mardi 27 novembre 2018

Phạm Gia Hiền - Khép lại chuyện 232 cái tát



Status trước về câu chuyện 232 cái tát, có những ý kiến cho rằng tôi đã chụp mũ ngành giáo dục, và vì thế, phần nào xúc phạm nghề giáo. 

Như tất cả mọi người được đi học, tôi cũng có những người thầy, người cô - những người mà suốt đời tôi biết ơn và kính trọng. 

Tôi học hết đại học, được làm nghề báo, nghề viết, là kết quả thụ hưởng sự giáo dục - đào tạo của rất nhiều thầy cô, trường lớp. Bởi thế, tôi không mất dạy đến mức quay ra mắng xéo những người dạy mình. Tôi tin, những điều tôi nói, tôi viết từ xưa đến nay, dù chắc chắn có những thứ chưa đúng, nhưng không bao giờ có thứ dối trá, hay phản thày khinh bạn.

Nhà sư phạm nổi tiếng của Liên bang Xô Viết - Makarenko từng nói: Tôi không biết một trường hợp nào mà giáo dục tốt lại ra một sản phẩm tồi. Đúng vậy, ông dùng chữ Giáo Dục. Và trong những lời phản biện của mình, tôi cũng dùng khái niệm Nền Giáo Dục.

Bộ mà ông Phùng Xuân Nhạ đang đứng đầu, là một khái niệm ghép gồm Giáo dục và Đào tạo. Để đào tạo thì tương đối đơn giản, bỏ vài trăm nghìn tham gia một khóa học, cũng là thụ hưởng đào tạo. Nhưng giáo dục thì nan giải hơn nhiều, giáo dục tạo ra nhân cách con người.

Người thợ mộc dạy học trò cầm dùi đục, đấy là đào tạo. Nhưng cấm học trò ăn gian vài tấc gỗ lim, bắt phải trau chuốt để đường đục thật tinh thật kỹ, không cho phép dùng nước sơn để che đi những lỗi sẹo trên thân gỗ. Đó là giáo dục.

Võ sư dạy học trò đấm đá, đấy là đào tạo. Nhưng cấm học trò đánh nhau, cấm ỷ lớn hiếp yếu, đánh người được thì phải cứu người được. Đó là giáo dục.

Thầy cô ở trường dạy học sinh cái chữ, con số, địa lý, lịch sử, rồi cao hơn là các chuyên ngành y sinh, khoa học, tâm lý... Đó vẫn chỉ là đào tạo - việc mà thực ra ngày nay với internet, những người muốn học có thể tự học rất tốt, đầy đủ mà ưu việt.

Nhưng giáo dục là việc khác. Là dạy làm người.

Một học sinh chửi bậy. Đó là hệ quả giáo dục tồi. Và cô giáo chứng minh mình đã giáo dục tồi thế nào, bằng cách bắt 23 học sinh trong lớp tát bạn cật lực 230 cái.

23 học sinh, không một đứa nào dám có ý kiến chứ đừng nói đến phản kháng. Giáo dục thành công đến mức thất bại triệt để.

Nhìn lại toàn bộ nền giáo dục của chúng ta, cho đến tận ngày hôm nay, yếu tố Giáo Dục được đặt lên trước hay yếu tố Đào Tạo được đặt lên trước?

Để trả lời, hãy xem cách đánh giá xếp loại, khen thưởng (và đương nhiên là cả thăng tiến), của ngành Giáo dục & Đào tạo xem trọng kết quả Giáo Dục hơn hay Đào tạo hơn?

Học sinh giỏi đánh giá bằng điểm số.

Giáo viên giỏi đánh giá bằng số học sinh giỏi.

Trường "điểm" đánh giá bằng thành tích của học sinh và danh hiệu của giáo viên. 

Để đảm bảo cái lõi thành tích đó, từ trò đến thày khốn khổ nhìn nhau. 

Tôi đã và sẽ còn kể nhiều câu chuyện bất lực của các giáo viên áy náy lương tâm với nghề đã tâm sự với tôi. Về sự nhồi nhét kiến thức, về bệnh tôn thờ thành tích trầm kha, về những quyền lực gần như bất khả kháng cự của các ban giám hiệu nhà trường...

Trong một group kín tôi tạo ra để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, hai năm qua tâm sự nhiều nhất là các giáo viên. Chưa nói đến nội dung những tâm sự đau lòng của họ, chỉ riêng việc hầu như tất cả họ đều nhờ tôi đăng tâm sự ẩn danh vì sợ bị trù dập ở nơi dạy học - đó đã là một sự thật quá hiển nhiên về môi trường sư phạm.

Nhưng thôi, chuyện buồn về 232 cái tát, xin dừng ở đây. Tôi không rút lại những lời thất vọng của mình về cách thức vận hành của ngành Giáo dục & Đào tạo của chúng ta hiện nay. 

Học sinh hư, không chỉ lỗi tại nhà trường, đúng vậy, còn có trách nhiệm rất lớn ở phụ huynh. 

Nhưng ít nhất ba thế hệ học sinh tiểu học đã thành phụ huynh rồi, và những cái tát vừa tàn bạo vừa nhẫn nhục vẫn kế thừa đầy nhất quán. Nhất quán hơn nhiều so với sách giáo khoa mỗi năm. 

Thì đấy gọi là gì?


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.