(NgườiViệt 16/11/2018) Hôm Thứ Ba vừa rồi, có nhà kinh tế gây rắc rối
cho ông Tập Cận Bình. Ông ta đặt câu hỏi: Nếu đảng Cộng Sản Trung Quốc còn tin ở
chủ nghĩa Mác xít thì phải tìm ra một cách giải thích tại sao họ đang dung chứa
kinh tế tư nhân?
Ông Cổ
Khang (贾康, Jia Kang) từng làm việc trong Bộ Tài Chính, nhắc lại bản
Tuyên Ngôn Cộng Sản năm 1848 của Karl Marx và Frederick Engels nói rằng phải
xóa bỏ quyền tư hữu các phương tiện sản xuất. Trung Cộng đang làm ngược lại chủ
trương đó. Kinh tế tư nhân là động cơ chính giúp nước Tàu tăng trưởng trong gần
40 năm. Hiện nay tư doanh đóng góp 60% vào Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP), và
cung cấp việc làm cho 80% giới lao động.
Trung
Cộng tách rời Marx Engels từ thời Đặng Tiểu Bình. Khi các đồng chí hỏi tại sao
cho phép sản xuất tư nhân, làm nhiều ăn nhiều, làm ít ăn ít, Đặng Tiểu Bình lý
luận rất thực tế: Mèo trắng, mèo đen không quan trọng; miễn là nó bắt chuột.
Con
mèo trắng “tư bản chủ nghĩa” của Đặng Tiểu Bình chứng tỏ hữu ích. Những công ty
tư như Alibaba, Tencent đang đưa kinh tế Trung Hoa vào thời kỳ tin học. Các
công ty nhỏ của tư nhân cũng cho thấy người Trung Hoa được tự do đã có rất nhiều
cách thích ứng rất nhanh, khi họ áp dụng kỹ thuật của phương Tây.
Trong
việc mua bán và trả tiền qua mạng Internet, số người dùng ở Trung Quốc nhiều
hơn ở Mỹ. Ngay một chuyện tầm thường như dùng xe đạp chung, bắt chước các thành
phố ở Âu Mỹ, cũng phát triển nhanh chóng. Tất cả đều do tư nhân đóng vai chủ động,
không hề có trong kế hoạch ngũ niên của nhà nước!
Tập Cận
Bình vẫn vuốt ve con mèo trắng. Cuối Tháng Mười, bản danh sách 100 nhà kinh
doanh lớn nhất được công bố sau nửa năm sưu tầm và đánh giá, để nêu công trạng.
Đứng đầu sổ là hai người sáng lập công ty Alibaba (Jack Ma) và Tencent (Pony
Ma). Chủ tịch các công ty có tiếng trên thế giới như Lenovo, Evergrande, Huawei
cũng được vinh danh. Một thương gia đã bị tố “tư bản phản động” trong thời cách
mạng văn hóa, may thoát chết, nay được nằm trong danh bảng danh dự. Một người
khác, đã được Đặng Tiểu Bình cứu sau khi bị đưa ra tòa trong thời gian đó chỉ
vì đi bán hạt dưa, nay lại được hoan nghênh.
Ngày đầu
Tháng Mười Một, 2018, ông Tập đã mời 54 nhà kinh doanh tới để chính thức hứa sẽ
hỗ trợ tư doanh. Không những thế, các ngân hàng nhà nước còn được lệnh tăng gấp
rưỡi số tiền cho tư doanh vay trong ba năm tới.
Nhưng
thói quen chỉ huy kinh tế của người Cộng Sản không thể nào bỏ được! Năm 2015, Tập
Cận Bình vẫn muốn sử dụng “con mèo đen,” trong việc phát động chương trình “Made
in China 2025.” Mục tiêu là dùng tiền nhà nước làm động cơ thúc đẩy khoa học,
kỹ thuật tân tiến. Trung Cộng đã liệt kê 100 ngành công nghiệp được nâng đỡ.
Bắc
Kinh đã bỏ tiền trợ cấp sản xuất xe hơi chạy bằng điện, EV, với kết quả nổi bật.
Trong năm 2017, chính quyền các cấp bỏ ra $7.7 tỷ vào vụ này để trợ cấp các nhà
sản xuất và cả người mua xe; số xe điện bán trong năm lên tới 770,000 chiếc.
Trung bình mỗi chiếc xe được nhà nước bù lỗ $10,000.
Hướng
về tương lai, Trung Cộng đang nỗ lực giúp cho ngành Trí Khôn Nhân Tạo (AI, người
Trung Hoa gọi là Nhân Công Trí Năng, 人工智能), với mục tiêu sẽ đứng đầu thế
giới trong năm 2030. Hiện nay, AI đang được công an mật vụ Trung Cộng tận dụng
trong nghề nhận mặt, điểm chỉ và bắt giữ dân. Nhưng giáo dục về AI và sử dụng
AI cũng được cổ võ và trợ cấp.
Wang
Yi, một nhà kinh doanh 38 tuổi, từng làm cho Google ở Mỹ, khi về nước đã thành
công dùng AI lập ra một mạng xã hội dạy tiếng tiếng Anh tên là Lưu Lợi Thuyết
(Liulishuo, 流利说网易). Trong sáu năm, công ty của Wang từ ba người sáng lập đã
lên với 2,000 nhân viên. Vương hãnh diện nói rằng ở Trung Quốc từ trẻ em 7 tuổi
đến người 70 tuổi ai cũng biết đến Nhân Công Trí Năng!
Tây
phương chứng kiến chính quyền Trung Cộng bỏ tiền vào các ngành kỹ thuật tiên tiến
đã phản ứng. Các nước Châu Âu và Mỹ đều lên tiếng phản đối Trung Cộng giúp các
xí nghiệp của họ cạnh tranh bất bình đẳng với các xí nghiệp ngoại quốc. Cuộc
chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Cộng cũng nhắm vào chuyện này
Cuộc
thí nghiệm sử dụng mèo đen của Tập Cận Bình sẽ thành công hay không?
Kinh
nghiệm cho thấy kinh tế chỉ huy có thể thành công trong việc xây dựng hạ tầng
cơ sở, như xa lộ, đường xe lửa cao tốc. Họ cũng thành công khi áp dụng các kỹ
thuật và hiểu biết đã được người khác tìm ra, chỉ cần bắt chước làm cho nhanh,
cho rẻ hơn. Nhật Bản đã dùng các phát minh từ các nước Âu Mỹ để phát triển mạnh
thời 1970-80. Các kế hoạch do hệ thống ngân hàng, các đại xí nghiệp và nhà nước
hợp tác với nhau đặt ra. Nhưng từ thập niên 1990, Nhật Bản đã đứng lại.
Trong
kinh tế học có một định luật là “năng suất tiệm giảm.” Một đồng tiền bỏ vô đầu
tư có thể đạt một lợi suất cao, những đồng tiền bỏ vô sau đó sẽ thấy lợi suất
giảm dần. Cho đến khi một đồng tiền bỏ thêm không sinh lợi nữa mà có thể tác hại.
Đổ tiền
giúp các kỹ thuật tiên tiến đem từ ngoài vào thì sẽ phát triển nhanh, đuổi kịp
các nước đi trước. Nhưng sau đó, muốn tiến thêm, thì phải tạo được những điều
kiện kích thích các phát minh mới tự động ra đời. Thị trường tự do cạnh tranh
có các điều kiện như thế; nhà nước và kế hoạch xưa nay chưa thành công.
Nước Mỹ
đã đứng đầu thế giới về sáng chế, phát minh ra các kỹ thuật mới làm đảo lộn cả
cuộc sống kinh tế (disruptive technologies), tất cả đều do sáng kiến tư nhân.
Có khi công việc nghiên cứu của nhà nước giúp phát minh những kỹ thuật mới, như
Internet, nhưng chính thị trường tư nhân đã đem các kỹ thuật đó vào đời sống tất
cả mọi người. Nhờ cuộc cạnh tranh giữa các nhà kinh doanh mà những ý kiến mới,
hiểu biết mới được dùng cải thiện cuộc sống.
Giáo
Sư George Magnus, Đại Học Oxford, nhận xét: Theo kinh nghiệm, chưa một chế độ độc
tài nào thành công, trên toàn diện và lâu dài, trong việc khai thác các phát
minh kỹ thuật mới.
Một
thí dụ gần đây nhất là chuyện công ty ZTE của Trung Quốc. Công ty này vi phạm
chính sách cấm vận Iran của chính phủ Mỹ, nên bị phạt. Các công ty Mỹ được lệnh
cấm không cung cấp “chất bán dẫn” cho ZTE. Công ty công nghiệp hàng đầu của
Trung Quốc bị tê liệt, suýt nữa sập tiệm nếu không được Chủ Tịch Tập Cận Bình
can thiệp xin Tổng Thống Donald Trump tha tội!
Vì mua
chất bán dẫn (semiconductor) thì dễ, làm ra mới khó. Chính quyền Trung Cộng đã
đổ ra bao nhiêu tỷ đô la vào ngành chất bán dẫn trong mấy chục năm qua. Nhưng
muốn sản xuất được loại semiconductor đủ tiêu chuẩn quốc tế thì phải trải qua
kinh nghiệm ba tới bốn đời thay đổi kỹ thuật trong nghề. Những kinh nghiệm đó rất
phức tạp, không thể mua về, mở ra coi trong có cái gì rồi bắt chước làm giống hệt!
Nhưng
Cộng Sản Trung Quốc vẫn còn ghiền con mèo đen của kinh tế chỉ huy. Một giáo sư
triết lý Mác Xít mới viết trên mạng của bộ thông tin tuyên truyền, nhắc nhở đảng
Cộng Sản phải xóa bỏ kinh tế tư nhân! Ông Chu Hân Thành (Zhou Xincheng, 周欣诚), dạy
môn Triết Học Mác xít ở Đại Học Nhân Dân, nhấn mạnh: Lý thuyết Cộng Sản có thể
tóm tắt trong một câu: Xóa bỏ quyền tư hữu!
Một
nhân viên ngân hàng trẻ tuổi, Ngô Tiểu Bình (Wu Xiaoping, 吴小平) cũng
viết trên mạng một bài lý luận nói rằng kinh tế tư nhân đã “làm xong sứ mạng lịch
sử” giúp kinh tế nhà nước tiến bước; bây giờ có thể xóa đi dần dần. Các lời hai
người này trích dẫn từ bản Tuyên Ngôn Cộng Sản khiến giới kinh doanh nghe mà lạnh
xương sống.
Nhưng
kinh tế tư nhân thời nay khác với thời cải cách ruộng đất và đánh tư sản ở bên
Tàu hồi thập niên 1950. Con mèo trắng tư bản đã lớn khôn, lớn và khôn, khó lòng
giết nó được, dù giết từ từ bằng thuốc độc! Nếu giết con mèo trắng, kinh tế nước
Tàu sẽ chết theo!
NGÔ
NHÂN DỤNG
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.