mardi 27 novembre 2018

Đỗ Duy Ngọc - Một nền giáo dục bế tắc



Liên tiếp những chuyện xảy ra trong nhà trường nổ ra trong thời gian gần đây đã cho thấy ung nhọt của một nền giáo dục đã đến thời kỳ vỡ nát. Một nền giáo dục đưa đến hố thẳm, bế tắc không lối ra. 

Hậu quả này không do một người mà nó khởi đầu từ thời của bà Bình, ông Hiển, ông Luận, ông Nhân và đến đỉnh điểm của thối nát thời ông Nhạ hôm nay. Nó xuất phát từ một cơ chế lỗi thời và một xã hội chỉ chấp nhận cái láo. Ông Nhạ là người nhận lấy hậu quả vì bên cạnh sự xuống dốc của giáo dục lại thêm sự bất tài, vô trách nhiệm, vô cảm và sự dốt nát, ngu xuẩn của ông. 

Giáo dục Việt Nam qua nhiều thời kỳ đã đến bên bờ vực và ông Nhạ là người cuối cùng xô nó xuống hố sâu. Không thể có một nền giáo dục đúng đắn khi bộ trưởng giáo dục trả lời giữa diễn đàn Quốc hội Triết lý giáo dục của Việt Nam là nghị quyết của Đảng. Trả lời như thế thì đầu hàng thôi.

Trải qua biết bao thay đổi từ chương trình, cách thi cử, sách giáo khoa cho đến cách viết chữ lối đánh vần. Trẻ con Việt Nam trở thành những con chuột bạch để cho những kẻ ngu xuẩn đem ra làm thí nghiệm đến mấy thế hệ. Tất cả đều xuất phát từ những cái đầu thiếu não và tính tự phụ của những kẻ dốt nắm quyền lực. Họ đã đưa giáo dục Việt Nam càng ngày càng rối rắm để đi dần đến vực. Họ nắm quyền nhưng không biết làm gì, chẳng biết làm như thế nào nên càng làm càng bậy, càng bôi bẩn bức tranh giáo dục vốn đã đen thui.

Không biết từ đâu, xã hội Việt Nam đẻ ra cái chuyện thi đua lập thành tích. Chính cái thi đua lập thành tích này đã sinh ra những báo cáo láo, những công trình vừa xây xong đã hỏng và đào tạo ra một lớp người chuyên nói láo để đạt thành tích giả. Hàng ngàn, hàng trăm tỉ được chi ra để đạt chỉ tiêu thành tích, xong rồi xếp xó vì không sử dụng được. 

Trong lãnh vực giáo dục cũng không tránh khỏi nạn thi đua và thành tích. Và chính vấn nạn này đã đẻ ra những ung nhọt không cứu chữa trong trường học. Áp lực từ trên xuống Sở, Sở đè phòng, phòng ấn xuống trường, hiệu trường áp xuống giáo viên và nạn nhân cuối cùng là những học sinh. 

Tất cả đều có chỉ tiêu, bao nhiêu học sinh giỏi, bao nhiêu khá và không có học sinh kém. Ô hô! Trường học mà không có học sinh kém là điều vô lý, thậm vô lý. Càng vô lý hơn nữa khi mỗi lớp có 80 đến 90% học sinh giỏi. Con cháu chúng ta giỏi thật! 

Để đạt được con số đó, giáo viên phải làm nọi cách, kể cả những cách đê tiện, bí ổi, phản sư phạm nhất. Và phải báo cáo láo. Trường tìm mọi cách để tống khứ học sinh kém đó đi, còn không thì sửa điểm, sửa học bạ để lớp không còn học sinh kém. Ở trên biết là láo nhưng vẫn chấp nhận cái láo đó để đạt thành tích. Một chuỗi cái láo hình thành từ học trò đến giáo viên, đến ban giám hiệu, đến phòng đến Sở và đến bộ rồi đến chính phủ. Bởi thế mới có chuyện người nắm quyền lực cao nhất nước vẫn ca ngợi nền giáo dục của ta hiện nay là rực rỡ nhất, thành tựu nhất. Và ông bộ trưởng vẫn nhịp chân, ngước mặt nhìn trời với những tự hào.

Vì thành tích, nhà trường trở thành nơi tra tấn học sinh, không chỉ dạy học sinh nói láo và làm láo, trường còn đẻ ra những biện pháp để học sinh rình rập nhau, theo dõi nhau để báo cáo với thầy cô. Trường học nào cũng lập ra đội Sao đỏ và giao cho đội một số quyền hành. Trẻ con mà, khi có một số quyền sẽ trở nên những tay mẫn cán, chúng vẫn chưa ý thức những hành động của mình nên chúng trở thành tay sai đắc lực của thày cô. Chúng rất tự hào khi tìm được khuyết điểm của bạn mình, chúng sung sướng khi được ghi vào sổ để lập thành tích. 

Tổ chức cho học sinh tự quản là việc làm tốt nhưng với điều kiện phải giáo dục tốt về trách nhiệm của mình cho đội tự quản, phải ý thức công việc mình làm. Nếu không nhà trường sẽ là nơi đào tạo những tay mật thám, những ăng ten, và khi chúng lớn lên với những thói quen đó, chúng chỉ làm hại người khác. Đội Sao đỏ trong nhà trường là đội rình mò, báo cáo để lấy thành tích thì khi trưởng thành chúng cũng sẽ là những người sống không trung thực, chỉ chuyên rình rập để báo công. Chúng chẳng khác gi đám Hồng vệ binh trong cách mạng văn hóa ở Trung Quốc. Cũng từ Sao đỏ sẽ gây chia rẽ, hận thù ngay trong lớp học khi tuổi còn bé.

Khi chưa nắm chính quyền, người cộng sản luôn hô hào một xã hội công bằng, bình đẳng, mọi công dân được đối xử như nhau. Thế nhưng khi nắm được chính quyền, có quyền lực trong tay, những điều đó bị lãng quên. Riêng trong ngành giáo dục, bày ra trường chuẩn, trường chuyên, lớp chọn. Và cũng chính vì những danh hiệu này khiến cho giáo dục càng thêm thối nát. 

Bày ra những danh hiệu này là đã tước mất sự công bằng trong giáo dục. Và cũng do những danh hiệu đó, chuyện tham nhũng, hối lộ càng rầm rộ hơn. Giáo viên muốn được dạy trường chuẩn trường chuyên để có thể có thêm học trò trong lớp dạy thêm. Thế thì muốn được đứng trên bục giảng của nhà trường đương nhiên phải tốn số tiền không nhỏ. Ngoài một số học sinh thi cử đàng hoàng và vào trường bằng chính thực lực của mình, làm sao không có những học sinh vào trường bằng con đường đút lót, trường càng có tiếng thì tiền đút càng cao, đó là quy luật.

Trường học nào, lớp học nào cũng có câu khẩu hiệu: "Tiên học lễ, hậu học văn". Nhưng với tình hình trường lớp như hiện nay, lễ đâu còn để dạy, còn đâu lễ mà học. Vì nhiều lý do, trường thành cái chợ bán chữ, người thầy làm kẻ buôn chữ. Và trường chẳng ra trường, thầy chẳng ra thày và trò cũng chẳng ra trò. Học sinh là nạn nhân và người thầy cũng là nạn nhân. 

Người thầy vì nhiều áp lực, vì công việc làm, vì áo cơm nên chấp nhận chạy theo chỉ tiêu, chấp nhận những hành vi phản giáo dục để tồn tại. Họ tham gia đăng ký giờ dạy tốt dù biết đó chỉ là giờ thầy và trò đang cùng diễn một vở kịch, chỉ là làm trò. Nhưng không có không được. Đánh giá một giáo viên không thể chỉ qua vài ba tiết dạy tốt, đó là một quá trình. Hơn nữa, học sinh là đối tượng đánh giá tốt nhất về một giáo viên. Giờ dạy tốt là một hình thức nên chấm dứt trong trường học bởi đó cũng chỉ là việc làm láo và dạy học sinh sự giả dối. 

Họ không thể phản kháng, không thể không chấp nhận những điều phi lý. Bởi không thực hiện họ sẽ bị đuổi việc, bị cắt hợp đồng, không được tăng lương...Tiền lương bèo bọt lại bị vây quanh những áp lực, người thầy hôm nay nhiều lúc phải đánh mất sứ mạng cốt lõi của mình khi đứng trên bục giảng.

Thi cử trong nhà trường hiện nay là một trò hề, là dịp làm tiền của bộ phận lãnh đạo. Những cuộc thi hàng năm tốn hàng tỉ đồng nhưng thực chất chẳng mang lại kết quả như mong muốn. Kẻ lãnh đạo có quyền lực chi phối hoàn toàn kết quả thi cử, những chuyện xảy ra vừa qua đã chứng minh điều đó. Nhưng bộ trưởng vẫn huyênh hoang tuyên bố kỳ thi hoàn thành tốt đẹp. Trước những hiện tượng thi cử bất minh, bộ trưởng vẫn bình chân như vại và rồi khi dư luận lắng xuống, tất cả đều vũ như cẩn. Kẻ thiệt thòi vẫn là học sinh nghèo không có quan hệ và tiền tệ tốt.

20% ngân sách quốc gia là con số không hề nhỏ, nhưng không biết họ đã làm gì với số tiền đó. Học sinh vùng sâu vùng xa vẫn học trong những lớp học trên tre dưới nứa, trống hoác như chòi chăn vịt. Trẻ em vùng cao vẫn co ro rét mướt trong những lớp học tạm bợ, phải hái rau dại, bắt chuột để ăn mà kiếm chữ. Thầy cô giáo phải vượt qua bao khó khăn để được đến trường. Họ đẻ ra các dự án hàng trăm, hàng ngàn tỉ thực chất chẳng mang lại lợi ích gì, chỉ giúp cho những kẻ liên quan thêm tài khoản lớn hơn, ngôi nhà cao hơn, chiếc xe bóng lộn hơn.

Ở các trường tư, học sinh bị sống như đang ở trong trại lính. Học, học và học. Roi mây và những cú đấm là hình phạt. Tất cả để có số học sinh tốt nghiệp cao nhất, điểm thi cao nhất và đậu đại học nhiều nhất. Đã có học sinh tự tử vì áp lực, đã có học sinh bị tâm thần vì học, đã có nhiều học sinh trầm cảm và đa số đã bị đánh cắp tuổi đẹp nhất đời người. Sở Giáo dục có biết không? Bộ Giáo dục có hay không? Sao trường học vẫn tiếp tục biến thành trại lính? Tất cả cũng vì thành tích. Đậu nhiều sẽ có nhiều học sinh ghi danh, danh tiếng nhà trường cao hơn và đương nhiên thu nhập của trường cũng sẽ nhiều hơn.

Những thực trạng bê bối, vô lương, phi lý vẫn đang diễn ra ở ngành giáo dục. Những báo cáo hàng ngày, hàng quý, hàng tháng vẫn tiếp tục láo khoét. Giữa diễn đàn Quốc hội, bộ trưởng Giáo dục vẫn ung dung tay đút túi quần ca ngợi thành tích. Chính phủ vẫn tuyên dương ngành giáo dục. Nhưng thực chất nền giáo dục Việt Nam đang bế tắc không lối thoát. Thay bộ trưởng Nhạ cũng chưa phải là một giải pháp. 

Giáo dục Việt Nam cần thay máu, xóa sạch hết để làm lại từ đầu, phải có một triết lý giáo dục rõ ràng khoa học và gắn với sự phát triển của thời đại, của thế giới. Phải dẹp ngay chuyện thi đua, thành tích, trường chuẩn, trường chuyên, lớp chọn. Hãy trả lại chức năng của người thầy giáo là nhà mô phạm, là người truyền đạt kiến thức cho học trò chứ không phải là kẻ chuyên chạy đua, những người buôn chữ.

Nếu không làm được thế, giáo dục vẫn bế tắc và vẫn là một nền giáo dục lạc hậu không có tương lai.

ĐỖ DUY NGỌC 26.11.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.