jeudi 23 novembre 2017

Trung Quốc thủ lợi từ bi kịch người Rohingya Miến Điện




Người Rohingya bồng bế sang Bangladesh tị nạn, 20/11/2017.


(Bruno Philip, Le Monde 21/11/2017) Trung Quốc đang thu được những lợi ích chiến lược từ thảm kịch của người Rohingya - thiểu số theo đạo Hồi sống ở miền bắc Miến Điện bị buộc phải tị nạn ở Bangladesh, do bạo lực của quân đội.

Từ đầu tiến trình « dân chủ hóa » năm 2011, Miến Điện đã tháo gỡ được đáng kể gọng kềm của con rồng Trung Quốc. Trước đó, Bắc Kinh là đồng minh duy nhất thực sự. Ngày nay, khi Miến Điện lại bị phương Tây lên án, thì gần như trở lại với thời kỳ tập đoàn quân sự, Trung Quốc một lần nữa lại có thể lý sự rằng mình là đối tác đáng tin cậy.

Bắc Kinh lao vào không chần chừ : ngày 6/11 tại New York, khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc định thông qua một nghị quyết – theo đề nghị của Pháp và Anh – đòi hỏi cho người tị nạn quay về và ngừng sử dụng bạo lực với người Rohingya, Trung Quốc đã phủ quyết ngay. Hội đồng Bảo an đành phải tự bằng lòng với một « tuyên bố » đơn giản. Ngay trước khi bà Aung San Suu Kyi lên nắm quyền tháng 3/2016, Bắc Kinh đã nhanh chóng gầy dựng mối quan hệ với nhà cựu ly khai - trước đây bị tập đoàn quân sự vốn thân thiết với Trung Quốc quản thúc tại gia.

Vào lúc áp lực phương Tây tăng lên, một số nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đang chộp lấy cơ hội để lại trở thành người đối thoại ưu tiên của Miến Điện. Bắc Kinh, đối tác kinh tế quan trọng nhất, có lý do để lo ngại khi thấy đồng minh Miến Điện tiến lại gần phương Tây, nhất là với Mỹ. Hai chuyến viếng thăm Miến Điện của tổng thống Barack Obama năm 2012 và 2014, đã gởi đi dấu hiệu cảnh báo cho Trung Quốc. Tổng thống Thein Sein, dù là cựu thủ tướng thời tập đoàn quân sự, vào năm 2011 đã dám cho ngưng một dự án đập thủy điện do Trung Quốc xây dựng và tài trợ, trên sông Irrawaddy, miền bắc đất nước.

Đã hẳn là với hơn 2.000 kilomet đường biên giới chung, và chia sẻ một lịch sử lâu dài – đôi khi căng thẳng, như Trung Quốc thời Mao ủng hộ du kích cộng sản Miến Điện – khó tin rằng Trung Quốc chỉ chịu ngồi chiếc ghế tạm trên sân khấu nước này. Việc năm 2013 nhà cựu độc tài Than Shwe đưa ra tiến trình mở cửa trong khuôn khổ lộ trình hướng về một « nền dân chủ có kỷ luật », có mục tiêu rõ ràng : đưa đất nước ra khỏi tình trạng chỉ có một đối tác duy nhất là Trung Quốc. Trước nhu cầu quốc tế hóa thương mại, cần phải tiến đến một « chủ nghĩa đa phương » nào đó. Nhất là với mục đích thuyết phục Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu dỡ bỏ lệnh cấm vận đã kéo dài từ nhiều năm qua. Và đó là những gì đã diễn ra…

Nhà báo Thụy Điển Bertil Lintner chuyên viết về Miến Điện, mới đây tiết lộ vào đầu những năm 2000 trong giới quân nhân nước này lưu truyền một bản báo cáo dày, giải thích « sự lệ thuộc quá lớn » vào Trung Quốc đã đạt đến đỉnh điểm – theo tác giả bản báo cáo – là « chủ quyền quốc gia » đang bị đe dọa. Báo cáo nhấn mạnh, các tướng lãnh Miến Điện muốn được lợi từ quá trình toàn cầu hóa.

Trung Quốc tiến hành hai việc cùng lúc : vừa liên tục chứng tỏ « tình hữu nghị » với chính quyền Miến Điện, lại vừa vũ trang cho du kích thiểu số tại vùng biên giới. Bắc Kinh cũng cung cấp vũ khí cho các chiến binh Ngõa Bang (Wa), một tộc người sắt máu nay chuyên buôn ma túy. 

Trung Quốc không quan tâm đến nhân quyền lẫn đức hạnh của các đồng minh. Quân du kích Ngõa có cả xe thiết giáp, hỏa tiễn địa-không, thậm chí trực thăng Trung Quốc…và còn cung cấp súng trường nhãn hiệu Trung Quốc cho các lực lượng du kích khác trong khu vực, mà Bắc Kinh điều khiển được với các mức độ khác nhau.

Một ví dụ khác, Trung Quốc đã cho mở một tài khoản ngân hàng tại Bắc Kinh để « những món tiền tài trợ » có thể được đưa đến tay « quân đội Kokang », một sắc dân gốc Hán, chiến đấu dọc theo biên giới Trung Quốc - Miến Điện. Chiến lược hai mặt này giúp Bắc Kinh vừa ve vãn chính phủ Miến Điện, lại vừa duy trì được khả năng gây áp lực khi giựt dây những kẻ thù của họ…

Đối với Trung Quốc, Miến Điện là quốc gia quan trọng. Về kinh tế, Bắc Kinh cần giữ an ninh đường ống dẫn dầu và khí đốt chạy từ vịnh Bengale đến tỉnh Vân Nam, giúp các tàu chở dầu Trung Quốc khỏi phải đi qua eo biển Malacca để đến bờ biển phía đông. Ngay kế bên các đường ống dẫn dầu khí ở bang Arakan, nơi người Rohingya sinh sống, Bắc Kinh tìm cách chiếm được 80% dự án xây dựng một cảng nước sâu, trị giá khoảng 7 tỉ đô la. 

Cho dù Miến Điện không lại trở thành quốc gia bị thế giới xa lánh như trước, Trung Quốc vẫn có thể xoa tay hài lòng : phương Tây càng lùi xa Miến Điện, thì đất nước này lại sẽ rơi vào quỹ đạo của Bắc Kinh.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.