dimanche 11 novembre 2018

Trương Nhân Tuấn - Biển Đông hay biển Hoa Nam?


Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 10 tại Đà Nẵng ngày 08/11/2018.

Vụ lùm xùm "hội thảo Quốc tế" ở Đà Nẵng, nhiều người bắt lỗi tại sao dùng tên "South China Sea", tức biển Hoa Nam, mà không dùng "East Sea", tức Biển Đông ? Tôi thấy vụ "bắt lỗi" này tuy "khắt khe" một chút nhưng hợp lý. 

Các Hội thảo quốc tế tổ chức ở Hàn Quốc người ta đâu xài tên quốc tế "Biển Nhật Bản" mà họ sử dụng Biển Đông (East Sea) theo cách gọi của người Hàn. Dân Ba Tư (Iran) thì họ gọi tên biển Vịnh Ba Tư (Golfe Persique). Đây cũng là tên "quốc tế". Nhưng các xứ Ả Rập phản đối. Bây giờ người ta bắt đầu sử dụng từ Vịnh Ả Rập (thay vì vịnh Ba Tư). 

Lý ra, nếu hội thảo quốc tế liên quan đến Biển Đông được tổ chức tại Việt Nam thì phải gọi là Biển Đông (East Sea) mới hợp lý lẽ. Không phải mình sợ gọi "Biển Hoa Nam" thì biển đó của Trung Hoa. Vấn đề ở đây là mình khẳng định tư thế "chủ nhà" của mình. Như có lần Phi họ gọi biển Hoa Nam là là Biển Tây Phi trong các cuộc hội thảo quốc tế tổ chức ở đây. Gọi chung chung "tên quốc tế" South China Sea, Việt Nam chứng tỏ đã "nhượng bộ" đối với Trung Quốc, ít ra trên tư thế chủ nhà. 

Đăng lại bài viết liên quan chủ đề, năm 2014. Chủ trương của tôi, thay vì đặt tên là Biển Đông, hợp lý phải đặt là Biển Giao Chỉ hay biển Việt Nam. Biển Hoa Nam (South China Sea) là "tên quốc tế", chỉ mới hiện hữu vài chục năm nay. Còn Biển Giao Chỉ (đôi khi là biển Chàm) là tên "quốc tế" đặt cho biển này từ vài trăm năm trước trên các bản đồ hàng hải. 

Biển Chàm hay Biển Giao Chỉ thì cũng là biển Việt Nam. 

Biển Đông, tên gọi theo người Việt, cũng là Biển Hoa Nam (Mer de Chine Méridional – South China Sea) theo tên gọi của quốc tế, hay Biển Tây Phi theo tên gọi của người Phi. Biển Đông thực ra đã từ có tên khác từ lâu đời, do người Hoa đặt, đó là Giao Chỉ Dương. Trong các bản đồ cổ của các nhà hải hành Châu Âu, khoảng thế kỷ XVII, XVIII… Biển Đông có lúc ghi là Biển Giao Chỉ, lúc thì ghi là Biển Chàm. Trường hợp nào thì cũng có ý nghĩa là Biển Việt Nam. Trong khi tên « Biển Hoa Nam - Mer de Chine Méridional » do người Châu Âu đặt, chỉ hiện hữu vài chục năm trở lại đây mà thôi.

Khoảng thập niên 90, do việc tranh chấp chủ quyền biển, đảo ở khu vực có nguy cơ bùng nổ vì sự việc gây hấn của Trung Quốc, học giả Yves Lacoste đề nghị trước các học giả quốc tế việc thay tên biển Hoa Nam thành tên Địa Trung Hải Châu Á (Méditerranée asiatique). Mục đích của học giả Yves Lacoste nhằm vào việc phản biện lại lý lẽ của các học giả Trung Quốc, khi những người này cho rằng đường 9 đoạn chữ U là do quốc tế nhìn nhận (biển Hoa Nam, tức là biển của Trung Hoa ở phía nam). Đề nghị này khá phù hợp, vì hình thái địa lý và nhân văn của biển này không khác biển Địa Trung Hải. Tuy nhiên, đề nghị này không được các cơ quan quốc tế liên hệ chấp nhận vì bị phía Trung Quốc chống đối.

Những năm sau này, học giả Phạm Cao Dương có đề nghị đặt tên Biển Đông thành Biển Đông Nam Á. Đề nghị này cũng hợp lý không kém. Nó được nhiều người VN ủng hộ, cũng như hầu hết các nước liên quan (ngoài Trung Quốc). Điều tiếc là nhà nước VN không tiếp nhận đề nghị này.

Sự việc « tên Biển Đông » trở nên thời sự, nếu ta đọc bài bài phỏng vấn của TS Trần Công Trục trên Infonet (và một số báo khác). Theo đó nhà nước CHXHCNVN đã đăng ký tên chính thức Biển Đông trước « Tổ chức Khí tượng Thế giới » là « Biển Đông Sea ». Biển Đông như thế là một « danh từ riêng », như Hà Nội, Sài Gòn…. Hanoi City, Saigon City…

Dựa vào lý lẽ này, TS Trần Công Trục cho rằng « Biển Đông » không thể dịch sang tiếng Anh (hay Pháp) theo lối « word by word - mot à mot » được. Tức là Biển Đông không thể dịch thành « Mer de l’Est – East Sea » được. TS Trục nhân dịp cũng mỉa mai rằng dịch kiểu như thế, thủ đô Hà Nội sẽ thành « Internal River Capital » hay sao?

Theo tôi thì vấn đề này có vài điều cần cân nhắc lại. Thử xét hai trường hợp:

1/ Trường hợp Biển Đen (Mer Noire – Black Sea).

Biển Đen (tình cờ) trở thành vấn đề thời sự do biến cố Crimea.

Tên Biển Đen vốn có nguồn gốc từ tiếng Thổ Nhĩ Kỳ: Karadeniz, có nghĩa là Biển Đen. Nguyên nhân không phải nước biển này màu đen, mà vì dân Thổ vốn có thói quen gọi bốn hướng bằng bốn màu khác nhau. Phía bắc tương ứng với màu đen, phía nam với màu trắng. Biển Đen được đặt để gọi biển ở về phía bắc của nước Thổ. Trong khi đó biển Địa Trung Hải, dân Thổ gọi là Akdeniz, có nghĩa là Biển Trắng, tức là biển ở phía nam nước Thổ.

Dĩ nhiên quốc tế người ta không gọi theo tiếng Thổ Karadeniz (Biển Đen) mà dịch nghĩa ra để thành « Mer Noire » hay « Black Sea ».

2/ Trường hợp tranh chấp giữa Triều Tiên và Nhật: Biển Đông (East Sea – Mer de l’Est) và Biển Nhật Bản.

Tranh chấp này bắt đầu từ năm 1992, nhân có Hội nghị của LHQ về việc tiêu chuẩn hóa tên các địa danh trên thế giới. Phía Bắc Hàn lần đầu tiên đề nghị tên « Biển Đông » để thay thể tên « Biển Nhật Bản ».

Vấn đề chỉ được đặt lại vào năm 2002, khi 72 thành viên của Tổ chức Thủy văn Quốc tế (Organisation hydrographique Internationale - OHI) nhận một văn bản của Tổ chức hỏi ý kiến về yêu sách của Bắc Hàn.

Phía Nam Hàn, có cùng ý kiến với Bắc Hàn, giải thích rằng tên « Biển Triều Tiên » hay « Biển Đông » đã hiện hữu từ rất lâu. Người ta gặp các tên này trong những bản đồ, do các nhà hải hành Châu Âu thiết lập, từ thế kỷ thứ 18. Trong khi cái tên « Biển Nhật Bản » chỉ mới đặt năm 1929, trong thời kỳ Triều Tiên bị Nhật đô hộ.

Phía Nhật phản biện rằng, cái tên « Biển Nhật Bản » cũng đã hiện hữu từ lâu đời, trên những tấm bản đồ do người Châu Âu thiết lập, vào thế kỷ thứ XVIII.

Cho đến nay việc tranh cãi vẫn chưa chấm dứt và tổ chức OHI vẫn chưa có kết luận phải lấy tên nào?

Ta có thể đưa ra nhiều thí dụ khác, tranh chấp giữa các nước về cái tên biển (sông, núi v.v…) như tranh chấp giữa Ba Tư (Iran) và các nước Ả Rập về tên Vịnh Ba Tư (Golf Persique – Persian Gulf). Như trường hợp biển cách giữa hai nước Anh và Pháp, Anh thì gọi là « English Channel » trong khi Pháp gọi là biển « Manche ». Ta có thể đưa ra hàng trăm thí dụ như vậy.

Việc này cho thấy mỗi nước có thể đặt tên biển (hay địa danh nào đó) theo ý nghĩa văn hóa và lịch sử của đất nước, dân tộc mình. Quan trọng là dân tộc nào cũng muốn các tổ chức quốc tế (như Tổ chức Thủy văn Quốc tế) sử dụng tên của mình đã đặt. 

Trường hợp Triều Tiên, lý lẽ họ đưa ra rất vững chắc, có thể nay mai Biển Nhật Bản sẽ đổi tên, nếu không, sẽ ghi hai tên (Biển Đông và Biển Nhật Bản). Cũng như trường hợp tranh chấp Iran và các nước Ả Rập về tên Vịnh Ba tư. Hiện nay một số bản đồ thế giới thì ghi là Vịnh Ả Rập, số khác thì ghi là Vịnh Ba Tư, số khác thì ghi vỏn vẹn « Vịnh - The Gulf ». « Cuộc chiến vùng Vịnh », đáng lẽ phải là Vịnh Ba Tư, cũng từ đó mà ra.

Vấn đề là, tại sao Triều Tiên gọi là Biển Đông (Đông Hải theo chữ viết Triều Tiên), dịch ra thành East Sea – Mer de l’Est thì được. Hoặc trường hợp 1, « quốc tế » người ta dịch « Karadeniz » thành « Biển Đen », cũng được luôn.

Tại sao Việt Nam lại không dịch được « Biển Đông » thành East Sea – Mer de l’Est ?

Do ngoại lệ văn hóa Việt Nam hay do mặc cảm nhược tiểu ?

Cá nhân tôi chưa dịch chữ « Biển Đông » bao giờ, nhưng tôi cho rằng khi nói Biển Đông không thể dịch thành « East Sea – Mer de l’Est » là không thuyết phục.

Mặt khác, nhân TS Trần Công Trục nói đến vấn đề Việt Nam đã đăng ký tên « Biển Đông Sea », tôi cho rằng việc này phải xét lại.

Theo tôi, Việt Nam cần noi gương Triều Tiên, nhân một cuộc họp Quốc tế nào đó về địa chí thế giới, đệ đơn xin đổi tên Biển Hoa Nam thành Biển Giao Chỉ (tức Biển Việt Nam). Lý do : tên này có trước tên « Mer de Chine Méridional – South China Sea » hàng mấy thế kỷ. Nếu Triều Tiên thành công đặt lại vấn đề thì không có lý do nào Việt Nam lại không được.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.