lundi 13 novembre 2017

Trump-Tập, mù quáng và viễn kiến


Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tập Cận Bình đến dự dạ yến ở Đại lễ đường Nhân Dân, 09/11/2017.

(Dominique Moisi, LesEchos 13/11/2017) Nước Mỹ của Donald Trump không có tầm nhìn chiến lược lâu dài nào. Ngược lại, Trung Quốc của Tập Cận Bình đã ấn định ra mục tiêu tuy xa xôi nhưng rất rõ ràng : trở thành đại cường số một thế giới.

« Nixon thăm Trung Quốc ». Đó là tên một vở opéra mà John Adams soạn thảo từ 1985 đến 1987, gần mười lăm năm sau sự kiện đã làm thành bước ngoặt quan trọng trong lịch sử chiến tranh lạnh. Cho dù số tiền từ các hợp đồng kinh tế được Hoa Kỳ ký kết lớn như thế nào, hay tính chất khẩn cấp của trao đổi Mỹ-Trung về Bắc Triều Tiên, ngày nay cần phải có tài nghệ của một Giochino Rossini, nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất trong lịch sử, tác giả của « Chuyến du hành ở Reims », để chuyển đổi thành vở nhạc kịch « Chuyến du hành châu Á của Donald Trump ».

Từ năm 1972 đến 2017, đã có biết bao nhiêu đổi thay trong sự cân bằng sức mạnh trên thế giới, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc – nước quan trọng nhất trong vòng công du châu Á của tổng thống Mỹ. Năm 1972, Trung Quốc không thể nào được xếp cùng một hạng với Hoa Kỳ. Nước Mỹ của ông Nixon, cho dù đang bị vướng víu trong cuộc chiến tranh Việt Nam vừa lan rộng sang Cam Bốt, chỉ có mỗi một địch thủ và lại sắp tự sụp đổ, đó là Liên Xô. Trung Quốc thì đang tìm cách thoát khỏi tình trạng bị cô lập, trong lúc Mỹ tìm cách cô lập Liên Xô. Sự kiện lịch sử này đã được John Adams ghi lại trong vở opéra, với bốn giọng nổi bật Nixon, Mao Trạch Đông, Kissinger và Chu Ân Lai.

Thế trận đảo ngược

Năm 2017, thế trận giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã bị đảo ngược. Bắc Kinh có tầm nhìn chiến lược lâu dài, còn Mỹ chẳng có gì cả. Mục tiêu của Washington chẳng phải là đoàn kết các nước châu Á, đặc biệt là các quốc gia dân chủ, để cân bằng lại sức mạnh của Trung Quốc đó sao ? Hay ngược lại, Mỹ phải tiến gần lại với Trung Quốc để san sẻ với Bắc Kinh gánh nặng trách nhiệm thế giới ?

« America First » phải chăng là cứng rắn hơn trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc - mặc cho số hợp đồng được loan báo một cách hân hoan, tiến tới một cuộc chiến kinh tế, có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thực sự ? Nói cách khác, nước Mỹ phải kềm hãm Trung Quốc, như trong quá khứ đã từng làm với Liên Xô cũ. Hoặc giữ khoảng cách với chủ nghĩa đa phương, chối từ việc đi vào một thế giới đa cực ?

Đối tác hay đối thủ, Washington dường như không có khả năng chọn lựa. Tệ hại nhất là nước Mỹ của ông Trump thậm chí còn có vẻ không thể nâng tầm chiến lược. Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách Á-Âu mới vừa được bổ nhiệm, A.Wess Mitchell, gần đây có ghé qua Paris. Ông vừa viết xong một cuốn sách về « The Grand Strategy of the Hapsburg Empire » (Chiến lược lớn của đế chế Hapsburg), nhưng lại không thể xác định « chiến lược lớn » của vị tổng thống mà ông đang phục vụ - nếu không chỉ là ý định ký kết những hợp đồng kinh tế béo bở trong ngắn hạn, và thuyết phục Bắc Kinh tích cực hơn trong cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên.

Văn hóa và văn minh

Ngược lại, Trung Quốc của Tập Cận Bình lại có tầm nhìn chiến lược. Không phải là « Trung Quốc trước hết », cho dù dạng thức dân tộc chủ nghĩa này có hiện diện một cách tự nhiên, nhưng là « Trung Quốc hàng đầu ». Bắc Kinh không còn tự hài lòng với vị trí đứng trên các cường quốc châu Á khác. Mục tiêu đó đã đạt được. Ngày nay Trung Quốc muốn trở thành số một thế giới, qua mặt Hoa Kỳ trên lãnh vực kinh tế, quân sự - hiện nay thì chưa thể - nhưng có lẽ đặc biệt trên lãnh vực văn hóa.

Trước việc Hoa Kỳ lội ngược dòng về dân chủ, Trung Quốc không hề có cảm giác thấp kém trước phương Tây. « Tại sao tôi lại phải học ở anh ? Giờ đây chính anh phải học hỏi từ tôi, về kinh tế và tài chính kể từ 2007-2008, về chính trị từ năm 2017 với việc tân tổng thống  bước vào Tòa Bạch Ốc ». Ngày nay, theo một nghiên cứu do Viện Pew ở Hoa Kỳ tiến hành, từ Canada đến Úc, Đức, nhiều người tin vào Trung Quốc hơn là Mỹ.

Tổng thống Trump lẽ ra sẽ có nhiều ý tưởng hơn, nếu trong chuyến công du Trung Quốc, ông đến thăm thư viện hiện đại có dạng một con mắt khổng lồ, vừa khai trương tại thành phố Thiên Tân (Tianjin). Là một công trình kiến trúc tuyệt vời, thư viện này cho thấy tham vọng đầy mâu thuẫn của một đất nước tuy sợ hãi các nhà văn của mình, nhưng vẫn lấy sách vở làm trung tâm cho dự án văn hóa. Được một văn phòng kiến trúc sư Hà Lan thiết kế, thư viện Thiên Tân là biểu tượng hoàn hảo nhất cho hình ảnh mà Trung Quốc muốn tạo ra trên thế giới : « một nền văn minh của tinh hoa, tự tin và thống trị ».

Sự bàn giao

Thư viện này cạnh tranh về tính hiện đại và sự lịch lãm với viện bảo tàng Louvre Abu Dhabi của kiến trúc sư Pháp Jean Nouvel, khẳng định thông điệp mà Bắc Kinh gởi đến chúng ta kể từ năm 2005, trong cuộc triển lãm do chính quyền Trung Quốc tổ chức tại Royal Academy of Arts (Viện hàn lâm Nghệ thuật Hoàng gia) ở Luân Đôn. Tập trung cho nghệ thuật Trung Hoa thế kỷ 17 và 18, triển lãm này có vật trưng bày nổi bật nhất là một bức tranh khổ rất to mang phong cách Dòng Tên châu Âu vào thời kỳ đó.

Người ta trông thấy một hàng dài vô tận các đại sứ ngoại quốc, chủ yếu là phương Tây, đang xếp hàng để được triều kiến hoàng đế Trung Hoa. Thông điệp của cuộc triển lãm hết sức rõ ràng : « Các vị đã bệ kiến chúng tôi trong quá khứ, nay thì chuẩn bị đi, các vị sẽ phải hành động tương tự trong tương lai ». Tất cả diễn ra như là thời cơ đã đến, nhanh hơn người ta nghĩ, kể cả đối với người Trung Quốc.

Chuyến công du châu Á của ông Trump, ngược với chuyến đi Trung Quốc của Nixon, hẳn sẽ không được lưu lại trong lịch sử. Đó chỉ là một giai đoạn chuyển tiếp, hướng về một sự bàn giao vị trí đại cường hàng đầu từ Hoa Kỳ sang cho Trung Quốc – điều mà Washington không hề mong muốn.

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.