Affichage des articles dont le libellé est Kỷ niệm. Afficher tous les articles
Affichage des articles dont le libellé est Kỷ niệm. Afficher tous les articles

mercredi 3 janvier 2024

Trần Kiên Cường - Nước Úc không phải của tôi (1)

1. Giấc mơ nước Úc

Ở thời trai trẻ, ròng rã nhiều năm, tôi không ngừng mơ ước được đặt chân đến nước Úc của châu Đại dương.

Ước mơ về cái “chân trời tím” ấy nẩy mầm từ lâu, lâu lắm rồi. Khi mới ngoài đôi mươi, khi còn đang đeo đuổi con đường do cha mẹ muốn tôi theo là làm khoa học và đắm mình với giảng đường đại học. Nhưng nói về cái giấc mơ Nước Úc ấy chắc phải hơi dài dòng tí tẹo.

dimanche 31 décembre 2023

Nguyễn Thông - Chuyện uống chè (5)

 

Mùa đông, rét như mùa đông năm nay Quý Mão 2023 ở miền Bắc chẳng hạn thì uống chè là một cái thú.

Đám sinh viên nghèo chúng tôi hồi xưa, trừ mấy tiết học bắt buộc phải trên lớp, thì thời gian cắm quán có khi còn nhiều hơn ở trong căn phòng chật chội khoảng 20 mét vuông nhét tới 6 cái giường tầng, vị chi chứa 12 “tù khổ sai” ký túc xá Mễ Trì.

Có những đứa, mua chén chè 5 xu khề khà ngồi nửa buổi. Nhiều thằng chúa chổm, vài xu cũng không tiền trả, uống xong ghi nợ. Chủ quán biết bọn này mặt dày này chẳng qua nghèo mới vậy nên thường hỉ xả, thể tất cho.

mardi 26 décembre 2023

Phan Thúy Hà - Nghe bác Phan Khánh nhắc chuyện đời sơ

 

Bác nhớ bảy, tám nhà có người chết đói trong làng năm bốn lăm, bây giờ họ sống lại bác vẫn nhớ ra từng tên.

Hai lăm tết, cha bác mang sang nhà anh chắt Lục một xâu thịt bò. Mùng một tết anh sang xin bữa cơm, mẹ bác xới cho một bát, anh xin đem về, mùng bảy tết mấy cha con anh chết cả rồi.

Nhà anh đồ Cận cũng chết cả ba cha con, người mẹ trước đó đã bỏ đi. Nhà dái Sáu chết ba, bốn người. Nhà ông Đậu Chín, chết hai vợ chồng, mấy đứa con, có một đứa con gái đầu vẫn sống. Đau nhất là nhà ông Đậu Ngân, em ông Đậu Chín, nhà tám người chết cả tám, chết trong nhà không ai biết, thối um lên, người ta phải đốt nhà cho bớt thối rồi đưa đi chôn.

lundi 25 décembre 2023

Nguyễn Thông - Chuyện uống chè (4)

 

Bài kỳ trước, nhà cháu nói chuyện uống nước vối thay chè, đọc lại sực nhớ quên một chi tiết.

Nước vối nấu bằng lá tươi, lá khô và nụ vối đều được, nếu biết cách nấu/hãm, thậm chí còn thú vị hơn cả chè móc câu. Riêng lá vối khô hoặc nụ vối, cho thêm vài nhánh lá đăng cay khô vào thì có khi còn ngon hơn cả Coca-Cola, Pepsi bây giờ.

Từ dạo vào nam, tôi ít được uống nước vối, lại càng không có dịp nếm mùi lá đăng cay. Thứ lá nho nhỏ như chiếc ngòi bút lá tre, mọc dày hai bên nhánh, nhọn, từa tựa lá dương xỉ. Thày tôi mỗi lần nấu siêu nước vối chả bao giờ quên bỏ mấy nhánh đăng cay vào. Mùi vối đậm đà, thêm hương thơm và vị cay cay dịu nhẹ của lá đăng cay tạo thành thứ “ẩm thủy” khó tả. Gần nửa thế kỷ bặt vắng nó nhưng tôi vẫn cảm thấy mùi hương quê ấy quanh quẩn đâu đây.

Nguyễn Thông - Chuyện uống chè (3)

 

Miền Bắc, sống ở nông thôn, người ta uống nước vối quanh năm suốt tháng. Nếu mua được gói chè “ngon” loại 2, loại 3 như chè Đại Đồng, Phú Thọ chẳng hạn thì phải để dành phòng khi có khách.

Vối sẵn, hầu như nhà nào cũng trồng ít nhất một cây, góc vườn hoặc bờ ao. Uống lá tươi, cây nhiều lá quá thì bẻ cả cành vặt lá phơi nỏ cho vào bao uống dần. Nụ vối uống rất ngon, nghe nói chữa được cả bệnh liên quan tới thận, lợi tiểu, hợp với người bị bệnh đái dắt.

Hồi tôi còn bé thường ăn quả vối chín, chua chua ngòn ngọt, “xơi” xong mồm miệng trông cứ như hộp đựng thuốc vẽ, lòe loẹt xanh đỏ tím vàng. Trẻ con nhà quê thứ chi cũng ăn, quả thèn đen, quả mây, quả sắn, quả bom bóp… chẳng bổ béo gì nhưng bớt được sự thèm bánh kẹo.

vendredi 22 décembre 2023

Bùi Quang Minh - Câu Chuyện Hai Mươi Năm

 

Với một người không Công Giáo như tôi, thì Giáng Sinh hay không Giáng Sinh hầu như không quan trọng. Nhưng đã có một năm mà mùa Giáng Sinh đã để lại dấu ấn không phai nhòa trong tâm trí tôi.

Hai mươi năm trước.

Tôi đóng vai ông già Noel đi phát quà với tiền công là 20.000 đồng. Hai mươi ngàn đồng thời điểm đó là một con số đáng mơ ước. Thỏa thuận với chủ chỉ phát trong thành phố nhưng rốt cuộc phải ra tận Biên Hòa với lý do : Khách hàng nói nhà ở ngoài đó ! Vậy là dong xe đi.

mardi 19 décembre 2023

Tạ Duy Anh - Nhớ rét

 

Chưa về già đã lẩn thẩn. Nhớ gì chả nhớ, lại đi nhớ rét! Nhưng mà mặc ai nói gì cứ nói, trách cứ trách, giễu cứ giễu, cái cảm giác nhớ rét một thời là có thật.

Đơn giản vì nó đã ăn quá sâu vào ký ức, muốn rũ đi cũng đâu có dễ.

Hồi đó, mỗi khi rét về, việc đầu tiên mẹ dặn là phải che chắn cửa cho trâu. Để gió hun hút lùa vào người nó, khiến nó không ngủ cứ mài sừng vào gióng chuồng suốt đêm, thì không chỉ mình có tội, mà còn thiệt hại nhãn tiền! Mình làm sao chưa biết, nhưng trâu mà ngã, thì tan nghiệp.

dimanche 17 décembre 2023

Phạm Công Luận - Chợ Ga thân yêu và ông Mười chủ đất

 

Trước năm 1954, quanh khu vườn của ông Lê Tài Chí, nằm ngay góc hai con hẻm (một hẻm nay là đường Đỗ Tấn Phong và một nay là đường Trần Khắc Chân thuộc phường 9, Phú Nhuận) có những phụ nữ nghèo bày mấy rổ hàng dưới đất, buôn bán lặt vặt cho người dân quanh vùng.

Đến năm 1954, nhiều người Bắc di cư vào Nam. Vài người trong đó tìm đến khu đất này, chen chân vào bán hàng để tạm kiếm sống thời gian đầu mới vô.

Thấy bà con người Bắc mới vào Nam chưa có cuộc sống ổn định, chính quyền thời đó đến gặp ông Lê Tài Chí. Họ đề nghị ông cho mượn mảnh vườn nói trên để nhà nước xây lên một cái chợ cho đồng bào di cư có chỗ mua bán.

dimanche 10 décembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Nghề chụp hình dạo

 

Một lần dẫn con đi chơi trong Thảo Cầm Viên, tôi để ý thấy một người đàn ông trung niên đầu đội chiếc nón kết, áo “ký giả” nhiều túi khoác bên ngoài chiếc áo sơ mi ca-rô dài tay đóng thùng, cổ đeo chiếc máy chụp hình cơ hiệu Canon đang rụt rè tiếp cận những gia đình hoặc cặp đôi để đề nghị chụp hình lưu niệm.

Thật không ngờ ở thời đại mà ai cũng có sẵn trong tay chiếc điện thoại thông minh để chụp đủ kiểu hình selfie ở mọi góc độ mà vẫn còn người làm nghề chụp hình dạo. Tôi không biết một ngày người thợ chụp hình dạo đó có thể kiếm được bao nhiêu tiền hoặc có bao nhiêu người sẽ cần đến máy ảnh cũng như tài nghệ của ông, nhưng tôi nghĩ rằng nếu không còn kiếm tiền được thì chắc ông đã bỏ nghề lâu rồi.

Hình ảnh người thợ chụp hình dạo bất chợt đưa tôi về ký ức của hơn 30 năm về trước, khi nghề chụp hình vẫn là một nghề hot ở Sài Gòn.

Thọ Nguyễn - Cam tươi, CAM ảo, CAM không não

 

Mấy tuần rồi hắn rao bán cam riết nên từ "Thọ Củi“ thành "Thọ Cam“. Thật ra thằng tiều phu từng bị mang tiếng là CAM từ lâu rồi.

Đó là vào những năm 2005-2009, khi Internet 2.0 mới ra đời. Công nghệ 2.0 cho phép tương tác, tạo ra tiền đề cho mạng xã hội hôm nay. Một số sinh viên Việt Nam ở nước ngoài liền lập ra các trang "Dân Luận“, "Tathy“, "Thanh niên xa mẹ“ để nói chuyện đời, chuyện học.

Ở trong nước không thể thuê server hoặc lấy tên miền cho các trò này. Chỉ cần nghe thấy từ "Diễn đàn“, Forum, "Mở cửa“ v.v... là bị cấm. Chỉ có sinh viên Việt nước ngoài mới làm được. Sinh viên vì đám đó rỗi hơi và có nhiều nhu cầu trao đổi, bồ bịch. Tất nhiên những diễn đàn này thu hút người trong nước như ong ngửi thấy mùi đường.

samedi 9 décembre 2023

Cù Mai Công - Cà phê Thăng Long, Ông Tạ một thời đủ mặt văn nghệ sĩ Sài Gòn

 

Rất lạ khi nhiều ngôi nhà, khu vực Ông Tạ, kể cả chợ Ông Tạ, chợ Nghĩa Hòa, rạp Đại Lợi… từ 2021 trở về trước, hầu như không tìm ra ảnh. Cà phê Thăng Long trên đường Thánh Mẫu (nay là Bành Văn Trân) xưa là nơi tụ tập của nhiều nhà văn, nhà báo… tên tuổi cũng vậy.

Lần này, xin mạn phép lần đầu xuất hiện vài tấm ảnh hiếm hoi và cà phê này. Nguồn cung cấp: Một khách hàng ruột xưa của quán, anh Đỗ Trung Quân.

(Lược trích “Sài Gòn một thuở - Dân Ông Tạ đó!” tập 2)

Hương Nguyễn - Có học trò hư hay không ?

 

Nhớ những năm tháng đói khổ sau 1975 của miền Nam...Tôi học hai năm lớp 6,7 ở trường nữ trung học Gia Long. Sau 1975, tôi phải chuyển trường về một nơi xa xôi của huyện Thủ Đức là trường Nguyễn Trường Tộ.

Thời ấy, lũ học sinh chúng tôi cơm ăn không đủ no, phải ăn độn khoai mì, rau lang, rau muống... Vậy mà đến trường lại dư năng lượng để quậy phá.

Tôi được thầy chủ nhiệm cho làm lớp phó học tập. Còn lớp trưởng thầy cho bình bầu. Vậy là đám nghịch phá dùng số phiếu chiếm đa số bầu lên "đại ca" của mình làm lớp trưởng. Đa số học thì dở, quậy phá thì nhứt trường.

Jimmy Nguyen Nguyen - Love Story

 

Trong chuyện phim này thì Jenny mất sớm, để lại Oliver với nỗi buồn. Phim hay đến nỗi mà hai vai chính sống mãi trong lòng khán giả. Họ trở thành nhân vật thật. Xuất hiện với nhau gần đây. Họ già đi như ... tui và các bạn thế hệ 70.

Hôm nay Ryan mất. Đâu được tám mấy. Sanh lão bệnh tử mà. Tuy vậy nghe tin, tui có hơi ướt ướt ở mắt. Tui có thói quen nghệ sĩ nào mình ưa thích, thì khi họ mất tui đều chia sẻ cảm tưởng. Hình như tuyển tập đã khá... dày. Buồn!

Ryan nổi tiếng sau phim Love Story. Ảnh có đóng thêm vài phim nữa mà không hay lắm. Công nhận đạo diễn chọn vai hay. Cái tướng và cái mặt ảnh đúng điệu "đẹp trai, con nhà giàu, học giỏi". Niềm mơ ước của tui thời đó.

samedi 2 décembre 2023

Dương Công Quan - Nợ một điều không nói

 

Hình phía trên là cổng quân trường Đồng Đế Nha Trang. Hình phía dưới chụp ngày 07/07/70 là ngày mãn khóa 6/69 của chúng tôi. Đội hình các tân sĩ quan sau khi được gắn lon chuẩn úy đang chuẫn bị đi diễn hành cuối khóa, trước khi từ giã quân trường để ra mặt trận.

Quân trường Đồng Đế là nơi huấn luyện cấp hạ sĩ quan cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Bắt đầu năm 1968 sau vụ tổng tấn công tết Mậu Thân của việt cộng mà phía Hà Nội đứng phía sau, chính phủ nước Việt Nam Cộng Hòa ở Miền Nam đã ra lệnh tổng động viên. Vì thế trường được khuếch trương để đảm nhiệm thêm đào tạo sĩ quan trừ bị cho quân lực.

Quý bạn có để ý phía sau cổng quân trường in đậm trên bầu trời là dãy núi với hình dạng của một người con gái nằm xõa tóc. Đó là núi Cô Tiên mà vào những đêm trăng nằm ứng chiến ở vũ đình trường, hình người thiếu nữ hiện rõ trên vòm trời đã tạo cho trong tôi có nhiều cảm xúc vô cùng khó tả.

lundi 27 novembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Hồn Chợ Lớn

Hầu như nơi nào trên thế giới có người Hoa là nơi đó sẽ có Chinatown, vì người Hoa thích sống cộng đồng để giúp đỡ hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển. Nhưng hầu hết những Chinatown trên thế giới thường chỉ gói gọn trong phạm vi vài con đường chứ không có nơi nào chiếm gần 1/3 diện tích thành phố như Chợ Lớn của Sài Gòn, với diện tích bao gồm các quận 5, 6, 11 và một phần quận 8.

Những người sống ở Sài Gòn từ thập niên 1950-1960 vẫn thường gọi “Sài Gòn-Chợ Lớn” như hai thành phố riêng biệt, vì thời đó nằm giữa Sài Gòn và Chợ Lớn là con kênh Bến Nghé khiến Chợ Lớn trở nên tách biệt với Sài Gòn. Sau này con kênh được san lấp một phần để làm đường bộ nối Sài Gòn và Chợ Lớn nhưng dường như cách nghĩ Chợ Lớn là một “thành phố” trong tâm trí của người Sài Gòn xưa vẫn không thay đổi.

Từ thế kỷ thứ 17, Chợ Lớn là vùng đất mà người của “Ngũ đại bang phái”: Quảng Đông, Triều Châu, Phúc Kiến, Hải Nam và Khách Gia (Hẹ) chọn làm nơi cư ngụ và phát triển khi họ đặt chân đến phương Nam.

mardi 21 novembre 2023

Thọ Nguyễn – Kỷ niệm nghe đài địch

 

Tôi lớn lên trong một gia đình có đặc quyền, đặc lợi, dù không nhiều. Những năm 1960 miền Bắc Việt Nam hầu như không có nền kinh tế nên cán bộ không sướng hơn dân là mấy. Chiếm đặc quyền muốn nhũng cũng chẳng có gì để tham. Nhưng cái khoản thông tin thì chắc chắn là tôi hơn bọn trẻ cùng lứa.

Xài đồ sang mãi hóa nghiện. Năm 1967, tôi sang Đông Đức học nghề. Đang từ đói ăn sang chỗ thừa bơ sữa mà chẳng thấy sướng. Đó là vì thiếu các nguồn tin « mật » lấy từ đài địch. Ở sát nách Tây-Berlin nhưng vì mù chữ Đức nên có đài, có ti vi cũng như không.

Thức ăn tinh thần chủ yếu là các bản tin của Đại sứ quán gửi về hàng tháng, toàn chuyện giáo điều, ta thắng địch thua. Đã thế còn luôn phải nâng cao cảnh giác cách mạng, cảnh giác cả với các bạn Đông Đức. Họ đang cưu mang mình mà luôn bị phê là ăn phải bả xét lại của Liên Xô. Những trò đó tôi thuộc lòng từ hồi 10 tuổi.

lundi 20 novembre 2023

Đỗ Duy Ngọc - Nhớ những năm dạy học ở Củ Chi

 

Trước năm 75 tôi có đi dạy giờ mấy trường tư thục. Lúc ấy thầy giáo dạy từ đệ nhất cấp trở lên gọi là giáo sư.

Dạy giờ là kiểu dạy hợp đồng, dạy giờ nào tính tiền giờ đó, hết niên khóa nếu dạy không đạt yêu cầu, nhà trường sẽ gởi một bức thư từ chối cho niên khóa tiếp. Nếu dạy tốt, được đánh giá cao cũng sẽ nhận thư của nhà trường trân trọng mời ông tiếp tục niên học tới có chữ ký của Hiệu trưởng cùng cái dấu đỏ.

Sau 75, chính quyền mới cho học thêm mấy tháng gọi là bồi dưỡng chính trị và kiến thức của chế độ mới ở trường Đại học Sư phạm Thành phố. Xem như là khóa đầu tiên ra trường của Đại học Sư phạm sau thống nhất. Thi xong chờ phân công. Con của "ngụy quân, ngụy quyền" không được nhận nhiệm sở, đành kiếm nghề khác sống.

Tạ Duy Anh - Chữ và thầy

 

Bà nội tôi hoàn toàn mù chữ. Cả đời bà không có một ngày học cái thứ được gọi là chữ.

Ấy thế mà suốt thời bé con, tôi luôn luôn bị bà giám sát chặt chẽ việc học. Từ giờ giấc, sách vở, góc học tập đến thái độ khi nói về thầy cô, bạn bè... đều không lọt khỏi ánh mắt kèm nhèm của bà. Thỉnh thoảng bà bắt tôi bỏ sách ra để bà... kiểm tra.

Bà sờ tay vào từng hàng chữ như cách nhà nông lão luyện kiểm tra độ mẩy của hạt giống. Bà ngây dại nhìn từng dòng chữ, từng hàng con số tôi viết, cái thứ, với bà, chứa tất cả phép huyền diệu của sự sống. Đừng hòng đánh lừa được bà khi tôi định lấp đi một sự cẩu thả nào đó.

dimanche 19 novembre 2023

Nguyễn Thông - Ngày hiến cam các nhà giáo

Hồi tôi còn bé, học cấp 2, cứ vào ngày 19.11 (như hôm nay) hoặc 20.11 là cả đám trò choẹt từng tốp kéo nhau đi thăm chúc mừng các thầy cô giáo.

Miền Bắc tầm này chả có gì ngoài cam. Bánh kẹo hiếm, vả lại đắt, nên mỗi đứa được thày bu cho rổ cam (vườn nhà, hoặc mua tại làng, quả nhỏ và chua), nhiều thì khoảng gần chục quả, ít thì vài quả. Cũng chả có túi nilon như bây giờ nên bê luôn cả rổ tới chúc thầy cô.

Hồi ấy dân gian gọi đùa ngày 20.11 (vốn có tên ngày Hiến chương quốc tế các nhà giáo) là ngày "Hiến cam các nhà giáo".

jeudi 16 novembre 2023

Huỳnh Chí Viễn - Sài Gòn trong ký ức của một 8x đời đầu

Tôi sinh ra ở Sài Gòn năm 1981 và lớn lên ở Sài Gòn cho tới ngày tôi đi du học ở Mỹ năm 2001. Từ năm 2007 tôi về lại Việt Nam và tiếp tục sống và làm việc ở Sài Gòn cho tới ngày nay.

Ngoại trừ 6 năm đi học ở Mỹ, toàn bộ thời gian của tôi đều ở Sài Gòn nên tôi có thể tự hào rằng mình một “người Sài Gòn” chính hiệu. Tôi có may mắn được chứng kiến và trải nghiệm những giai đoạn khác nhau - Sài Gòn từ thời bao cấp của những năm 1980, cho tới sự thay da đổi thịt của Sài Gòn thời mở cửa trong thập niên 1990, và Sài Gòn ngày nay.

Đối với tôi Sài Gòn ở giai đoạn nào cũng đẹp với những ký ức và kỷ niệm khác nhau. Nhưng có lẽ giai đoạn có nhiều kỷ niệm khó phai nhất đối với tôi là 20 năm đầu tiên của cuộc đời. Vì đó là những năm tháng của tuổi ấu thơ và tuổi thiếu niên, khoảng thời gian con người vẫn còn vô tư, chưa phải suy nghĩ đến chuyện cơm áo gạo tiền và những lo toan bề bộn khác trong cuộc sống.