jeudi 24 octobre 2024

Võ Xuân Sơn - Bằng tiến sĩ giả


Câu chuyện ông Vương Tấn Việt (Thích Chân Quang) lấy bằng tiến sĩ khi bằng tốt nghiệp cấp III là giả, làm cho nhiều người đặt vấn đề về quy trình đào tạo tiến sĩ của Đại học Luật Hà Nội.

Thế nhưng, tôi biết chắc, rằng Vương Tấn Việt không phải người đầu tiên có cái bằng như vậy.

Hồi đó, có một bác sĩ giả, và được phong chức Trưởng khoa của một bệnh viện lớn tại TPHCM. Những ai biết về chuyên môn, làm việc với ông ấy, đều có ngay cảm nhận, rằng ông ấy không phải bác sĩ. Các bạn cùng học với tôi, khi ra trường được phân công về khoa của ông ấy. Chỉ chừng sau một tháng làm việc, đã nói với tôi rằng họ nghi ông này không phải bác sĩ.

Thế nhưng, các cấp lãnh đạo không biết điều đó. Người dân cũng không biết điều đó. Phòng mạch của ông ấy là một trong những phòng mạch đông đúc nhất của cả thành phố thời gian đó. Một vài người buôn bán thuốc tây lậu có nói với tôi, về việc ông ấy xài steroid với số lượng cực khủng. Có vẻ như ông ấy dùng steroid để chữa đủ loại bệnh.

Và ông ấy đã hoàn thành chương trình học bác sĩ chuyên khoa cấp II. Cái đó là học thật, thi thật, chứ không phải học giả đâu nhé. Chỉ khác với ông Vương Tấn Việt, là ông này không đốt cháy giai đoạn (tôi không chắc chuyện này lắm, vì muốn học chuyên khoa cấp II thì phải có bằng chuyên khoa cấp I, mà ông này nếu có bằng chuyên khoa cấp I thì cũng là dỏm, vì thực tế ổng không phải là bác sĩ).

Sau này, khi Sở Y tế đã sang tận Pháp, xác minh được ổng là bác sĩ dỏm, thì mọi người đặt vấn đề về cái bằng chuyên khoa cấp II của ổng. Không lẽ ổng thông minh và giỏi thật sự? À không, sở dĩ có chuyện ổng học thật, thi thật, và đậu được bằng, là do quy trình đào tạo, và sự "kín tiếng" của những người học chung với ổng.

Thì ra là Bộ môn quy định 3 người làm chung luận án. Tất nhiên là ổng không hề biết gì để mà làm luận án. Hai người còn lại, thuộc hàng cây đa cây đề trong ngành, khi ấy cũng thuộc diện khá có uy tín, đều có thể độc lập làm luận án. Vậy thì ổng chỉ cần khéo miệng ăn theo là được. Tôi chỉ lạ, là hai người kia, khi làm chung luận án, có biết rằng, hoặc nghi vấn rằng, ông ấy là bác sĩ giả hay không?

Sau này, khi tôi làm luận án tiến sĩ, tôi mới thấy, nếu như làm theo quy định, thì việc bảo vệ thành công luận án tiến sĩ ở Việt Nam khó hơn nhiều so với bảo vệ nó ở nước ngoài, vì có nhiều yếu tố không chuyên môn xen vô. Thế nhưng, chất lượng chuyên môn lại là vấn đề rất khác.

VÕ XUÂN SƠN 23.10.2024

Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.