Tôi chưa bao giờ tán thưởng trò chơi này cả. Quý vị nếu có ai theo dõi tôi đủ lâu thì sẽ biết tôi "chơi" với con bằng những "trò" khác biệt như thế nào. Hầu hết lúc chúng còn nhỏ, là làm đồ chơi. Lúc lớn, là lao động với chúng trong sự cố gắng làm thế nào giống trò chơi nhất.
Tôi cũng kể những chuyện tranh thủ nghỉ dịch Covid ở nhà, lũ chúng nó "du học tại chỗ", rèn luyện thân thể, làm đủ các thứ việc nhà như thế nào. Chúng tôi lợp được mái che sân thành cái xưởng cơ khí con con kiêm chỗ để xe máy, làm tất cả máy kéo sô lưng sô vai, giá tập tạ nằm, tập tay... Đều rất tốt.
Cái mà giáo dục của chúng ta vướng, chính là "học để làm gì?" Lúc nhỏ, con cái của chúng ta học vì điểm số, cho bố mẹ vui. Bố mẹ thấy con được điểm tốt, nghĩ là con học giỏi. Mà chúng học giỏi thật, năm nào cũng xuất sắc và cuối cùng là mốc đỗ đại học, nào là trường tốp, danh tiếng, cao hơn nữa là học bổng du học.
Nhưng chúng nó vẫn vậy: không biết học để làm gì. Lúc nhỏ kiến thức đó đã không ứng dụng được, học kiến thức chết, vô nghĩa. Lúc lớn đã bận rồi, kiến thức học để đi thi ngày càng nhiều lên, càng bị trói buộc vào việc học, thì học càng nhiều càng vô nghĩa.
Trong cuốn Bố bỉm sữa dạy con thành công dân toàn cầu, có một nội dung tôi cực kỳ coi trọng, là lao động. Nó là nền tảng của việc biến học những kiến thức trong nhà trường thành có ý nghĩa thực tế. Hơn thế nữa, chính nó giúp trẻ hình thành nhân cách đúng đắn và cả đứng đắn, đàng hoàng và có đạo đức đối với tiền bạc. Kiếm tiền là tốt, không xấu, nhưng nó cần phải là những đồng tiền từ sức lao động làm ra, do vậy phải là những đồng tiền lương thiện.
Một trong những vấn đề tôi tự đặt ra khi viết thành sách, chính xác là "băn khoăn" chính là những câu chuyện của các "vận động viên" leo núi Olympia của chúng ta. Dạo nào có bài báo "tại sao họ không về nước". Rất nhiều người xoay ngay sang câu chuyện "về nước có môi trường cống hiến đâu" trần tục hơn "có được đãi ngộ đâu." Cũng trong sách tôi viết: Không nhất thiết phải về nước mới đóng góp được cho đất nước, mà sống và làm việc ở đâu cũng có thể!
Tuy nhiên với cả một "bề dày lịch sử" của quan niệm "học để thoát nghèo" "học để làm quan" nên tâm niệm chung của toàn xã hội khó thoát khỏi cái sự học để "vinh thân phì gia". Do không được hình thành từ nhỏ những quan điểm đúng đắn về cuộc sống, nên đến lúc trưởng thành những "đứa trẻ to xác" cực kỳ loay hoay. Lúc đó mới đi tìm đủ thứ, đặc biệt là "giá trị bản thân", thứ vốn dĩ có sẵn, nếu được cha mẹ giúp hình thành một cách đúng đắn từ nhỏ, thì chúng đỡ mất công bao nhiêu và sẽ giảm đi số lượng các doanh nhân đi bóc lịch.
Tôi có xu hướng không quan tâm quá nhiều đến những khiếm khuyết của nền giáo dục nước nhà, không đổ lỗi, vì tôi cho rằng cái kẹt của nó, nằm ở tư duy dân tộc hàng trăm năm qua. Đường lên đỉnh Olympia chỉ là một biểu hiện của cái tư duy giáo dục đó. Vẫn là Game Show, nhưng vẫn là trò thi thố tìm cơ hội, chấm hết.
Vì vậy tôi cũng phải cảm ơn "Đường lên đỉnh Olympia" vì phần nào nó giúp tôi tìm ra vài lời giải trong cuốn sách của mình.
PHÚC LAI 14.10.2024
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.