mardi 21 novembre 2017

Chiến tranh nguyên tử : Donald Trump bị giám sát



(Philippe Gélie, LeFigaro 21/11/2017) Trong khi Washington coi Bắc Triều Tiên là Nhà nước khủng bố, giới quân đội khẳng định sẽ phản ứng lại một lệnh tấn công nguyên tử bất hợp pháp.

Trên « chiếc cầu tác chiến » của Strategic Command Mỹ (Stratcom), trong tầng hầm bê-tông vững chải của căn cứ không quân Offutt (tiểu bang Nebraska), một chiếc đồng hồ đếm ngược cuộc tập trận nguyên tử. Tướng Gregory Bowen, phó giám đốc chiến dịch nói : « Khi đồng hồ đạt tới số không, tất cả màn hình và ánh sáng đều tắt, báo hiệu Omaha (thủ phủ Nebraska  - ND) chỉ còn là một miệng núi lửa bốc khói. Tôi có thể nói với bạn rằng điều này làm người ta phải cân nhắc ».

Phát biểu trong hội nghị quốc phòng cấp cao vào đầu tháng 11 tại Washington, tướng Bowen cũng giới thiệu nhiệm vụ của Stratcom, mà các sĩ quan giữ chiếc chìa khóa cuối cùng để phóng đi 1.411 hỏa tiễn nguyên tử của Hoa Kỳ. Ông tuyên bố : « Chúng tôi chuẩn bị và tập luyện cho một sự kiện mà chúng tôi hy vọng sẽ không bao giờ diễn ra ».

Cho đến nay, công thức này đủ để trấn an công chúng. Nhưng với Donald Trump ở Tòa Bạch Ốc, nhiều viên chức cho rằng cần phải kiểm tra lại lần nữa. Tổng thống Mỹ liệu thực sự « có quyền chỉ trong nửa tiếng đồng hồ, tự mình phá hủy tất cả những gì nhân loại đã tạo nên ? » - Joseph Cirincione, chủ tịch tổ chức chống hạt nhân Ploughshares Fund đặt câu hỏi.



Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump tỏ ra xa lạ với quan niệm răn đe. Nhiều lần ông hỏi : « Có vũ khí nguyên tử để làm gì nếu không thể sử dụng chúng ? ». Trong cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên, trên diễn đàn Liên Hiệp Quốc, ông đe dọa « tiêu hủy toàn bộ » đất nước 26 triệu dân này.

Để tăng thêm sức ép, chính quyền Trump hôm qua 20/11 đã lại cho Bắc Triều Tiên vào danh sách các Nhà nước tài trợ khủng bố, trong đó Bình Nhưỡng đã được xóa tên từ năm 2008. Thượng nghị sĩ tiểu bang Connecticut Chris Murphy nói : « Chúng tôi lo ngại khi một tổng thống bất định, bốc đồng, tách rời thực tế như thế lại có thể ra lệnh tấn công nguyên tử, bất chấp lợi ích an ninh của Mỹ ».

Tướng John Hyten, chỉ huy trưởng Stratcom bực tức tuyên bố hôm thứ Bảy 18/11 trong Diễn đàn An ninh Quốc gia ở Halifax, Canada : « Có thể nói rằng người ta cho là chúng tôi ngu ngốc. Chúng tôi không ngu, mà cân nhắc rất nhiều về vấn đề này. Nếu tổng thống ra một mệnh lệnh bất hợp pháp, tôi sẽ nói với ông ấy : thưa tổng thống, điều này bất hợp pháp. Bạn biết ông ấy sẽ làm gì không ? Ông sẽ nói : hợp pháp là sao ? Và chúng tôi sẽ đề nghị cho ông những chọn lựa khác, một sự phối hợp các khả năng để đáp ứng với tình hình, cho dù như thế nào đi nữa. Không có gì là phức tạp lắm ».

Nhưng định nghĩa về một mệnh lệnh « hợp pháp » vẫn mông lung. Thế nên thượng nghị sĩ Cộng Hòa Bob Corker, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, tuần rồi đã tổ chức cuộc điều trần đầu tiên kể từ năm 1976 đến nay về quyền kích hoạt vũ khí nguyên tử của tổng thống. Tướng Robert Kehler, cựu chỉ huy Stratcom, nhấn mạnh « sự cần thiết và tương xứng », nếu không mệnh lệnh sẽ bị phản đối. Điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp đó ? Tướng Kehler thú nhận : « Tôi không biết. Một cuộc đối thoại rất gay gắt sẽ diễn ra ». 

Tổng thống Donald Trump thăm các quân nhân Mỹ tại căn cứ Không quân Yokota, Nhật, 05/11/2017.
Brian McKeon, cựu thứ trưởng Quốc phòng nhấn mạnh, nếu người đứng đầu Ngũ Giác Đài và tổng tham mưu trưởng quân đội phản kháng tổng thống, sẽ không có gì ngăn cản tổng thống cách chức họ. Ông nói : « Cần phải có một cuộc nổi dậy thực sự, từ chỉ huy trưởng này đến chỉ huy trưởng khác, để tránh được một cuộc chiến nguyên tử ».

Trên thực tế, « hai kịch bản rất khác nhau có thể diễn ra », theo Peter Feaver, giáo sư môn khoa học chính trị ở Duke University và là cựu thành viên Hội đồng An ninh Quốc gia. « Hoặc các quân nhân đánh thức tổng thống vào nửa đêm do có một mối đe dọa tức thì, đã được kiểm tra. Hệ thống được thiết lập để đáp trả nhanh chóng trong tình hình như thế. Hoặc chính tổng thống gọi cho các quân nhân và nói : tôi muốn tung ra cuộc tấn công nguyên tử. Trong trường hợp này, toàn bộ hệ thống chỉ huy sẽ được cảnh báo ».

Joe Cirincione không cảm thấy thuyết phục về hiệu quả của “những người giữ cửa”. Ông nói : « Nếu một tổng thống ra lệnh tiến hành các kế hoạch quân sự đã được duyệt, thì không ai có thể ngăn lại được ».

Sự lo ngại này khiến các dân biểu đệ trình một dự luật đòi hỏi tất cả các quyết định « tấn công dự phòng » bằng bom nguyên tử phải được Quốc hội thông qua. Peter Feaver cảnh báo như vậy sẽ làm yếu đi sức mạnh răn đe của Mỹ. Nhưng ít nhất, « sẽ chẳng hại gì nếu luật hóa thực tế qua việc buộc tổng thống phải tham vấn các cố vấn an ninh trước đã ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.