Năm nay tỉnh Québec, Canada, mất mùa lá đỏ! Mỗi năm vào Tháng Mười tôi đều trở lại Montréal coi “Rừng phong Thu đã nhuốm mùi quan san,” thơ Truyện Kiều.
Tôi đã sống ở đó 20 năm kể từ 1975 và mỗi lần trở về đều thấy đó là nơi đời sống ngoài phố xá bình an, vui, đẹp nhất, chưa kể cảnh tượng “Rừng Thu từng bước chen hồng” như Nguyễn Du tả. Nhưng năm nay vào đầu tháng Mười, tôi cùng mấy chục người bạn từ Mỹ về, sống ba bốn ngày trên một vùng đồi núi gọi là Làng Cây Phong mà không được thấy lá vàng, lá đỏ rực rỡ như các năm trước!
Các bạn tôi phần lớn ở California, nhiều người đến Làng Cây Phong lần đầu, có dịp thấy lối sống của người dân hai nước láng giềng khác hẳn nhau. Nói chung, dân Canada “hiền” hơn, người Việt tị nạn ở đó cũng vậy. Làm việc không hăng hái như người mình ở Mỹ, ít cạnh tranh nên vui vẻ, thanh nhàn. Họ ít mua súng, ít bắn súng. Nhưng họ cũng nghèo hơn; đi bộ cả ngày giờ thấy năm ba chiếc xe Mercedes hay Tesla, không nhiều bằng đi qua một quãng trên đường Bolsa! Phải công nhận hai xã hội giống nhau mà cũng khác nhau rất nhiều!
Canada và Mỹ đều theo truyền thống “Anglo-Saxon,” nói tiếng Anh (trừ tỉnh Québec). Kinh tế đều theo đường lối tư bản, chính trị dân chủ tự do, đề cao luật pháp. Nhưng hai nước khác nhau trên một điểm quan trọng: Người Mỹ tôn trọng tự do cá nhân hơn, dân Canada chú ý đến tinh thần hỗ tương thể hiện qua các định chế xã hội. Dân Mỹ đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân mỗi người tự lo cho mình, dùng sức lực cần cù mà tiến tới; dân Canada coi việc giúp đỡ những người yếu kém về kinh tế là bổn phận chung của cả xã hội. Có thể nói Canada giống các nước Bắc Âu và Đức quốc hơn là giống nước hàng xóm.
Hai lãnh vực cho thấy hai nước khác biệt nhau là y tế và giáo dục. Canada lập một hệ thống bảo hiểm y tế chung, mọi người giàu, nghèo đều được hưởng. Người đi làm bắt buộc phải “mua bảo hiểm,” trừ ngay vào tiền lương – dù ai cũng có thể mua thêm bảo hiểm tư. Những người lãnh lương tối thiểu cũng có thể đi khám bác sĩ miễn phí, ở nhiều tỉnh còn được cung cấp thuốc men nữa. Không ai phải khai “phá sản” vì bị bệnh nặng.
Tất nhiên khi được hưởng chế độ y tế như vậy, mọi người không được lựa chọn tự do như người Mỹ khá giả. Bệnh nhân ở Canada thường phải chờ đợi lâu hơn trước khi được gặp bác sĩ hay vô nhà thương, trừ các trường hợp cần cứu chữa ngay. Có khi phải chờ 6 tháng mới được “chụp hình MRI,” một năm mới đến lượt mổ chữa xương chậu, vân vân. Ở Mỹ có nhiều chế độ bảo hiểm, người đi làm thường mua bảo hiểm chung tại nơi mình làm việc. Người làm cho các công ty lớn, mua “bảo hiểm tốt” được chữa trị nhanh, sớm và chu đáo; nhưng lớp người nghèo nhất, được hưởng “Medicaid” (Medical ở California), cũng không khác gì. Từ khi có chương trình Obamacare, nhiều người Mỹ mua được bảo hiểm dễ dàng hơn qua các “thị trường y tế.”
Về giáo dục, học sinh phần lớn học trường công lập, dù vẫn có các trường tư uy tín hơn. Các nhà giữ trẻ ở Canada đều được chính phủ trợ cấp. Các trường đại học công gần như miễn phí, đại học tư chiếm đa số nhưng đều được chính phủ tài trợ rất nhiều cho nên sinh viên đóng học phí rất thấp so với bên Mỹ. Phần lớn các trường trung tiểu học ở Mỹ được tài trợ bằng thuế thổ trạch, do các chủ nhà trong khu xóm đóng góp. Cho nên trường học tại những khu nhà giàu cũng trả lương các giáo sư cao hơn, được thiết bị đầy đủ hơn. Bên nước láng giềng phía Bắc thì khác, chính phủ cấp tỉnh lo nuôi các trường học.
Nói chung, dân Canada nghèo hơn dân Mỹ. Lợi tức bình quân (per capita GDP) của dân Canada trong khoảng từ 1981 đến 2023, là $37.315 đô la Mỹ, rất thấp so với con số $5.,500 ở bên này. Nhưng lợi tức ít chênh lệch, xã hội có vẻ công bằng. Tỉ số “người nghèo” chỉ chiếm 10 phần trăm dân số, còn ở Mỹ là 16 %. Nhưng giá sinh hoạt ở Mỹ thấp hơn, cho nên người nghèo ở Mỹ mua được nhiều thứ rẻ hơn, từ thực phẩm, quần áo cho tới xe cộ, xăng dầu.
Lương tối thiểu ở Canada thay đổi tùy theo mỗi tỉnh, giống như các tiểu bang ở Mỹ. Chẳng hạn, tại tỉnh Alberta, người làm lương tối thiểu toàn thời gian lãnh khoảng hơn $2.000 đô la Mỹ mỗi tháng, đóng thuế mất $200; thuê nhà một phòng ngủ tốn $800, còn lại $1.000 để chi tiêu. Ai bị bệnh không thể làm việc thì được trợ cấp $1.750.
Cả hai nước đều đánh thuế “lũy tiến,” lợi tức cao thì tỉ lệ phải đóng thuế cũng cao; nhưng dân Canada đóng thuế cao hơn hơn dân Mỹ nhiều. Tổng số thuế đóng cho chính phủ Mỹ lớn bằng 27 phần trăm lợi tức quốc gia, người dân kiếm được một đồng thì các cấp chính phủ thâu lấy 27 xu; còn ở Canada nhà nước chiếm tới 37 %; theo tạp chí mạng The Accounting and Tax.
Một gia đình trung lưu, lợi tức khoảng $80.000 đô la Canada sẽ đóng thuế cho tỉnh và liên bang tổng cộng khoảng 20 đến 25 %; được hưởng quyền lợi y tế, giáo dục và các trợ cấp khác cho con cái chưa trưởng thành. Ở Mỹ, một gia đình tương tự, kiếm được $60.000 đô la Mỹ chỉ đóng thuế chừng 12 % đến 22 % nhưng thường phải mua bảo hiểm y tế. Một gia đình khá giả kiếm $300.000 đô la Canada một năm phải đóng thuế lợi tức khoảng 45-50 % cho liên bang và tỉnh; ở Mỹ chỉ phải đóng thuế từ 35 % đến 45 % cho hai cấp chính phủ, nếu kiếm được $300.000 đô la Mỹ, vẫn theo The Accounting and Tax.
Mỹ và Canada khác biệt nhau ngay từ khi thành hình, theo ý kiến Mark Steyn, trên báo Imprimis số tháng Giêng năm 2008. Các nhà lập quốc Mỹ tuyên bố Thượng Đế ban cho họ “đời sống, tự do, và theo đuổi hạnh phúc;” còn dân Canada nêu cao khẩu hiệu “hòa bình, trật tự và chính quyền tốt.” Không nói đến tự do và hạnh phúc cá nhân. Canada may mắn vì đất rộng, tài nguyên phong phú, số dự trữ dầu lửa lớn thứ nhì thế giới, thường chỉ bán cho Mỹ.
Hai xã hội khác nhau trên căn bản, trong quan hệ giữa người dân và nhà nước. Dân Canada chấp nhận sống trong vòng tay bảo vệ của chính quyền; dân Mỹ muốn chính quyền càng nhỏ, càng ít can thiệp vào đời sống cá nhân càng tốt. Dân Canada muốn chính quyền lo cho mình thì chịu đóng nhiều thuế! Trong các nước giàu nhất thế giới bây giờ, từ Âu châu đến Nhật Bản, Australia, khuynh hướng chung là người ta cho chính quyền được can thiệp nhiều hơn; nước Mỹ là nơi cưỡng lại trào lưu đó mạnh nhất.
Tuy nhiên hệ thống kinh tế cả hai nước vẫn cùng theo lối tư bản. Bản báo cáo của Viện Nghiên cứu Fraser ở Canada, về Tự do Kinh tế Thế giới năm 2007, xếp Mỹ và Canada cùng đứng hàng thứ năm. Trong 10 nước được coi là hàng đầu về tự do kinh tế, Hồng Kông, Singapore, và New Zealand đứng trên cùng; rồi tới ba nước gốc Anglo-Saxon là Mỹ, Canada và Anh quốc đồng hạng; trước ba nước Estonia, Ireland, và Australia.
Mark Steyn, một công dân Canada tỏ ra bi quan về tương lai. Chính quyền can thiệp vào đời sống xã hội nhiều quá, làm người dân mất tự do. Kinh tế bớt tự do sẽ không phát triển được hết tiềm năng. Ông nêu thí dụ ở Québec, các giao dịch thương mại phải dùng tiếng Pháp nhiều hơn tiếng Anh. Bảng hiệu viết hai thứ tiếng, hàng chữ tiếng Pháp phải lớn gấp đôi mới dúng luật. Nhà nước cho nhân viên “Sở Ngôn ngữ Pháp” (Office De La Langue Française) đi kiểm soát, ai làm sai bị phạt.
Ông Steyn kể chuyện, chắc do ông sáng tác, một “thanh tra ngôn ngữ” tới một cửa tiệm bán chim, nghe tiếng một con vẹt nói tiếng Anh: “Who’s a pretty boy, then?” (Thằng bé nào coi ngộ nhất nhỉ?). Đáng lẽ con vẹt phải nói tiếng Pháp: “Qui est un joli garcon, hein?” Ông tự hỏi có nên bắt con vẹt này đưa vào “trại học tập cải tạo” hay không. Chắc ông dùng chữ “re-education camp” (trại học tập cải tạo) sau khi nghe chuyện các người Việt đã đi tù cải tạo, vì số người Việt này đang cư ngụ ở Canada rất đông!
Mark Steyn còn lo lắng cho tương lai vì dân Canada sanh đẻ ít quá, ít hơn cả dân Mỹ. Phụ nữ Mỹ trung bình sanh hơn 2 đứa con, đủ giữ dân số quân bình. Các cặp vợ chồng Canada chỉ sanh được 1,5 con. Từ năm 2001 đến 2006, dân số tăng thêm 1.6 triệu nhờ thâu nhận 1,2 triệu di dân. Canada được tiếp tế thêm người cũng nhờ các di dân xin vào nước Mỹ không được thường chạy qua Canada. Khi các sinh viên ngoại quốc tốt nghiệp các đại học Mỹ rồi bị đuổi về nước, họ cũng thường chọn Canada và dễ dàng được chấp nhận. Canada cung cấp dầu lửa, gỗ và quặng mỏ cho Mỹ; đổi lại Mỹ bơm chất xám vào giúp Canada.
Kinh tế Canada hầu như tùy thuộc hoàn toàn vào kinh tế Mỹ; nhiều người nói bên này ho hắng là bên kia có thể nằm liệt giường. Mùa Đông ở Canada rất lạnh, nhiều người dân Québec chạy sang Florida sống mấy tháng trời, một hiện tượng diễn ra hàng năm. Trong khi đó, Canada “xuất cảng tại chỗ,” đón người Mỹ qua trượt tuyết!
Cả thế giới phải công nhận Mỹ và Canada là hai nước láng giềng tốt nhất, nằm hai bên đường biên giới dài nhất và hòa bình nhất thế giới.
NGÔ NHÂN DỤNG (Bài đăng trên VOA ngày 24.10.2024)
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.