mercredi 25 janvier 2012

Việt Nam nằm trong 10 nước đứng cuối bảng về tự do báo chí trên thế giới năm 2011

(AFP 25/01/2012) Theo bảng xếp hạng của tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) vừa được công bố lúc 0 giờ GMT ngày 25/01/2012, thì trong năm 2011 Việt Nam đứng thứ 172/179 quốc gia được khảo sát về tự do báo chí.

Có nghĩa là Việt Nam đứng thứ 8 (từ dưới đếm lên), sau các nước lần lượt là Erythée, Bắc Triều Tiên, Turkménistan, Syria, Iran, Trung Quốc, Bahrein, và trên được hai nước là Yemen và Sudan trong top 10…đếm ngược. Đáng chú ý là năm 2010 Việt Nam không có mặt trong danh sách đen về tự do báo chí của RSF, mà vị trí thứ 8 từ dưới lên này là của…Trung Quốc.

Để thực hiện bảng xếp hạng trên đây, Phóng viên Không biên giới đã gởi một bảng câu hỏi đến 18 hiệp hội bảo vệ tự do ngôn luận trên cả năm châu lục, cũng như mạng lưới 150 thông tín viên, các nhà báo, nhà nghiên cứu, luật gia, và các nhà đấu tranh cho nhân quyền. Bảng câu hỏi cũng ghi nhận tổng thể những vụ xâm phạm trực tiếp đối với các nhà báo hay cư dân mạng (ám sát, cầm tù, hành hung, đe dọa) hoặc với báo chí (kiểm duyệt, tịch thu, khám xét, gây áp lực).

Trong bản báo cáo thường niên lần thứ 10 này, Phóng viên Không biên giới đã nhấn mạnh : « Trấn áp là từ ngữ của năm vừa qua. Chưa bao giờ tự do thông tin lại được gắn liền với dân chủ như thế, chưa bao giờ công việc của nhà báo lại gây trở ngại cho những kẻ thù của dân chủ đến thế».

Chỉ có một nhóm nhỏ các nước được xem là « tốt lành » cho các nhà báo, trong đó Phần Lan và Na Uy đồng hạng nhất. Riêng Phần Lan vẫn liên tục dẫn đầu kể từ hơn chục năm qua. Đặc biệt lần đầu tiên có một nước châu Phi lọt vào top 10 đầu bảng, đó là Cap Vert (xếp thứ 9, trong khi năm 2010 ở hạng 26).

Ngược lại bộ ba Erythée, Bắc Triều Tiên, Turrkménistan liên tục đứng cuối bảng trong nhiều năm, tiếp theo là Syria, Iran và Trung Quốc theo sát nút. Phóng viên Không biên giới giải thích, sự thiếu vắng hay hủy bỏ các quyền tự do công cộng dẫn đến việc xâm phạm quyền tự do báo chí. Các chế độ độc tài lo sợ và ngăn cấm các thông tin, nhất là khi bất lợi cho họ.

Các cuộc cách mạng Ả Rập có những tác động khác nhau đến công việc của các nhà báo. Tình hình được cải thiện ở Tunisia, cho dù chưa hoàn toàn có một nền báo chí tự do và độc lập. Chỉ trong vòng một năm qua, Tunisia đã tăng được đến 30 bậc. Ngược lại, Ai Cập bị sụt 39 bậc vì sử dụng bạo lực với các nhà báo.

Nhưng Phóng viên Không biên giới cũng đặc biệt tỏ ra nghiêm khắc đối với các nước dân chủ « vì chúng tôi chờ đợi các quốc gia này đóng một vai trò gương mẫu », theo ông Jean-François Julliard, Tổng thư ký RSF. Ông nói : « Người ta cảm thấy có khuynh hướng kiểm tra thông tin mạnh mẽ hơn so với cách đây 10 năm ». 

Hoa Kỳ bị sụt từ hạng 20 xuống 47, vì có 25 phóng viên bị bắt hoặc bị cảnh sát đối xử thô bạo khi đang theo dõi đưa tin về các phong trào phản kháng. Còn Pháp dậm chân ở hạng 38, do các nhà báo vẫn lo ngại về việc bảo vệ nguồn tin, hay khi điều tra về các nhân vật thân cận với giới lãnh đạo. 



Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.