dimanche 25 novembre 2018

Nguyễn Tiến Tường - Bao nhiêu cái tát để thức tỉnh ?



Giáo dục thế nào, không biết đánh bạn là sai. Đặc biệt là phải thừa lệnh “chị đại” tức là côn đồ, cô hồn chim chích. Giang hồ nghĩa khí không cần đi học, cũng không hèn hạ đến vậy.

Làm cô giáo, không biết quyền con người là gì. Chỉ muốn thỏa mãn cái uy quyền cục súc của mình. Đã buộc học sinh bạo lực với nhau, còn tát một phát như đội trưởng đội thi hành án tử hình bắn phát ân huệ, để triệt tiêu hẳn khả năng phản ứng của đứa bé. Tâm địa rắn độc. 

Làm đến hiệu trưởng, trước một vụ việc vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, xin báo chí im lặng kẻo lỡ chuẩn quốc gia. Tận ngu nên tận ác, chà đạp sự thật, chà đạp luân thường đạo lý chỉ để mưu lợi cho mình. 

Làm lãnh đạo phòng Giáo dục, sở Giáo dục, bộ Giáo dục đứng trước một vụ việc hình sự, không đề nghị công an vào cuộc chỉ nhai đi nhai lại “xử lý nghiêm”, y hệt mấy con vẹt học vỡ lòng. 

Còn ông anh, đương nhiên là nín rồi. Cứ đưa thứ trưởng ra nói chứ bản thân mình ngu như bò đội nón, biết nói đường nào cũng sai và bị chửi. Sống chết mặc bây, ghế thầy thầy giữ! 

Cứ tưởng tượng con cái bạn lĩnh hội tất cả những phẩm chất này trong môi trường giáo dục, bạn có dám cho con mình đi học không?

Rồi cứ tưởng tượng cả một thế hệ công dân được nhào nặn tố chất này, thì tương lai quốc gia sẽ về đâu?

NGUYỄN TIẾN TƯỜNG 25.11.2018


Lên án cô giáo ra lệnh tát học sinh rất đúng. Nhưng sâu xa, cô ta phần nào đó cũng chỉ là nạn nhân của nền giáo dục mất phương hướng. 

Rộng ra, là một xã hội mục ruỗng giá trị. Chỉ có thành tích báo cáo là đẹp. Như cơ thể mặc chiếc áo bằng vàng còn bên trong chằng chịt vết thương hoại tử. Quan hệ giữa người với người dối trá, giáo điều. 

Giáo dục chạy theo thành tích bẻ con người dối trá từ gốc. Thầy cô sai không dám cãi. Giỏi hơn thầy cô không dám nhận. Ra xã hội, im lặng trước cái sai, cái bạo ngược để mưu cầu lợi ích. 

Cấp trên sai không dám phản kháng, chỉ vuốt đuôi để tiến thân. Phản kháng thì bị mượn tư tưởng để cô lập, trù dập. Tư tưởng hủ lậu triệt tiêu tư duy đột phá, giam lỏng tự do cá nhân. 

Muốn đạt tới giáo dục khai phóng, phải cởi bỏ ngay quan niệm nặng nề. Giáo dục đơn thuần là một dịch vụ. Bất cứ nghề nào cũng cao quý trong xã hội này và bất cứ con người nào đóng góp cho xã hội đều cao quý. 

Đừng nặng giáo điều để rồi bắt buộc những đứa trẻ phải tôn trọng những cá nhân không ra gì, phải chịu đựng những lời chỉ dạy mà chúng biết là dối trá. Cũng như đừng buộc cả một xã hội phải chấp nhận một ông bộ trưởng yếu kém và mất hết tự trọng.

Đừng buộc thầy cô giáo phải làm thần tượng trong mắt những đứa trẻ. Điều ấy khiến họ hoang mang và kiệt sức. Tôi thật sự tin, nhân cách của một đứa trẻ có nội hàm trong gia đình chúng. Và ngoại diện là sách vở, tri thức, nơi cô thầy đơn giản là phương tiện truyền tải. 

Chúng ta cần những giáo viên giỏi chứ không cần những lãnh tụ vĩ đại. Khi cô thầy mang tâm thế rèn dũa đạo đức cho học trò nhiều hơn là dạy kiến thức thì những người bị méo mó về tri thức và nhân cách biến thành đại bàng ngay tắp lự. 


Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.