Một lần dẫn con đi chơi trong Thảo Cầm Viên, tôi để ý thấy một người đàn ông trung niên đầu đội chiếc nón kết, áo “ký giả” nhiều túi khoác bên ngoài chiếc áo sơ mi ca-rô dài tay đóng thùng, cổ đeo chiếc máy chụp hình cơ hiệu Canon đang rụt rè tiếp cận những gia đình hoặc cặp đôi để đề nghị chụp hình lưu niệm.
Thật không ngờ ở thời đại mà ai cũng có sẵn trong tay chiếc điện thoại thông minh để chụp đủ kiểu hình selfie ở mọi góc độ mà vẫn còn người làm nghề chụp hình dạo. Tôi không biết một ngày người thợ chụp hình dạo đó có thể kiếm được bao nhiêu tiền hoặc có bao nhiêu người sẽ cần đến máy ảnh cũng như tài nghệ của ông, nhưng tôi nghĩ rằng nếu không còn kiếm tiền được thì chắc ông đã bỏ nghề lâu rồi.
Hình ảnh người thợ chụp hình dạo bất chợt đưa tôi về ký ức của hơn 30 năm về trước, khi nghề chụp hình vẫn là một nghề hot ở Sài Gòn.
Những bạn trẻ genZ chắc hẳn sẽ không bao giờ tưởng tượng được rằng thời bao cấp, muốn chụp vài bức hình kỷ niệm khi đi chơi là cả một vấn đề vì máy chụp hình thời đó rất mắc tiền. Đối với tuyệt đại đa số người dân, một chiếc máy chụp hình rửa phim là cả một tài sản có giá trị chứ không phải là một món đồ chơi thông thường. Vì thế những người có máy chụp hình sẽ tận dụng máy để làm phương tiện mưu sinh chứ và thế là “thợ chụp hình dạo” theo đó mà ra đời.
Đó là những người thợ chụp hình với chiếc máy ảnh cơ đeo trước cổ luôn túc trực ở các khu du lịch như Sở Thú, Hồ Kỳ Hòa hay Bến Nhà Rồng để mời du khách vãng lai chụp “vài pô hình làm kỷ niệm”. Những dịp đặc biệt như lễ tết hoặc Giáng Sinh thì đội ngũ thợ chụp hình sẽ túc trực ở chợ hoa xuân Nguyễn Huệ, Tao Đàn, nhà thờ Đức Bà hoặc chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi để tác nghiệp.
Những năm đầu thập niên 1980 hình chụp chủ yếu là hình trắng đen, nhưng từ những năm 1987-1988 trở đi, hình màu trở nên phổ biến và đến thập niên 199x thì hầu như hình trắng đen hoàn toàn biến mất. Nhưng cho dù là hình màu hay hình trắng đen thì thường mỗi người cũng chỉ chụp một vài tấm làm kỷ niệm, chứ không ai chụp kiểu “bấm máy ào ào” như đối với điện thoại thông minh ngày nay vì ở thời bao cấp, không phải ai cũng dư dả để lần nào đi chơi cũng chụp hình cả.
Đối tượng khách hàng mà các thợ chụp hình nhắm tới nhiều nhất là những gia đình trẻ có 1-2 đứa con nhỏ hoặc các cô gái đi chơi với nhau thành từng nhóm, chứ ít khi nào là những người đi lẻ hoặc người lớn tuổi. Đàn ông con trai thì hầu như không bao giờ chụp hình khi đi chơi trừ khi đi với vợ con hoặc người yêu. Tuy nhiên, đừng nghĩ rằng cặp tình nhân nào cũng sẵn sàng chụp hình lưu giữ kỷ niệm bên nhau.
Các cặp thời đó nếu chưa chính thức quen nhau mà còn trong giai đoạn hẹn hò lén lút cũng sẽ rất ngại chụp hình chung vì hình rửa ra cầm về, lỡ mà cất không kỹ để song thân phụ mẫu phát hiện được thì sẽ rất rắc rối. Vả lại lỡ sau này “em ơi, nếu mộng không thành thì sao?”. Giữ hình lại thì nhớ người, còn bỏ hình thì vừa tiếc vừa sợ …xui. Ngày nay, khi điện thoại thông minh cho phép người chụp xóa bất cứ tấm hình không ưng ý trong nháy mắt thì cách đây 30-40 năm, bỏ, đốt, hoặc cắt một tấm hình là cả một điều kiêng kỵ. Vì vậy, cô gái nào chịu chụp hình chung với người yêu khi chưa được cha mẹ chấp nhận thì phải nói là “gan cùng mình” chứ không đùa.
Thường thì sau khi chụp xong mấy tấm ảnh theo yêu cầu của khách hàng, thợ chụp hình sẽ hẹn khách 2-3 ngày sau ở một địa điểm nào đó để giao hình và lấy tiền, vì thời đó phải chụp hết cuộn phim mấy chục tấm mới có thể rửa một lần để giao cho nhiều khách cùng một lúc. Điểm hẹn lấy hình thường là phía trước cổng công viên hoặc địa điểm chụp hình cho tiện hoặc tại quầy lấy hình bên trong khuôn viên đó.
Trong khuôn viên Sở Thú hiện vẫn còn “di tích” của những quầy lấy hình như thế mặc dù chúng đã “hoàn thành sứ mệnh lịch sử” của mình đã lâu. Tôi nhớ một lần khi còn rất nhỏ đã được chứng kiến cảnh những người thợ dùng một loại màu nước để tô thủ công lên những tấm hình trắng đen để biến nó thành hình màu. Tới bây giờ tôi vẫn thắc mắc đó là kỹ thuật gì và tại sao họ lại có thể biết được chỗ đó là màu gì để tô cho đúng. Bạn nào rành về nghệ thuật nhiếp ảnh có thể giải thích để tôi có thể mở mang tầm mắt chăng?
Hình rửa ra sẽ được bỏ vào bao giấy có ghi tên người nhận và ngày giờ nhận kèm theo phim âm bản để khách có thể rửa thêm mấy tấm nữa nếu cần. Thời điện thoại bàn còn chưa phổ biến chứ đừng nói tới chuyện điện thoại di động, thì hẹn lấy hình là cả một vấn đề. Chuyện khách mắc mưa hoặc bận việc tới trễ hay không đến được khiến thợ chụp hình phải đứng chờ cả tiếng đồng hồ là chuyện bình thường. Cũng nhiều lúc hình chụp ra không đẹp như mong muốn nên khách tuy trả tiền nhận hình nhưng vẫn không cảm thấy hài lòng.
Tuy nhiên hầu như hiếm có chuyện “xù kèo” không lấy hình vì ai cũng sợ thợ chụp hình đem hình mình đi bỏ, hủy hoặc đi “thư ếm” thì sẽ xui xẻo. Với lại khó khăn lắm mới có dịp chụp được mấy tấm hình nên kiểu gì cũng phải lấy về nhà. Có nhiều thợ chụp hình “ma lanh” chơi chiêu chụp dư một hai tấm tới khi giao hình sẽ năn nỉ khách trả thêm tiền để lấy hình vì dù sao cũng đã “lỡ” chụp và hình thì “đẹp quá”, bỏ tiếc lắm. Thôi thì đã ra tới đây rồi, đành thêm ít tiền lấy luôn mấy tấm hình “lỡ chụp” vậy. Nhưng cũng có khách chắc bị dính chiêu nhiều lần nên trước khi chụp đều căn dặn kỹ thợ chụp hình là không được chụp dư chụp lố rồi ép lấy.
Sang đến thời mở cửa của những năm 199x, máy chụp hình tự động hiệu Konica hoặc Kodak trở nên phổ biến vì vừa nhỏ gọn, dễ sử dụng vừa có giá cả hợp lý, nên người Sài Gòn nếu khá giả sẽ mua máy chụp hình riêng để tự chụp. Giá một cái máy chụp hình tự động phim màu (hình trắng đen đã…tuyệt chủng vào đầu thập niên 199x rồi) thời đó chỉ khoảng bằng một cái máy cassette Sony hai hộc băng hoặc một đầu máy xem băng video mà thôi.
Tôi nhớ những năm tôi học lớp 8 lớp 9 (tức là khoảng năm 1994-1995) cả tầng trệt của thương xá Tax có không dưới 20 kiosk bán máy chụp hình và phim chụp hình đủ loại. Đối diện với thương xá Tax trên đường Nguyễn Huệ cũng là một dãy cửa hàng bán máy chụp hình từ loại tự động cho tới các loại máy cơ chuyên nghiệp. Nghề thợ chụp hình bắt đầu dần dần ế khách và nhiều người đã bỏ nghề để chuyển sang công việc khác như quay video hoặc nếu có chút vốn liếng sẽ mở cửa tiệm bán máy chụp hình. Những người kiên trì với nghề bắt đầu chuyển sang sử dụng máy chụp hình kỹ thuật số thay vì dùng máy phim như trước. Nhưng tới khi điện thoại smartphone ra đời với đủ các loại app chỉnh chân dung đẹp lung linh thì nghề chụp hình dạo gần như bị tuyệt chủng.
Sài Gòn những năm 198x có studio chụp hình không?
Các bạn trẻ, nếu các bạn nghĩ rằng Sài Gòn những năm 198x không có studio chụp ảnh như ngày nay mà chỉ có những người thợ chụp hình dạo thì các bạn đã sai rồi. Thật ra các “mỹ ảnh viện” (tên gọi của các studio chụp hình thời đó) đã có mặt khắp Sài Gòn từ những năm 196x. Các mỹ ảnh viện thời đó cũng nhận chụp đủ kiểu hình từ ảnh cưới, hỏi, sinh nhật… cho tới hình chân dung, hình thẻ và cả hình…truyền thần để làm ảnh thờ nữa.
Tôi nhớ trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 đoạn từ Nhà văn hóa quận 5 (Đại Thế Giới cũ) chạy dài xuống ngã tư Trần Hưng Đạo - Châu Văn Liêm có rất nhiều mỹ ảnh viện của người Hoa mà phần lớn tới giờ vẫn còn hoạt động. Những tiệm chụp hình trên đường Hai Bà Trưng gần chợ Tân Định thì đáng tiếc là ngày nay không còn dấu vết nào, mà hầu hết các mặt bằng đều trở thành các shop sang trọng.
Khu Tân Định ngày trước người Bắc 54 ở nhiều nên tôi còn nhớ các tiệm chụp hình trên đường Hai Bà Trưng hồi đó thường treo những bức chân dung truyền thần đen trắng của các cụ bà răng đen vấn khăn vành dây, áo dài nhung đeo kiềng và các cụ ông áo dài thâm đội khăn đóng trước cửa nhìn rất cổ kính. Gần nhà ngoại tôi ngày xưa trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận vẫn còn studio tên Mỹ và studio Mỹ Lai nằm ngay ngã tư Phú Nhuận.
Mỗi “mỹ ảnh viện” đều có từ 1 đến 2 thợ chụp hình riêng để chụp cho khách theo yêu cầu. Đối với hình thẻ, passport, hình học sinh hoặc hình nghệ thuật thì khách sẽ đến studio để chụp tại chỗ vì ở đó mới có đủ “đồ nghề” để chụp. Còn đối với những trường hợp chụp đám cưới, đám hỏi, sinh nhật, thôi nôi hoặc chụp hình tết thì khách sẽ đến mỹ ảnh viện để đặt lịch và cho địa chỉ nhà để thợ chụp hình mang máy đến chụp. Do dù chụp hình tiệc tùng ở nhà thì gia chủ cũng thường chụp một cuộn phim (24-36 kiểu) thôi chứ ít khi nào dám chụp hơn.
Chỉ có đám cưới, đám hỏi là chụp nhiều nhất vì vừa chụp làm lễ ở nhà rồi lại ra nhà hàng đãi khách chụp tiếp. Thời máy chụp hình còn cồng kềnh, thường mỗi lần chụp như vậy sẽ có một thợ chính cầm máy chụp và một thợ phụ đi theo để…cầm đèn flash. Sau khi chụp xong, thợ chụp hình sẽ viết giấy hẹn cho khách để khách có thể đến mỹ ảnh viện để nhận hình rửa hoặc nếu là khách quen thì thợ sẽ mang hình đến cho khách sau khi rửa xong.
Khi máy chụp hình tự động trở nên phổ biến các mỹ ảnh viện Sài Gòn bắt đầu kinh doanh thêm dịch vụ quay video đám cưới, đám ma, phục chế ảnh cũ bị hư, mờ đồng thời kiêm luôn bán phim chụp hình và rửa hình cho khách. Có nhiều loại phim khác nhau như Kodak, Konica, Fujifilm…với giá cả cũng dao động tùy theo chất lượng phim và số hình chụp được trong mỗi cuộn nhưng không hiểu sao tôi lại thích phim Konica nhất, có lẽ là do ấn tượng với quảng cáo phim Konica có chú đười ươi nhăn răng cười khi người chụp hình nói: “Konica nhé!” mỗi tối chiếu trên TV.
Mỗi dịp gần tết, ba tôi lại chở tôi ra tiệm Cẩm Chương trên đường Trần Hưng Đạo để mua vài cuộn phim về chụp hình tết, chụp xong lại mang hình ra đó rửa. Tôi còn nhớ mỗi lần rửa một cuộn phim là lại được tặng một cuốn album loại nhỏ để bỏ hình vào. Ba tôi là người rất thích chụp hình và quay phim nên những dịp lễ Tết hoặc đi chơi là ba tôi lại mua ba bốn cuộn phim để dành chụp dần. Những cuốn album loại nhỏ lúc trước nhà tôi rất nhiều. Sau này gia đình ly tán, cha mẹ mỗi người một cuộc sống riêng nhưng vẫn tiếp tục gây đau khổ cho nhau, tôi không giữ lại bất cứ tấm hình nào của thời trước đó cả. Có những ký ức nếu không giữ lại thì tốt hơn.
Nhiêu khê chuyện kiêng kỵ khi chụp hình
Các bạn trẻ ngày nay chắc sẽ bật cười hoặc cảm thấy khó tin khi nghe tôi nói rằng cách đây 30-40 năm trước, việc chụp hình “nghiêm trọng” và “tâm linh” hơn bây giờ rất nhiều với đủ thứ kiêng kỵ. Một trong những điều kiêng kỵ phổ biến nhất thời đó khi chụp hình là không bao giờ chụp ba người lớn với nhau (con nít thì không sao) thành ra nếu ba người đi chơi với nhau thì kiểu gì cũng phải có người đứng ngoài để cho hai người kia chụp trước rồi mới tới mình. Có người thì kiêng không chụp hình khi mặc quần áo trắng hoặc đen vì mặc đồ đen trắng là …để tang cha mẹ (mà nghĩ cũng lạ, cho dù mặc đồ màu gì đi nữa thì khi rửa hình ra cũng chỉ thấy trắng đen thôi, kiêng chi cho mệt vậy?)
Phụ nữ luôn là đối tượng thích chụp hình nhất nhưng cũng phải chịu nhiều kiêng kỵ nhất. Đàn bà con gái chụp hình thì phải tạo dáng e ấp đoan trang chứ không được đứng chàng hảng hoặc ưỡn ẹo mất nết, có cười cũng chỉ được cười mỉm, cười duyên chứ không được cười lớn hở răng. Trang phục khi chụp hình nếu không áo dài thì cũng phải quần tây áo sơ mi hoặc tân thời lắm là đầm dài chứ không được mặc đồ ngắn cũn cỡn, quần short, váy ngắn, áo sát nách…
Phụ nữ có gia đình thì chỉ được chụp hình với chồng con chứ không được chụp hình với bạn bè khác giới. Con gái chưa chồng mà chụp hình bá vai bá cổ hay thân mật với bạn nam là thế nào cũng bị chửi là đồ hư thân mất nết. Dì Út tôi ngày xưa học lớp 12 đi chơi núi Bửu Long có anh bạn có máy chụp hình nên chụp cho vài tấm chân dung làm quen thôi mà cũng phải giấu không dám cho bà ngoại tôi biết như là làm chuyện gì ghê gớm lắm. Vợ chồng hoặc người yêu “tình cảm” lắm thì cũng chỉ là nắm tay nhau chứ không đời nào có chuyện ôm ấp hôn hít trước ống kính máy ảnh. Nói chung chụp một tấm hình thôi mà đủ thứ phức tạp.
Vì vậy nếu xem lại những tấm hình thời 198x, bạn thường chỉ thấy có một vài xì-tai (style-kiểu) tiêu biểu: nữ thì mặc áo dài hay đồ tây đứng dưới giàn bông giấy, cạnh chậu hoa hay trong vườn hoa (đã là nữ thì phải có hoa), tay vuốt tóc hoặc nâng tà áo dài, miệng cười e ấp. Nam thì sơ mi đóng thùng quần tây, tay chống nạnh, mắt gườm gườm nhìn ống kính, mặt lạnh tanh như công an hình sự hỏi cung tội phạm. Hai vợ chồng chụp chung với nhau thì đứng như trời trồng nhìn ống kính, đứa con đứng giữa nắm tay ba mẹ, mặt ngơ ngác kiểu “Chuyện gì đang xảy ra đây?”. Tội nhất và cũng buồn cười nhất là những người ở quê lên thành phố không quen chụp hình nên đứng trước máy ảnh thì tay chân lóng ngóng, mặt mày căng thẳng như đứng trước…họng súng xử bắn.
Tôi ngày nhỏ rất ghét chụp hình. Mỗi năm mẹ tôi đều tổ chức sinh nhật cho tôi và thuê thợ về chụp hình về chụp kỷ niệm, nhưng tôi chưa bao giờ thích chuyện thay hết bộ đồ này đến bộ đồ kia rồi ra cầm mấy món quà trong tay tạo dáng rồi nhìn ống kính cười giả tạo hoặc chụp với người lớn. Mắt tôi từ nhỏ đã yếu và rất nhạy sáng, mỗi lần ánh sáng của đèn flash lóe lên là tôi lại bị hoa mắt phải vài phút sau mới có thể nhìn thấy bình thường được.
Vả lại đối với một đứa trẻ 4-5 tuổi, được chạy chơi với bạn bè hay được mở quà sinh nhật mới là điều quan trọng nhất chứ không phải là chuyện chụp hình. Vì thế tôi không thể nào rặn ra một nụ cười khi đứng trước máy ảnh, phần vì căng thẳng, phần vì bực bội nên lần nào cũng vậy tôi chỉ cười sau khi thợ đã …bấm máy xong.
Thói quen không cười khi chụp hình theo tôi cho tới ngày nay vì thế có nhiều bạn thắc mắc hỏi tôi tại sao lần nào chụp hình gương mặt cũng “chỉ có một biểu cảm duy nhất” mà hiếm thấy tôi cười. Quen rồi, biết làm sao bây giờ?
HUỲNH CHÍ VIỄN 10.12.2023
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.