Sáng nay tỉnh giấc có người tag vào chuyện của Mạnh Quân
viết, mới hay tin ông Bắc Hà, cựu chủ tịch ngân hàng BIDV, đã bị bắt ở
Campuchia. Vì câu chuyện Quân kể lại thì có vài tình tiết không chính
xác, mà lại liên quan đến mình, nên phải kể lại cho rõ.
Ông Bắc Hà có dọa tôi không? Có. Hôm đó là lần đầu tiên tôi
giáp mặt ông này, lúc đó (thời điểm cách đây 8 năm) là một nhân vật quyền lực
hàng đầu trong giới kinh doanh và cả chính trị Việt Nam.
Tôi lúc đó đang theo đuổi bài viết chân dung ông Đoàn Nguyên
Đức cho Forbes Asia, nên tới dự buổi hội nghị kinh tế Việt - Lào do BIDV đứng
ra tổ chức tại khách sạn REX. Hội nghị có phó thủ tướng Lào dự. Đó là thời điểm
ông Đức bắt đầu phát triển kinh doanh mạnh sang Lào, và BIDV là ngân hàng tài
trợ chính cho Hoàng Anh Gia Lai (HAGL).
Đó cũng là lần đầu tiên tôi tiếp cận ông Bắc Hà, một người
có thể coi là "quan chức" vì đứng đầu một trong bốn ngân hàng nhà
nước lớn nhất. Ông Hà thấp đậm, đầu to, tóc húi sát, gáy béo ngấn mỡ, trông
giống một "bố già" trong giang hồ hơn là quan chức. Lúc đó có một
ê-kíp của VTV đứng đầu là một chị gái, đi theo sát có vẻ rất thân thiết.
Ông Hà nhìn tôi từ đầu đến chân, thay vì trả lời câu hỏi,
lại hỏi lại: "Em có biết anh có khả năng nhớ tất cả những người anh
gặp?" Ông Hà bảo cho số điện thoại, nói rằng sẽ gọi lại. Mười giờ tối
hôm đó, tôi nhận một cuộc gọi từ máy ông Hà. Tuy nhiên, sau vài câu trao đổi,
thì thấy ông ấy không hề có ý định trả lời phỏng vấn.
Rất khó xử khi bạn nhận cuộc gọi muộn như thế. Vài điều ông
Hà nói về HAGL lúc đó không thể quote được. Tôi tìm cách lèo lái câu chuyện
sang hướng khác. Câu chuyện chuyển sang việc xử lý lạm phát (thời điểm đó có
lúc lên tới 20% rồi được kiềm chế lại bằng siết tín dụng, lãi suất cao, hàng
loạt doanh nghiệp phá sản).
Ông Hà tự hào nói rằng ông là người tư vấn chính sách kiềm
chế lạm phát. Tôi đã hỏi lại một câu hơi châm biếm: "Vậy anh có tư vấn tạo
ra lạm phát trước đó bằng việc vung tiền ra thị trường không?" Tới câu
đó thì ông Hà nổi giận, quát qua điện thoại: "Cô là loại phóng viên có
tư tưởng chống đối chính phủ! Tôi sẽ cho công an theo dõi cô!"
Tôi rất cáu, nên cúp máy. Nhưng không ngạc nhiên. Ông Bắc Hà
có thể gọi là týp người "Coi trời bằng vung". Rất sắc sảo, đầu
óc hơn người, nhưng tàn bạo thuộc kiểu người "mục hạ vô nhân". Sau
này trong thời gian làm báo, tôi còn vài vụ tiếp xúc với Bắc Hà nữa, nhưng cảm
thấy ông ta thuộc týp người nguy hiểm nên giữ khoảng cách để không bao giờ phải
nhận những cuộc gọi lúc nửa đêm.
Một lần khác, khi xảy ra vụ hợp nhất ba ngân hàng yếu kém
thành một (nay là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Saigon mà người đứng sau không
ai khác là bà Lan Vạn Thịnh Phát). BIDV là ngân hàng bảo lãnh vụ sáp nhập, ông
Bắc Hà chủ trì cuộc họp báo này tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước tại TP.HCM. Ông
Hà ngồi bàn chủ trì, mặt vênh váo, và tôi nhớ nhất là ông mạt sát ông nhà báo
là Phó tổng biên tập một tờ báo lớn, trong đó có câu: "Anh lãnh đạo một
tờ báo mà hỏi ngu vậy?" Anh nhà báo kia muốn đặt một câu hỏi khó,
nhưng quả thật thiếu kiến thức kinh tế. Sau cuộc họp, ông Hà đùng đùng bỏ đi,
đám thuộc hạ chạy sau khúm núm, không ai dám đứng ngang hàng.
Một vài điều ông Hà đã nói về kinh tế Việt Nam, về các đại
gia, tôi sẽ dành để viết lại sau, các bạn đón đọc nhé.
Làm nghề báo, có rất nhiều câu chuyện mà nhà báo được kể
lại, chứng kiến, ghi lại, nhưng không viết ra được vì nhiều lý do. Có thể sau
này sẽ viết lại thành sách.
Nhưng có một nguyên tắc mà mình luôn tôn trọng: Những gì ai
đó nói với mình là off the record, thì chắc chắn là không thể viết ra, kể lại
trong đó có trích dẫn họ mà không xin phép. Các nhà báo Việt Nam hay mắc sai
lầm này. Nếu mình làm ẩu như vậy, thì còn ai tin và nói chuyện với mình nữa? Mạnh
Quân chú ý nhé. Lần sau kể chuyện của tớ thì nhớ xin phép tớ.
NGUYỄN LAN ANH 29.11.2018
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.