộm màu hoa vẽ những phụ
nữ tất tả cùng gánh hàng hoa trên phố. Một vị quan chức văn hóa đã yêu cầu phải
sửa lại thành những cô gái mặc áo dài ở làng hoa Ngọc Hà. Lý do bởi có thành
viên hội đồng nghệ thuật đặt nghi vấn, phải chăng những người gánh hoa trong
tranh bị công an đuổi nên mới chạy tán loạn như thế!
VŨ VIẾT TUÂN
Một số lời bình của độc giả dưới bài báo :
- Cười ... ra nước mắt
- Thật là thiên tài, toàn ý
tưởng cao siêu vậy mà các vị cũng nghĩ ra được. Nhất là ý tưởng ở cuối bài
- Rõ rồi! Nếu Picasso hay
Van Gogh giờ có trình tác phẩm lên chắc bị loại tất.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.