Đức giáo hoàng Phanxicô và các trẻ em Miến Điện tại phi trường quốc tế Răngun, ngày 27/11/2017. |
Chuyến tông du Miến Điện của Đức giáo hoàng Phanxicô được hầu hết các báo Paris hôm nay 27/11/2017 quan tâm. Trong bài « Chuyến đi gian truân của Đức giáo hoàng đến Miến Điện và Bangladesh », Le Figaro nhận định đây là sự kiện ngoại giao hết sức nhạy cảm, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Rohingya.
Còn
không đầy một tháng nữa là đến sinh nhật 81 tuổi, người đứng đầu Giáo
hội Công giáo, trung thành với truyền thống Dòng Tên, tối qua đã lên
đường sang châu Á. Ngài thăm Miến Điện, đất nước mà từ trước đến nay
chưa hề có Giáo hoàng nào đặt chân đến, và sau đó là Bangladesh. Bối
cảnh căng thẳng giữa Miến Điện Phật giáo và Bangladesh Hồi giáo sẽ đè
nặng lên chuyến đi, bên cạnh đó là hồ sơ Rohingya.
Sự nhân nhượng của Vatican ở Miến Điện
Le Figaro
cho biết, chương trình tông du đã có nhiều chỉnh sửa vào phút chót tại
Roma, dưới ảnh hưởng của Hồng y Charles Bo, tổng giám mục Răngun. Vị chủ
chăn Miến Điện đã đích thân đến Vatican tuần trước để thuyết phục vị
Giáo hoàng – thường có những tuyên bố thẳng thừng về nhân quyền – cần
phải có một số nhượng bộ để tránh làm bốc lửa một tình hình vô cùng nhạy
cảm.
Trước hết, là không dùng từ « Rohingya » trong chuyến thăm, thay vào đó là « người Hồi giáo ở bang Arakan ».
Một nhân nhượng lớn nữa là không rời Miến Điện mà không đến thăm nhân
vật quyền lực thật sự, tướng Min Aung Hlaing, trước khi bay sang
Bangladesh. Cuối cùng, để tránh sự cố ngoại giao, Đức giáo hoàng chỉ
tiếp các đại diện người thiểu số Rohingya một khi đã ở trên lãnh thổ
Bangladesh.
Đức giáo hoàng Phanxicô đến sân bay quốc tế Răngun, 27/11/2017. |
Đương nhiên
là Đức giáo hoàng sẽ bênh vực cho sự sống chung hòa bình giữa các tín
ngưỡng và sắc tộc, tôn trọng nhân phẩm người tị nạn, người thiểu số, mà
trước hết là người Công giáo. Nhưng nếu coi chuyến tông du này là sự ủng
hộ của Giáo hoàng đối với người thiểu số theo đạo Hồi bị đàn áp, sẽ là
một sai lầm, vì ba lý do.
Trước tiên, chuyến tông du được quyết
định cách đây hai năm, rất lâu trước khi nổ ra cuộc khủng hoảng
Rohingya. Tiếp đến, vì Tòa Thánh, dựa theo các thông tin của giáo hội
địa phương, quan ngại trước xu hướng Hồi giáo bạo động. Và cuối cùng,
các nhà ngoại giao Vatican cũng như Đức giáo hoàng đều biết rằng giải
Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi, bị chỉ trích dữ dội do sự im lặng trước
thảm kịch Rohingya, có vị thế rất mong manh. Nếu bà bị gạt khỏi chính
phủ, giới quân sự sẵn sàng nắm lấy mọi quyền lực. Điều quan trọng với
Vatican là một sự chuyển đổi dần dà sang dân chủ tại Miến Điện.
Những người tị nạn Rohingya kiệt lực sau khi vượt biên giới sang Bangladesh, 01/11/2017. |
La Croix dẫn lời ông Greg Burke, phụ trách báo chí ở Tòa Thánh : « Còn hơn một chuyến tông du, đây là cả một cuộc phiêu lưu ! ». Cha
Bernado Cervellera, giám đốc hãng tin AsiaNews của Ý nhận xét, cuộc
tiếp xúc chiều thứ Tư tới giữa Đức giáo hoàng và các nhà sư Phật giáo là
rất quan trọng. « Cách đây mười năm, chính các nhà sư đã khởi đầu
những cuộc tuần hành vì dân chủ. Nhưng từ vài năm qua, giới quân sự đã
đưa người vào các thiền viện để kích động chủ nghĩa dân tộc ».
Cũng theo linh mục Cervellera, cuộc xung đột «
chỉ mang tính tôn giáo ở ngoài mặt. Chính sách của giới Phật giáo dân
tộc chủ nghĩa phù hợp với quan điểm chính trị và nhất là kinh tế của các
tướng lãnh ». Trong đó có thể kể dự án cảng nước sâu để đón tiếp
các tàu Trung Quốc tại bang Rakhine, nơi người Rohingya sinh sống ; một
đường ống dẫn dầu và một xa lộ nối với Trung Quốc, chạy qua vùng đất của
người thiểu số Công giáo ở miền bắc Miến Điện. Cha Cervellera khẳng
định : « Sự ủng hộ của Đức giáo hoàng đối với bà Aung San Suu Kyi còn là một thông điệp cho Bắc Kinh ».
Trong
chuyến tông du châu Á lần này, Đức giáo hoàng Phanxicô muốn xúc tiến
đối thoại với người Phật giáo ở Miến Điện, người Hồi giáo ở Bangladesh
và cả Ấn giáo. Một chuyến thăm Ấn Độ tương lai đang vấp phải trở lực :
những tuyên bố dân tộc chủ nghĩa và chống Công giáo của đảng cầm quyền ở
New Delhi. Như vậy, từ hai nước nhỏ (giáo hội Công giáo chỉ chiếm 0,24%
ở Bangladesh và 1,27% tại Miến Điện), Đức giáo hoàng muốn nhắn gởi đến
hai người khổng lồ châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ (tổng cộng 2,7 tỉ dân).
Theo ông Greg Burke, « đây sẽ là chuyến tông du thú vị nhất của ngài về mặt ngoại giao ».
Trung Quốc huy động hàng ngàn tấn thiết bị quân sự lên khu vực biên giới trong thời gian đối đầu với Ấn Độ ở Doklam, Bhutan. |
Cũng về châu Á, trang địa chính trị của Le Monde đăng bài phóng sự « Bhutan, chênh vênh giữa Ấn Độ và Trung Quốc ».
Nhờ có sự bảo trợ của Ấn Độ, vương quốc nhỏ bé này giữ được chủ quyền
trong nhiều thập niên, không giao du với người láng giềng khổng lồ Trung
Quốc. Nhưng ngày nay, New Delhi lo ngại khi Bắc Kinh đang xích lại gần
với Bhutan, thành lũy cuối cùng trước ảnh hưởng Trung Quốc tại tiểu lục
địa Ấn Độ.
Khi Bắc Kinh tổ chức hội nghị thượng đỉnh về dự án « Một vành đai, một con đường »
(OBOR - One Belt, One Road), Bhutan là quốc gia duy nhất ở Nam Á, không
kể Ấn Độ, không gởi đến đại diện nào. Hàng tỉ nhân dân tệ đổ vào các dự
án cơ sở hạ tầng ở châu Á và xa hơn nữa, nhưng không vào được vương
quốc 700.000 dân nằm kẹt giữa Ấn Độ và Trung Quốc, trên dãy Himalaya.
Làm
thế nào một đất nước thuộc loại kém phát triển nhất lại có thể làm ngơ
trước nền kinh tế thứ nhì thế giới, có chung 240km đường biên giới ?
Theo Le Monde, Ấn Độ, nước đầu tiên công nhận Bhutan năm 1958, có thể đã cứu vương quốc nhỏ bé này ra khỏi móng vuốt của Bắc Kinh.
Bhutan nằm sát Tây Tạng đã bị Trung Quốc chiếm. |
Trung Quốc đang từng bước sử dụng quyền
lực mềm để tranh giành ảnh hưởng, chẳng hạn mời các nhà thương thuyết
biên giới của Bhutan cùng với gia đình sang hành hương Phật giáo ở bất
kỳ địa phương nào họ muốn. Bhutan nhỏ bé đang phải « đi dây »
giữa hai cường quốc châu Á láng giềng, nếu nghiêng về bên nào cũng có
nguy cơ đánh mất chủ quyền lâu nay có được. Hồi năm 2012, thủ tướng
Bhutan Jigmi Thinley chỉ bắt tay ông Ôn Gia Bảo, mà sau đó Ấn Độ đã hủy
trợ cấp xăng dầu, và vài tuần sau ông Thinley thất cử.
Lối vào một ngôi chợ Noel ở Frankfurt, Đức với dòng chữ "Cám ơn Merkel", 27/11/2017. |
Nhìn sang châu Âu, cây bút Dominique Moisi giải thích trên nhật báo Les Echos « Vì sao bà Angela Merkel phải tiếp tục là người đứng đầu nước Đức ». Theo
tác giả, tuy vị thế thủ tướng Đức có yếu đi do thất bại trong việc lập
liên minh cầm quyền, nhưng bà Merkel vẫn phải là lãnh đạo nước Đức, vì
tương lai châu Âu chịu ảnh hưởng lớn vào điều này.
Lần đầu tiên kể
từ khi thành lập Cộng hòa Liên bang Đức năm 1949, nước Đức mới bị một
cuộc khủng hoảng chính trị chưa từng thấy. Việc các đảng chính trị không
thỏa thuận được để lập chính phủ liên minh, tuy là điều bình thường với
các láng giềng châu Âu, nhưng trường hợp nước Đức thì khác hẳn. Ít nhất
là do ba nguyên nhân : vị thế của Đức tại châu Âu, vai trò của bà
Angela Merkel, và vấn đề lịch sử.
Theo tác giả, thất bại của bà
Merkel là bài học cho việc đặt đạo đức lên trên chính trị. Khi mở cửa
nước Đức cho một triệu di dân Hồi giáo, bà Angela Merkel đã tự đóng lại
cánh cửa cho nhiệm kỳ thủ tướng thứ tư. Chỉ có một nhân vật có thể cứu
vãn được tình thế, đó là tổng thống Stenmeier, tuy lâu nay chỉ đóng vai
trò tượng trưng, nay lại mang ý nghĩa chính trị to lớn.
Nền kinh
tế lớn nhất châu Âu, cột trụ cho sự ổn định của mô hình dân chủ, trong
thời buổi Brexit và Trump, cần phải đứng vững, vì một châu Âu tốt đẹp
hơn. Người Đức có thể dửng dưng với số phận của Angela Merkel, nhưng các
nước châu Âu thì không thể.
Từ trái sang: Tổng thống Iran Rohani và đồng nhiệm Putin (Nga), Erdogan (Thổ Nhĩ Kỳ) tại Sotchi ngày 22/11/2017. |
Còn tại Trung Đông, Le Figaro cho biết « Iran áp đặt sự tăng trưởng của phe Shia ». Thông qua các lực lượng dân quân Shia, Teheran đã thiết lập được vùng ảnh hưởng kéo dài đến tận Đại Tây Dương.
Tờ báo cho rằng có một « trước và sau Abu Kamal ».
Thành phố cuối cùng của Syria nằm trong tay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo
(Daech, IS) dọc theo dòng sông Euphrate chạy dài theo biên giới Irak,
vào giữa tháng 11 đã được quân của Assad tái chiếm cùng với các đồng
minh Vệ binh Cách mạng Iran, dân quân Shia của Liban và Irak. Lần đầu
tiên kể từ khi Cộng hòa Hồi giáo Iran được thành lập năm 1979, đã hình
thành được một hành lang nối liền Teheran với Bagdad, Damas và Beyrouth.
Dân quân Kurdistan, đồng minh Mỹ ở miền bắc Syria đã cố chận bước nhưng
không thành công.
Tuy là thiểu số đối với Hồi giáo thế giới nhưng
chiếm đa số ở Irak, người Shia đã nắm lại quyền từ sau cuộc chiến do
ông Bush tiến hành, và người kế nhiệm Obama từ chối hỗ trợ quân nổi dậy
Sunni vốn cố gắng lật đổ Assad từ năm 2011. Trong cuộc chiến tại các nhà
nước yếu kém này, mô hình Iran tỏ ra rất hiệu quả, dựa trên lực lượng
dân quân đôi khi còn mạnh hơn quân đội chính quy. Teheran dệt nên một
mạng lưới chân rết địa phương, nên có thể kiểm soát mà không cần đổ quân
ồ ạt tại thực địa.
Trong bài xã luận mang tên « Trò chơi lớn phương Đông »,Le Figaro
nhận định phương Tây hầu như đã để mặc cho Iran tự do hành động ở
Syria. Bên cạnh trục Iran-Irak-Syria, quân Hezbollah tung hoành ở Liban
và tại Yemen, quân nổi dậy Houthi thách thức Riyad. Teheran theo hệ phái
Shia có hẳn một dây chuyền vừa mang tính tôn giáo, vừa quân sự và chính
trị để ra mệnh lệnh. Ngược lại hệ phái Sunni thì tản mác như rắn không
đầu. Trong bối cảnh đó, nước Pháp tìm kiếm một giải pháp dung hòa, và vụ
đưa thủ tướng Liban Saad Hariri ra khỏi Ả Rập Xê Út là một bước khởi
đầu, để tránh cho Liban không bị rơi vào vòng xoáy.
Người thân, bạn bè của 44 thủy thủ mất tích chờ đợi tin tại căn cứ Hải quân ở Mar Del Plata, 23/11/2017. |
Về
số phận chiếc tàu ngầm San Juan của Achentina mất tích cùng với 44 thủy
thủ, Les Echos cho biết ngân sách èo uột của quân đội được cho là thủ
phạm.
Chỉ chiếm có % tổng sản phẩm nội địa, ngân sách quốc phòng
Achentina ngày càng chiếm vị trí hết sức khiêm tốn. Nỗi ám ảnh do thời
kỳ độc tài quân sự (1976-1983) để lại với 30.000 người mất tích, và
những thiệt hại trong cuộc chiến Malouines (1982) với Anh quốc, đã khiến
Achentina tiến hành giải trừ quân bị từ thập niên 90. Hiện nay, trên
80% ngân sách của quân đội được dùng để trả lương và lương hưu, chỉ có
gần 5% để mua trang thiết bị.
Tờ báo La Nación có được
nhiều báo cáo nội bộ, hôm Chủ Nhật 26/11 tiết lộ có những bất thường
trong việc mua bình điện cho tàu ngầm đã được cảnh báo. Giáo sư Sergio
Eissa, trường đại học Buenos Aires nhận định : « Sự kiện vừa qua không có gì bất ngờ, mà điều đáng ngạc nhiên là sao không xảy ra sớm hơn ». Theo ông : «
Achentina đang đối mặt với nghịch lý : làm thế nào một quốc gia có thể
có sức nặng trên trường quốc tế nếu không có được một quân đội xứng tầm ?
»
Cho đến nay, chính phủ vẫn từ chối nhìn nhận cái chết của
thủy thủ đoàn chiếc San Juan, và mở rộng tìm kiếm. Hiện đã có 4.000
người tham gia với sự hỗ trợ của 12 quốc gia. Nữ dân biểu Elisa Carrió
thuộc liên minh trung hữu cầm quyền thẳng thắn : « Tôi xin nói điều mà chính quyền không thể nói : tất cả chắc đều đã chết ».
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại điện Elysée nhân Ngày chống bạo hành phụ nữ, 25/11/2017. |
Đề tài chính của nhật báo kinh tế Les Echos hôm nay tập trung cho « Y tế : Quỹ an sinh tấn công vào giá trị phát minh ».
Giúp cho một lượng bệnh nhân ngày càng lớn có được thuốc trị ung thư
mới mà không bị thâm hụt quá nhiều, đó là mục tiêu của Quỹ an sinh xã
hội Pháp. Sau sáu tháng thương lượng, cơ quan này đã đạt được thỏa thuận
về giá cả hai loại thuốc mới, tuy hiệu quả nhưng rất đắt tiền, hy vọng
kềm được số chi khoảng 600 triệu euro một năm cho hai dược phẩm mới này.
Cũng trên lãnh vực xã hội, Libération quan tâm đến « Trẻ em nghèo, trường học ở tuyến đầu ». Trước cảnh nghèo khổ của một số học sinh, các thầy cô giáo cố gắng giúp đỡ các em chỗ ở, thức ăn…
Le Monde dành chủ đề cho « Bạo hành tình dục, cú sốc toàn thế giới ».
Nhân Ngày thế giới đấu tranh chống bạo lực đối với phụ nữ, tờ báo điểm
qua tác động vết dầu loang từ vụ Weinstein ở Hollywood, nay đã lan ra
rất nhiều nước, với hàng loạt tố cáo không chỉ trong ngành giải trí mà
cả truyền thông và chính trị.
Le Figaro nhìn sang vùng Trung Đông, chạy tựa trang nhất : « Liban, Syria, Irak : Iran đã mở rộng tầm ảnh hưởng như thế nào ».
Iran đã trở thành một cường quốc khu vực mà ảnh hưởng trải dài từ biên
giới Afghanistan cho đến Đại Tây Dương. Sự đối địch với Ả Rập Xê Út làm
khu vực Trung Đông thêm rạn nứt.
La Croix « Đến với người Rohingya, dân tộc vô tổ quốc
». Nhân sự kiện Đức giáo hoàng Phanxicô đến Miến Điện sáng nay, nhật
báo công giáo đăng bài phóng sự về sắc dân thiểu số mà số phận đang được
quốc tế quan ngại.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.