samedi 17 novembre 2012

Tập Cận Bình đăng quang : Chiến thắng của các « thái tử đỏ »

Bảy tân ủy viên thường trực Bộ Chính trị TQ ra mắt báo chí ngày 15/11/2012.

(LND : Trong bài diễn văn đầu tiên, ông Tập Cận Bình không nhắc đến chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản lẫn chủ nghĩa Mác-Lê. Tân Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã sử dụng từ « đồng nghiệp » thay cho « đồng chí », khi giới thiệu sáu thành viên còn lại của ban thường trực Bộ Chính trị. Theo Le Monde, đây là điều rất mới).

(Le Monde 16/11/2012) Họ đi theo hàng dọc, mặc com-lê màu sẫm, Tập Cận Bình dẫn đầu, và trình diện trước báo chí dưới tấm phông rộng lớn hình Vạn Lý Trường Thành. Nghi thức ra mắt các « hoàng đế đỏ » diễn ra trong sảnh của Đại lễ đường Nhân dân hôm 15/11 đã chấm dứt sự hồi hộp chờ đợi các chúa tể mới của đất nước.

Ban thường trực Bộ Chính trị lần này có bảy người, ít hơn hai người so với đại hội trước. Việc giảm số ủy viên mang dấu ấn của Hồ Cẩm Đào. Trước đây ông Hồ Cẩm Đào đã bị người tiền nhiệm là Giang Trạch Dân áp đặt một ban thường trực chín người, để đưa hai người thân tín của ông Giang vào.

Tân Tổng bí thư với nhiệm kỳ 5 năm Tập Cận Bình đã cất tiếng – không  phải để chào mừng quốc dân – mà để xin lỗi báo chí vì đã phải chờ đợi lâu : bảy tân ủy viên thường trực đã xuất hiện trễ 45 phút so với thông báo. Ông phát biểu một cách rất tự tin, cho thấy một tính cách thu hút hơn một Hồ Cẩm Đào kín đáo và trịnh trọng.

Bảy « nhà truyền giáo » tư bản Trung Quốc

Bảy tân ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc ra mắt ngày 15/11/2012.

(Libération 16/11/2012) Như trong một vở kịch, các tân lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc hôm thứ Năm 15/11 tại Bắc Kinh đã xuất đầu lộ diện trên sân khấu mang màu đỏ truyền thống, được trang trí bằng tấm phông hình Vạn Lý Trường Thành. Để lại trong hậu trường những cuộc tranh cãi bí mật nhằm chọn lựa ra họ, các ủy viên thường trực Bộ Chính trị đã trình diện trong bộ đồng phục của các quan lại ngày nay – com-lê đen và cà vạt màu tía – để bế mạc đại hội Đảng lần thứ 18.

Số thành viên của ê-kíp sẽ lãnh đạo Trung Quốc cho đến năm 2022 từ 9 người đã giảm xuống còn 7, không một lời giải thích. Ông Tập Cận Bình (Xi Jinping), 59 tuổi, được chỉ định làm Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch Quân ủy trung ương, và tháng Ba tới sẽ kiêm thêm chức Chủ tịch nước.

Mỹ bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu hàng Miến Điện có từ 10 năm qua

Áo thun in hình ông Obama bày bán ở Răngun, ngày 16/11/2012.

(AFP 16/11/2012) Hoa Kỳ hôm thứ Sáu 16/11/2012 đã loan báo bãi bỏ lệnh cấm nhập hàng hóa từ Miến Điện đưa ra từ gần 10 năm trước. Chỉ riêng các loại đá quý và hồng ngọc được khai thác và chế tác tại Miến Điện vẫn còn bị cấm nhập khẩu, mà theo một nguồn tin từ Quốc hội Mỹ, do được xem là nguồn tham nhũng quan trọng.

Thông cáo chung của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao cho biết quyết định này « nhằm mục đích ủng hộ các nỗ lực cải cách hiện nay của chính phủ Miến Điện, và xúc tiến những thay đổi, cũng như mang lại những cơ hội mới cho các công ty Miến Điện và Mỹ ».

jeudi 15 novembre 2012

Luật gia Lê Hiếu Đằng: Thay đổi thể chế để tránh một vị Nguyễn Tấn Dũng khác

Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng
Bài đăng : Thứ năm 15 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 15 Tháng Mười Một 2012  
"Việt Nam chưa có «văn hóa từ chức» thể hiện lòng tự trọng của một vị lãnh đạo. Vấn đề ở chỗ «lỗi hệ thống». Nếu muốn không có một vị Nguyễn Tấn Dũng nữa thì phải thay đổi thể chế. Trong thế chế đó phải thực hiện được những quyền dân chủ của người dân, và xây dựng Nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự, và nền kinh tế nhiều thành phần".

Như tin chúng tôi đã đưa hôm qua 14/11/2012, trong phần chất vấn trước Quốc hội, đại biểu Dương Trung Quốc đã đưa ra hai câu hỏi cho Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Trước hết là có phải ông Nguyễn Tấn Dũng đã nặng trách nhiệm với Đảng, mà nhẹ trách nhiệm với dân hay không, khi ông đã xin nhận kỷ luật trước Trung ương Đảng mà chỉ xin lỗi trước Quốc hội. Thứ hai, ông có nghĩ đến chuyện từ chức hay không ?

Thủ tướng Việt Nam đã trả lời rằng suốt 51 năm qua, ông không xin xỏ cũng không từ chối những trách nhiệm Đảng giao, và ông sẽ tiếp tục nhiệm vụ được phân công.

Sự kiện lần đầu tiên có một đại biểu Quốc hội đặt vấn đề từ chức với Thủ tướng Việt Nam đã được dư luận rất chú ý. Luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh đã có nhã ý trao đổi với chúng tôi về những cảm nhận của ông trong vấn đề này.

Một thiếu niên Tây Tạng tự thiêu ngay sau khi Tập Cận Bình lên ngôi

Bài đăng : Thứ năm 15 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 15 Tháng Mười Một 2012
Tân Hoa Xã hôm nay 15/11/2012 dẫn nguồn từ các viên chức địa phương tỉnh Thanh Hải cho biết, một thiếu niên Tây Tạng 14 tuổi đã tự thiêu chỉ vài phút sau khi việc ông Tập Cận Bình lên làm Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc được loan báo.

Cậu bé Karpongya đã tự biến mình thành ngọn đuốc sống vào khoảng 12 giờ 10 địa phương (4 giờ 10 GMT) tại Gartse thuộc huyện Đồng Nhân (Tongren) tỉnh Thanh Hải.

Hillary Clinton : Úc không cần phải chọn lựa giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc

Bài đăng : Thứ năm 15 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 15 Tháng Mười Một 2012 
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm nay 15/11/2012 tuyên bố là Thái Bình Dương “đủ rộng cho tất cả mọi người”. Lời tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang quan ngại về chính sách tái cân bằng chiến lược của Hoa Kỳ, hướng về Thái Bình Dương.

Từ căn cứ hải quân Adelaide tại thủ phủ của bang Nam Úc, sau cuộc họp thường niên về an ninh giữa Hoa Kỳ và Úc, bà Hillary Clinton phát biểu: “Ba ngày gần đây đã khiến tôi càng cảm thấy sự cần thiết tăng cường quan hệ đối tác Mỹ - Úc. Chúng tôi cùng hợp tác ở nhiều nơi, trong nhiều lãnh vực, từ kinh doanh đến đóng tàu; trên những dãy núi ở Afghanistan hay những đảo san hô ở Thái Bình Dương, cho đến những thành phố năng động ở châu Á”.

Bà Hillary ghi nhận, một số người cho rằng “Úc phải chọn lựa giữa quan hệ lâu dài với Hoa Kỳ và các quan hệ mới có với Trung Quốc”, mà theo bà, đây là một sự chọn lựa không cần thiết. Đối với Ngoại trưởng Mỹ, cách nghĩ như thế không ích lợi gì, mà chỉ mang lại kết quả tiêu cực.

Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sắp đàm phán hiệp định tự do mậu dịch

Bài đăng : Thứ năm 15 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 15 Tháng Mười Một 2012 
Báo chí Nhật hôm nay 15/11/2012 loan báo, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ có cuộc gặp cấp bộ trưởng vào tuần tới tại Cam Bốt, và hy vọng sẽ thỏa thuận được về việc khởi đầu đàm phán một hiệp định tự do mậu dịch giữa ba nước.

Theo đài truyền hình Nhật NHK, cuộc họp sẽ bắt đầu vào thứ Ba 20/11 tới, bên lề hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Cam Bốt, cho dù giữa Tokyo và hai nước láng giềng vẫn đang căng thẳng về vấn đề lãnh hải. Hãng thông tấn Kyodo nói thêm, đại diện phía Nhật có thể là Bộ trưởng Thương mại Yukio Edano.

Kyodo cho biết, ba cường quốc Đông Á mong muốn có thể chính thức thông báo việc khởi đầu đàm phán ba bên về một hiệp định thương mại tự do (FTA) vào cuối năm. Nhưng hiện chưa có kế hoạch về một cuộc gặp thượng đỉnh Nhật -Trung - Hàn bên lề hội nghị Đông Á lần này.

Thủ tướng Pháp đến Berlin trong bối cảnh quan hệ Pháp - Đức đang trầm lắng

Bài đăng : Thứ năm 15 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 15 Tháng Mười Một 2012 
Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault hôm nay 15/11/2012 gặp gỡ Thủ tướng Đức Angela Merkel tại Berlin. Chuyến công du hai ngày này diễn ra trong lúc quan hệ Pháp - Đức đang có vẻ khá nặng nề. Berlin lo ngại về các cải cách kinh tế tại Pháp, trong lúc Paris mong muốn “được thông cảm” nhiều hơn.

Từ khi đắc cử, Tổng thống François Hollande đã đến Berlin gặp bà Merkel hai lần, còn đối với Thủ tướng Jean-Marc Ayrault thì đây là lần đầu tiên. Ông Ayrault tham dự một hội nghị về kinh tế có sự hiện diện của Tổng thống Đức Joachim Gauck, và sau đó hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel vào buổi chiều, với nghi thức duyệt đội quân danh dự, vốn hiếm khi dành cho một Thủ tướng.

Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc bế mạc, Tập Cận Bình lên ngôi

Bài đăng : Thứ tư 14 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 14 Tháng Mười Một 2012 
Đảng Cộng sản Trung Quốc hôm nay 14/11/2012 đã kết thúc đại hội lần thứ 18 với việc bầu ra một ủy ban trung ương. Ngay ngày mai ủy ban này sẽ đề cử Tập Cận Bình là lãnh đạo số một của đất nước, và các thành viên mới của Bộ Chính trị.

Các nhà lãnh đạo của nền kinh tế thứ nhì thế giới sẽ phải đối mặt với trách nhiệm nặng nề là chiến đấu chống nạn tham nhũng đang lan tràn, và tăng trưởng đang chậm lại, dưới cái nhìn ngày càng nghiêm khắc của nửa tỉ cư dân mạng Trung Quốc.

Sau một tuần lễ làm việc trong bí mật hoàn toàn, hơn 2.200 đại biểu đã thông qua thành phần Ban chấp hành trung ương. Ban chấp hành này gồm khoảng 200 ủy viên chính thức, được xem là đại diện cho hơn 82 triệu đảng viên.

Trong bài diễn văn bế mạc tại Đại lễ đường Nhân dân, Chủ tịch Hồ Cẩm Đào nói : « Tôi tuyên bố đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc đã hoàn thành thắng lợi ». Tiếp theo là các nghi thức bất di bất dịch : các đại biểu, đa số chỉ là bù nhìn, cùng đứng dậy hát bài Quốc tế ca.

Đại hội đã sửa đổi điều lệ Đảng để đưa vào « lý luận phát triển khoa học » của ông Hồ Cẩm Đào, bên cạnh chủ thuyết Mác Lê. « Sự cần thiết phải xúc tiến bảo vệ sinh thái » cũng được cho vào điều lệ Đảng, trong bối cảnh đất nước đang phải gánh chịu những tác hại của ba thập kỷ công nghiệp hóa và đô thị hóa vô tội vạ.

Tổng thống Pháp nhận trách nhiệm về chính sách kinh tế

Bài đăng : Thứ tư 14 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 14 Tháng Mười Một 2012 
Cuộc họp báo lần đầu tiên sau sáu tháng cầm quyền của Tổng thống Pháp François Hollande vào cuối ngày hôm qua 13/11/2012 tại điện Elysée được đánh giá là khá thành công. Trước gần 400 phóng viên Pháp và ngoại quốc, ông Hollande khẳng định sẽ tiếp tục các chính sách được vạch ra.

Tuy nhiên theo AFP, không có những thay đổi lớn như dư luận chờ đợi, và cũng ít có hy vọng điểm tín nhiệm của ông sẽ được tăng lên. Sau giai đoạn đầu áp dụng những lời hứa trong chương trình tranh cử như tái lập một phần việc về hưu ở tuổi 60, việc làm cho giới trẻ…bây giờ là lúc phải đối mặt với thực tế.

Bắc Triều Tiên bị nghi gửi thiết bị hỏa tiễn sang Syria

Bài đăng : Thứ tư 14 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 14 Tháng Mười Một 2012 
Nhiều tờ báo Nhật hôm nay 14/11/2012 khẳng định, hồi tháng Năm Bắc Triều Tiên đã mưu toan gởi các thiết bị hỏa tiễn đạn đạo sang Syria, vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hiệp Quốc.
  
Tờ Asahi Shimbun trích lời các nhà ngoại giao có tham khảo được một báo cáo của Liên Hiệp Quốc cho biết, chính quyền Hàn Quốc vào lúc đó đã phát hiện được một tàu vận tải treo cờ Trung Quốc chuyên chở 535 thiết bị hình trụ có thể dùng để sản xuất ra tên lửa.

mercredi 14 novembre 2012

Việt Nam : Một đại biểu Quốc hội "khuyên" Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từ chức

Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng trong phiên khai mạc Quốc hội 22/10/2012.
Bài đăng : Thứ tư 14 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ tư 14 Tháng Mười Một 2012 
 
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng mà vị thế đã yếu đi trong những tháng gần đây, đã là mục tiêu bị công kích chưa từng thấy hôm nay 14/11/2012 trước Quốc hội. Thậm chí đại biểu Dương Trung Quốc còn đề nghị ông nên từ chức.Vài tuần sau hội nghị Ủy ban trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó người đứng đầu chính phủ thoát được việc bị kỷ luật trong gang tấc, các đại biểu Quốc hội đã tấn công ông về tình hình kinh tế.

AFP cho biết, trong buổi chất vấn của Quốc hội được phát trên truyền hình, đại biểu Dương Trung Quốc tuyên bố : « Đã đến lúc phải đề cao trách nhiệm chứ không phải chỉ là lời xin lỗi ». Ông kêu gọi Thủ tướng « Hướng tới đoạn tuyệt với những lời xin lỗi, thay bằng tập quán phù hợp với một xã hội hiện đại, đó là văn hóa từ chức ».

mardi 13 novembre 2012

Người cộng sản Trung Quốc 2012 : Vào Đảng vì tham vọng hơn là lý tưởng

Bài đăng : Thứ ba 13 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ ba 13 Tháng Mười Một 2012 
Ở tuổi 90, hiện Đảng Cộng sản Trung Quốc có 82 triệu đảng viên, và mỗi năm lại có thêm ba triệu người đứng vào hàng ngũ Đảng. Trong một đất nước mà iPhone đã thay thế cho Sách Đỏ, và nước Pháp về mặt kinh tế còn « cộng sản hơn là Trung Quốc », người ta có thể ngạc nhiên về sức sống của đảng cách mạng già nua này. Le Figaro đặt câu hỏi, những đảng viên mới là ai, và việc là người cộng sản tại Trung Quốc năm 2012 có ý nghĩa gì ?

Về đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18, nhật báo Le Figaro dành cả trang báo khổ lớn cho hai bài viết mang tựa đề: « Là người cộng sản tại Trung Quốc năm 2012 »« Những đảng viên vào Đảng vì tham vọng hơn là vì lý tưởng ». Theo tờ báo thì cũng như mọi giai cấp, Đảng Cộng sản nước này hoạt động theo quy luật dành mọi ưu tiên cho nhóm lãnh đạo ở thượng tầng.

Le Figaro nhận xét, Đảng Cộng sản Trung Quốc thường thích khoe khoang là số lượng thành viên của mình còn đông đảo hơn dân số nước Đức. Ở tuổi 90, hiện Đ ảng có 82 triệu đảng viên, và mỗi năm lại có thêm ba triệu người Trung Quốc đứng vào hàng ngũ Đảng. Trong một đất nước mà iPhone đã thay thế cho Sách Đỏ, và nước Pháp về mặt kinh tế còn « cộng sản hơn là Trung Quốc », người ta có thể ngạc nhiên về sức sống của đảng cách mạng già nua này. Tờ báo đặt câu hỏi, những đảng viên mới là ai, và việc là người cộng sản tại Trung Quốc năm 2012 có ý nghĩa gì ?

Trước hết, Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay mang tầm vóc của một tầng lớp ưu tú. Vào Đảng cũng như tốt nghiệp đại học Harvard nổi tiếng của Mỹ, hay trường Quốc gia Hành chính của Pháp. Mathieu Duchâtel và Joris Zylberman, hai tác giả của cuốn sách « Những người cộng sản mới của Trung Quốc » giải thích : « Hiện các tiêu chuẩn nhận thức chính trị đã được pha loãng tối đa trong việc kết nạp đảng, mà chủ yếu là thông qua sự giới thiệu của tầng lớp ưu tú trong lãnh vực kinh tế, giới trí thức và chính khách. Thăng tiến nghề nghiệp là động cơ chủ yếu của việc xin vào đảng, cho dù đôi khi cũng từ lòng yêu nước ».

Trường đại học là nơi tuyển mộ đảng viên nhiều nhất : năm 2009, có 1,18 triệu sinh viên được kết nạp đảng. Đây là điều đáng ngạc nhiên, hai mươi năm sau vụ thảm sát sinh viên ở Thiên An Môn. Theo Mathieu Duchâtel, thì làn sóng vào đảng của sinh viên là do muốn được thuộc vào tầng lớp ưu đãi. Nhưng không phải « muốn là được ».

Trước hết, cần phải có người giới thiệu, sau đó là một năm thử thách : phải theo các khóa học chính trị và thảo ra « báo cáo thu hoạch» về nhận thức. Một số đã bị loại, như trường hợp một cử nhân trẻ viết báo cáo cho rằng Trung Quốc không thể sản sinh ra được một Steve Jobs.

lundi 12 novembre 2012

Chiếc bóng của Giang Trạch Dân bao trùm lên đại hội Đảng CS Trung Quốc

Những sắc thái trên khuôn mặt ông Giang Trạch Dân trong đại hội 18.

(Le Figaro 12/11/2012) Mùa hè năm ngoái, báo chí Hồng Kông cho rằng Giang Trạch Dân đã qua đời, và theo tin đồn thì ông đang hấp hối trong một bệnh viện ở Bắc Kinh. Nhưng trong mấy ngày nay, cựu Chủ tịch nước lại là vơ-đét trong đại hội 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc, khai mạc từ 8/11 và kéo dài một tuần lễ.

Trong lễ khai mạc, ông Giang xuất hiện bên cạnh Chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Rồi trong suốt thời gian ông Hồ Cẩm Đào đọc diễn văn, ông Giang Trạch Dân yên vị ở vị trí trung tâm, trước những dãy bàn dài dành cho những khuôn mặt thượng lưu quý tộc đỏ. Dù đã 86 tuổi, ông vẫn ngồi thẳng thớm, mái tóc được nhuộm một màu nâu khó thể xác định.

Trung Quốc: Trên thượng đỉnh, tất cả đều tham nhũng!

Liệu có ai trong số các lãnh đạo này không tham nhũng ?

(Apple Daily – Hồng Kông/Courrier International 8-14/11/2012) Các nhà lãnh đạo đảng, nhà nước và ngay cả quân đội đều có bàn tay bẩn. Không nên ngạc nhiên khi tất cả những lời kêu gọi liêm chính của họ đều vô hiệu.

Liên tục có những tiết lộ mới trong cuộc đấu đá giành quyền vào lúc sắp diễn ra đại hội thứ 18 Đảng Cộng sản Trung Quốc. Sau xì-căng-đan của vợ chồng Bạc Hy Lai và vụ cậu công tử Lệnh Cốc (Ling Gu, tử nạn trong chiếc Ferrari hồi tháng Ba, sau đó người cha là Lệnh Kế Hoạch - Ling Jihua, vốn là người thân tín của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã bị chuyển công tác vào tháng Chín), báo chí Trung Quốc và nước ngoài lại công bố tài sản khổng lồ của gia tộc Tập Cận Bình và Ôn Gia Bảo.

Tại Trung Quốc, không cần quan tâm nhiều đến thời sự cũng có thể biết rằng không có lãnh đạo cao cấp nào của đảng Cộng sản lại không lợi dụng chức vụ của mình để vợ con làm giàu bằng những phương cách bất chính, cho dù bề ngoài tỏ ra liêm khiết, và hàng ngày đều kêu gọi lương thiện và trung thực.

dimanche 11 novembre 2012

Tây Tạng ám ảnh đại hội Đảng Trung Quốc

Lính cứu hỏa túc trực tại Thiên An Môn.
Bài đăng : Chủ nhật 11 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Chủ nhật 11 Tháng Mười Một 2012 

Chiếc bóng Tây Tạng vẫn đè nặng trên đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 18. Phải đương đầu với làn sóng tự thiêu, Bắc Kinh đáp trả bằng cách siết chặt gọng kềm tại vùng đất nơi người dân phản đối sự đô hộ của Trung Quốc.

Từ khi khai mạc đại hội hôm thứ Năm 08/11/2012 dưới sự bảo vệ an ninh tuyệt đối nghiêm ngặt, đã có ít nhất sáu người Tây Tạng tự thiêu phản đối.

Một loạt những hành động tuyệt vọng như trên đã diễn ra từ sau cuộc nổi dậy chống Trung Quốc năm 2008 tại Lhassa, thủ phủ Tây Tạng. Làn sóng phản kháng này bắt đầu từ tháng 3/2011, đến nay đã có gần 70 người Tây Tạng tự thiêu phản đối tại các khu vực Tây Tạng thuộc Trung Quốc, hầu hết là các nhà sư.

Không phải là tình cờ mà loạt tự thiêu mới đây trùng hợp với thời điểm đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trả lời câu hỏi của AFP, một phát ngôn viên của chính phủ lưu vong Tây Tạng tại Dharamsala, Ấn Độ xác nhận làn sóng tự thiêu này có liên quan đến đại hội Đảng đang diễn ra ở Bắc Kinh.

samedi 10 novembre 2012

Điều tra của báo Mỹ làm thay đổi ván cờ tại Bắc Kinh


Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo
(Radio Free Asia/Courrier International 8-14/11/2012)Cú đánh chừng như khởi đi từ New York, nhưng những lợi ích chính trị thì tại Trung Quốc - những tiết lộ về gia tài bí mật của gia đình ông Ôn Gia Bảo đã hé lộ thực tế đấu đá tranh giành quyền lực.

 Những tiết lộ của tờ New York Times về gia tài 2,1 tỉ euro của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo có tác động như một quả bom, tại Trung Quốc cũng như đối với cộng đồng Hoa kiều hải ngoại. Nếu thông tin này có vẻ khó tin, thì không phải là do tố cáo mức độ tham nhũng của tầng lớp lãnh đạo, mà là về cá nhân ông Ôn Gia Bảo. Thủ tướng Trung Quốc vốn có tiếng là một lãnh đạo có phong cách giản dị, gần gũi với nhân dân và có lương tâm.

Bạc tóc vì làm tổng thống


(HuffingtonPost 08/11/2012) Với tựa đề « Four more years », trang nhất của tờ báo Bloomberg Businessweek tuần này được dành cho tấm ảnh chân dung Tổng thống Mỹ Barack Obama đã được làm già thêm 4 năm.

vendredi 9 novembre 2012

Trí thức băn khoăn : Trung Quốc sẽ đi về đâu ?

Lạm phát đã gặm nhấm bớt thu nhập thực tế người dân TQ
Bài đăng : Thứ sáu 09 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ sáu 09 Tháng Mười Một 2012 
 
"Tại Biển Đông, Trung Quốc đã quá hung hăng. Làm thế nào lại có thể gởi đi những thông điệp như thế ? Trung Quốc không phải là sở hữu chủ tất cả những hòn đảo ở đó trước năm 1947 ! Một thái độ khác đi có thể giúp Bắc Kinh được thông cảm, thậm chí được tôn trọng".

Nhân đại hội Đảng, nhật báo Le Monde mới đây đã tiếp xúc các trí thức Trung Quốc. Ấn tượng mạnh mẽ trước những thay đổi của đất nước, nhưng giới trí thức đang đặt ra câu hỏi về mô hình mà Trung Quốc phải đi theo, và họ cũng bày tỏ cảm giác bất an trước tương lai.

Tác giả bài báo cho biết vào năm 2008, thời điểm Thế vận hội Bắc Kinh nhà nghiên cứu người Anh Mark Leonard đã xuất bản cuốn « Trung Quốc nghĩ gì ? », kết quả của hai năm tìm tòi. Bốn năm sau đó, khi Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới, ông lại quay lại Bắc Kinh và Thượng Hải với một nhóm 11 người của nhiều nước châu Âu, từ cựu Bộ trưởng Ngoại giao, nhà kinh tế, nhà nghiên cứu cho đến nhà báo, trong đó phóng viên Le Monde cũng là một thành viên.

Nhóm đã gặp gỡ hơn hai mươi nhà nghiên cứu lỗi lạc của Trung Quốc thuộc nhiều lãnh vực, từ các nhà xã hội học, chính trị học, nhà kinh tế, chuyên gia về ngoại giao, báo chí, làm việc ở các Viện hàn lâm, trường đại học, tư vấn cho chính phủ hoặc những tên tuổi trên các mạng xã hội. Để những trí thức này có thể phát biểu thoải mái, danh tính họ được giữ kín, vì vậy mà bài báo của Le Monde không nêu tên một ai.

Có thể tóm tắt một điều, tuy ngất ngây trước tốc độ cất cánh của đất nước, giới trí thức Trung Quốc vẫn quan ngại sâu sắc về mô hình phải theo, lo rằng tăng trưởng sẽ không lâu bền, và có cảm giác đầy bất an trước tương lai.

Mô hình nào cho Trung Quốc, tả hay hữu ?

Trước hết, người ta tự hỏi, liệu có phải xem lại mô hình hiện nay hay không ? Ngày càng có nhiều người Trung Quốc không còn nghĩ rằng mô hình của nước mình là ưu việt nhất. Nạn dịch SARS khiến họ nhận ra rằng cái giá phải trả cho môi trường và nguồn lợi thiên nhiên quá cao, và nay người dân sau bằng ấy năm nỗ lực, cần phải được ưu tiên cải thiện cuộc sống. Tiền bạc chính phủ được đổ vào các công trình xây dựng hoành tráng thay vì xây thêm trường học.

Có trí thức cho rằng cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng, cho dù có làm kinh tế đi chậm lại, và lần đầu tiên một Nhà nước phúc lợi đang được manh nha hình thành. Một trí thức khác phát biểu : « Lãnh tụ tầm cỡ nhất của chúng tôi là Đặng Tiểu Bình, ông ta đã từ bỏ chủ nghĩa cộng sản ».

Về « giá trị Trung Quốc », trên internet có thể tìm thấy đủ loại chủ thuyết, kể cả dân tộc chủ nghĩa. Làm thế nào để phổ quát những giá trị Trung Hoa ? Theo các nhà trí thức, thì chính quyền không hề có sáng kiến nào, chỉ toàn chi ra tiền. Kế hoạch là nơi nào có văn phòng của CNN thì phải thành lập chi nhánh của CCTV, truyền hình quốc gia Trung Quốc, nói chung là không hề có chiến lược.

Về dân chủ, nhiều người dân không biết đất nước sẽ đi về đâu, nghiêng sang tả hay sang hữu. Trung Quốc có phải là một đất nước dân chủ hay không ? Đối với phương Tây thì không, nhưng theo một trí thức, thì chế độ Trung Quốc là bán dân chủ. Các quyền cá nhân bắt đầu được tôn trọng, nhưng người dân vẫn chưa được bầu lên các nhà lãnh đạo. Thách thức của Trung Quốc là duy trì tăng trưởng mà vẫn tránh được các tác động tiêu cực.

Thêm bạn bớt thù và thái độ tại Biển Đông

Liên quan đến quan hệ với các nước trên thế giới, các nhà trí thức cho là Trung Quốc cần có thêm nhiều bạn bè. Một người nói : « Không có bạn hữu là hết sức nguy hiểm, đó là vì Trung Quốc quá lớn. Cần phải có quan hệ tốt với các nước láng giềng, với Nhật Bản, Ấn Độ. Thà phát triển chậm hơn mà có nhiều bạn bè hơn ». Người khác nhận xét : « Trung Quốc không chắc chắn về vai trò mới của mình, các nhà lãnh đạo không biết làm gì (…) Các cuộc khủng hoảng ở phương Tây cho thấy dân chủ rất đắt giá. Chúng tôi cần theo một con đường khác, không phải Tây phương cũng chẳng phải Trung Quốc ».

Một trí thức phân tích : « Chúng tôi đã tự tạo ra khó khăn cho chính mình, giống như người Mỹ ở Irak. Tại Biển Đông, Trung Quốc đã quá hung hăng. Làm thế nào lại có thể gởi đi những thông điệp như thế ? Trung Quốc không phải là sở hữu chủ tất cả những hòn đảo ở đó trước năm 1947 ! Một thái độ khác đi có thể giúp chúng tôi được thông cảm, thậm chí được tôn trọng. Trung Quốc không có quyền sai lầm, vì sẽ không được bỏ qua ».

Chống tham nhũng : Mọi lãnh đạo đều trong tầm ngắm

Cũng liên quan đến đại hội Đảng ở Trung Quốc, nhật báo cánh tả Libération chú ý tới việc ông Hồ Cẩm Đào kêu gọi chống tham nhũng, mà các lãnh đạo cao cấp đều cảm thấy đang nằm trong tầm ngắm.

Tờ báo nhận xét, tuy ai cũng biết nạn tham nhũng đang là nạn dịch lan tràn từ trên xuống dưới trong xã hội Trung Quốc, nhưng thật hiếm hoi khi nhân vật số 1 lại tấn công vào tham nhũng một cách mãnh liệt như thế. Ông Hồ Cẩm Đào trong bài diễn văn hôm qua đã tuyên bố : « Nếu không giải quyết được nạn tham nhũng, thì Đảng có thể lãnh một cú đòn chí mạng, thậm chí bị sụp đổ, kéo theo sự sụp đổ của Nhà nước ».

Libération ghi nhận, đã có các lãnh đạo khác phát biểu về vấn đề này, nhưng chưa bao giờ trong một dịp trang trọng như đại hội Đảng. Theo tờ báo, phản ứng trên là từ các tiết lộ gần đây về tài sản của các lãnh đạo cao cấp và gia đình.

Bắt đầu là vụ Bạc Hy Lai, cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh sẽ phải trả lời trước tòa về tội « tham nhũng một cách quy mô ». Thủ tướng Ôn Gia Bảo bị New York Times công bố bài điều tra cho thấy tài sản của gia đình ông lên đến 2,1 tỉ euro. Có thể ông là người bị Hồ Cẩm Đào ám chỉ trong câu : « Tất cả những ai vi phạm kỷ luật Đảng và luật pháp, dù là ai và đang giữ chức vụ gì, cần phải cương quyết đưa ra trước pháp luật ».

Ông Tập Cận Bình, người sẽ nối ngôi ông Hồ Cẩm Đào có lẽ cũng cảm thấy nhột nhạt, vì hãng tin Bloomberg hồi tháng Sáu, dựa trên các tài liệu công khai khó thể chối cãi, cho biết gia sản của gia đình ông tối thiểu là 291 triệu euro, chủ yếu đầu tư ở Hồng Kông.

Theo Libération, trong một hệ thống mà quyền lực và tiền bạc thường chỉ là một, thì khó ai thoát khỏi được. Ngay cả cánh tay phải của ông Hồ Cẩm Đào là Lệnh Kế Hoạch, cũng không tránh khỏi bị nghi ngờ tham nhũng. Con trai ông này hồi đầu năm đã tử nạn trên một đại lộ vành đai Bắc Kinh, trên chiếc xe siêu sang Ferrari, nhưng ông Lệnh Kế Hoạch chỉ bị thuyên chuyển.

Hướng về tiêu thụ trong nước : Không dễ dàng

Trên lãnh vực kinh tế, Libération phân tích định hướng phát triển dựa trên tiêu thụ nội địa của Trung Quốc.Theo tờ báo, dưới thời ông Hồ Cẩm Đào, miếng bánh của khu vực kinh tế tư nhân đã bị giảm thiểu, còn các công ty quốc doanh lại tăng nhanh. Nhà nước đầu tư ồ ạt cho phát triển thông qua bốn ngân hàng quốc doanh, các ngân hàng này hầu như không hề cho các công ty tư nhân vay tiền. Trong khi đó quốc doanh lại hoạt động kém hiệu quả, và thường thì độc quyền đã giết chết sáng tạo, mà muốn phát triển bền vững cần phải dựa trên một cái nền lành mạnh, với những sản phẩm độc đáo.

Khối lượng tiền khổng lồ trong tay Nhà nước cũng không được phân bố lại cho người dân, khiến họ cảm thấy không được hưởng thành quả của sự bùng nổ kinh tế. Mô hình hiện nay ưu tiên cho xuất khẩu, khiến tiền lương bị o ép. Thu nhập của người Trung Quốc tuy có tăng, nhưng lạm phát đã ngốn đi một phần, và giấc mơ có nhà riêng của nhiều người khó trở thành hiện thực. Lớp trung lưu lo ngại cho tương lai, thể hiện ở tỉ lệ tiêu dùng thấp và tiết kiệm cao, trong bối cảnh thiếu vắng chính sách an sinh xã hội.

Ông Hồ Cẩm Đào khẳng định « Cần phải tăng nhu cầu nội địa, tiêu thụ của các hộ gia đình và cá nhân ». Nhưng theo Libération, thì các hứa hẹn vẫn mơ hồ, và chính sách cũng khó thực hiện. Các tập đoàn quốc doanh lớn có vị thế không thua một bộ trong chính phủ, khiến ngay cả người đứng đầu đất nước cũng khó thể khống chế được. Bên cạnh đó là hậu quả chính trị : với sức mua cao hơn, cảm giác an toàn hơn, giai cấp trung lưu sẽ mạnh dạn bày tỏ chính kiến hơn và có thể sẽ phản kháng nhiều hơn. Vì thế mà hôm qua ông Hồ Cẩm Đào đã nhấn mạnh đến việc « quản lý xã hội ».

Đập Xayaburi : Lào « cố đấm ăn xôi »

Vẫn về châu Á, đặc phái viên nhật báo Le Monde tại Lào có bài viết mang tựa đề « Tại Lào, việc xây dựng đập thủy điện bị tranh cãi trên sông Mêkông lại tiếp tục ». Tờ báo nhấn mạnh, đập Xayaburi đã được chính thức khởi công ngày 7/11, bất chấp sự phản đối của các nước láng giềng và các nhà sinh thái.
Le Monde nhắc lại, dự án xây đập thủy điện có công suất 1.260 megawatt trị giá 3,8 tỉ đô la này đã làm cho Việt Nam và Cam Bốt hết sức lo ngại. Từ 18 tháng qua, dự án đã bị treo cho bốn nước Lào, Cam Bốt, Thái Lan và Việt Nam không thể đạt được đồng thuận. Tháng 12/2011, bốn nước thuộc Ủy hội sông Mêkông lại họp và quyết định tiến hành các cuộc nghiên cứu mới để ước tính cụ thể hơn hậu quả của đập Xayaburi đối với hệ sinh thái trong khu vực.

Thế nhưng cách đây vài ngày, tuy không hề có thỏa thuận mới, quốc vụ khanh về Môi trường và Hầm mỏ của Lào lại loan báo với báo chí là sẽ chính thức khởi công đập Xayaburi trong tuần này. Le Monde cho biết Thủ tướng Lào Thongsing Thammavong hôm 6/11 khi trả lời Wall Street Journal đã chối phăng sự kiện trên, khẳng định việc xây đập còn tùy thuộc kết quả « các cuộc nghiên cứu mới ». Tuy nhiên ngày 7/11 buổi lễ khởi công đập Xayaburi đã diễn ra với sự hiện diện của các nhà ngoại giao Việt Nam, Cam Bốt, các viên chức chính phủ Lào và các nhà sư.


Thủ tướng Lào né tránh vấn đề chăng ? Le Monde cho rằng, trước những phản đối, lẽ ra chính phủ Lào càng cần phải thận trọng.

Việt Nam từ lâu đã tuyên bố « quan ngại sâu sắc » trước dự án đập Xayaburi, lo sợ những hậu quả tiêu cực đối với nghề đánh cá tại đồng bằng sông Cửu Long do lượng nước từ thượng lưu bị giảm. Nhìn chung, các chuyên gia lo ngại về vấn đề phù sa và nhiễm mặn đất canh tác.

Dominique Van der Borght, giám đốc tổ chức phi chính phủ Oxfam tại Lào cho biết : « Thật đáng tiếc là khuyến cáo của Ủy hội sông Mêkông hoãn lại trong vòng 10 năm tất cả các dự án đập thủy điện trên dòng sông này đã không được tôn trọng. Đã có quá đủ cảnh báo từ các nhà khoa học về tác động tai hại về an ninh thực phẩm của trên 60 triệu cư dân sống dọc sông Mêkông. Những nghiên cứu chiều sâu cho thấy những tác hại về nguồn protein quan trọng từ thủy sản, cũng như màu mỡ tự nhiên của đất đai từ phù sa. Đây là một vấn đề cốt tử ».

Đại hội Đảng Trung Quốc tiếp tục được chú ý

Đại đội Đảng Cộng sản Trung Quốc thứ 18 tiếp tục chiếm nhiều trang trên các nhật báo Pháp hôm nay, sau khi bầu cử Mỹ kết thúc. Nhật báo Le Monde chạy tựa trang nhất « Trung Quốc, một cường quốc khác cũng thay đổi lãnh đạo ». Bài xã luận của tờ báo mang tựa đề « Các đồng chí trên thượng tầng, hãy hành động ! ». Trang trong có các bài viết « Hồ Cẩm Đào rời ban lãnh đạo Đảng với lời kêu gọi cải cách », và bài tổng hợp ý kiến giới trí thức Trung Quốc mang tựa đề « Đặng Tiểu Bình là nhà lãnh đạo lớn của chúng tôi, ông ấy đã hủy bỏ chủ nghĩa cộng sản ». 

« Trung Quốc thay đổi lãnh đạo », ảnh hai ông Tập Cận Bình và Hồ Cẩm Đào đang tươi cười bên nhau cũng được đặt trên góc trái trang nhất của nhật báo cánh hữu Le Figaro. Bên cạnh là hàng tựa « Phe xã hội và cộng sản không còn ăn cánh », nói về việc đảng Xã hội Pháp đang bực tức trước đồng minh là đảng Cộng sản, sau khi Thượng viện bác bỏ dự luật về chương trình tài chính công.

Cũng về tình hình tại Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm đến « Vũ khí của ngành thuế để ngăn trở các công ty dịch chuyển sản xuất ». Tờ báo cánh tả Libération chạy tựa « Trước cuộc thánh chiến chống đạo Hồi », nói về sự kiện hôm qua các tổ chức của tôn giáo này đã yêu cầu Tổng thống Pháp hạn chế khuynh hướng bài Hồi giáo. Còn nhật báo cộng sản L’Humanité đưa tít lớn « 11/11, ký ức mờ nhòa », nêu lên ý kiến của các nhà sử học, dân biểu và công dân trước việc dồn tất cả những ngày kỷ niệm các cuộc chiến vào làm một, từ Thế chiến thứ nhất, thứ hai cho đến các cuộc chiến tranh thuộc địa.

tags: Biển Đông - Cải cách - Châu Á - Chính trị - Dân chủ - Trung Quốc - Điểm báo
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121109-tri-thuc-ban-khoan-trung-quoc-se-di-ve-dau 
 

jeudi 8 novembre 2012

Đảng Cộng sản, một đảng khổng lồ cai trị 1,3 tỉ người Trung Quốc

Đại hội 18 ĐCSTQ trong ngày khai mạc 08/11/12.
Bài đăng : Thứ năm 08 Tháng Mười Một 2012 - Sửa đổi lần cuối Thứ năm 08 Tháng Mười Một 2012 
 
Với 82,6 triệu đảng viên, 9 vị « hoàng đế », có mạng lưới tỏa ra khắp nơi…Theo báo Le Monde, đối với những người chỉ trích nhiều nhất, thì Đảng Cộng sản Trung Quốc đầy quyền lực cũng giống như một băng đảng mafia, chuyên ban phát cho các đảng viên những thành quả của sự tăng trưởng tuyệt vời tại Trung Quốc.

"Đảng cũng giống như Thượng đế : Có mặt khắp chốn, nhưng ta không thể nhìn thấy được". Câu nói của một giáo sư đại học Bắc Kinh, được trích dẫn trong cuốn « Đảng, thế giới bí mật của các lãnh đạo cộng sản Trung Quốc » (NXB Penguin Books, 2010) của tác giả Richard McGregor, nguyên là thông tín viên của Financial Times tại Bắc Kinh, đã tổng kết ngắn gọn quyền lực tại Trung Quốc.

Từ một tổ chức hoạt động lén lút trong quá khứ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), do một nhóm đấu tranh cách mạng thành lập năm 1920, luôn duy trì tính cách bí mật về tất cả mọi thứ. Chỉ có Vatican – mà Bắc Kinh vẫn chưa có được quan hệ ngoại giao – là có thể so sánh được về việc điều hành hoạt động trong bí mật.

Trong nền kinh tế đứng thứ nhì thế giới, quyền lực là Đảng, và Đảng là quyền lực. Không có gì có thể thoát được Đảng. Dù rằng có sự hiện diện của một chính phủ, một Quốc vụ viện do Thủ tướng đứng đầu – hiện nay là ông Ôn Gia Bảo, hay một Quốc hội (Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc) do ông Ngô Bang Quốc làm chủ tịch, mỗi năm họp một lần tại Bắc Kinh. Nhưng trong thực tế, chính ĐCSTQ là cơ quan lãnh đạo, và ảnh hưởng thực sự của các ông Ôn Gia Bảo, Ngô Bang Quốc là nhờ vai vế của họ trong bộ máy Đảng – thứ nhì và thứ ba.

Đảng Cộng sản cũng lãnh đạo quân đội (thông qua Quân ủy trung ương), các tập đoàn quốc doanh (thông qua Ban Tổ chức trung ương), các tỉnh thành và phương tiện truyền thông (thông qua Ban Tuyên huấn trung ương), và các trường đại học.

Cho dù có những cải cách kinh tế và Trung Quốc đã bước vào thế giới tư bản, nhưng cách tổ chức của quốc gia này vẫn theo kiểu Lênin, dựa trên mô hình xô-viết, với Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương, Ban Thường vụ. Cơ cấu này được đổi mới cứ mỗi năm năm, nhân đại hội Đảng họp tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh nằm ở quảng trường Thiên An Môn, với nghi thức cờ đỏ rợp trời và trong tiếng nhạc Quốc tế ca.

Chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Quốc đã thích nghi được với thời đại mới, và tỏa vòi khắp nơi từ thượng tầng đến làng quê. Một sự kiện rất mới là ĐCSTQ cũng đã hiện diện trên các mạng xã hội. Tờ báo chính thức của Đảng là Nhân dân Nhật báo cũng như Tân Hoa Xã đều có mặt trên mạng Vi Bác, để tuyên truyền những lời lẽ tốt đẹp và thuyết phục hàng trăm triệu cư dân mạng.

Thường trực Bộ Chính trị với chín thành viên – và có thể giảm xuống còn bảy sau đại hội Đảng 18 khai mạc ngày 8/11 – chính là trung tâm quyền lực. Về mặt chính thức thì các ủy viên thường trực được chỉ định theo một tiến trình « dân chủ » từ các cấp (Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương, đại hội…). Nhưng trong thực tế, quyết định do một nhóm các nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất đưa ra, gồm nhiều phe phái khác nhau và các nhóm lợi ích. Quyền quyết định là từ một nhúm lãnh đạo cao cấp – những người sẽ rời vị trí và cả những lãnh tụ về hưu nhưng vẫn có ảnh hưởng lớn, như cựu Tổng bí thư Giang Trạch Dân.

Hồ Cẩm Đào muốn đề cử người thay thế mình là Lý Khắc Cường, đã là ủy viên thường trực từ năm 2007 và xuất thân từ Đoàn Thanh niên Cộng sản, phe của Hồ Cẩm Đào. Nhưng cuối cùng ông Tập Cận Bình – cũng đã vào ủy ban thường trực cách đây năm năm – mới là người được chọn lựa.

Đó là vì Tập Cận Bình là người được lòng tất cả các phe phái trong Đảng cũng như các cựu lãnh tụ, gần gũi với quân đội và các tập đoàn quốc doanh lớn, và nhất là thuộc về « thái tử đảng » - con cái của các nhà lão thành cách mạng, một thứ quý tộc đỏ. Tập Cận Huân, cha của ông là người đã thành lập cơ sở cộng sản tại miền đông bắc Trung Quốc trong thập niên 30, trước khi bị Mao Trạch Đông cách chức năm 1962 và sau đó được phục hồi vào thập niên 70 và trở thành một trong những khuôn mặt tham gia chính sách cải cách và mở cửa của Đặng Tiểu Bình.

Lý Khắc Cường sẽ lên làm Thủ tướng thay thế ông Ôn Gia Bảo từ tháng 3/2013, nhân kỳ họp Quốc hội tới. Một « hoàng tử kế vị » khác là Bạc Hy Lai đã mưu cầu thăng tiến qua việc nhấn mạnh nhu cầu đấu tranh chống bất bình đẳng, lăng-xê phong trào mao-ít. Nhưng ông Bạc đã bị loại, bị lên án là tham nhũng và xài sang, cũng như đã tìm cách bao che cho bà vợ đã bị kết tội cố sát.

Đối với những người chỉ trích nhiều nhất, ĐCSTQ cũng giống như một băng đảng mafia, chuyên phân phối cho các thành viên thuộc những gia tộc khác nhau thành quả từ sự tăng trưởng tuyệt vời của Trung Quốc. Một luận cứ chừng như đã được chứng minh qua những tiết lộ liên tiếp về gia tài tích lũy được của những người thân ông Tập Cận Bình và Ôn Gia Bảo.

Còn đối với những người khác, sau khi đã cố phá hủy một nước Trung Hoa cũ dưới thời Mao Trạch Đông, ĐCSTQ đã biết tái lập một cách khôn khéo và hiệu quả triều đình Trung Hoa, với "đội quân quan lại" có học thức để điều hành một đất nước rộng mênh mông. Một đảng với 82,6 triệu đảng viên ( trên dân số 1,3 tỉ người) đã đưa đất nước lên vị trí nền kinh tế thứ nhì thế giới, với chương trình « tăng trưởng và ổn định ».

tags: Châu Á - Chính trị - Dân chủ - Theo dòng thời sự - Trung Quốc - Xã hội
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20121108-dang-cong-san-mot-dang-khong-lo-cai-tri-13-ti-nguoi-trung-quoc