samedi 10 novembre 2012

Điều tra của báo Mỹ làm thay đổi ván cờ tại Bắc Kinh


Thủ tướng TQ Ôn Gia Bảo
(Radio Free Asia/Courrier International 8-14/11/2012)Cú đánh chừng như khởi đi từ New York, nhưng những lợi ích chính trị thì tại Trung Quốc - những tiết lộ về gia tài bí mật của gia đình ông Ôn Gia Bảo đã hé lộ thực tế đấu đá tranh giành quyền lực.

 Những tiết lộ của tờ New York Times về gia tài 2,1 tỉ euro của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo có tác động như một quả bom, tại Trung Quốc cũng như đối với cộng đồng Hoa kiều hải ngoại. Nếu thông tin này có vẻ khó tin, thì không phải là do tố cáo mức độ tham nhũng của tầng lớp lãnh đạo, mà là về cá nhân ông Ôn Gia Bảo. Thủ tướng Trung Quốc vốn có tiếng là một lãnh đạo có phong cách giản dị, gần gũi với nhân dân và có lương tâm.

Quan trọng hơn nữa là ông Ôn Gia Bảo đã công khai tuyên bố ủng hộ cải cách hệ thống chính trị, nhờ đó mà ông đã giành được cảm tình của giới trí thức có khuynh hướng tự do. Và những người dân mong muốn sẽ có được một nền dân chủ tại Trung Quốc đặt hy vọng rẩt nhiều vào ông. Nếu các chi tiết trong bài điều tra của New York Times được xác nhận, tình cảm người dân dành cho ông Ôn Gia Bảo có nguy cơ sẽ đảo ngược, và ước mơ cải cách bỗng chốc tan thành mây khói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kịch liệt phản đối bài điều tra, sử dụng thứ ngôn ngữ quen thuộc của đảng Cộng sản : « Loại phóng sự như thế chỉ có mỗi một mục đích là bôi đen hình ảnh của Trung Quốc ! ». Chính quyền Bắc Kinh ngay lập tức đã kiểm duyệt internet. Trong nội địa, trang web tiếng Anh và tiếng Hoa của New York Times bị khóa không cho truy cập, cũng như tất cả những từ khóa trên các trang mạng như Vi Bác liên quan đến ông Ôn Gia Bảo và gia đình. Các biện pháp này chỉ làm tăng thêm nghi ngờ là sự thật bị che giấu.

Tòa sọan báo New York Times 
Trong một thông cáo, hai luật sư của gia đình ông Ôn Gia Bảo đã đính chính sáu điểm : « gia tài che giấu » của gia đình Ôn Gia Bảo không có thật, những người thân của ông Ôn « chưa bao giờ hoạt động thương mại bất hợp pháp », thân mẫu Thủ tướng không sở hữu tài sản nào khác ngoài những gì có được từ tiền lương và lương hưu, bản thân ông « chưa bao giờ đứng ra can thiệp » vào việc làm ăn của thân nhân, và những người này « chịu trách nhiệm cá nhân về việc kinh doanh của mình ». Cuối cùng các luật sư cho biết ý định làm rõ về những tố cáo của tờ New York Times, và dành quyền kiện tờ báo.

Vụ này hãy còn nhiều bí ẩn. Thời điểm và bối cảnh mà New York Times cho đăng bài điều tra làm người ta phải đặt câu hỏi: Tại sao lại chọn điều tra về gia đình ông Ôn Gia Bảo, mà không phải là các lãnh đạo khác ? Tại sao không truy tìm nguồn gốc gia sản của gia tộc Bạc Hy Lai, được ước tính đến 6 tỉ đô la ? Hai tờ báo lớn của Mỹ đã lần lượt tiết lộ những thông tin choáng váng về hai gia tộc lớn là Tập Cận Bình và Ôn Gia Bảo. Tại sao các nhân vật bị chiếu tướng (thuộc nhóm chủ trương cải cách) đều cùng là kẻ thù chính trị của Bạc Hy Lai (tả phái) ? Tại sao những thông tin bom tấn như thế lại được công bố chỉ khoảng mười lăm ngày trước khi khai mạc đại hội Đảng 18 ?

Sách về xì-căng-đan Bạc Hy Lai tại Hồng Kông, bị cấm bán ở đại lục.
Những thông tin rò rỉ

Sau khi đăng bài điều tra, New York Times đã giải thích về nguồn tin: “Cho dù chế độ Bắc Kinh không hề minh bạch, nhưng các thông tin liên quan đến các công ty, đặc biệt là dữ liệu tài chính, thường tham khảo được ». Nhiều cơ quan nhà nước lưu trữ các tài liệu « của những công ty tư nhân và các cổ đông chính, kể cả bản sao lý lịch và chứng minh nhân dân của họ. Một hệ thống như thế khiến cho báo chí, trong đó có New York Times, có thể tra cứu sổ sách của các công ty ».

Giải thích này không mấy thuyết phục, đặc biệt đối với những người Trung Quốc, vốn biết rõ là các thông tin về tài sản của những lãnh đạo cao cấp như Tập Cận Bình hay Ôn Gia Bảo chỉ có thể từ tiết lộ ngay trong nội bộ Đảng. Việc « bán lại cho thị trường nội địa những sản phẩm xuất khẩu » (làm rò rỉ thông tin ra nước ngoài nhằm gây tác động bất ổn định trong nội địa Trung Quốc) luôn là phương pháp thông dụng trong việc đấu đá tranh giành quyền lực ở bộ máy thượng đỉnh đảng Cộng sản, và trong những năm gần đây lại càng lan rộng. Không ai còn nghi ngờ gì : các thông tin trong hai vụ này là từ các đối thủ chính trị của ông Tập và ông Ôn ở Trung Nam Hải.

Có thể liên hệ với sự sụp đổ của ông Bạc Hy Lai trong năm nay. Vì Ôn Gia Bảo và Tập Cận Bình dứt khoát là thuộc phe đối địch với Bạc Hy Lai (mà việc khai trừ đảng đã được khẳng định hôm 4/11), rất có thể những người ủng hộ ông Bạc đã thu thập và tuồn ra thông tin về tài sản gia đình hai ông này. Nghi can hàng đầu không ai khác hơn là người đỡ đầu xưa nay của Bạc Hy Lai, đó là ông Chu Vĩnh Khang (ủy viên thường trực Bộ Chính trị phụ trách an ninh), vì Ủy ban chính pháp do ông đứng đầu  chuyên thu thập các thông tin mật. Trong số các nhân vật nghi vấn có thể kể thêm các đồng minh của họ, thậm chí là Giang Trạch Dân.

Cựu chủ tịch Giang Trạch Dân, một "nghi can"
Hòn bấc trao đi, hòn chì ném lại

Các tiết lộ trên cho thấy giữa hai phe ở Trung Nam Hải (chống và ủng hộ Bạc Hy Lai, cải cách và bảo thủ), đấu tranh quyền lực đã tăng thêm một nấc. Hai bên đã « ăn miếng trả miếng » - xì ra những bí mật của người này, người khác ; gợi lại những đấu đá cũ để giành phần thắng, cho dù cuối cùng cả hai phe đều thiệt hại. Trong khi tiếng cồng báo hiệu khai mạc đại hội Đảng đang vang động, thì còn nhiều trò khác vẫn chưa được biết.

Điểm đáng ngạc nhiên nhất trong vụ này là việc gia đình ông Ôn Gia Bảo nhờ đến luật sư để chính thức phản bác điều tra của New York Times. Thường thì các lãnh đạo cộng sản Trung Quốc có thói quen tỏ ra thản nhiên, cao đạo trước tình hình như vậy. Chính ông Ôn Gia Bảo đã phản ứng, và đây là trường hợp đầu tiên. Điều này mang ý nghĩa quan trọng.

Trước hết, có nghĩa là hiện tượng toàn cầu hóa đã đạt đến một mức độ mà từ nay, các phương tiện truyền thông ngoại quốc có được ảnh hưởng trực tiếp lên một đẩt nước khép kín (như Trung Quốc), trong khi báo chí trong nước bất lực. Một bài học khác : quyền hành của những lãnh đạo cao cấp đã sụt giảm đến nỗi họ không còn có thể đứng trên công chúng, và ngạo nghễ trước những chỉ trích. Không muốn phải trả giá đắt, họ đành phải nhún nhường một chút để đáp lại những tiếng nói khác nhau cất lên từ Trung Quốc cũng như nước ngoài.

Cho dù động cơ là gì và nguồn gốc là từ đâu đi nữa, cần phải khách quan nhìn nhận là các tiết lộ động trời của New York Times đã tham gia vào việc làm thay đổi Trung Quốc. Sự kiện gia đình ông Ôn Gia Bảo cải chính thông qua các luật sư là một bước tiến ban đầu cần cổ vũ. Nếu ông Ôn Gia Bảo nhân đó công bố luôn tài sản cá nhân, thì sẽ là một bước tiến thứ hai, thuộc loại hiếm hoi, và vô giá (Theo South China Morning Post, thì ông Ôn cho biết đã sẵn sàng, và một cuộc điều tra trong nội bộ đảng đã được tiến hành theo yêu cầu của ông). Và nếu rốt cuộc dẫn đến sự ra đời một bộ luật buộc các thành viên chính phủ Trung Quốc phải kê khai tài sản, thì lại là một bước tiến thứ ba hết sức ý nghĩa.

Nhưng hai bước tiến sau khó thể thực hiện trong một Trung Quốc hiện nay. Cần phải duy trì ổn định trong thời gian đại hội Đảng. Đối với bước thứ hai, thì khó khăn đến từ sự phản đối của các đồng chí ông Ôn tại Trung Nam Hải. Còn về bước thứ ba, tức luật công khai tài sản, sẽ rất khó thành hiện thực trước sự chống đối của các nhóm lợi ích đầy thế lực ngay trong Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Ngay cả nếu ông Ôn Gia Bảo thực hiện cú bất ngờ này, thì sẽ chứng tỏ nạn tham nhũng đã làm mục ruỗng toàn bộ guồng máy Đảng, có thể trở thành cái cớ cho những vụ hạ bệ cá nhân trong những cuộc đấu tranh quyền lực. Trước mắt, Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể giữ vững được vị trí, nhưng về lâu về dài, rồi thì Đảng sẽ chìm ngập trong những bất bình của dân chúng, và bị lật đổ trước làn sóng mưu cầu dân chủ. Đảng sẽ bị buộc phải rời sân khấu trong các điều kiện thảm hại hơn. Cải cách hay không cải cách ? Trung Quốc đang đứng trước một khúc quanh lịch sử.

3 commentaires:

  1. Hình trên là Hồ Cẩm Đào chứ đâu phải Ôn Gia Bảo.

    RépondreSupprimer
    Réponses
    1. Oh cám ơn bạn Avia nhiều lắm, Thụy My post nhầm hình. Sẽ sửa lại ngay :)

      Supprimer
  2. Về vụ tiết lộ "của nổi, của chìm" của người nhà Ôn Gia Bảo, tác giả bài báo giải thích kĩ hơn ở đây:
    David Barboza trả lời câu hỏi bạn đọc về bài phóng sự tài sản Ôn Gia Bảo

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.