mercredi 25 janvier 2012

Việt Nam nằm trong 10 nước đứng cuối bảng về tự do báo chí trên thế giới năm 2011

(AFP 25/01/2012) Theo bảng xếp hạng của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) vừa được công bố lúc 0 giờ GMT ngày 25/01/2012, thì trong năm 2011 Việt Nam đứng thứ 172/179 quốc gia được khảo sát về tự do báo chí.

Có nghĩa là Việt Nam đứng thứ 8 (từ dưới đếm lên), sau các nước lần lượt là Erythée, Bắc Triều Tiên, Turkménistan, Syria, Iran, Trung Quốc, Bahrein, và trên được hai nước là Yemen và Sudan trong top 10…đếm ngược. Đáng chú ý là năm 2010 Việt Nam không có mặt trong danh sách đen về tự do báo chí của RSF, mà vị trí thứ 8 từ dưới lên này là của…Trung Quốc.

Để thực hiện bảng xếp hạng trên đây, Phóng viên Không biên giới đã gởi một bảng câu hỏi đến 18 hiệp hội bảo vệ tự do ngôn luận trên cả năm châu lục, cũng như mạng lưới 150 thông tín viên, các nhà báo, nhà nghiên cứu, luật gia, và các nhà đấu tranh cho nhân quyền. Bảng câu hỏi cũng ghi nhận tổng thể những vụ xâm phạm trực tiếp đối với các nhà báo hay cư dân mạng (ám sát, cầm tù, hành hung, đe dọa) hoặc với báo chí (kiểm duyệt, tịch thu, khám xét, gây áp lực).

Trong bản báo cáo thường niên lần thứ 10 này, Phóng viên Không biên giới đã nhấn mạnh : « Trấn áp là từ ngữ của năm vừa qua. Chưa bao giờ tự do thông tin lại được gắn liền với dân chủ như thế, chưa bao giờ công việc của nhà báo lại gây trở ngại cho những kẻ thù của dân chủ đến thế».

Chỉ có một nhóm nhỏ các nước được xem là « tốt lành » cho các nhà báo, trong đó Phần Lan và Na Uy đồng hạng nhất. Riêng Phần Lan vẫn liên tục dẫn đầu kể từ hơn chục năm qua. Đặc biệt lần đầu tiên có một nước châu Phi lọt vào top 10 đầu bảng, đó là Cap Vert (xếp thứ 9, trong khi năm 2010 ở hạng 26).

Ngược lại bộ ba Erythée, Bắc Triều Tiên, Turrkménistan liên tục đứng cuối bảng trong nhiều năm, tiếp theo là Syria, Iran và Trung Quốc theo sát nút. Phóng viên Không biên giới giải thích, sự thiếu vắng hay hủy bỏ các quyền tự do công cộng dẫn đến việc xâm phạm quyền tự do báo chí. Các chế độ độc tài lo sợ và ngăn cấm các thông tin, nhất là khi bất lợi cho họ.

Các cuộc cách mạng Ả Rập có những tác động khác nhau đến công việc của các nhà báo. Tình hình được cải thiện ở Tunisia, cho dù chưa hoàn toàn có một nền báo chí tự do và độc lập. Chỉ trong vòng một năm qua, Tunisia đã tăng được đến 30 bậc. Ngược lại, Ai Cập bị sụt 39 bậc vì sử dụng bạo lực với các nhà báo.

Nhưng Phóng viên Không biên giới cũng đặc biệt tỏ ra nghiêm khắc đối với các nước dân chủ « vì chúng tôi chờ đợi các quốc gia này đóng một vai trò gương mẫu », theo ông Jean-François Julliard, Tổng thư ký RSF. Ông nói : « Người ta cảm thấy có khuynh hướng kiểm tra thông tin mạnh mẽ hơn so với cách đây 10 năm ». 

Hoa Kỳ bị sụt từ hạng 20 xuống 47, vì có 25 phóng viên bị bắt hoặc bị cảnh sát đối xử thô bạo khi đang theo dõi đưa tin về các phong trào phản kháng. Còn Pháp dậm chân ở hạng 38, do các nhà báo vẫn lo ngại về việc bảo vệ nguồn tin, hay khi điều tra về các nhân vật thân cận với giới lãnh đạo. 



mardi 24 janvier 2012

Trung Quốc : Những món tiền lì xì Tết đáng ngờ

(Le Monde 24/01/2012) Trung Quốc mừng năm mới âm lịch vào thứ Hai 23/1, năm Thìn, và người ta hồi hộp đón chờ những phong bao lì xì màu đỏ. Được xem là mang lại điềm lành, những chiếc « hồng bao » này thường chứa những tờ giấy bạc 100 nhân dân tệ, cũng có màu đỏ.

Theo truyền thống thì những chiếc phong bao lì xì được tặng cho những người trong gia đình và bà con thân thuộc, nhưng trong giới kinh doanh hay chính trị thì lại khá nhập nhằng. Thậm chí từ « hồng bao » nay còn trở thành đồng nghĩa với tham nhũng. Ai muốn thu hút các nhà báo đến dự họp báo, chỉ cần phân phát các « hồng bao » trong đó có khoảng 300 nhân dân tệ (35 euro).

Trong năm nay, năm thay đổi những người lãnh đạo chóp bu của đảng, các doanh nhân và chính khách lại càng được cảnh báo về vấn đề này. Tại tỉnh Quảng Đông chuyên về kỹ nghệ, nơi mà toàn bộ dân cư một làng đã từng nổi dậy phản kháng việc tịch thu đất đai của họ để giao lại cho các nhà đầu cơ địa ốc, đã có 370.000 tin nhắn SMS được gởi đến cho các viên chức để nhắc nhở các nguyên tắc đạo đức.

Người lao động nhập cư vật vờ đợi tàu về quê ăn Tết.
Có một Trung Quốc nghèo khổ của những người lao động nhập cư, từ mười ngày qua tràn ngập các nhà ga, với những chiếc túi xách nặng nề, hy vọng sẽ leo lên được một chuyến tàu, hy vọng người chủ sẽ tặng cho tiền tàu xe. Nhà máy nào quá keo kiệt sẽ có nguy cơ công nhân không quay trở lại sau Tết, nhất là trong bối cảnh một năm có nhiều biến động với các vụ đình công.

Ngược lại tại các công ty lớn, người ta không hề hà tiện trong việc lì xì cho các cán bộ, với các phong bì chứa số tiền thưởng hào phóng, hay một chiếc điện thoại thông minh mới toanh. Trong năm con rồng, món quà thuộc hàng « sao » thường là một chiếc iPad. Đây là lựa chọn lý tưởng của các doanh nhân, vì nó làm cho cả gia đình của khách hàng thích thú, và ít mang dáng vẻ tham nhũng, hối lộ so với những chiếc phong bì dầy cộm giấy bạc. Tại cửa hàng AppleStore trên con đường Huaihai mua bán nhộn nhịp ở Thượng Hải, một người bán hàng cho biết có những người mua một lần cả tá iPad để biếu cho các đối tác.

Máy tính bảng cho đảng viên

Red Pad
Trong những ngày cận Tết, iPad gặp phải một đối thủ, đó là « Red Pad », dành riêng cho các cán bộ đảng. « Chúng tôi phải cạnh tranh với các nhãn hiệu nước ngoài » - một đại diện của công ty kinh doanh mặt hàng này giải thích với tờ Nam Phương Đô Thị - gợi ra ý tưởng về một món quà khi muốn được một viên chức ban ơn mưa móc. Nhiều cư dân mạng cho rằng món đồ chơi cao cấp này là dấu hiệu của hối lộ, nhất là với cái giá lên đến 9.999 nhân dân tệ, tương đương 1.200 euro, nhưng Red Pad có những ứng dụng đặc thù. Một trong số các ứng dụng này cho phép lật xem những trang của các nhật báo lớn của đảng, một ứng dụng khác để kiểm tra thẻ nhà báo, vân vân.

« Ngày nay ranh giới giữa chiếc phong bao lì xì bình thường và hối lộ đã bị nhòa đi » - giáo sư Lý Huy, trường đại học Phục Đán ở Thượng Hải, và là tác giả một công trình nghiên cứu về đề tài này tỏ ý tiếc. Người ta đang gắng sức che giấu nạn đút lót qua truyền thống lì xì, một dạng được gọi là « guanxi » tức « quan hệ » - khi quan hệ cá nhân được đặt lên trên hợp đồng chính thức. Ông Lý Huy than thở : « Người Trung Quốc chỉ trích nạn tham nhũng nhưng lại không chịu đấu tranh chống lại tệ nạn này ».

Công an Trung Quốc đàn áp người Tây Tạng : Ít nhất một người chết

Bài đăng : Thứ ba 24 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 24 Tháng Giêng 2012 
 
Hôm qua 23/01/2012, công an Trung Quốc đã nổ súng vào những người Tây Tạng không mang vũ khí, biểu tình gần tu viện Drakgo tại Tứ Xuyên, làm ít nhất một người chết và hàng chục người bị thương. Hôm nay khu vực này đang bị bao vây nghiêm ngặt, trong khi Bắc Kinh đã lên án « các nhóm ly khai nước ngoài » muốn gây bất ổn chính trị.

Đây là vụ đàn áp đẫm máu nhất từ trước đến nay đối với người Tây Tạng kể từ khi có các vụ nổi dậy chống Trung Quốc vào năm 2008, khiến chính quyền Bắc Kinh phải lên tiếng dù đang dịp nghỉ Tết âm lịch. Phát ngôn viên chính phủ Trung Quốc Hồng Lỗi hôm nay tuyên bố : « Mưu toan của các nhóm ly khai ủng hộ người Tây Tạng tại nước ngoài nhằm bóp méo sự thật và làm mất uy tín chính quyền Trung Quốc sẽ không thành công ».

Theo các tổ chức bảo vệ nhân quyền, thì hôm qua lực lượng an ninh đã bắn vào một đoàn biểu tình tập hợp nhiều người Tây Tạng không hề có vũ khí, ở gần tu viện Drakgo, thuộc châu Cam Tư, trong khu vực tự trị Tây Tạng. Nhiều nhân chứng cho biết có hơn một chục người bị thương, và ít nhất một người chết – theo tổ chức Free Tibet, còn theo International Campaign for Tibet thì có ít nhất ba người chết. Chính phủ Tây Tạng lưu vong cho rằng có thể có đến sáu người biểu tình bị thiệt mạng.

Nhưng theo Bắc Kinh, thì một « băng đảng » gồm các nhà sư và hơn chục người khác trong đó có người cầm dao, đã dùng đá tấn công vào lực lượng an ninh, phá hủy hai xe cảnh sát khiến công an phải trả đũa. Ông Hồng Lỗi nhấn mạnh : « Chính quyền Trung Quốc sẽ luôn tiếp tục đấu tranh chống tội phạm và duy trì an ninh công cộng ».

Tuy không nhìn nhận là công an đã bắn đạn thật, ông Hồng Lỗi công nhận có một người biểu tình bị chết, bốn người khác bị thương, về phía công an có năm người bị thương. Tổ chức Free Tibet cho biết, cuộc biểu tình trên nhằm phản đối vụ bắt giữ những người Tây Tạng phân phát truyền đơn với khẩu hiệu « Tây Tạng cần phải được tự do », khẳng định sẽ có thêm nhiều vụ tự thiêu mới, vào hôm qua.

Hôm nay chính quyền đã triển khai lực lượng đông đảo bao vây tu viện Drakgo, trong đó có cả các xe bọc thép. Một nhà sư ở tu viện cho AFP biết có từ một đến hai ngàn công an đang trực chiến xung quanh. Bên trong tu viện này có đến 32 người bị thương đang được chăm sóc, trong đó hai người đang trong tình trạng nguy kịch – một người bị đạn găm vào đầu.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde nhận định :

« Các tin tức đến từ cao nguyên Tây Tạng thuộc Tứ Xuyên hết sức hiếm hoi. Hơn 24 giờ sau vụ nổ súng, báo chí Trung Quốc vẫn chưa dành một dòng chữ nào cho các vụ đụng độ mới này, diễn ra hôm qua, thứ Hai tại vùng Cam Tư. Cũng như trong trường hợp các sự kiện tương tự, internet đã bị cắt ngay lập tức, để tránh tin này lan truyền đi trong một khu vực vốn đã bị giám sát nghiêm ngặt, như một cư dân tại đây đã thổ lộ với RFI :

« Các đền chùa và nơi cư ngụ của các nhà sư đều bị giám sát rất kỹ. Công an có mặt khắp nơi, kể cả bên trong chùa. Ở dưới kia, họ muốn xây dựng một căn cứ thật lớn để tăng cường lực lượng. Điện thoại của chúng tôi bị nghe lén và khi chúng tôi họp lại để cầu nguyện, cũng có những người đến thăm dò”.

Lời chứng trên đây được ghi lại tại Serdar vào mùa thu rồi. Chính tại địa phương nằm ở độ cao 4.000m này, mà khoảng hơn một chục nhà sư đã bị bắt hôm 16/1, sau khi diễu hành với chân dung Đạt Lai Lạt Ma và giơ cao các biểu ngữ đòi hỏi tự do hơn cho Tây Tạng, đe dọa chính quyền địa phương là sẽ tiếp tục tự thiêu. Đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm đối với chính quyền Trung Quốc.
Bắc Kinh lo sợ các vụ phản kháng này sẽ kích thích nhiều cuộc biểu tình mới, nhất là tại miền tây Trung Quốc. Trong vòng chưa đầy một năm, có ít nhất 16 nhà sư và tu sĩ Phật giáo đã tự thiêu, chủ yếu tại vùng Cam Tư”.

Hôm nay phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland đã lên tiếng cho biết "rất quan ngại trước các thông tin thường xuyên về tình trạng bạo lực ở khu vực người Tây Tạng".

tags: Châu Á - Tây Tạng - Trung Quốc - Xã hội 
 
http://www.pagewash.com////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120124-pbat-na-gehat-dhbp-ona-inb-athbv-ovrh-gvau-gnl-gnat-vg-aung-zbg-athbv-purg
 

Không quân Bắc Triều Tiên tập luyện nhiều hơn thường lệ

Bài đăng : Thứ ba 24 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 24 Tháng Giêng 2012 
 
Theo hãng tin Hàn Quốc  Yonhap vào hôm nay 24/01/2012, không quân Bắc Triều Tiên đã tiến hành các hoạt động huấn luyện nhiều hơn bình thường trong mùa đông này, cho dù “lãnh tụ kính yêu” Kim Jong Il đã qua đời.

Hãng thông tấn Yonhap cho biết, các cuộc tập trận mùa đông của Bắc Triều Tiên bắt đầu từ cuối tháng 11 không cho thấy có gì bất thường. Tuy nhiên theo một viên chức chính phủ Hàn Quốc, thì số chuyến bay huấn luyện của không quân Bắc Triều Tiên có tăng thêm một ít.

Cũng theo Yonhap, thì Hàn Quốc sẽ tiến hành tập trận chung với Hoa Kỳ vào tháng 3, nếu Bình Nhưỡng không mềm dẻo hơn đối với Seoul.

Sau cái chết của Kim Jong Il ngày 17/12/2011, con trai ông này là Kim Jong Un đã lên “kế vị”. Chưa đầy ba mươi tuổi, nhưng Kim Jong Un đã được phong là lãnh đạo tối cao của một quân đội có đến 1,2 triệu quân nhân. Hãng thông tấn Bắc Triều Tiên cho biết, hôm qua Kim Jong Un đã chủ trì buổi tiệc chiêu đãi các sĩ quan cao cấp mừng Tết âm lịch. Trong dịp này lãnh đạo đảng là Choe Thae Bok đã nhấn mạnh năm 2012 đối với Bắc Triều Tiên sẽ là “một năm của chiến thắng, khi kỷ nguyên thịnh vượng bắt đầu”.

Chế độ mới ở Bình Nhưỡng đã hứa hẹn sẽ đưa quốc gia nghèo khó nhưng có vũ khí nguyên tử này trở thành “một quốc gia hùng cường và thịnh vượng” trong năm nay, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Il Sung, cha của ông Kim Jong Il. Bình Nhưỡng cũng đe dọa sẽ trừng phạt Seoul vì thái độ bất kính trong thời gian chịu tang “lãnh tụ kính yêu”.

Tuy nhiên theo cựu đặc sứ Hoa Kỳ về Bắc Triều Tiên, ông Stephen Bosworth, thì năm 2012 sẽ là một năm khá yên ổn. Ông không tin rằng tân lãnh tụ trẻ tuổi Kim Jong Un sẽ được giao thực quyền, và Bắc Triều Tiên chỉ có một chọn lựa là con đường ngoại giao.

Theo Stephen Bosworth, chế độ cộng sản Bắc Triều Tiên mang tính tập thể hơn nhiều người vẫn nghĩ, và ít có khả năng một người trẻ chưa kinh qua thử thách như Kim Jong Un có được quyền quyết định. Ông nói: “Tôi không tin Bắc Triều Tiên sẽ lao vào một cuộc tự sát tập thể, và không nghĩ rằng các tướng lãnh và lãnh tụ cao cấp của đảng sẽ giao phó cho Kim Jong Un quyền hành ngang với ông Kim Jong Il trước đây”.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Quân sự - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120124-xubat-dhna-onp-gevrh-gvra-gnc-yhlra-auvrh-uba-guhbat-yr
 

Ủy ban bầu cử Nga loại nhiều ứng viên tổng thống

Bài đăng : Thứ ba 24 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 24 Tháng Giêng 2012 
 
Hôm nay 24/01/2012, Ủy ban bầu cử Nga cho biết : Nhà đối lập Grigori Iavlinski, ứng viên tổng thống của đảng Iabloko theo khuynh hướng dân chủ, sẽ không được tranh cử vì không đủ số chữ ký ủng hộ. Như vậy danh sách các đối thủ của ông Vladimir Putin đang bị rút ngắn dần, vì trước đó ứng viên Edouard Limonov cũng đã bị loại.

Nhà tỷ phú Mikhaïl Prokhorov, tuy đang có nhiều hy vọng được chấp nhận cho ra tranh cử tổng thống, nhưng cũng tỏ ra bất bình trước thủ tục đăng ký ứng viên, theo ông là quá bất hợp lý.

Từ Matxcơva, thông tín viên RFI Anastasia Becchio cho biết thêm chi tiết :

“Thủ tục bắt buộc đối với tất cả các ứng cử viên không có được sự hỗ trợ của một đảng có chân trong Quốc hội, là cần phải thu thập được hai triệu chữ ký ủng hộ của công dân, và nộp cho Ủy ban bầu cử. Ủy ban này sẽ kiểm tra một số lượng đại diện và bật đèn xanh nếu tỉ lệ số chữ ký bất hợp lệ không vượt quá 5%.

Đó là một thủ tục nặng nề và phải chịu đựng sự tùy tiện của Ủy ban bầu cử - một trong số các ứng cử viên là nhà tỉ phú Mikhaïl Prokhorov đã tố cáo như trên. Ông nói: “Thủ tục hiện nay là gian dối, bất công, quá đáng và thậm chí tôi có thể nói là nhục nhã”.

Nếu Mikhaïl Prokhorov đang trên đường bước vào cuộc đua tranh chức Tổng thống, thì theo Ủy ban bầu cử, ứng viên của đảng dân chủ Iabloko có trên 20% số chữ ký bất hợp lệ. Nhưng ông Grigori Iavlinski đã phản bác lại, tố cáo đây là một quyết định mang tính chính trị. Ông nói: “Những ai bất đồng ý kiến với những gì đang diễn ra tại Nga hiện nay, những ai muốn có một nước Nga khác cởi mở, dân chủ, Âu châu và tân tiến hơn, thì những người đó đều không được phép tham gia tranh cử”.

Đảng Iabloko đã triển khai nhiều nhà quan sát trong cuộc bầu cử Quốc hội tháng 12 và dự định sẽ tiếp tục làm như thế trong cuộc bầu cử tháng 3 tới. Từ nay đến vài ngày nữa, Ủy ban bầu cử phải loan báo danh sách các ứng cử viên chính thức sẽ tham gia cuộc chạy đua vào điện Kremlin, mà ông Vladimir Putin đang là người chiếm ưu thế vượt trội”.

tags: Bầu cử - Chính trị - Nga - Quốc tế 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120124-hl-ona-onh-ph-atn-ybnv-ob-auvrh-hat-ph-ivra-gbat-gubat
 

Syria dứt khoát từ chối “giải pháp Ả Rập”

Bài đăng : Thứ ba 24 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 24 Tháng Giêng 2012 
 
Hôm nay 24/01/2012, Ngoại trưởng Syria Walid Mouallem tuyên bố Syria đã từ chối kế hoạch của Liên đoàn Ả Rập. Ông tố cáo “giải pháp Ả Rập” xâm phạm đến chủ quyền của Syria và là âm mưu quốc tế hóa cuộc khủng hoảng tại nước này.

Trong cuộc họp báo tại Damas, ông Walid Mouallem cũng tái khẳng định quyết tâm chấm dứt tình trạng mà ông gọi là “các nhóm vũ trang gieo rắc hỗn loạn tại Syria”. Chế độ Damas không công nhận tầm cỡ của phong trào phản kháng vốn không hề lắng dịu kể từ giữa tháng Ba đến nay.

Trước nạn đàn áp đẫm máu đã làm cho hơn 5.400 người chết, Liên đoàn Ả Rập đã tăng cường áp lực lên chế độ Assad, yêu cầu được gặp Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc để có được sự hỗ trợ cho kế hoạch giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria. Trong khi đó các nước vùng Vịnh đã loan báo việc rút các quan sát viên ra khỏi Syria.

Ngoại trưởng Syria Mouallem tuyên bố: “Chấm dứt giải pháp Ả Rập. Đây phải là một giải pháp Syria, dựa trên chương trình cải cách được Tổng thống Bachar Al Assad thông báo, và dựa vào việc mở ra một cuộc đối thoại quốc gia”. Ông lên án Liên đoàn Ả Rập muốn quốc tế hóa cuộc khủng hoảng, không quan tâm đến bản báo cáo của người đứng đầu lực lượng quan sát viên.

Về các biện pháp cấm vận của châu Âu và Hoa Kỳ, ông Mouallem cho rằng tuy đã gây ra khủng hoảng kinh tế tại Syria, nhưng sẽ không làm cho Damas khuất phục. Còn về sự hỗ trợ của Nga, Ngoại trưởng Syria tuyên bố: “Không ai có thể nghi ngờ quan hệ Nga – Syria, vì đây là mối quan hệ lịch sử, phục vụ cho lợi ích của cả hai dân tộc. Nước Nga không bao giờ chấp nhận một sự can thiệp của nước ngoài vào Syria”.

Xin nhắc lại, nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc lên án việc đàn áp đẫm máu ở Syria từ nhiều tuần qua vẫn bị Matxcơva dùng quyền phủ quyết ngăn trở.

tags: Quốc tế - Syria - Theo dòng thời sự - Trung Cận Đông 
 
http://www.pagewash.com////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120124-flevn-qhg-xubng-gh-pubv-=25R2=2580=259Ptvnv-cunc-n-enc=25R2=2580=259Q
 

Kyrgyzstan: Trên 400 tù nhân tự may miệng để đòi được tự do di chuyển trong tù

Bài đăng : Thứ ba 24 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 24 Tháng Giêng 2012 
 
Trên 400 tù nhân của hai nhà tù ở Kyrgyzstan đã tự may miệng mình để phản đối lệnh cấm không cho họ di chuyển tự do trong khuôn viên trại giam. Người đứng đầu cơ quan phụ trách các trại giam Kyrgyzstan (GSIN) hôm nay 24/01/2012 đã cho biết như trên.

Ông Cheïchenbek Baïzakov cho biết, tại trại tạm giam số 1, có 385 tù nhân đã tự may miệng lại, và 71 tù nhân ở nhà tù số 8 đã tham gia phong trào này. Theo ông thì những người tù đòi được quyền di chuyển tự do trong nhà tù và “tiếp tục chế giễu các quản giáo”. Trong cuộc họp báo tại Bichkek, thủ đô của Kyrgyzstan, một nước Trung Á thuộc Liên Xô cũ, ông Baïzakov đã khẳng định: “Điều này không thể tiếp diễn, họ cứ tha hồ may tất cả miệng lại!”.

Từ năm 2005 đến nay, các nhà tù của Kyrgyzstan vẫn thường xuyên diễn ra các cuộc nổi dậy, tuyệt thực và tự hủy hoại thân thể, đa số là nhằm tố cáo các điều kiện giam giữ.
Về phần chính quyền Kyrgyzstan thì luôn tố cáo tội phạm có tổ chức đã chỉ huy các cuộc nổi loạn nhằm giữ vị trí cầm đầu trong các vụ buôn lậu ở nhà tù.

tags: Kyrgyzstan - Pháp luật - Quốc tế - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com/nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120124-xletlmfgna-gera-400-gh-auna-gh-znl-zvrat-qr-qbv-qhbp-gh-qb-qv-puhlra-gebat-gh
 

Người Sài Gòn nhộn nhịp ăn Tết

Bài đăng : Thứ hai 23 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ hai 23 Tháng Giêng 2012
 
Ngày đầu xuân là dịp để cả gia đình sum họp, thưởng thức những món ăn ngon truyền thống của dân tộc. Không chỉ trong gia đình, mà người Sài Gòn nếu điều kiện kinh tế cho phép cũng thường cùng với bạn bè, người thân tham dự những buổi tiệc tất niên và tân niên.

Là trung tâm kinh tế của cả nước, nên Thành phố Hồ Chí Minh cũng là nơi tập trung nhiều khách du lịch, Việt kiều về thăm quê hương, khiến không khí mừng xuân thêm rộn rịp.

Nhân ngày đầu xuân, RFI Việt ngữ đã trao đổi với ông Đoàn Minh Tâm, bếp trưởng nhà hàng Lion, đồng thời là chuyên gia tư vấn ẩm thực công ty Benchmark ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Đoàn Minh Tâm - Thành phố Hồ Chí Minh
 
23/01/2012
 
More 
http://www.pagewash.com//nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120123-athbv-fnv-tba-auba-auvc-na-grg
 
 

tags: Kinh tế - Phỏng vấn - Tết - Việt Nam - Xã hội 
 

Thất bại của chiến lược Afghanistan hóa

Bài đăng : Thứ bảy 21 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ bảy 21 Tháng Giêng 2012 
 
Bốn quân nhân Pháp đã bị một lính Afghanistan sát hại hôm qua (20/01/2012) tại căn cứ quân sự ở tỉnh Kapisa, và 16 quân nhân Pháp khác bị thương, là đề tài được các báo Paris hôm nay bàn luận nhiều nhất.

Nhật báo cánh hữu Le Figaro nói về « Afghanistan : Có thể rút quân trước năm 2014 », đồng thời đề cập đến « Bản tổng kết thất bại của mười năm qua với những chiến lược liên tiếp ». Tờ báo thiên tả Libération nhấn mạnh : « Afghanistan, thất bại và cái chết ».

Libération cho biết, bốn quân nhân bị giết hại hôm qua vào khoảng 10 giờ sáng địa phương lúc đang đá bóng, không hề mang vũ khí cũng như không mặc áo giáp chống đạn. Sự kiện này xảy ra trong lúc quân đội Pháp đang giảm thiểu các hoạt động trong khu vực. Binh lính Pháp tại huyện Tagab hầu như không ra khỏi căn cứ, và những cuộc tuần tra hiếm hoi dọc theo con đường dẫn đến Sarobi ở phía nam, thường có các đơn vị Afghanistan đi kèm.

Chiến lược co cụm này do Elysée chỉ đạo, từ khi xảy ra vụ tấn công tự sát hôm 13/07/2011 làm cho năm quân nhân Pháp bị thiệt mạng, tại làng Joybar, cách căn cứ Tagab chưa đầy hai cây số, trong lúc đang giữ an ninh cho một hội nghị của các lãnh đạo địa phương bàn về việc xây bệnh viện. Theo một sĩ quan, thì nếu họ tử thương trong khi hành quân chiến đấu với Taliban, thì điện Elysée có lẽ đã phản ứng một cách khác. Thu mình lại trong căn cứ, từ nay quân đội Pháp không còn dịp nào đảm bảo an ninh cho một huyện mà thật ra họ chưa bao giờ kiểm soát được.

Theo các nguồn tin quân sự, thì quân Taliban bị truy đuổi từ cuối năm 2001, nay đã quay trở lại và hiện có hàng trăm người, ngang nhiên thao túng cuộc sống của người dân địa phương. Các chỉ huy Taliban ra các mệnh lệnh từ các đền thờ Hồi giáo chỉ cách căn cứ quân sự Pháp chỉ có vài ki-lô-mét. Những lời kêu gọi thánh chiến thường được đưa ra trong các buổi cầu nguyện ngày thứ Sáu, và họ cũng hăm dọa những người nào làm việc cho chính phủ Afghanistan.

Để chống lại ảnh hưởng của Taliban, quân đội Pháp cố gắng tranh thủ cảm tình của người dân địa phương. Nhưng theo Libération, thì chiến lược này đã thất bại, và các dự án phát triển quá ít. Con đường đi Saroubi để vòng tránh Kaboul đã hoàn thành, nhưng lại mất an ninh, đa số các làng xã trong huyện vẫn chưa có điện. Và theo một nghiên cứu của tổ chức phi chính phủ The Liaison Office, thì dân Tagab tỏ ra bất bình, vừa trước sự chọn lựa các dự án tái thiết, vừa do chất lượng tồi của các nhà thầu địa phương, bị nghi ngờ là tham nhũng. Đáng ngại hơn nữa : khu vực này vốn là nơi xuất phát các vụ tấn công khủng bố vào thủ đô Kaboul, cách đó chưa đầy 100 km.

Phe nổi dậy tại chỗ còn được sự trợ giúp của phe Taliban từ Pakistan, nhất là từ khi lực lượng NATO không còn đóng tại các địa phương lân cận. Khi quân Mỹ rút đi vào năm 2010, quân Taliban Pakistan đã lợi dụng để xâm nhập, thành lập những trại huấn luyện tại đây. Đặc biệt là người ta còn thấy có sự hiện diện thường xuyên của các thành viên Al Qaida.

Trong một bài viết khác, Libération nhận định, việc đào tạo cho quân đội Afghanistan lâu nay vẫn được các ban tham mưu cũng như các chính khách khoe là giải pháp tốt nhất, giúp cho NATO có thể ngẩng cao đầu ra khỏi lò lửa Afghanistan. Nhưng vụ sát hại vừa rồi là một đòn đau cho chính sách Afghanistan hóa, trong đó quân đội Pháp đóng vai trò quan trọng trong việc huấn luyện. Tuy được cho là những vụ tấn công mang tính cá biệt, nhưng thật ra đây thuộc về chiến lược của Taliban len lỏi vào quân đội Afghanistan, bên cạnh đó là việc thu nhận người ồ ạt, thiếu chất lượng. Tờ báo kết luận, tương lai của Afghanistan thật là mờ mịt một khi lực lượng quốc tế rút đi hết, và sự tồn tại của chính phủ Karzai cũng thế.

Chân dung ông chủ Megaupload

Liên quan đến vụ FBI tấn công quy mô vào Megaupload, trang mạng chuyên cho tải phim ảnh và nhạc bất hợp pháp, thu hút trên 50 triệu người mỗi ngày, bên cạnh việc đưa chi tiết và bình luận, các báo Pháp còn vẽ lại chân dung của ông chủ trang này. « Kim Schmitz, nhà giàu mới thích khoe của đã bị truất ngôi », tựa của phụ trang kinh tế Le Figaro. « Kim Schmitz, hàng giả quốc tế », tựa bài báo trên Libération.

Le Figaro cho biết, nhà sáng lập người Đức năm nay 38 tuổi cho đến phút chót vẫn cho rằng mình là người không ai có thể đụng đến, khi đã thoát khỏi lưới pháp luật từ 20 năm qua.Kim Schmitz đã hai lần bị kết án tại Đức, do thành lập một mạng lưới điện thoại gian lận, xâm nhập mạng lưới tin học trong thâp niên 90, lúc chưa đầy 20 tuổi, và do gian lận chứng khoán trong vụ quả bóng internet năm 2002.

Rất tự tin, Kim Schmitz không hề tỏ ra kín đáo. Từ việc phô trương những chiếc xe hơi sang trọng, sống trong vi-la trị giá ít nhất 30 triệu đô la cho đến việc tài trợ vụ bắn pháo hoa tưng bừng mừng năm mới ở Aukland, chi gần 8 triệu đô la tổ chức đua thuyền ở Địa Trung Hải. Theo điều tra của FBI, thì năm 2010 Kim Schmitz đã thu lợi được 42 triệu đô la nhờ tiền đăng ký sử dụng các trang web do ông ta sở hữu và tiền quảng cáo.

Năm Thìn, bùng nổ các em bé « rồng con » người Hoa

« Bùng nổ trẻ sơ sinh trong năm con rồng », đó là tựa đề bài viết của thông tín viên nhật báo Le Figaro tại Bắc Kinh, nói về hiện tượng người Hoa ở khắp nơi đua nhau sinh con tuổi Thìn, một con giáp tượng trưng cho thịnh vượng và thành công. Các chuyên gia dự kiến số lượng trẻ sơ sinh trong năm nay sẽ cao hơn nhiều so với năm Thìn 2000, hay năm Thế vận hội 2008.

Nếu số lượng em bé sinh ra ở Hồng Kông năm 2000 tăng 5%, thì năm nay tại Đài Loan, National University Hospital dự báo sẽ tăng từ 20 đến 30%, và số các em bé thụ tinh trong ống nghiệm cũng sẽ tăng với tỉ lệ tương tự. Nhưng tại « hòn đảo ly khai » việc sinh suất tăng lên đáng được hoan nghênh, vì tỉ lệ sinh con ở đây năm ngoái thuộc loại thấp nhất thế giới, chỉ có 0,9 trẻ em cho một phụ nữ. Tại Singapore cũng tương tự, một phụ nữ có 1,15 con.

Còn tại Trung Hoa lục địa, Tân Hoa Xã cho biết chính quyền dự trù sinh suất sẽ tăng 5%, nhưng người ta cho rằng con số thực cao hơn rất nhiều. Chỉ riêng các nhà sản xuất tã cho em bé đã chuẩn bị tăng 17% lượng bán ra. Một phụ nữ sắp sinh con vào tháng 8 được Union Medical College Hospital ở Bắc Kinh trả lời là tất cả các giường ở bệnh viện phụ sản đều đã được đặt trước cho đến tháng 9. Tại bệnh viện số 3 ở Bắc Kinh, các bác sĩ cho biết có những phụ nữ đã đặt chỗ trước khi mang thai. Báo chí cũng nói đến việc thiếu hụt trầm trọng vú em, khiến lương cho các nhũ mẫu đang vọt lên cao.

Mặt trái của « tấm huy chương » tuổi Thìn, theo một giáo sư chuyên về xã hội học ở Hồng Kông là sau này lớn lên, đội ngũ đông đảo những chú « rồng con » « sẽ phải đương đầu với một sự cạnh tranh gay gắt hơn, để có thể thành công ở những trường học danh tiếng hay trên thị trường lao động ».

Không chỉ có các ngành công nghiệp chuyên về sản phẩm dành cho trẻ em hài lòng trước hiện tượng baby-boom sắp tới, mà nhiều nhãn hiệu hàng xa xỉ của châu Âu cũng khai thác lợi thế của năm Thìn. Hãng xe hơi Rolls-Royce tung ra kiểu xe « Dragon Phantoms », ST Dupont lăng-xê bật lửa và bút khắc hình con rồng, tương tự đối với túi xách Versace, đồng hồ Piaget…

Nhưng theo âm lịch, thì năm con rồng 2012 còn gắn liền với mạng Thủy, và màu đen, mà theo một chuyên gia phong thủy thì « có thể là một sức mạnh hủy diệt của thiên nhiên, như sóng thần chẳng hạn, hay những thay đổi về mặt xã hội, chính trị hoặc kinh tế ». Có điều, tuy Thủy khắc Hỏa, nhưng đỡ dữ dội hơn Kim khắc Mộc của năm ngoái. Và như vậy thế giới có thể ít đảo điên hơn so với những gì đã diễn ra trong năm qua.

Trung Quốc : Dân thành thị nhiều hơn nông thôn

Thông tín viên của Le Monde tại Thượng Hải nhận định về vấn đề « Hiện có hơn phân nửa dân số Trung Quốc sinh sống tại các đô thị ». Làn sóng người dân nông thôn đổ về thành thị đã dẫn đến một hiện trạng bất công : họ trở thành những công dân hạng hai, không có những quyền lợi như những người có hộ khẩu thành phố.

Theo cơ quan thống kê nhà nước, thì dân số đô thị tại Trung Quốc nay đã lên đến trên 690 triệu người, chiếm 51,27% dân số toàn quốc, còn dân nông thôn chỉ có trên 656 triệu. Làn sóng nhập cư đã giúp Trung Quốc vượt lên thành nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới, do hiệu suất tại các nhà máy cao hơn hẳn so với trên đồng ruộng. Nhưng các gia đình nhập cư, được gọi là « dân công », lại không được hưởng các quyền lợi về y tế và giáo dục như những người dân thành phố có hộ khẩu tại đây.

Lần đầu tiên vào tháng Ba năm ngoái, một chương trình xây cất nhà xã hội đã được đưa ra, đây là bước tiến để có được những căn hộ giá rẻ cho các gia đình nhập cư. Tuy nhiên chính quyền nhiều địa phương hãy còn do dự không muốn thực hiện.

Sự kiện dân thành thị nay đã nhiều hơn dân nông thôn, theo Le Monde, là một dấu hiệu cảnh báo cho mô hình phát triển hiện nay của Trung Quốc. Lực lượng lao động giá rẻ đang giảm dần, lương tăng đi kèm với tăng trưởng kinh tế chựng lại, song song đó, chính sách mỗi gia đình chỉ có một con cũng khiến dân số Trung Quốc đang bị già đi.

Gấu trúc : Những cỗ máy ngốn tre hạng sang

Nhật báo Le Figaro nói về « Tre Pháp dành cho gấu trúc Trung Quốc ». Được xem là báu vật thiên nhiên và mang ý nghĩa ngoại giao, hai con gấu trúc do Bắc Kinh cho Paris mượn trong mười năm được đối xử như ông hoàng. Măng tre dùng làm thức ăn cho chúng là những thứ ngon nhất và phải luôn tươi tốt.

Rezo Plant, một công ty Pháp chuyên sản xuất tre chủ yếu để làm cây cảnh, từ vài năm nay có cung cấp thức ăn cho bốn con gấu trúc của sở thú Madrid, và sắp tới sẽ có hai khách hàng gấu trúc mới ở sở thú Vienna. Riêng tại Pháp, nơi hai con gấu trúc Hoan Hoan và Viên Tử vừa được long trọng đưa từ Bắc Kinh đến sở thú Beauval, sẽ là hình ảnh giúp khuếch trương thương hiệu cho công ty này.

Giám đốc công ty Rezo Plant, ông Joseph Dereze cho biết, mỗi con gấu trúc được cung cấp từ 30 đến 50 ký tre mỗi ngày. Khi thì chúng gặm thân tre, lúc ăn măng, khi chỉ ăn lá tre, nhưng cuối ngày thức ăn còn dư sẽ được mang cho các con vật khác như lạc đà hay voi. Gấu trúc đòi hỏi rất cao, tre luôn luôn phải thật tươi chúng mới chịu ăn. Sở thú Beauval phải đầu tư vào việc sắm các tủ lạnh và phun nước thường xuyên để giữ cho tre được tươi ít nhất hai, ba tuần lễ. Hai vị khách nặng ký theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng này chắc sẽ hài lòng, và trong dịp Tết âm lịch sắp tới, có thể Tổng thống Pháp và phu nhân sẽ đến tham quan.

tags: Afghanistan - Quốc tế - Điểm báo 
 
http://www.pagewash.com////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120121-gung-onv-phn-puvra-yhbp-nstunavfgna-ubn
 

dimanche 22 janvier 2012

Vận mệnh vùng Vịnh Péc-xích nằm trong tay Trung Quốc

Ông Ôn Gia Bảo và Quốc vương Abdullah của Ả rập Xê út ngày 25/01/2012.
(Le Monde 20/01/2012) Có một quốc gia đang nắm một trong những chiếc chìa khóa của cuộc khủng hoảng nguyên tử Iran, đó là Trung Quốc. Nếu sử dụng theo hướng tốt, Trung Quốc sẽ đạt được vị trí một cường quốc có trách nhiệm trong dàn hòa âm quốc tế, sẽ cho các nước thấy rằng Bắc Kinh coi trọng cuộc đấu tranh chống chạy đua vũ trang hạt nhân.

Tiếc thay, không chắc là Trung Quốc sẽ quyết định từ bỏ chính sách đợi thời mang tính ích kỷ, vẫn đang được áp dụng cho đến nay. Khi kết thúc vòng công du sáu ngày tại các nước Ả Rập vùng Vịnh hôm thứ Năm 19/01, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã công khai bảo vệ quan điểm truyền thống của Bắc Kinh : Không can thiệp vào chuyện nội bộ của Iran.

Một điều nghịch lý : các nhà lãnh đạo Trung Quốc vốn rất hãnh diện về thành tựu kinh tế của đất nước, không thích nhận lấy rủi ro trong việc tham gia giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế. Điều này có thể hiểu được nếu là ở vùng Cận Đông - một khu vực, hơn bao giờ hết, có dáng dấp của một bãi mìn.

Nhưng trốn chạy các khó khăn không giải quyết được gì cả, cuộc đua nhằm chế tạo cho được vũ khí nguyên tử của Teheran vẫn tiếp tục. Cuộc chạy đua này hàm chứa yếu tố bất ổn quan trọng nhất trong khu vực.

Thế mà nếu có một cường quốc nào có khả năng gây áp lực mạnh mẽ nhất lên Cộng hòa Hồi giáo Iran, thì đó chính là Trung Quốc. Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu muốn được Trung Quốc hỗ trợ – như Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã tuyên bố vào hồi đầu tháng tại Bắc Kinh.

Mỹ cũng như các nước châu Âu đều lo ngại. Bản báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế rất rõ ràng : chương trình nguyên tử của Iran, dù Teheran có chối cãi thế nào đi nữa, dứt khoát là nhằm mục đích quân sự. Và lần đầu tiên Washington cùng với Liên hiệp châu Âu đã quyết định tiến hành một biện pháp lâu nay chưa từng thực hiện đối với Iran : cấm vận dầu hỏa.

Để cấm vận có hiệu quả, sự hợp tác của Trung Quốc mang tính quyết định. Một mình Trung Quốc mua số lượng dầu từ Iran lớn hơn tất cả các quốc gia châu Âu cộng lại.

Trong chuyến công du các vương quốc dầu lửa vùng Vịnh, ông Ôn Gia Bảo đã lặp lại là Bắc Kinh phản đối việc cấm vận dầu hỏa Iran. Nhưng chính bản thân chuyến viếng thăm của ông Ôn khiến người ta nghĩ là Trung Quốc giữ một khoảng cách đối với Iran. Bắc Kinh nghi ngại sự bất ổn của nước Cộng hòa Hồi giáo, và lo sợ trước những gì diễn ra tại ba nước Cận Đông mà Trung Quốc có quan hệ mật thiết là Yemen, Libya, Syria.

Nếu như thực hiện được cấm vận, Trung Quốc sẽ trở thành khách hàng quan trọng cuối cùng của Iran. Và như vậy Bắc Kinh có thể ảnh hưởng đến giá dầu thô Iran, và tham gia gián tiếp vào một dạng áp lực kinh tế lên Teheran.

Bị lệ thuộc vào nguồn dầu lửa của vùng Cận Đông, Trung Quốc sẽ có lợi khi tình hình khu vực ổn định. Nếu Iran không bị buộc phải dừng lại, vùng Cận Đông sẽ trở thành sân chơi trong một cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử - một cơn ác mộng chiến lược. Trong hồ sơ Iran, Trung Quốc cần phải chọn lựa chỗ đứng.

vendredi 20 janvier 2012

Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Đức bị bắt quả tang câu cá trái phép

AFP ngày 20/01/2012 cho biết, đại sứ Bắc Triều Tiên tại Đức là ông Si Hong Ri đã bị bắt quả tang khi đang câu cá bất hợp pháp trên sông Havel ở Berlin hôm Chủ nhật 15/01.

Nhiều tờ báo Đức dẫn nguồn tin từ cơ quan cảnh sát đường thủy nói rằng, chiều hôm ấy các nhân viên cảnh sát tuần tra bắt gặp một người đàn ông đang thả câu trên dòng Havel. Dòng sông chảy qua khu Spandau ở phía tây thủ đô Berlin, là nơi rất được những người mê câu cá ưa thích vì có nhiều loại cá vược. Cảnh sát hỏi giấy phép câu cá, ông ta không xuất trình được. Yêu cầu ngưng câu, ông vẫn làm lơ. Người này nói với cảnh sát, ông ta là đại sứ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.

Do ông này không có giấy tờ gì trên người, cảnh sát Đức phải yêu cầu nhân viên đại sứ quán Bắc Triều Tiên gởi đến tấm ảnh mới nhất của nhà ngoại giao. Sau đó họ đã xác nhận ngư ông này chính thực là ngài đại sứ, vừa nhậm chức từ tháng 9/2011.

Đại sứ kiêm ngư ông Si Hong Ri.
Tờ The Local kể lại rằng, khi cảnh sát Đức đề nghị thu dọn cần câu, ông đại sứ Bắc Triều Tiên vẫn thản nhiên tiếp tục. Ông Si Hong Ri chỉ mỉm cười, vẫy tay chào tạm biệt các nhân viên công lực, và nói rằng họ không thể làm gì được ông vì ông có quyền miễn trừ ngoại giao !

Thái độ của ngài đại sứ gây phẫn nộ cho nghiệp đoàn cảnh sát Berlin. Một phát ngôn viên của nghiệp đoàn này là Klaus Eisenreich nói với nhật báo Berliner Morgenpost : « Các nhà ngoại giao cần phải giữ thái độ gương mẫu. Khi họ có thể tránh được bị trừng phạt như thế, thì người dân không thể hiểu nổi ».

Sông Havel ở Berlin, nơi được người mê câu cá ưa thích.
Tội câu trộm cá có thể bị phạt đến hai năm tù giam ở Đức. Trong năm 2010, cảnh sát Đức ghi nhận có đến 15.000 vụ vi phạm của các nhân viên ngoại giao đoàn vốn lên đến 5.000 người ở Berlin, từ đậu xe sai luật cho đến lái xe trong lúc say xỉn. Trong đa số trường hợp, những gì chính phủ Đức có thể làm là cảnh báo đại sứ quán liên quan, và chỉ khi nào thật nghiêm trọng mới dùng đến biện pháp trục xuất. Tuy nhiên hành động ngang nhiên phạm luật nước sở tại của vị đại sứ Bắc Triều Tiên là khó thể chấp nhận đối với người Đức.

Đại sứ quán Bắc Triều Tiên tại Berlin từ chối bình luận về sự kiện này, và khi phóng viên tờ Berliner Zeitung gọi đến, một phát ngôn viên của đại sứ quán đã nói rằng « Tất cả các nhà báo đều bẩn thỉu » và cúp máy !

Ông Peter Trapp, một dân biểu ở Berlin nói với tờ Berliner Zeitung: « Bộ Ngoại giao Đức cần phải nói chuyện với Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên, cho biết ông đại sứ này đã xử sự như thế nào tại đây ».

(“Bonus” thêm bình luận của một bạn đọc The Local: “Tôi chắc chắn rằng ông ta đói. Ở Bắc Triều Tiên, người dân phải ăn cỏ và vỏ cây. Ông ta phải làm điều ấy cho lãnh tụ kính yêu và cho chủ nghĩa xã hội – một hành động anh hùng để làm suy yếu kẻ thù giai cấp”).

Việt Nam phản đối việc Trung Quốc cấm đánh cá ở Biển Đông

Bài đăng : Thứ sáu 20 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 20 Tháng Giêng 2012 
 
Ngày 20/01/2012, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị lên tiếng phản đối việc Trung Quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh cá tại Biển Đông, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
 
Trước đó, ngày 17/01/2012, mạng Ngư nghiệp Trung Quốc đăng thông báo ngày 12/01 của Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, ra lệnh cấm đánh bắt cá tại khu vực Biển Đông từ ngày 16/05/2012 đến 01/08/2012, trên phạm vi bao gồm cả một số vùng biển của Việt Nam.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định : « Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, các quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Việc Trung Quốc đơn phương thi hành lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông là vi phạm chủ quyền của Việt Nam (…), vi phạm Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp ».

Ông Lương Thanh Nghị cho biết, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp phía Trung Quốc và phản đối việc làm nói trên.

Về việc Trung Quốc cấm đánh cá trên một số vùng biển của Việt Nam, RFI Việt ngữ đã liên lạc với ông Nguyễn Thanh Nam ở Quảng Ngãi, một ngư dân bị thương tật nay tình nguyện làm công việc giúp các ngư dân Việt Nam liên lạc thông tin trên biển. Ông cho biết lâu nay Trung Quốc vẫn liên tục bức hiếp ngư dân khi hành nghề trên  biển Việt Nam, và theo ông dù có lệnh cấm này, thì ngư dân Việt vẫn tiếp tục ra khơi:


Nguyễn Thanh Nam-Quảng Ngãi
 
20/01/2012
 
 
" Bà con ta đánh bắt ở đó từ mấy năm qua, nhưng có một số tàu hải quân ở Hoàng Sa ra xua đuổi, không cho bà con ta đánh bắt, tịch thu toàn bộ hải sản đánh bắt được, cũng như toàn bộ trang thiết bị, máy thông tin, liên lạc, rồi đánh đập. Thứ hai là mỗi khi có bão, nó không cho mình bám vào các cảng của nó để trú ẩn. 

Cho nên là trong nhiều năm bà con ta không còn được tự do làm ăn ở khu vực Hoàng Sa nữa. Tôi còn được biết là hiện nay, Trung Quốc đã xâm nhập đến khu vực kinh độ 109, tức là gần sát lãnh hải Việt Nam, những nó vẫn coi là chủ quyền của nó. Tàu mình vừa ra tới kinh độ 109 là bị nó đuổi về. Một số bà con ngư dân đánh bắt cá ngoài đó đã bị chúng lấy súng bắn hoặc đâm tàu của chúng vào tàu của mình.

Mặc dù có lệnh cấm của Trung Quốc những bà con ta vẫn đi, vì bà con vẫn nghĩ quần đảo Hoàng Sa là của ta. Dù có bị đánh đập thì vẫn đi. Mà không ra Hoàng Sa thì biết đi đâu? Chỉ có xuống Trường Sa, mà ở Trường Sa thì số lượng tàu bè đã đông quá rồi. Cho nên, dù có bị đuổi bà con ta ở Quảng Ngãi vẫn cứ bám biển. Nhưng năm nay bà con thành lập tổ, đội, chứ không đi từng chiếc như mấy năm trước nữa, để có tinh thần và khí thế mà đánh bắt. Những năm trước bà con đi đơn lẻ từng chiếc bị nó tịch thu hết trang thiết bị, mất thông tin liên lạc, kể cả gia đình cũng không biết là tàu đang ở đâu. Sau khi Trung Quốc uy hiếp, tịch thu hoặc tông chìm tàu, Nhà nước cũng đã hỗ trợ, khuyến khích bà con bám biển. "
 
tags: Biển Đông - Châu Á - Lãnh hải - Trung Quốc - Việt Nam 
 
http://www.pagewash.com//////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120120-ivrg-anz-cuna-qbv-ivrp-gehat-dhbp-pnz-qnau-pn-b-ovra-qbat 

Thiết bị điện gió Trung Quốc và Việt Nam bị điều tra bán phá giá

Bài đăng : Thứ sáu 20 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 20 Tháng Giêng 2012 
 
Ngày 19/01/2012 Mỹ loan báo sẽ mở cuộc điều tra về các thiết bị điện gió sản xuất tại Trung Quốc và Việt Nam, bị nghi ngờ là bán dưới giá thành.

Thông cáo của Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết, quyết định này là do có đơn kiện của một hiệp hội tập hợp bốn nhà sản xuất Mỹ chuyên sản xuất các tháp điện gió. Các tháp hình trụ này đỡ lấy các cánh quạt, trên có các tuốc-bin điện, có khả năng đón lấy sức gió và chuyển đổi thành dòng điện xoay chiều.

Theo Bộ Thương mại Mỹ, thì giá trị của các tháp điện gió nhập khẩu vào Hoa Kỳ từ 2008 đến 2010 đã giảm xuống, chỉ còn 104 triệu đô la đối với sản phẩm của Trung Quốc và 52 triệu đối với Việt Nam. Nếu kết quả điều tra cho thấy các thiết bị này được bán dưới giá thành, Hoa Kỳ có thể tiến hành các biện pháp chống bán phá giá theo như quy định của Tổ chức Thương mại Thế Giới Thủ tục này mất nhiều thời gian, có thể hoàn tất vào tháng 10/2012.

Các nhà điều tra Hoa Kỳ chủ yếu nhắm vào các tháp năng lượng gió của Trung Quốc, bị nghi ngờ là được Bắc Kinh trợ giá trái phép.

Trong một thông cáo khác, Bộ Thương mại Mỹ cho biết đã tiến hành một thủ tục khác nhắm vào các móc treo quần áo bằng thép sản xuất tại Việt Nam và Đài Loan, cũng bị nghi ngờ là bán phá giá, nhưng trong trường hợp này thì chủ yếu là Việt Nam bị nghi đã trợ giá.

AFP nói thêm, các vụ điều tra chống bán phá giá loại này đối với các sản phẩm Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á khác đã tăng cao từ khi ông Barack Obama nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1/2009 đến nay.

tags: Hoa Kỳ - Quốc tế - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Việt Nam 
 
http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120120-ubn-xl-qvrh-gen-pubat-ona-cun-tvn-guvrg-ov-fna-khng-qvra-tvb-gh-gehat-dhbp-in-ivrg
 

Hai người Nhật bị Bắc Triều Tiên bắt giữ được về nước

Bài đăng : Thứ sáu 20 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 20 Tháng Giêng 2012 
 
Hai người Nhật bị bắt tại Bắc Triều Tiên tháng 3/2011 vì tội buôn ma túy và sử dụng tiền giả được trả tự do và trở về Nhật Bản tuần này. Chính phủ Nhật Bản khi loan báo tin này và hoan nghênh động thái ngoại giao trên của Bình Nhưỡng.


Chủ tịch Ủy ban An ninh Công cộng Nhật Bản, ông Jin Matsubara nói : “Tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể diễn dịch cử chỉ này như một thông điệp tích cực do Bắc Triều Tiên gởi đến, sau khi có sự thay đổi lãnh đạo » sau cái chết của ông Kim Jong Il hôm 17/12/2011.

Hai người Nhật khoảng 30 và 40 tuổi vừa được trả tự do đã bị bắt tại Bắc Triều Tiên hồi tháng 3/2011 cùng với một người Nhật khác, nhưng người thứ ba này ít lâu sau đó đã được thả trở về Nhật Bản. Còn hai người vừa được thả tuần này đã về nước qua ngả Trung Quốc.

Theo báo chí Nhật, cả ba là nhân viên của một công ty chuyên bảo trì máy móc công nghiệp ở Tokyo. Họ đã đến Rason, thành phố thuộc một đặc khu kinh tế của Bắc Triều Tiên nằm gần biên giới Nga, để kiểm soát máy móc một nhà máy sản xuất thực phẩm. Ba người Nhật này đã bị bắt vì giấu ma túy trong các hộp thực phẩm và vì các hoạt động có liên quan đến tiền giả. Cảnh sát Nhật không cho biết cụ thể lý do và các điều kiện Bình Nhưỡng đưa ra khi trả tự do cho họ.

Nhật Bản và Bắc Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao chính thức. Giữa Tokyo với Bình Nhưỡng thường có thái độ căng thẳng, thậm chí thù địch. Chính phủ Nhật từ chối công nhận chế độ cộng sản Bắc Triều Tiên, một khi chưa giải quyết được hồ sơ những người Nhật bị tình báo Bắc Triều Tiên bắt cóc trong thập niên 70 và 80 để buộc dạy tiếng Nhật cho các điệp viên của họ. Còn Bình Nhưỡng đòi Tokyo phải xin lỗi về các tội ác trong thời kỳ Nhật chiếm đóng bán đảo Triều Tiên và yêu cầu phải bồi thường.

tags: Bắc Triều Tiên - Châu Á - Nhật Bản 
 
http://www.pagewash.com//////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120120-unv-athbv-aung-ov-onp-gevrh-gvra-ong-tvh-qn-qhbp-gun-ir-ahbp
 

Bốn quân nhân Pháp bị lính Afghanistan bắn chết

Bài đăng : Thứ sáu 20 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 20 Tháng Giêng 2012 
 
Ngày 20/01/2012 bốn quân nhân Pháp bị một người mặc quân phục Afghanistan bắn chết, 16 quân nhân Pháp khác bị thương.Tổng thống Nicolas Sarkozy đã cho ngưng tất cả hoạt động huấn luyện cho quân đội Afghanistan, và có khả năng Paris rút quân trước thời hạn. 
 
Vụ tấn công trên diễn ra vào lúc 3g30 giờ quốc tế, tại căn cứ quân sự Pháp ở thung lũng Tagab, thuộc tỉnh Tapisa, Afghanistan. Lực lượng quốc tế của NATO (Isaf) cho biết kẻ sát nhân mặc quân phục của quân đội Afghanistan, đã bị bắt giữ. Quân đội Pháp đã siết chặt an ninh xung quanh căn cứ quân sự Pháp ở Tagab, cấm lực lượng vũ trang Afghanistan vào.

Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy loan báo ngưng tất cả các hoạt động huấn luyện, hỗ trợ chiến đấu cho quân đội Afghanistan. Ông tuyên bố : « Chúng tôi là bạn của nhân dân Afghanistan và là đồng minh, nhưng không thể chấp nhận được việc lính Afghanistan bắn vào lính Pháp ». Tổng thống Sarkozy nói thêm : « Nếu các điều kiện an ninh không được vạch rõ, thì sẽ phải đặt ra vấn đề rút quân Pháp về trước thời hạn ». Ông cho biết sẽ nêu vấn đề này với Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai trong chuyến viếng thăm Paris sắp tới ngày 27/01.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Gérard Longuet và Tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, đô đốc Edouard Guillaud đã được phái đến Afghanistan ngay lập tức. Tổng thư ký NATO, ông Anders Fogh Rasmussen đã ngỏ lời phân ưu với nước Pháp, cho rằng hôm nay là « một ngày buồn thảm » của lực lượng NATO tại Afghanistan.

Trước đó vào ngày 29/12/2011, hai người lính lê dương Pháp đã bị một lính Afghanistan bắn chết, khi hai quân nhân này đang làm công việc huấn luyện tại tỉnh Kapisa ở đông bắc thủ đô Kaboul. Như vậy cho đến nay đã có 82 quân nhân Pháp thiệt mạng tại Afghanistan từ khi lực lượng quốc tế bắt đầu được triển khai tại nước này vào cuối  năm 2001. Năm 2011  là năm mà lực lượng Pháp bị thiệt hại nặng nề nhất, với 26 quân nhân bị tử thương khi chiến đấu.

Sau khi cho rút 400 quân vào tháng 10 năm ngoái, hiện nay Pháp còn 3.600 quân nhân đóng tại Afghanistan. Theo kế hoạch, đến năm 2014 toàn bộ quân Pháp sẽ được rút về nước.

tags: Afghanistan - Pháp - Quân sự - Quốc tế 
 
http://www.pagewash.com///nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/cunc/20120120-oba-dhna-auna-cunc-ov-zbg-yvau-nstunavfgna-ona-purg-cunc-pb-gur-ehg-dhna-gehbp-gubv-un
 

Mỹ và Philippines sắp tập trận chung tại Biển Đông

Bài đăng : Thứ năm 19 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 19 Tháng Giêng 2012 

Hoa Kỳ và Philippines sắp sửa tập trận chung tại Biển Đông, gần vùng biển đang bị nhiều quốc gia tranh chấp, trong đó có Trung Quốc. Hãng tin Reuters cho biết một viên chức quân sự Philippines hôm nay 19/01/2012 đã loan báo tin này.

Tướng Juancho Sabban, tham mưu trưởng quân đội trên đảo Palawan ở miền tây Philippines loan báo, lần đầu tiên, cuộc tập trận chung thường niên sẽ tập trung cho việc thử nghiệm các trình tự nhằm bảo vệ các giàn khoan khai thác dầu khí trên biển.

Cuộc thao diễn quân sự này sẽ diễn ra gần khu vực dự án khí đốt được đặt tên là Malampaya, do chi nhánh tại Philippines của tập đoàn Mỹ Chevron và tập đoàn Royal Dutch Shell của Anh và Hà Lan cùng khai thác. Theo tướng Juancho Sabban, thì mục tiêu là nhằm bảo vệ hoặc tái chiếm tất cả các giàn khoan trong trường hợp bị bọn khủng bố tấn công.

Tướng Sabban nói thêm, các cuộc tập trận vừa trên biển vừa trên mặt đất sẽ được tổ chức tại bờ biển phía đông Palawan, đối diện với quần đảo Trường Sa - hiện đang được Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Brunei, Malaysia và Philippines cùng đòi hỏi chủ quyền. Theo ông, thì Trung Quốc không có lý do gì để phản kháng các cuộc tập trận này vì đây là các hoạt động thường niên.

Hoa Kỳ đang tăng cường sự hiện diện quân sự tại châu Á, và thường xuyên tham gia các cuộc tập trận chung với Philippines trong khuôn khổ một hiệp ước hỗ tương quốc phòng ký kết từ năm 1951.

tags: Biển Đông - Châu Á - Hoa Kỳ (Mỹ) - Philippines - Quân sự 
 
http://www.pagewash.com//////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120119-zl-in-cuvyvccvarf-fnc-gnc-gena-puhat-gnv-ovra-qbat

Trung Quốc muốn mở rộng kiểm soát các tiểu blog trên internet

Bài đăng : Thứ năm 19 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 19 Tháng Giêng 2012 
 
Hãng tin AFP hôm nay 19/01/2012, trích lời một viên chức cao cấp Trung Quốc cho biết, Bắc Kinh dự định mở rộng các biện pháp kiểm soát những người có tài khoản tiểu blog trên internet, để tránh lan truyền các thông tin bất lợi cho chính quyền.

Từ cuối năm 2011, người dân Trung Quốc phải đăng ký tên thật khi mở tài khoản tiểu blog tại Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Đông. Tuy nhiên ông Vương Thần, giám đốc cơ quan thông tin thuộc Hội đồng Nhà nước Trung Quốc, hôm qua, tuyên bố rằng hiện nay quy định này chỉ áp dụng cho những người mới đăng ký, nhưng sắp tới sẽ được mở rộng cho tất cả những người sử dụng tiểu blog.

Trong những tháng gần đây, chính quyền Trung Quốc đã siết chặt gọng kìm đối với cư dân mạng hiện có hơn nửa tỉ người. Bắc Kinh lo sợ khả năng loan truyền các thông tin không được Nhà nước kiểm soát của các tiểu blog. Theo các nhà quan sát, thì các tiểu blog này cùng với các mạng xã hội đã trở thành không gian thích hợp để tạo nên dư luận quần chúng. Ông Vương Thần cho biết, trên các mạng như Vi Bác với hàng trăm triệu người sử dụng thường xuyên, mỗi ngày có đến 150 triệu bài viết được đăng lên.

Các tiểu blog loại Twitter hạn chế số từ đăng lên không quá 140 từ, nhưng với Hoa ngữ thì con số này cho phép đưa lên mạng các thông tin dài hơn hẳn so với các ngôn ngữ theo mẫu tự la tinh. Nhờ đó người dân Trung Quốc ngày càng thích sử dụng tiểu blog để bày tỏ phản kháng trước tình trạng lạm dụng quyền lực của các viên chức tham những, hay tố cáo nhiều vụ xì-căng-đan, từ thực phẩm nhiễm độc cho đến ô nhiễm không khí. Đặc biệt các vụ nổi dậy tại Quảng Đông gần đây cũng được rộng rãi người dân biết đến nhờ có các tiểu blog.

tags: Châu Á - Kiểm duyệt - Ngôn luận - Nhân quyền - Theo dòng thời sự - Thông tin - Trung Quốc - Xã hội 
 
http://www.pagewash.com//////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120119-gehat-dhbp-zhba-zb-ebat-xvrz-fbng-pnp-gvrh-oybt-gera-vagrearg
 

Trung Quốc: Thêm bằng chứng về việc đánh đập người Tây Tạng tự thiêu

Bài đăng : Thứ năm 19 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 19 Tháng Giêng 2012 
 
Công an Trung Quốc đã dùng gậy đinh đánh đập một người Tây Tạng tự thiêu, và sau đó đã nổ súng vào đám đông xung quanh làm bị thương một số người. AFP dẫn nguồn tin từ tổ chức International Campaign for Tibet hôm nay, 19/01/2012, cho biết như trên.
 
Losang Jamyang, một cựu nhà sư chưa đến 20 tuổi, hôm thứ Bảy 14/1 đã tự thiêu ở huyện A Bá, khu vực người Tây Tạng ở Tứ Xuyên. Sau khi đổ xăng lên người và châm lửa, anh đã chạy ra đường và hô to « Đức Đạt Lai Lạt Ma vạn tuế”, “Tự do cho Tây Tạng”. Đây là người Tây Tạng thứ 16 tự thiêu trong vòng chưa đầy một năm, để phản đối chính quyền Trung Quốc đàn áp tự do tín ngưỡng.

Theo tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Luân Đôn International Campaign for Tibet (ICT), thì công an đã đá nhiều cú vào người anh Losang Jamyang, rồi đánh đập anh bằng gậy đinh. Không thể chịu đựng nổi cảnh tượng đó, những người dân Tây Tạng tại chỗ đã phản ứng lại lực lượng an ninh. Họ la to lên rằng phải giao trả người tự thiêu cho họ, và đã làm mọi cách để chặn đường không cho công an đem người này đi.

Cũng theo ICT, thì công an đã bắt giữ và đánh đập nhiều người dân Tây Tạng, làm cho một phụ nữ bị thương nặng và một người khác bị mù mắt. Lực lượng an ninh Trung Quốc còn nổ súng vào đám đông, khiến hai phụ nữ bị thương.

Một phát ngôn viên chính phủ địa phương tại A Bá - chỉ cho biết họ là Vương - đã phủ nhận các thông tin trên, nhưng từ chối cho AFP biết những gì đã diễn ra tại đây.

Xin nhắc lại, các vụ tự thiêu hầu hết diễn ra ở gần tu viện Kirti tại huyện A Bá, đa số người tự thiêu là các nhà sư trẻ. Bên cạnh vấn đề tự do tôn giáo, người Tây Tạng còn phản đối việc nền văn hóa của họ đang bị xói mòn do số lượng người Hán tộc đến định cư tại đây ngày càng đông đảo. Nhưng Bắc Kinh luôn chối cãi việc đàn áp người dân Tây Tạng, khoe khoang rằng đã đầu tư rất lớn vào khu vực này để nâng cao mức sống sau khi « giải phóng một cách hòa bình vào năm 1951 », và đổ tội cho Đạt Lai Lạt Ma là xúi giục gây rối.

tags: Châu Á - Tây Tạng - Theo dòng thời sự - Trung Quốc
 
http://www.pagewash.com////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/punh-n/20120119-pbat-na-gehat-dhbp-qnau-qnc-zbg-athbv-gnl-gnat-gh-guvrh
 

Việt Nam: Ca tử vong đầu tiên vì cúm gia cầm từ 2 năm qua

Bài đăng : Thứ năm 19 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 19 Tháng Giêng 2012 

Một thanh niên Việt Nam 18 tuổi ở đồng bằng sông Cửu Long đã qua đời vì bệnh cúm gia cầm cách đây vài ngày. Đây là trường hợp tử vong đầu tiên vì cúm gia cầm tại Việt Nam kể từ tháng 4/2010 cho đến nay.

Báo chí trong nước cho biết, thanh niên này từ Kiên Giang sang Cần Thơ làm nghề chăn vịt. Bị sốt cao và mệt mỏi, cậu đã tự mua thuốc uống nhiều ngày, nhưng không thuyên giảm. Sau khi nhập viện, bệnh viện Kiên Giang đã gởi mẫu bệnh phẩm nghi nghiễm cúm của bệnh nhân đến Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh để xét nghiệm. Nhưng chưa có kết quả thì bệnh nhân đã tử vong ngày 11/1 sau khi bị suy hô hấp.

Hãng tin Pháp AFP dẫn lời ông Lê Hoàng San, phó viện trưởng Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, kết quả xét nghiệm có được vào ngày 17/1 cho thấy mẫu bệnh phẩm trên dương tính với virus H5N1. Báo chí Việt Nam nói thêm, lãnh đạo Viện Pasteur cảnh báo thời tiết đông xuân hiện nay rất thuận lợi cho mầm bệnh cúm H5N1 phát triển, vì vậy các địa phương cần sớm phát hiện và khoanh vùng xử lý. Hiện tại Trung tâm Y tế Dự phòng Kiên Giang đã phun hóa chất khử trung khu vực nhà bệnh nhân ở huyện Giồng Riềng, đồng thời lấy mẫu máu những người có tiếp xúc với bệnh nhân để đem xét nghiệm.

AFP nhắc lại, Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng dịch cúm gia cầm nhiều nhất tại Đông Nam Á kể từ cuối năm 2003, nhưng đã thành công trong việc khống chế nạn dịch này vào năm 2006. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổng cộng có 59 người bị thiệt mạng vì cúm H5N1 tại Việt Nam. Một số ổ dịch cúm gia cầm đã được phát hiện vào đầu năm nay tại các trại chăn nuôi ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, và từ đầu tháng Giêng đã có khoảng ba ngàn con gà bị tiêu hủy.

Còn tại Cam Bốt, hôm qua một bé trai hai tuổi cũng đã tử vong tại bệnh viện ở một tỉnh miền tây bắc do nhiễm cúm gia cầm. Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đây là ca tử vong thứ 19 vì cúm gia cầm tại nước này.
Trước đó vào cuối tháng 12/2011, Trung Quốc đã loan báo trường hợp tử vong vì cúm gia cầm đầu tiên trong vòng 18 tháng qua, làm dấy lên nỗi lo sợ dịch cúm gia cầm đã sát hại trên 300 người trên toàn thế giới sẽ quay trở lại.

Cho đến nay, virus H5 vẫn được lây truyền từ loài vật sang con người. Tuy nhiên các nhà khoa học lo ngại khả năng virus này được biến thể, lây được từ người sang người, làm bùng phát nạn dịch có thể làm nhiều người chết.

tags: Sức khỏe / Y tế - Theo dòng thời sự - Việt Nam 
 
http://www.pagewash.com////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/ivrg-anz/20120119-gehbat-ubc-gh-ibat-qnh-gvra-iv-phz-tn-gnv-ivrg-anz-gh-tna-unv-anz-dhn

Pakistan: Cựu tổng thống Musharaff có thể hoãn hồi hương vì sợ bị bắt

Bài đăng : Thứ năm 19 Tháng Giêng 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 19 Tháng Giêng 2012 
 
Cựu tổng thống Pakistan đang lưu vong, ông Pervez Musharaff có thể hoãn việc quay trở lại đất nước dự kiến vào cuối tháng này vì lo ngại sẽ bị bắt. Hôm nay, 19/01/2012, một nhân vật thân cận của ông đã cho biết như trên.

Sau khi chính phủ Pakistan thông báo nếu ông Musharaff trở về thì sẽ bị bắt ngay, bạn bè và các cố vấn đều khuyên ông nên hoãn lại dự định về nước. Ông Mohammad Amjad, phó chủ tịch Liên đoàn Hồi giáo toàn Pakistan (APML), đảng của ông Musharaff, nói với AFP là việc này đã được những người thân cận của ông bàn thảo trong cuộc họp hôm qua, và cựu tổng thống có thể loan báo quyết định vào hôm nay.

Tướng Pervez Musharaff đã lên nắm chức vụ tổng thống Pakistan từ năm 1999 sau một cuộc đảo chánh. Đến tháng 8/2008 dưới áp lực của chính phủ liên minh do đảng Nhân dân Pakistan (PPP) lãnh đạo, ông bị buộc phải từ chức, sống lưu vong tại Luân Đôn và Dubai.

Hôm 9/1, cựu tổng thống thông báo sẽ trở về nước trong khoảng từ 27 đến 30/1, và có ý định tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Quốc hội. Nhưng tối qua, bộ trưởng Nội vụ Pakistan Rehman Malik tuyên bố, ông Musharaff sẽ bị bắt giữ nếu quay về Pakistan vì hiện đang có ba đơn kiện.

AFP cho biết, ông Pervez Musharaff hiện đang là đối tượng của ba lệnh bắt tại Pakistan. Lệnh bắt thứ nhất được ban hành trong khuôn khổ cuộc điều tra vụ ám sát cựu thủ tướng Benazir Bhutto cuối năm 2007. Lệnh thứ hai liên quan đến cái chết của Akbar Bugti, một lãnh đạo ly khai của bang Baloutchistan ở miền tây nam, bị thiệt mạng trong một cuộc không kích vào tháng 8/2006. Ông Musharaff cũng bị truy tố vì đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vào năm 2007, và cho bắt giữ các thẩm phán để có thể tiếp tục nắm quyền.

Thông tin ông Musharaff quay trở lại Pakistan đã gây thêm áp lực đối với chính quyền của tổng thống Asif Ali Zardari, lên thay ông Musharaff từ năm 2008. Chính quyền đương nhiệm hiện đang bị mất lòng dân do nhiều tai tiếng tham nhũng, và theo nhiều nhà quan sát, thì có thể Pakistan sẽ phải tổ chức bầu cử trước thời hạn trong năm nay.

tags: Châu Á - Pakistan - Quốc tế - Theo dòng thời sự 
 
http://www.pagewash.com//////nph-index.cgi/010110A/uggc:/=2fjjj.ivrg.esv.se/dhbp-gr/20120119-phh-gbat-gubat-zhfunenss-pb-gur-ubna-ivrp-dhnl-ynv-cnxvfgna-iv-fb-ov-ong