dimanche 11 novembre 2018

Hoàng Hải Vân - Quốc hội coi chừng « lợi ích nhóm » tiếp tục chui vào luật !



Từ khi chập chững chuyển sang kinh tế thị trường, các nhóm lợi ích khai thác triệt để sự chưa hoàn thiện của cơ chế, đã và đang câu kết với một bộ phận quan chức soạn thảo luật pháp, tạo thành các đường dây vô hình dắt nhau chui vào các đạo luật nhằm thủ lợi riêng, bất chấp lợi ích của quốc gia và của nhân dân. 

Định hướng XHCN không có gì là không tốt nếu như chỉ nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhưng nhân danh định hướng XHCN trong Luật Đất đai với nhiều quy định chỉ có lợi cho nhà nước và các nhóm buôn đất bám vào nhà nước, trong đó có việc cho phép chính quyền thu hồi đất của dân để giao cho doanh nghiệp làm các dự kinh tế với giá đền bù rẻ mạt quy định tại điều 62, là đi ngược lại mục tiêu cao cả đã đề ra. 

Hàng loạt các đạo luật được thông qua cho phép ban hành các văn bản dưới luật để đưa ra những quy định mà người dân không thể dự đoán được, là vi phạm các nguyên tắc pháp trị. Sự thật là Quốc hội ta gồm phần lớn các đại biểu không chuyên trách, am hiểu đạo đức thì nhiều nhưng hiểu về việc làm luật theo tinh thần pháp trị thì không nhiều. Chính phủ cũng ít người có kiến thức chuyên sâu nền tảng về pháp quyền của nền kinh tế thị trường trong khi phần lớn các đạo luật lại do Chính phủ trình. 

Vì vậy hầu hết các đạo luật đều do bộ máy các Bộ soạn thảo, mà các bộ máy này thì vẫn còn đậm đặc di chứng của chủ nghĩa quan liêu, không thể nói là đã được tẩy trừ. Các tập đoàn buôn thần bán thánh câu kết với nhiều quan chức trong các bộ máy đó biến thành các nhóm lợi ích lũng đoạn luật pháp. Lẽ ra luật phải được xây dựng sao cho khi có hiệu lực thì thi hành được ngay thì họ phải cài vào luật quy định phải có Nghị định hướng dẫn, Nghị định lẽ ra thi hành được ngay thì họ lại cài vào quy định phải có Thông tư hướng dẫn tiếp. Mỗi một tầng nấc như vậy đều tước bớt quyền tự do của người dân và mang thêm quyền và lợi đến cho các nhóm lợi ích. 

Nhiều nhà lãnh đạo nhạy cảm biết rõ điều này nhưng sự can thiệp là rất có mức độ. Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải chắc chắn thấy được điều đó nên các vị đã phải lập một tổ (ban) tư vấn với các chuyên gia trình độ cao để giúp mình. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có lẽ cũng vậy, nên ông đã tái lập tổ tư vấn như mọi người đã thấy. Nhưng nỗ lực của ba vị Thủ tướng trên không ngăn được bao nhiêu tình trạng “lợi ích nhóm” chui vào luật. Giờ đây không ai có thể kiểm soát nổi “lợi ích nhóm” đã nằm trong bao nhiêu đạo luật, trong bao nhiêu Nghị định, Thông tư.

Trong những ngày qua, Quốc hội đang thảo luận một dự án Luật để sửa đổi các điều khoản về quy hoạch trong 37 đạo luật cho phù hợp với Luật Quy hoạch có hiệu lực vào đầu năm tới. “Lợi ích nhóm” nằm trong các điều khoản về quy hoạch là điều dễ thấy nhất, nhưng đó là chuyện quá lớn và quá phức tạp, không nằm trong bài viết ngắn này. Chỉ nêu một chi tiết rất nhỏ liên quan đến Luật Xây dựng. 

Mặc dù tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội chưa thông qua sửa đổi Luật Xây dựng và Luật quy hoạch đô thị do còn có ý kiến khác nhau về "Quy hoạch xây dựng tỉnh", nhưng cơ quan soạn thảo vẫn đưa quy định này vào dự thảo để sửa Luật xây dựng ngoài điều khoản về Quy hoạch tỉnh nói chung. Quy hoạch tỉnh sau khi lập sẽ được các bộ ngành liên quan thẩm định và trình Thủ tướng phê duyệt. Còn quy hoạch xây dựng tỉnh, theo dự thảo thì do tỉnh tự làm tự duyệt sau khi “có sự đồng ý bằng văn bản” của Bộ Xây dựng. 

Chi tiết nhỏ kia trở thành một trong các vấn đề lớn nhất được thảo luận trước Quốc hội. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội (Ủy ban Kinh tế) không đồng ý với quy định này, với lý do là trùng lắp, chồng chéo với Quy hoạch tỉnh và việc phê duyệt là trái với quy định của Luật Quy hoạch. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu cũng đề nghị bỏ điều khoản này ra khỏi dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng việc quy định phải có sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Xây dựng thực chất là tạo thêm một “giấy phép con” phục vụ cho lợi ích nhóm.

Tuy nhiên, dù là cơ quan thẩm tra của Quốc hội không đồng ý và đa số đại biểu phát biểu (24/37 ý kiến) tán thành ý kiến của cơ quan thẩm định, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã không tiếp thu mà chỉ tiếp thu ý kiến của thiểu số (6/37 ý kiến) đề nghị giữ nguyên như dự thảo. 

Một đại biểu của Cao Bằng, ông là ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã bức xúc nói : “Theo tổng kết tại kỳ họp tổ cũng như phiên thảo luận tại hội trường có đến gần 2/3 đại biểu phát biểu ủng hộ bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh. Cơ quan thẩm tra vẫn giữ nguyên quan điểm của mình đối với việc bỏ quy hoạch xây dựng tỉnh. Nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo theo hướng ủng hộ quan điểm của 6 đại biểu phát biểu. Ủng hộ giữ quy hoạch xây dựng tỉnh, đó là điều tôi rất băn khoăn”.

Có nghĩa rằng, nỗ lực đẩy “lợi ích nhóm” ra khỏi một điều luật coi như mười phần thì chín phần thất bại !

HOÀNG HẢI VÂN 11.11.2018

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.