Một nhân viên an ninh trước cổng nhà máy Trung Quốc sản xuất giày bị đốt phá ở Bình Dương. |
Bài đăng : Thứ năm 15 Tháng Năm 2014 -
Sửa đổi lần cuối Thứ năm 15 Tháng Năm 2014
Theo AFP
hôm nay 15/04/2014, một người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam đã bị
thiệt mạng và 149 người bị thương trong những vụ nổi dậy hiếm khi xảy ra
tại Việt Nam, gây quan ngại biểu tình bạo lực chống Trung Quốc xâm lược
Biển Đông sẽ tăng lên. Còn hãng tin Reuters dẫn nguồn tin y tế và báo
chí cho biết có khoảng hai chục người chết tại miền Trung, nơi tâm lý
thù địch với bành trướng Bắc Kinh đang lan rộng.
Reuters dẫn nguồn tin từ một bác sĩ làm việc tại Hà Tĩnh cho
biết có khoảng hai chục người thiệt mạng, trong đó 5 người Việt và 16
người được cho là Trung Quốc. Qua điện thoại, bác sĩ này nói rằng tối
qua có khoảng một trăm người đã được đưa đến bệnh viện trong đó có nhiều
người Trung Quốc, và sáng nay cũng có nhiều người khác nhập viện.
Các cuộc nổi dậy đã bắt đầu từ hôm thứ Ba 13/5 tại miền Nam Việt Nam,
bùng nổ sau khi Bắc Kinh triển khai giàn khoan khổng lồ ngay tại vùng
đặc quyền kinh tế trên biển của Việt Nam. Chính quyền loan báo bạo động
đã lan ra 22/63 tỉnh thành, và hiện đang phải đối phó với các vụ nổi dậy
chưa từng thấy từ nhiều thập kỷ qua.
Hà Nội vốn không chấp nhận các phong trào phản kháng, đã hứa hẹn sẽ
ra tay để nắm lại tình hình trước khi các sự cố này làm cho các nhà đầu
tư ngoại quốc phải lo ngại. Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh
tuyên bố : « Tôi đã đề nghị Thủ tướng có những biện pháp nghiêm khắc », nêu ra con số tổng cộng có 400 doanh nghiệp bị thiệt hại.
Sau các vụ bạo động và hôi của tại Bình Dương mà theo Reuters thì nạn
nhân là nhiều doanh nghiệp Đài Loan vì bị lầm với Trung Quốc, sự kiện
mới nhất diễn ra tại Vũng Áng, Hà Tĩnh. Những người nổi dậy hôm qua đã
tấn công vào một nhà máy thép của tập đoàn Formosa Plastics, nhà đầu tư
Đài Loan lớn nhất tại Việt Nam.
Reuters trích thông cáo của Formosa Plastic Group cho biết nhà máy
bị phóng hỏa. Vụ tấn công đã làm một người chết và 90 người bị thương
trong số các công nhân viên người Hoa, không có thiệt hại đối với người
Việt và người Đài Loan. Còn AFP dẫn lời một viên chức địa phương nói
rằng một nhân viên người Trung Quốc bị thiệt mạng, ba tòa nhà nơi công
nhân người Hoa của Formosa ở bị đốt.
Huang Chih Peng, một nhà ngoại giao Đài Loan nói với AFP : « Tổng
cộng có khoảng 100 công nhân Trung Quốc bị thương…Những người nổi dậy
đã bỏ đi, nhưng tất cả chúng tôi đều lo sợ họ sẽ quay lại ». Một bác sĩ khoa cấp cứu ở Hà Tĩnh xác nhận với AFP có nhiều người Trung Quốc bị thương phải nhập viện.
Những người biểu tình chống Trung Quốc xâm lược Biển Đông hôm thứ Ba
đã phóng hỏa trên 10 nhà máy tại các khu công nghiệp ở Bình Dương.
Reuters nói thêm, chỉ riêng tại Bình Dương đã có 460 công ty bị ảnh
hưởng, và trên 40 công an bị thương vì bị ném gạch đá. Cảnh sát chống
bạo động đã được triển khai và theo chính quyền thì tình hình đã trở nên
yên tĩnh.
Hàng ngàn công nhân làm việc tại các khu công nghiệp có vốn đầu tư
nước ngoài, nhân tố quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đã tham gia
các vụ nổi dậy (theo chính quyền con số này là 20.000 người), khiến một
số nhà máy phải tạm đóng cửa trong đó có một nhà cung cấp cho các tập
đoàn Mỹ Nike và Adidas. Công an hôm qua loan báo có 500 người bị câu
lưu.
Bắc Kinh bày tỏ « quan ngại sâu sắc ». Phát ngôn viên Nhà Trắng Jay
Carney kêu gọi đối thoại. Còn các nước ASEAN tuần này cho biết « rất lo
lắng » về các vụ tranh chấp tại Biển Đông với Trung Quốc.
Căng thẳng Việt-Trung tăng lên cao độ từ đầu tháng Năm, khi Bắc Kinh
loan báo việc đưa giàn khoan nước sâu khổng lồ vào vùng biển thuộc đặc
quyền kinh tế của Việt Nam theo Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS),
một hành động bị Hoa Kỳ đánh giá là « khiêu khích ».
Việt Nam tố cáo đây là một quyết định « bất hợp pháp » và đòi hỏi
phải rút giàn khoan đi. Hà Nội cũng gởi các tàu đến khu vực này. Nếu Bắc
Kinh nói rằng các tàu của mình bị tàu Việt Nam « tông vào », thì phía
Hà Nội cũng công bố các hình ảnh cho thấy những chiếc tàu Việt Nam nhỏ
bé bị tàu Trung Quốc uy hiếp bằng vòi rồng và những cú đâm thẳng thô
bạo.
Tại Việt Nam, đã có mấy chục cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm lược
Biển Đông kể từ cuối năm 2007, nhưng chưa bao giờ đạt tầm cỡ như hiện
nay. Nhiều người dân bức xúc vì trước đây khi xuống đường chống Trung
Quốc thì bị chính quyền ngăn trở. Theo các chuyên gia, chính quyền Việt
Nam làm ngơ cho một số vụ biểu tình để bày tỏ sự bất bình cực độ đối với
Bắc Kinh, nhưng có thể phong trào đã vượt quá tầm kiểm soát.
Ông Nguyễn Đức Hùng, một người dân Hà Tĩnh cho biết sơ qua về những gì chứng kiến trước bệnh viện tỉnh tối qua :
Tôi ở thành phố Hà Tĩnh chứ không ở trong Vũng Áng, nhưng tôi
thấy tình hình như thế lộn xộn quá đi. Trung Quốc nó có đưa cái giàn
khoan vào thì đó là chính phủ Trung Quốc sai, chứ không phải là những
người lao động sai, họ không có lỗi mà chính phủ của họ mới có lỗi.
Tối qua nghe ở trên đấy bảo là bệnh viện Kỳ Anh quá tải phải đưa
ra bệnh viện tỉnh. Lúc 10 giờ rưỡi tối hôm qua, thấy như thế vì nhà tôi
gần bệnh viện nên tôi ra xem sao. Tôi thấy có một cái xe mới chở bệnh
nhân vào – nạn nhân chứ không phải bệnh nhân, vào trong bệnh viện tỉnh.
Lúc đấy công an vây kín, dân cũng rất đông, có nghĩa là công an bảo vệ
không cho dân tràn vào để hành hung tiếp.
Tôi trông thấy ba xe, khoảng tầm sáu, bảy chục người, phải dùng
xe công an chở phạm nhân với xe của bộ đội biên phòng để đưa họ ra ngoài
này.
Blogger JB Nguyễn Hữu Vinh nhận định :
Về tình trạng khu vực Formosa ở
Vũng Áng, Kỳ Anh vừa qua, một số thông tin mà tôi nhận được khi vụ bạo
loạn xảy ra hôm qua, thì có vài chi tiết như sau. Sáng hôm qua biểu tình
được tổ chức một cách « đón đầu », có nghĩa là cuộc biểu tình trong
vòng kiểm soát để tránh những chuyện đụng độ. Nhưng trước đó đã có những
mâu thuẫn âm ỉ khá lâu giữa những người công nhân Việt, người dân ở khu
vực đó với những người Trung Quốc nhập cư để lao động.
Trên báo chí nhà nước đã có những con số về những người lao động
bất hợp pháp tại Vũng Áng, Kỳ Anh đến hàng ngàn người - mà có lần nào đó
tôi đọc là đến sáu nghìn mấy trăm người. Điều đó tạo ra nhiều mâu thuẫn
với người dân. Đồng thời người ta cũng cho biểt rằng những người đến
lao động bất hợp pháp ở Kỳ Anh lại là những thành phần bất hảo, tạo ra
nhiều bức xúc cho người dân tại chỗ.
Xa hơn một chút nữa trong lịch sử, người ta kể với tôi rằng, từ
khi giải phóng mặt bằng, rồi người Đài Loan đưa người Trung Quốc vào
trong đó làm ăn, thì thậm chí có những cảnh rất là bệ rạc, khó thể chấp
nhận đối với văn hóa Việt Nam. Dự án đó là của Đài Loan, nhưng lao động
lại là rất nhiều lao động bất hợp pháp của Trung Quốc. Những điều đó
tổng hợp lại tạo cho người dân địa phương những bức xúc nhất định.
Cách đây khoảng hơn một tháng tôi đi qua vùng Kỳ Anh, Hà Tĩnh,
thì thấy các biển hiệu tiếng Trung Quốc là chính. Đây là vùng dân nghèo
khổ xưa nay, người ta bám biển, bám rừng để sống. Bây giờ Formosa vào,
buộc người dân phải di chuyển ra khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình,
phải đến vùng chó ăn đá gà ăn sỏi không thể sinh sống được. Người dân
trở thành những kẻ ăn xin, thất nghiệp…trên quê hương.
Tất cả những điều đó tạo nên bức xúc cho người dân, và chính thời
điểm ngày hôm qua, những bức xúc dồn nén lại đã bộc phát ra. Chứ tôi
không nghĩ là chủ nghĩa dân tộc cực đoan hay cái gì khác tạo ra bạo loạn
ngày hôm qua.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.