dimanche 7 juillet 2013

Người Hồng Kông muốn tách biệt với Trung Quốc

Những cơn mưa như trút nước không ngăn được hàng trăm ngàn người Hồng Kông biểu tình đòi dân chủ ngày 01/07/2013.

(Le Monde 03/07/2013) Dù và quạt. Với nhiệt độ 35°C và độ ẩm 90%, đó là hai vật dụng cơ bản cần thiết cho đám đông tham gia cuộc tuần hành phản kháng một cách hòa bình, được tổ chức hàng năm vào ngày 1/7, ngày kỷ niệm việc cựu thuộc địa Anh được trao trả lại cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1997.

Họ có tất cả 430.000 người, theo ban tổ chức, và 66.000 người, theo cảnh sát. Một giờ trước lúc khởi hành, cơ quan dự báo thời tiết Hồng Kông nâng mức độ báo động cơn bão nhiệt đới Rumbia đang tiến gần, lên đến cấp ba. Tuy nhiên, cả sự đe dọa từ trận bão lẫn những trận mưa như thác đổ nhiều lần trút xuống đám đông, cũng như nhiều trò vui khác nhau được tổ chức cùng một thời điểm nhằm thu hút những người biểu tình tham gia (bán hàng đại hạ giá đột xuất, buổi trình diễn ca nhạc được tài trợ của một nhóm nhạc pop Hàn Quốc), đều không thành công trong việc xé nhỏ những người tuần hành.


Bên cạnh đó, còn có những toan tính răn đe các nhà hoạt động dân chủ và đối lập. Chủ nhân tập đoàn báo chí Next Media, ông Jimmy Lai, thấy chiếc cổng bị một chiếc xe hơi to kềnh lao thẳng vào, trong khi dân biểu « Tóc Dài » nổi tiếng (biệt danh của Lương Quốc Hùng - Leung Kwok Hung) nhận được một cú điện thoại khuyến cáo nhất thiết không nên tham gia xuống đường.

Nhưng những người dân Hồng Kông, bất bình và lo ngại, kiên quyết biểu lộ sự giận dữ của họ bằng đôi chân, cả với chính quyền Hồng Kông lẫn Trung Quốc. Đó là vì không ai mơ hồ về vai trò quyết định của Bắc Kinh trên tương lai của Hồng Kông. Bàn tay vô hình này là một trong những mối lo lắng tiềm tàng của người dân. Sự hiện diện đầy thách thức của vài lá cờ Anh quốc trong đám đông đa dạng này không thoát khỏi ánh mắt của các nhà quan sát Trung Quốc.

« Chính quyền Hồng Kông không lo gì đến chúng tôi mà chỉ lo làm vui lòng Bắc Kinh » - Charles Ying, một doanh nhân 34 tuổi người tròn trịa, tỏ ra ưu tư. Anh mặc chiếc áo thun có in hình ông Lương Chấn Anh (C.Y.Leung), trưởng đặc khu Hồng Kông, với chiếc mũi dài của Pinocchio, trên đó có ghi ngày thảm sát Thiên An Môn. Nhân vật đứng đầu Hồng Kông mới nắm quyền được một năm, được biếm họa thành một con chó sói lớn độc ác.

Trên một trong những chiếc quạt cứng loại phổ biến nhất, Lương Chấn Anh cũng hiện diện dưới dạng Playmobil, trên bụng là hình vẽ búa liềm màu vàng trên nền đỏ. Bao quanh ông là những người thân cận, tất cả đều bị bóp méo bằng cách này hay cách khác. Có Timothy Tong, cựu giám đốc cơ quan chống tham nhũng (ICAC), bị tố cáo là đã mua chuộc các quan chức Trung Quốc với những bữa tiệc đắt tiền ngập tràn rượu ngon. Có Barry Cheung, người chịu trách nhiệm chiến dịch tranh cử của ông Lương Chấn Anh, lãnh đạo cơ quan tái quy hoạch mà nhiệm kỳ được gia hạn vượt quá quy định. Hoặc Roy Tang, giám đốc cơ quan nghe nhìn của đặc khu.

« Tất cả đều là những kẻ bất lương » - một tình nguyện trẻ của đảng Dân chủ Hồng Kông kết luận. Từ khi lên nắm quyền với nhiệm kỳ 5 năm, Lương Chấn Anh, con người tự lập bí ẩn, đã gây thất vọng. Ông ta phải nhìn nhận là ngôi biệt thự của mình có những « phần phụ xây dựng bất hợp pháp ». Một xì-căng-đan tương tự đã làm thất bại đối thủ của ông là Henry Tang, vốn được cho là nhiều hy vọng thắng cử và được Bắc Kinh ủng hộ. Sau đó ông Lương đã cố gắng áp đặt chương trình giáo dục ái quốc nhưng không thành công, chương trình này đã gây sốc cho nhiều người Hồng Kông. Và việc sở hữu một căn nhà vẫn là ảo ảnh đối với nhiều người trung lưu đang trở nên nghèo đi. Nhưng khuyết điểm lớn nhất của ông có lẽ là sự dè dặt rất chiến thuật  về những bước cải cách dân chủ.

« Người Hồng Kông đã quá chán ngán phải chờ đợi cuộc phổ thông đầu phiếu và xã hội dân chủ đã được hứa hẹn » - Andrew Shum, thuộc hiệp hội Civil Human Rights Front bình luận. Trong khi bản Hiến pháp mini của Hồng Kông – được gọi là Luật căn bản của đặc khu hành chính – dự kiến thiết lập một hệ thống dân chủ, cho đến nay người đứng đầu chính quyền chỉ mới do 1.200 cử tri bầu ra (trên tổng dân số 7 triệu), và chỉ phân nửa số dân biểu được bầu bằng phương thức phổ thông đầu phiếu.

Thế nhưng những kỳ bầu cử tới không còn xa : bầu Hội đồng lập hiến (Legco) năm 2016 rồi 2020, và nhất là bầu trưởng đặc khu năm 2017, mà người Hồng Kông mơ sẽ được bầu qua phổ thông đầu phiếu. Nhưng đã lan truyền cái ý là ngay cả khi một ngày nào đó người đứng đầu đặc khu được bầu lên bằng lá phiếu của đông đảo cử tri, thì ứng viên vẫn phải là người được lòng Bắc Kinh trước đã.

Trong buổi lễ chào cờ truyền thống, ông Lương Chấn Anh nói rằng việc tiến hành phổ thông đầu phiếu năm 2017 là một « nhiệm vụ chủ yếu » của chính quyền, và « hãy còn nhiều thời gian ».

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.