samedi 17 novembre 2012

Bảy « nhà truyền giáo » tư bản Trung Quốc

Bảy tân ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc ra mắt ngày 15/11/2012.

(Libération 16/11/2012) Như trong một vở kịch, các tân lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc hôm thứ Năm 15/11 tại Bắc Kinh đã xuất đầu lộ diện trên sân khấu mang màu đỏ truyền thống, được trang trí bằng tấm phông hình Vạn Lý Trường Thành. Để lại trong hậu trường những cuộc tranh cãi bí mật nhằm chọn lựa ra họ, các ủy viên thường trực Bộ Chính trị đã trình diện trong bộ đồng phục của các quan lại ngày nay – com-lê đen và cà vạt màu tía – để bế mạc đại hội Đảng lần thứ 18.

Số thành viên của ê-kíp sẽ lãnh đạo Trung Quốc cho đến năm 2022 từ 9 người đã giảm xuống còn 7, không một lời giải thích. Ông Tập Cận Bình (Xi Jinping), 59 tuổi, được chỉ định làm Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch Quân ủy trung ương, và tháng Ba tới sẽ kiêm thêm chức Chủ tịch nước.

Tập Cận Bình
Dáng điệu tự nhiên và nụ cười thân thiện, nhân vật số 1 Trung Quốc khác hẳn với cái vẻ máy móc của người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Ông nói tiếng quan thoại chuẩn, một điều chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc. Cho đến nay, người nói giọng khó nghe nhất là Mao Trạch Đông, các bài diễn văn của Mao chỉ có một thiểu số người Trung Quốc hiểu được.


Lý Khắc Cường
Lý Khắc Cường (Li Keqiang), 57 tuổi, người sẽ trở thành Thủ tướng tháng Ba tới, là nhân vật có nhiều bằng cấp nhất trong số bảy người thừa kế quyền lực tối cao. Nói tiếng Anh trôi chảy, có bằng cử nhân luật và tiến sĩ kinh tế của đại học Bắc Kinh, ông là trí thức sáng chói nhất trong số họ. Ông đã dịch ra tiếng Hoa một trong những tác phẩm kinh điển về luật Anh quốc.

Tuy vậy Lý Khắc Cường có lần đã suýt sảy chân : năm 1980 ông đã giúp tổ chức những cuộc bầu cử công đoàn sinh viên đầu tiên trong trường đại học của mình, trái ý chính quyền. Hai trong số những người bạn thời đó của ông đã trở thành các nhà ly khai, hiện sống lưu vong tại Mỹ. Một trong hai người này là Vương Quân Đào (Wang Juntao) nói rằng Lý Khắc Cường « suy nghĩ một cách độc lập, nhưng không bao giờ chống lại chính quyền trong những vấn đề quan trọng ». Ông cũng có « tham vọng cá nhân rất lớn ».

Để tiến thân trong « guồng máy đỏ », Lý Khắc Cường đã rất nỗ lực. Là người đứng đầu tỉnh Hà Nam ở miền đông từ 1999 đến 2003, ông ém nhẹm xì-căng-đan máu nhiễm độc đã giết hại hàng ngàn nông dân. Phản xạ giấu diếm này có lẽ là một điểm son khiến ông được thăng chức, và là dấu hiệu cho thấy ông đã chuyển biến thành con người thực sự của bộ máy.

Trong số bảy ủy viên thường trực Bộ Chính trị, dường như chỉ có một người có khuynh hướng muốn cải cách chế độ chính trị - khát vọng ngày càng lớn của dân chúng. Trên mạng Vi Bác, một cư dân mạng hôm qua đã viết : « Nạn tham nhũng trong giới cầm quyền đã lên đến mức mà phương cách duy nhất để giải quyết là thay đổi chế độ chính trị ».

Vương Kỳ Sơn
Ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan), 64 tuổi, nhà kinh tế, cựu Thị trưởng Bắc Kinh và là thành viên Ban tổ chức Thế vận hội 2008, nhà thương lượng quốc tế, cựu giám đốc một ngân hàng quốc doanh, nhà sử học, là nhân vật có đầu óc cởi mở nhất. Tuy vậy ông lại được giao cho trách nhiệm xa vời so với năng lực mình, đó là đấu tranh chống tham nhũng.

Như vậy ảnh hưởng của ông Vương Kỳ Sơn có thể bị giảm thiểu, cho dù ông thuộc « giai cấp đỏ » (cha vợ ông là cựu Phó thủ tướng). Người đứng đầu các ông hoàng đỏ, tân Tổng bí thư Tập Cận Bình là thành viên tiêu biểu của giai cấp này, vì cha ông, Tập Trọng Huân vốn là bạn chiến đấu của Mao Trạch Đông.

Du Chính Thanh
Du Chính Thanh (Yu Zhengsheng), Bí thư Thành ủy Thượng Hải cũng thuộc lớp quý tộc đỏ. Cha của ông trong thập niên 30 từng là chồng của Giang Thanh, trước khi đến lượt Mao Trạch Đông lấy bà ta. Xuất thân từ một gia đình nhà quan từ thời Mãn Thanh, Du Chính Thanh là người chịu trách nhiệm cuộc Triển lãm hoàn vũ tại Thượng Hải năm 2010. Là kỹ sư tên lửa, ông Du là người tân tiến, thực dụng, nhưng cũng rất « khó xơi » về chính trị.

Trương Đức Giang
Tuy vậy ông ta còn ít bảo thủ hơn nhân vật số 3 của chế độ : Trương Đức Giang (Zhang Dejiang), 66 tuổi, tốt nghiệp trường đại học Kim Il Sung của Bắc Triều Tiên. Trong quá trình làm việc, ông Trương từng lãnh đạo hai tỉnh có tốc độ phát triển nhanh, vừa ve vãn các nhà đầu tư ngoại quốc lại vừa ra tay trấn áp tất cả những ai có thể làm ảnh hưởng đến hoạt động đang chạy đều của guồng máy kinh tế.

Đứng đầu tỉnh Quảng Đông năm 2003, ông Trương Đức Giang đã toan ém nhẹm nạn dịch SARS, hậu quả là dịch này càng lan rộng. Hai năm sau đó, ông ta đã cho bắn vào đám đông biểu tình ở Đông Châu (Dongzhou) làm cho 20 người chết.

Lưu Vân Sơn
Tuy nhiên, khó ai có thể bảo thủ bằng nhân vật số 4 trong ê-kíp, đó là Lưu Vân Sơn (Liu Yunshan), 65 tuổi, trưởng ban tuyên huấn của Đảng, và với chức vụ này ông ta cũng là người chỉ đạo kiểm duyệt tại Trung Quốc. Đó là một trong các cha đẻ của công an mạng, đã giăng lưới nhện trên toàn quốc. Lưu Vân Sơn cũng phụ trách chiến dịch bành trướng sang phương Tây các kênh truyền hình nhà nước, được đổ vào nhiều tỉ đô la nhằm đánh bóng hình ảnh của chế độ.

Trương Cao Lệ
Nhân vật cuối cùng trong « bè lũ bảy tên » là Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), 65 tuổi, Bí thư Thành ủy Thiên Tân (Tianjin). Ông này là loại cán bộ chuyên « lên lớp », một nhà kỹ trị mờ nhạt, rất chịu khó lấy lòng các cựu lãnh tụ Đảng. Cũng giống như những người khác, ông ta hấp thụ mọi thứ từ phương Tây, trừ loại thuốc cực độc của nền dân chủ.

Nhà Trung Quốc học David Shambaugh giải thích: « Sẽ không có các cải cách chính trị, vì có quá nhiều người trong hệ thống cho rằng đây là một con dốc trơn trợt dẫn đến sự sụp đổ chế độ”.

Bài viết liên quan:
Tập Cận Bình đăng quang: Chiến thắng của các "thái tử đỏ"

1 commentaire:

  1. Bảy con quỷ sẽ thít chặt cổ đảng tiểu yêu ở hànội! Lưu vân Sơn đã sang giáo huấn cách đây mấy tháng. "Nỗi diệt chủng vừa thương vừa sợ. Nòi giống ta biết có còn không?" (Á Tế Á ca)

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.